Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch nông thôn (Bài 3): Những kiến nghị từ thực tiễn khi thực hiện chuyển đổi số

15/10/2021 | 08:00

Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đã rục rịch trong việc chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực du lịch nông thôn - một xu hướng mới trong định hướng phát triển du lịch Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng xuất hiện những bất cập buộc các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và người dân cần phải đồng hành để việc chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch nông thôn diễn ra đồng bộ, hiệu quả.

Du lịch nông thôn (Bài 3): Những kiến nghị từ thực tiễn khi thực hiện chuyển đổi số  - Ảnh 1.

Hình minh họa: TTXVN

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn thời kỳ hậu Covid-19 bằng chuyển đổi số

Hội quán cùng nhau làm du lịch tại TP. Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) được thành lập 3/2019, từ 15 thành viên ban đầu đến nay đã có 27 thành viên, chuyên hoạt động về các lĩnh vực du lịch: điểm đến, homestay, lữ hành… Khách đến du lịch sẽ được nghe hướng dẫn viên giới thiệu về từng loại hoa cảnh của làng hoa Sa Đéc và Hội quán đang hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng du lịch thông minh.

Theo ông Trần Thanh Hùng - Chủ nhiệm Hội quán cùng nhau làm du lịch tại TP. Sa Đéc, các thành viên đã sẵn sàng để quay lại hoạt động sau dịch Covid-19, phối hợp với các đối tác để kích cầu du lịch và tập huấn cho nhân viên, hướng dẫn viên về kỹ năng phục vụ trong tình hình mới. Ngoài ra, hội quán đã ứng dụng công nghệ số trong quảng cáo, đưa marketing lên các mạng xã hội lớn như Booking, Traveloka, Airbnb… và ứng dụng công nghệ vào thanh toán, hậu mãi.

"Trong tương lai, hội quán sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng xây dựng bản đồ số về du lịch, tạo các cột wifi miễn phí để giúp du khách tăng khả năng tương tác, quảng bá trên mạng xã hội khi du lịch tại địa phương" - ông Trần Thành Hùng cho biết.

Ông Lã Quốc Khánh, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) cho rằng, thời kì hậu Covid-19, du lịch nông thôn là một trong những sản phẩm cần được triển khai sớm. Để nâng cao sức hấp dẫn của các mô hình du lịch nông thôn, Vietravel đã áp dụng và cung ứng nền tảng công nghệ thông tin phục vụ cho khách hàng.

Phía công ty cũng tăng cường công nghệ AI để tạo hấp dẫn cho du khách; đồng thời xây dựng hộp chat trí tuệ nhân tạo để thu thập thị hiếu của người du lịch. "Nếu tất cả các doanh nghiệp, địa phương cùng làm, cùng chia sẻ thì khách hàng sẽ là người được hưởng thụ những lợi ích đó", ông Lã Quốc Khánh bày tỏ.

Cần xây dựng nền tảng chung để kết nối tất cả các điểm du lịch nông thôn

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Giám đốc Công ty Saigon Asset, hiện nay mô hình du lịch nông nghiệp – nông thôn Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh. Trong các kênh quảng bá du lịch hiện nay, phổ biến có 4 nền tảng gồm: mạng xã hội, website, công nghệ thực tế ảo và các App.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, thực trạng hiện nay các nền tảng quảng bá du lịch nông nghiệp – nông thôn không kết nối được với nhau, không tập trung.

"Chúng tôi cho rằng cần xây dựng một nền tảng chung, trang thông tin kết nối tất cả điểm lẻ tẻ này, cộng với ứng dụng công nghệ mới là công nghệ thực tế ảo và App thì mới hỗ trợ tốt cho quảng bá các sản phẩm, dịch vụ du lịch", ông Nghĩa nói.

Cũng theo ông Nghĩa, phía Công ty Saigon Asset tham vọng xây dựng bản đồ quốc gia tập trung hóa tất cả thông tin chuyên trang du lịch nông nghiệp - nông thôn, trong đó phân nhóm từng vùng phát triển. Đầu tiên là chọn tỉnh nào đó để làm mô hình mẫu, sau đó đến vùng địa lý, miền địa lý và cấp quốc gia.

Ví dụ, với mô hình quảng bá du lịch nông nghiệp – nông thôn của khu vực ĐBSCL là mô hình điển hình. Trong chuyên trang có mục giới thiệu, bản đồ số hóa với các tour, các sản phẩm quà nông sản. Nếu đi vào từng vị trí sẽ có từng điểm du lịch nông nghiệp – nông thôn đã được cơ quan quản lý xét duyệt một cách cẩn thận và cập nhật lên trang.

Ngoài ra, cần bổ sung thêm một trang thông tin nữa để xúc tiến quảng bá du lịch nông sản. Đó là hội chợ nông sản thực tế ảo được tích hợp trong một văn phòng thật đặt tại các tỉnh. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng có một hội chợ thực tế ảo, từ đó chúng ta vừa kết nối được các đơn vị lữ hành, địa phương và người dân để cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Chuẩn hóa các điểm du lịch trước khi chuyển đổi số

Trong khi đó, bà Trần Phương Linh – Giám đốc Marketng Công ty Du lịch Bến Thành cho biết, 2 năm qua công nghệ số là phương tiện kết nối của các đơn vị lữ hành với đối tác, từ các điểm du lịch đến khách hàng. Dựa vào công nghệ số, phía công ty đã có dữ liệu và công cụ để phân tích nhu cầu, thói quen, hành vi của du khách và tổ chức marketing hiệu quả.

Tuy nhiên, bà Trần Phương Linh cho rằng, trước khi nghĩ tới việc chuyển đổi số, thì việc chuẩn hóa các điểm du lịch, sản phẩm du lịch là rất cần thiết. Bởi hiện nay, nhiều điểm du lịch nông nghiệp – nông thôn có hạn chế là người người, nhà nhà làm du lịch một cách tự phát. Từ đó dẫn đến sự không đồng đều của các điểm du lịch, cụm du lịch. Và một số điểm du lịch chưa đạt yếu tố về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, do cách làm du lịch tự phát nên chưa có sự thống nhất của cơ quan chủ quản, ban, ngành, địa phương, từ đó việc đầu tư kém hiệu quả và chưa đồng bộ.

Để giải quyết vấn đề này, bà Linh đề xuất, cần có sự chung tay sát cánh giữa các cơ quan chính quyền, các đơn vị liên quan để đưa ra các chính sách, định hướng phát triển du lịch. Ngoài ra, cần đầu tư bài bản hơn để khai thác các giá trị tài nguyên, bản sắc văn hóa và đặc thù của từng địa phương, tạo sự hấp dẫn với du khách. Như vậy, bức tranh du lịch nông thôn – nông nghiệp sẽ sáng hơn./.

Bảo Trân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×