Du lịch ĐBSCL kỳ vọng bứt phá với không gian phát triển mới
25/07/2025 | 09:30Với không gian mở rộng, nguồn tài nguyên phong phú, bản sắc văn hóa đặc trưng và hạ tầng ngày càng hoàn thiện, các địa phương và doanh nghiệp vùng ĐBSCL kỳ vọng ngành du lịch nơi đây sẽ có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới.
Sau hợp nhất 3 địa phương (gồm thành phố Cần Thơ cũ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng), thành phố Cần Thơ mới có diện tích hơn 6.300km², dân số hơn 4 triệu người và có 103 xã, phường. Đây là bước ngoặt lớn mở rộng không gian phát triển, làm giàu thêm tài nguyên, bản sắc, nhân lực và vùng nguyên liệu phục vụ phát triển du lịch.
Theo nhiều doanh nghiệp du lịch, sau hợp nhất thành phố Cần Thơ có sân bay quốc tế Cần Thơ, các cảng lớn vận chuyển hàng hóa, nhiều lễ hội đậm đà bản sắc Nam Bộ. Ngoài ra, hệ thống cơ sở lưu trú phong phú, các khách sạn tiêu chuẩn từ 3-5 sao hoàn toàn đáp ứng tốt các sự kiện, các hoạt động văn hóa, lễ hội lớn… Những yếu tố này góp phần tạo ra một không gian phát triển mới, đa dạng cho du lịch Cần Thơ thời gian tới.

Qua 6 tháng đầu năm nay, du lịch Cần Thơ đón hơn 6,3 triệu lượt khách.

ĐBSCL có nhiều điểm đến, trải nghiệm thu hút khách du lịch

Sau hợp nhất, các địa phương vùng ĐBSCL có không gian mới, đa dạng cho phát triển du lịch.
Ông Lê Thanh Phong - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết: “Chúng tôi phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình kích cầu du lịch của Chính phủ nhằm thu hút khách đến ĐBSCL, đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch trong tình hình mới; thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu du lịch, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch tạo sức hấp dẫn thu hút khách. Với lợi thế tài nguyên du lịch độc đáo, nhiều sản phẩm du lịch tiêu biểu của vùng ĐBSCL có sức hấp dẫn cao, chúng tôi tin rằng du lịch ĐBSCL sẽ tiếp tục phát triển nhanh, bền vững”.
Với quy mô không gian mở rộng, nguồn lực được tăng cường và sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, doanh nghiệp, du lịch ĐBSCL sau hợp nhất các địa phương đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá mạnh mẽ. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, cần tiếp tục đầu tư bài bản vào hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị và quảng bá hiệu quả hình ảnh điểm đến. Sự đồng hành của chính quyền, doanh nghiệp và người dân sẽ là yếu tố then chốt để đưa du lịch vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn vùng trong giai đoạn mới.