Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch Việt Nam làm gì để hoàn thành mục tiêu đón 12 đến 13 triệu lượt khách quốc tế?

09/10/2023 | 13:59

Trong những tháng cuối năm, ngành Du lịch sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến quảng bá, đặc biệt là vào các thị trường mục tiêu; tập trung phát triển các loại hình du lịch mới, đặc biệt là du lịch đêm...

Bộ VHTTDL vừa báo cáo Chính phủ đề xuất điều chỉnh mục tiêu tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 từ 12,0 triệu lượt đến 13,0 triệu lượt.

Miêu tiêu khả thi

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, 9 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam đã đón 8,9 triệu lượt khách quốc tế, vượt kế hoạch ban đầu đặt ra cho cả năm. Chính vì vậy, chúng ta đang điều chỉnh mục tiêu lên 12 đến 13 triệu lượt khách quốc tế năm 2023.

Du lịch Việt Nam làm gì để hoàn thành mục tiêu đón 12 đến 13 triệu lượt khách quốc tế - Ảnh 1.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.

"Đây là con số được tính toán dựa trên khả năng đón khách quốc tế từ đầu năm đến nay, đặc biệt trong 3 tháng 7, 8 và 9, chúng ta đã đón liên tiếp hơn 1 triệu lượt khách quốc tế mỗi tháng. Với đà như vậy, cuối năm nay, du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể đón 12 đến 13 triệu lượt khách.

Đây là con số rất khả thi. Đặc biệt khi ở thời điểm hiện tại, chúng ta đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá, giới thiệu thị trường và từ tháng 9 mới bắt đầu bước vào cao điểm đón khách du lịch quốc tế", ông Hà Văn Siêu nói.

Tuy vậy, theo ông Hà Văn Siêu, ngoài con số về lượng khách du lịch, ngành Du lịch còn cần phải tính đến chiều sâu, chất lượng du lịch. Đó là các yếu tố về độ dài lưu trú, các hoạt động trải nghiệm của du khách trong thời gian lưu lại Việt Nam, về sản phẩm, dịch vụ du lịch…

Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá

Để thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam nhiều hơn nữa, góp phần hoàn thành mục tiêu mới đề ra, ông Hà Văn Siêu cho biết, trong những tháng cuối năm, ngành Du lịch sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến quảng bá, đặc biệt là vào các thị trường mục tiêu.

Trong đó, đối với thị trường khách du lịch Tây Âu, cơ quan du lịch quốc gia cùng với các doanh nghiệp du lịch đang tích cực chuẩn bị cho Hội chợ Du lịch Thế giới (WTM) sẽ diễn ra tại London (Anh) vào tháng 11 năm nay. Đây là dịp để chúng ta quảng bá hình ảnh mới của du lịch Việt Nam, chúng ta sẽ hiện diện với ấn tượng mới về một điểm đến đầy hứa hẹn, đặc sắc trong dịp giáng sinh và năm mới.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng sẽ tập trung vào thị trường Trung Quốc và ASEAN với Hội chợ Du lịch Trung Quốc - ASEAN sẽ diễn ra tại Quế Lâm (Trung Quốc) trong tháng 10. Đây đều là những thị trường mục tiêu với kỳ vọng tăng trưởng cao.

Ngoài ra, các thị trường khác như Mỹ, Úc hay Ấn Độ cũng là các thị trường rất sôi động và đầy hứa hẹn trong những tháng cuối năm.

Du lịch Việt Nam làm gì để hoàn thành mục tiêu đón 12 đến 13 triệu lượt khách quốc tế - Ảnh 2.

Bên cạnh số lượng, chúng ta cần tập trung nâng cao chất lượng du lịch.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Di lịch quốc gia Hà Văn Siêu, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá, đặc biệt là về chiều sâu để khai thác được "tệp khách chất lượng".

"Về số lượng chúng ta đã đạt được và giờ cần tập trung vào chất lượng. Chất lượng ở đây là khai thác những khách hàng mục tiêu theo đúng sản phẩm thế mạnh. Chẳng hạn chúng ta có những thế mạnh về du lịch văn hoá, du lịch biển, du lịch sinh thái... thì cần lựa chọn được phân khúc thị trường mà khách yêu thích những giá trị này để có chương trình du lịch đậm chất hơn, dài ngày hơn và có chất lượng cao hơn", ông Hà Văn Siêu nói và cho biết công tác xúc tiến, quảng bá cần đi vào chiều sâu, kết nối chặt chẽ các điểm đến của Việt Nam với các doanh nghiệp lữ hành để tìm hiểu và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia cũng cho biết, hiện các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đang mở rộng khai thác đa dạng các thị trường mới, một số doanh nghiệp đã đi tiên phong để xây dựng thị trường.

"Ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng, nhiều điểm đến mới, sản phẩm mới chưa khai thác. Vì vậy, đây là cơ hội để các doanh nghiệp làm mới nội dung quảng bá của mình đến với các thị trường mới.

Chúng tôi rất hoan nghênh những ý tưởng, nỗ lực của doanh nghiệp để khai thác các thị trường mới này, bởi những thị trường được coi là truyền thống (như thị trường Châu Âu) ở giai đoạn vừa qua chỉ tăng trưởng ổn định, chưa có sự đột biến, tăng trưởng mạnh mẽ như ở các thị trường mới", ông Hà Văn Siêu cho hay.

Du lịch đêm là hướng đi chiến lược

Đối với việc phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch, ông Hà Văn Siêu cho biết, Chính phủ đã có đề án phát triển kinh tế đêm và ngành Du lịch cũng đã ban hành Đề án phát triển các sản phẩm du lịch đêm.

Kinh tế đêm cũng như du lịch đêm chính là hướng đi mang tính chiến lược để khai thác các yếu tố về văn hóa địa phương, về ẩm thực, lối sống… để từ đó tạo ra rất nhiều những sản phẩm, dịch vụ giá trị khác.

Trong đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm, ngành Du lịch đã lựa chọn 12 địa phương để quy hoạch, phát triển các khu, phân khu, chức năng để phát triển các sản phẩm du lịch đêm. Đề án cũng tạo khung pháp lý cho các sản phẩm du lịch đêm phát triển khi cho phép các dịch vụ được hoạt động từ 18h đến 6h sáng hôm sau.

Du lịch Việt Nam làm gì để hoàn thành mục tiêu đón 12 đến 13 triệu lượt khách quốc tế - Ảnh 3.

Phát triển du lịch đêm ở Đà Nẵng.

Ông Hà Văn Siêu cho biết, điều kiện đã có, việc phát triển du lịch đêm có thành công hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

"Các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần nghiên cứu, tính toán, dự báo thị trường để đầu tư phù hợp vào du lịch đêm. Chúng tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp khi đầu tư, tạo ra các chương trình phải cân đối, hài hòa các dịch vụ, tránh đầu tư thiên lệch về một sản phẩm.

Bên cạnh đó, có nhiều sản phẩm chúng ta vẫn nghĩ là bình thường nhưng đối với du khách lại là đặc biệt. Vì vậy, cần coi trọng đầu tư vào đó để tạo giá trị mới, hấp dẫn, giúp doanh nghiệp khai thác được nhiều sản phẩm và kéo dài thời gian lưu trú của du khách", ông Hà Văn Siêu nói.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia cũng lưu ý các địa phương, "không phải chỉ đơn giản tạo ra một khu phố đi bộ là hình thành du lịch đêm". Để phát triển du lịch đêm phải có sự đầu tư vào các sản phẩm, có những thiết kế dựa trên văn hoá, những sắc thái của địa phương đó mới tạo ra được hoạt động trải nghiệm cho du khách, thu hút du khách tham gia. Đặc biệt, không thể làm trong ngày một ngày hai và không thể copy, bắt chước nơi khác. Mỗi địa phương phải có sự đầu tư về trí tuệ và phát triển theo bản sắc riêng của mình.

Ngoài ra, theo ông Hà Văn Siêu, hiện du lịch golf, du lịch MICE cũng đang là những loại hình du lịch mà Việt Nam có nhiều thế mạnh và có thể đầu tư, phát triển trong thời gian tới để thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch quốc tế.

Xuân Trường

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×