Du lịch Thái Nguyên: Bứt phá ngay từ đầu năm
14/03/2023 | 16:23Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 với quan điểm phát triển du lịch chuyên nghiệp, gắn truyền thống với hiện đại, coi trọng đặc biệt tới chất lượng dịch vụ và uy tín thương hiệu trong hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ du lịch; đồng thời hướng mạnh phát triển du lịch cộng đồng, lấy lợi ích của người dân địa phương là trung tâm. Để hiện thực hóa Đề án này, Thái Nguyên triển khai hàng loạt các hoạt động, giải pháp kích cầu du lịch nhằm thu hút du khách trải nghiệm các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng Việt Bắc với “đệ nhất danh trà” nổi tiếng.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, riêng 2 tháng đầu năm 2023, khách tại các điểm tham quan du lịch đạt gần 734 nghìn lượt, khách do các cơ sở lưu trú du lịch phục vụ đạt trên 150 nghìn lượt, khách quốc tế đạt 2.300 lượt (chủ yếu là khách lưu trú tại các khách sạn). Tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 183 tỷ đồng. Tính riêng 03 ngày tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (từ ngày mùng 1 đến mùng 3 tết), khách đến tham quan du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đạt gần 140 nghìn lượt khách (tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022). Khách tại các cơ sở lưu trú đạt 1.500 lượt (tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022). Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 20,9 tỷ đồng (tăng 10 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Năm nay, nhiều lễ hội xuân tại Thái Nguyên được tổ chức bình thường trở lại kéo theo lượng du khách đến khá đông, như: Đình - đền - chùa Cầu Muối, đền Đuổm, Lồng Tồng ATK Định Hóa, Núi Văn - Núi Võ, Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc… Bên cạnh đó, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa và Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) cũng thu hút đông đảo lượt khách đến dâng hương và tham quan. Đặc biệt, các khu du lịch sinh thái: Hồ Núi Cốc, Phượng Hoàng hay Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải lượng khách tăng đột biến so với mọi năm.
Chị Nguyễn Thư Anh ở Hà Nội chia sẻ: Sau 03 năm dịch COVID-19, năm nay chị và gia đình mới có dịp đi du xuân và Thái Nguyên được lựa chọn điểm đến của gia đình. Đến Thái Nguyên, tham dự khai hội đền Đuổm đã giúp các con chị hiểu thêm về giá trị lịch sử của dân tộc và Anh hùng dân tộc Dương Tự Minh - người có công lao to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc của Tổ quốc dưới các vị vua triều Lý - thế kỷ XII. Gia đình chị đã có nhiều trải nghiệm đáng nhớ tại vùng quê cách mạng Thái Nguyên.
Được biết, để đón lượng khách tăng cao, các địa phương, điểm đến, đơn vị cung ứng dịch vụ đã đảm bảo điều kiện tốt nhất phục vụ du khách. Cụ thể, như ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính, mê tín dị đoan; tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có). Bên cạnh đó là tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trước, trong và sau tết Nguyên đán; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn, tiết kiệm cho người dân và du khách, bảo đảm không khí đón Tết vui tươi, đầm ấm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Đặc biệt, Thái Nguyên đã tích cực chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, nhằm đưa những tiện ích, trải nghiệm mới cho du khách. Đơn cử như hệ thống du lịch thông minh, gồm các phân hệ: Cổng thông tin du lịch (mythainguyen.vn), ứng dụng du lịch trên thiết bị di động (Thai Nguyen Tourism), bản đồ số du lịch, số hóa 2D, 3D các di tích, khu du lịch và hệ thống wifi công cộng đã được lắp đặt tại các khu vực công cộng, di tích, khu du lịch,... nhằm đem đến những trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Đây cũng là công cụ hữu hiệu để ngành du lịch phát triển đột phá, cải thiện việc ứng dụng khoa học công nghệ tạo ra những dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Thái Nguyên.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Thương mại và Du lịch Dũng Tân cho biết: Riêng dịp Tết, Trung tâm đón khoảng gần 15 nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm. Trong đó, số khách lưu trú chiếm gần 10%. Để đạt con số này, bên cạnh việc chủ chủ động nghiên cứu lại thị trường sau 3 năm đại dịch, xu hướng và nhu cầu của du khách để xây dựng, phát triển sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của khách hàng, Trung tâm đã tăng cường các biện pháp quảng bá, thu hút du khách, đặc biệt là các chính sách ưu đãi đối với dịch vụ lưu trú cho du khách.
Có thể thấy, mức tăng trưởng ấn tượng ngay từ tháng đầu năm đã tạo đà cho du lịch Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, tổ chức các chương trình, hoạt động kích cầu du lịch; thực hiện hiệu quả Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước phục hồi du lịch trong tình hình mới, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, đón du khách trong và ngoài nước đến Thái Nguyên. Với mục tiêu năm 2023, phấn đấu đón trên 2,2 triệu lượt khách, trong đó, khách nội địa trên 2,1 triệu lượt, còn lại là khách quốc tế; tổng doanh thu ước đạt 1.900 tỷ đồng. Theo đó, Sở sẽ cùng với các đơn vị lữ hành tham gia quảng bá thu hút khách, tiếp tục chuẩn bị tốt các điều kiện thu hút khách, mở rộng thêm không gian… Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị, địa phương trong và ngoài nước tổ chức các sự kiện của tỉnh mang tầm quốc gia và quốc tế; tập trung đầu tư nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của các địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời tận dụng mọi cơ hội để phục hồi thị trường quốc tế, thích ứng an toàn, phát triển nhanh, đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành điểm đến du lịch uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
Theo Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân đạt trên 10%/năm; tạo việc làm cho trên 16 nghìn lao động; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 3 nghìn tỷ đồng/năm. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch trên 12%/năm; tạo việc làm cho 24 nghìn lao động; tổng thu từ du lịch đạt 6.600 tỷ đồng. Hy vọng với những cách làm mới mang tính đột phá sẽ góp phần tạo ra những dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Thái Nguyên trong thời gian tới.