Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch nông thôn ở Lạng Sơn: Hướng phát triển bền vững

29/12/2022 | 16:47

Cùng với các địa phương trong cả nước, những năm gần đây, các cấp, ngành và người dân trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu khai thác loại hình du lịch nông thôn, đây là hướng đi mới để phát triển bền vững ngành du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua đó, từng bước đưa Lạng Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn với đa dạng các loại hình du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước.

Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, định hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. Phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới đem lại lợi ích ở cả 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường. Về mặt kinh tế, du lịch nông thôn hỗ trợ phát triển kinh tế, tăng thêm nguồn thu ngoài sản xuất nông nghiệp. Về mặt xã hội, du lịch nông thôn góp phần làm giảm áp lực cho điểm du lịch thành phố, tăng cơ hội việc làm ở khu vực nông thôn, góp phần phát triển cộng đồng, gắn kết xã hội và phục hồi, bảo tồn văn hóa. Về môi trường, góp phần bảo tồn đa dạng sinh thái, làm mới làng xã theo hướng xanh, sạch, nâng cao ý thức trách nhiệm với nông nghiệp.

Du lịch nông thôn ở Lạng Sơn: Hướng phát triển bền vững - Ảnh 1.

Du khách tham quan, trải nghiệm hái quýt tại vườn quýt thôn Hoàng Thanh, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn

Để tạo cơ sở phát triển du lịch nông thôn, ngày 2/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nêu rõ quan điểm “Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025”, với các mục tiêu cụ thể như: 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng; mỗi điểm có ít nhất 1 lao động thành thạo ngoại ngữ…

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, những năm qua, sở đã triển khai thực hiện một số giải pháp như: Tập huấn, tuyên truyền cho những địa bàn có thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp để tạo bước đi mới trong phát triển du lịch toàn tỉnh; tập trung thực hiện tốt đề án chương trình (nhất là chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc tỉnh); tuyên truyền cho người dân hiểu về vai trò du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn là xu hướng phát triển kinh tế, tăng thêm nguồn thu nhập bền vững.

Theo đó, từ năm 2021 đến nay, Sở VHTT&DL đã in 500 cuốn tài liệu về các chủ trương, cơ chế chính sách, nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh cấp phát cho cán bộ cấp xã, huyện, các hợp tác xã nông nghiệp, các hộ dân làm du lịch… Bên cạnh đó, Sở VHTT&DL đã tổ chức 5 khóa tập huấn với hơn 300 học viên là người dân làm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở VHTT&DL đã tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch.

Bà Trần Thị Bích Hạnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã tăng cường công tác nghiên cứu, phát triển các loại hình du lịch, trong đó có loại hình du lịch nông thôn phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương, nhằm thực hiện công tác tuyên truyền quảng bá, tạo tiền đề thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư vào du lịch. Từ năm 2021 đến nay, trung bình 1 năm chúng tôi tổ chức từ 10 – 15 cuộc khảo sát các điểm du lịch giàu tiềm năng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, chúng tôi phối hợp cùng các địa phương, doanh nghiệp đầu tư phát triển xây dựng một số tour, tuyến du lịch gắn với nông nghiệp như: tuyến du lịch sinh thái tại một số điểm trồng quýt, trải nghiệm các điểm trồng hoa (Bắc Sơn); tuyến du lịch cộng đồng tại các xã Hữu Liên (Hữu Lũng)…

Cùng với đó, các chương trình, chính sách thiết thực của trung ương và của tỉnh về phát triển KT – XH đã góp phần làm thay đổi diện mạo của các thôn, xã, tạo đà cho du lịch cộng đồng nói riêng, du lịch nông thôn nói chung phát triển với ngày càng nhiều các mô hình du lịch nông thôn xuất hiện trên địa bàn. Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh ban hành ngày 14/12/2020 về “Quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025”, huyện Bắc Sơn đã đề xuất và được hỗ trợ 150 triệu đồng phát triển du lịch nông thôn; riêng năm 2022, ngân sách Nhà nước đã phân bổ trên 500 tỷ đồng cho việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh…

Du lịch nông thôn ở Lạng Sơn: Hướng phát triển bền vững - Ảnh 2.

Du khách trải nghiệm vườn quýt tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn

Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng những năm gần đây trên địa bàn các huyện, thành phố bước đầu đã hình thành một số mô hình du lịch nông thôn, thu hút khách du lịch, tiêu biểu như: Điểm du lịch vườn quýt Hang Hú, xã Chiến Thắng và du lịch vườn đào xã Vũ Lễ, Bắc Sơn; mô hình vườn dẻ, quýt, nho, dâu tây (Thành phố Lạng Sơn), mô hình trải nghiệm vườn na (Chi Lăng); các làng du lịch cộng đồng Vũ Lăng, Quỳnh Sơn, Hoan Trung (Bắc Sơn), Hữu Liên, Yên Thịnh (Hữu Lũng);…

Là địa bàn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn đã và đang đi đúng hướng khi định hướng người dân trên đại bàn phát triển loại hình du lịch nông thôn. Cuối năm là thời điểm quýt chín. Vườn quýt Hang Hú xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn ngày nào cũng tấp nập du khách tới tham quan, trải nghiệm, cao điểm, có ngày vườn quýt đón gần 500 lượt khách. Dịch vụ tại vườn quýt được đổi mới thường xuyên, ngày càng thu hút du khách tham quan trong và ngoài tỉnh.

Ông Hoàng Quang Phiệt, chủ vườn quýt Hang Hú, xã Chiến Thắng cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, gia đình tôi đã đón trên 10.000 lượt khách; để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện đón khách, chúng tôi đã đầu tư vào dịch vụ ăn uống, làm các homestay, cắm trại qua đêm, xây mới 5 chòi nghỉ, trồng các loại hoa đẹp và bố trí thêm một số tiểu cảnh hòn non bộ, xích đu, bập bênh bằng gỗ ngay trong khuôn viên vườn quýt để du khách chụp ảnh, trải nghiệm.

Cùng trên địa bàn xã Chiến Thắng, du lịch cộng đồng Hoan Trung cũng là điểm đến lý tưởng thu hút nhiều du khách thời gian này. Nơi đây có nhiều nét hoang sơ, kỳ bí để khám phá. Ngoài được trải nghiệm qua đêm tại những ngôi nhà sàn cổ hàng trăm năm tuổi với những nét văn hóa độc đáo của người Tày, du khách còn được trải nghiệm hoạt động câu cá, làm bánh và nhất là được trải nghiệm tự do tại các vườn quýt, vườn bưởi. Việc mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch cộng đồng đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân nơi đây.

Du lịch nông thôn ở Lạng Sơn: Hướng phát triển bền vững - Ảnh 3.

Tương tự, làng du lịch cộng đồng Hữu Liên, huyện Hữu Lũng đã phát huy rất tích cực thế mạnh nông nghiệp nông thôn với nhiều mô hình sinh thái trải nghiệm đa dạng, ngày càng hấp dẫn du khách. Nhiều hoạt động nông nghiệp được tận dụng triệt để cho du khách trải nghiệm như: Gặt lúa, cấy lúa, hái mận, hái quýt, hái bưởi, bắt cá, câu cá… Tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Trang, thôn Ba Lẹ, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng đã tận dụng vườn hồng để phát triển du lịch. Chị Trang cho biết: Từ tháng 8 năm nay, gia đình tôi mở cửa cho du khách tham quan và chụp ảnh trải nghiệm tại vườn hồng với mức phí 20.000 đồng 1 người. Nếu như vụ hồng năm ngoái, gia đình tôi chỉ bán được trung bình từ 5.000 đến 10.000 đồng/1kg hồng thì năm nay, cũng ngay tại vườn gia đình tôi bán được 25.000 đồng/1 kg, thu nhập ổn định hơn trước rất nhiều.

Cùng với hộ chị Trang, xã Hữu Liên hiện có hơn 10 hộ gia đình xây dựng được các mô hình du lịch nông nghiệp. Ông Hoàng Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, Trưởng Ban Quản lý điểm du lịch cộng đồng Hữu Liên cho biết: Hiện nay, xã có 13 hộ gia đình đạt chuẩn homestay đón khách tuân thủ theo các tiêu chí về du lịch. Các homestay cũng thường xuyên kết nối với các gia đình trong xã có mô hình trồng trọt, chăn nuôi để đón tiếp, phục vụ khách, tùy vào mùa vụ, tiêu biểu như: mô hình trải nghiệm vườn mận, quýt, hồng, bưởi, na, sim… Để đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm ổn định, từ cuối năm 2021, xã đã thành lập mô hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp với đa dạng các thực phẩm từ trồng rau, trồng lúa, nuôi cá, nuôi gia súc, gia cầm, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách du lịch.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành VHTT&DL tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh bổ sung, điều chỉnh chính sách hỗ trợ phù hợp thúc đẩy du lịch nông thôn, trong đó, ưu tiên đẩy mạnh phát triển hạ tầng du lịch khu vực nông thôn; xây dựng chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn tín dụng để làm du lịch; hỗ trợ hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa, nâng cao năng lực cộng đồng; thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản… Theo kế hoạch năm 2023, Sở VHTT&DL tiến hành xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích văn hóa, lịch sử, điểm du lịch; xây dựng, triển khai chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn.

Các điểm du lịch nông thôn đã được UBND tỉnh công nhận: Vườn quýt Hang Hú, suối Mỏ Mắm, Làng du lịch cộng đồng Hoan Trung (xã Chiến Thắng); Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (xã Bắc Quỳnh), Làng du lịch cộng đồng Vũ Lăng (huyện Bắc Sơn); Làng du lịch cộng đồng Hữu Liên, Làng du lịch cộng đồng Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng); Làng du lịch cộng đồng Mông Ân (huyện Bình Gia)

Theo Báo Lạng Sơn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×