Văn hóa

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch cộng đồng góp phần phát triển kinh tế bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa

17/07/2025 | 15:51

Không chỉ mang lại giá trị văn hóa, du lịch cộng đồng còn là một đòn bẩy kinh tế thiết thực, góp phần giúp người dân địa phương thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Trong bối cảnh nền kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, đặc biệt ở các vùng dân tộc thiểu số, du lịch cộng đồng đang dần khẳng định vai trò quan trọng như một hướng đi mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân và giảm nghèo bền vững. Đối với cộng đồng người Êđê ở tỉnh Đắk Lắk, mô hình này không chỉ mở ra cơ hội thoát nghèo, tạo sinh kế ổn định mà còn góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đang dần mai một theo thời gian.

Tại buôn Kmơng Prông B (phường Tân An) anh Y Bhiông Buôn Yă (43 tuổi) là một trong những người phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với nhà dài truyền thống của người Êđê. Ban đầu, hoạt động này chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ những đoàn khách ít người đến tham quan, tìm hiểu nét văn hóa bản địa. Tuy nhiên, với sự tận tâm và lòng yêu văn hóa truyền thống, mô hình của anh dần thu hút được sự quan tâm rộng rãi. Khách du lịch tìm đến ngày càng nhiều, vượt ngoài khả năng phục vụ của gia đình, buộc anh phải mượn thêm các nhà dài trong buôn để đáp ứng nhu cầu.

Du lịch cộng đồng góp phần phát triển kinh tế bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa - Ảnh 1.

Không gian lưu trú trong ngôi nhà dài truyền thống để phục vụ du khách của chị H Belly Êban

Không dừng lại ở đó, hiện nay, anh Y Bhiông Buôn Yă còn đang mạnh dạn đầu tư xây dựng thêm một nhà dài mới, kiên cố và rộng rãi hơn, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điểm dừng chân hấp dẫn cho du khách. Từ chỗ chỉ là một mô hình nhỏ, hoạt động du lịch cộng đồng này đã trở thành sinh kế quan trọng không chỉ cho gia đình anh mà còn cho nhiều hộ dân trong buôn. Người thì nhận nấu ăn, người trồng rau cung cấp thực phẩm sạch, người dẫn tour tham quan, giới thiệu đời sống sinh hoạt... Tất cả cùng tham gia vào chuỗi giá trị du lịch, tạo việc làm và thu nhập ổn định.

Du lịch không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn giúp thay đổi nhận thức, tư duy của cộng đồng địa phương. Anh Y Bhiông Buôn Yă chia sẻ: "Trước đây vì mưu sinh, không ít hộ gia đình dần rời xa nếp sống truyền thống, ít quan tâm đến văn hóa dân tộc. Song, từ khi thấy khách du lịch háo hức tìm hiểu kiến trúc nhà dài, trầm trồ trước món ăn truyền thống của người Êđê… thì bà con cũng bắt đầu nhận ra giá trị của những thứ mà họ từng xem là điều hiển nhiên. Từ chỗ chỉ làm cho có, nay họ đã chủ động gìn giữ ngôi nhà dài, mặc trang phục truyền thống… trong những dịp đặc biệt".

Trong khi đó, tại buôn Tuôr (xã Hòa Phú), chị H Belly Êban (40 tuổi) lại đến với du lịch cộng đồng từ những ký ức đẹp đẽ thời thơ ấu. Ngày nhỏ, gia đình chị từng đón tiếp bạn bè quốc tế về thăm buôn. Chứng kiến sự say mê của họ với những câu chuyện bên bếp lửa, sự thích thú với cuộc sống giản dị của người Êđê, chị đã nuôi dưỡng một khát vọng gìn giữ văn hóa dân tộc theo cách riêng.

Đến năm 2023, chị chính thức xây dựng một nhà dài để đón khách lưu trú, đồng thời tổ chức các tour trải nghiệm như nấu ăn, đi rẫy, ngồi xe công nông – những hoạt động vốn gắn bó mật thiết với đời sống thường nhật của người Êđê. Nhờ đó, nhiều người dân trong buôn có thêm việc làm, thêm thu nhập, trong khi khách du lịch có dịp tiếp xúc sâu hơn với văn hóa bản địa.

Du lịch cộng đồng góp phần phát triển kinh tế bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa - Ảnh 2.

Du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng

Chị H Belly Êban chia sẻ: "Bà con trong buôn vốn sống khép kín, ít trò chuyện với người lạ. Nhưng từ khi bắt đầu làm du lịch, tiếp xúc với nhiều đoàn khách, họ dần cởi mở hơn. Những câu chuyện ban đầu chỉ là giới thiệu về bữa cơm, nếp nhà, rồi dần trở thành những buổi chia sẻ chân thành về phong tục, tập quán, cuộc sống thường ngày. Ngược lại, du khách cũng mang đến nhiều điều mới mẻ, có người dạy trẻ con vài câu tiếng Anh, có người lại kể cho bà con nghe về cách gìn giữ văn hóa, phát triển du lịch ở nơi họ từng đi qua. Những tương tác giản dị ấy đã tạo nên sự kết nối đặc biệt, giúp không khí buôn làng trở nên sinh động và đầy sức sống".

Không chỉ mang lại giá trị văn hóa, du lịch cộng đồng còn là một đòn bẩy kinh tế thiết thực, góp phần giúp người dân địa phương thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Nhờ tận dụng chính tài nguyên bản địa, từ không gian nhà dài, món ăn truyền thống, nhạc cụ dân tộc cho đến lối sống mộc mạc, người dân vừa không phải đầu tư quá lớn, vừa có thể tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt. Bên cạnh đó, mô hình này còn giúp giữ chân người trẻ ở lại buôn làng, họ có cơ hội học hỏi, tham gia đào tạo kỹ năng làm du lịch, từ đó chủ động phát triển và làm chủ kinh tế ngay trên chính quê hương../.

Anh Thư

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×