Du lịch Bắc Sơn xem đồng bào Tày thi gặt lúa bằng công cụ thô sơ
22/10/2024 | 07:59
Tiếp tục chuỗi hoạt động trong chương trình Lễ hội "Mùa vàng Bắc Sơn" năm 2024, tại cánh đồng Nà Đu, thôn Đon Riệc 2, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, Ban Tổ chức lễ hội đã tổ chức đã cuộc thi gặt lúa bằng công cụ thô sơ.
Các đội tham gia thi gặt lúa trên cách đồng thuộc xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn trong Lễ hội "Mùa vàng Bắc Sơn" năm 2024
Tham gia cuộc thi, có 3 đội thi, mỗi đội có 4 thành viên đến từ các xã Bắc Quỳnh, Hưng Vũ và Long Đống.
Các đội thi gặt lúa bằng liềm, đập lúa bằng loỏng và bó rơm tại ruộng, các thành viên trong đội phải mặc trang phục của dân tộc.
Rất đông du khách cũng như các đồng bào các dân tộc trong vùng đã tới cổ vũ hội thi.
Khi có hiệu lệnh của Ban giám khảo, các đội sẽ tiến hành cắt lúa, đập lúa và bó rơm. Trong thời gian 30 phút, đội gặt được nhiều thóc, thóc sạch không dẫn rơm, bó rơm đẹp và có số điểm cao nhất sẽ dành chiến thắng.
Cuộc thi nhằm tôn vinh giá trị văn hóa, lao động, tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống của đồng bào dân tộc. Qua đó nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, góp phần giới thiệu, quảng bá các hoạt động du lịch của huyện Bắc Sơn tới du khách trong và ngoài tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn Dương Thị Thép cho biết, Lễ hội mùa vàng được duy trì tổ chức nhằm tạo ra một không gian văn hóa độc đáo, đặc sắc góp phần gìn giữ văn hóa, quảng bá tiềm năng, lợi thế du lịch của huyện. Điểm nhấn của Lễ hội là chuỗi các hoạt động văn hóa - du lịch, giao lưu văn hóa nghệ thuật truyền thống phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn, vui chơi, giải trí cho nhân dân địa phương, cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Bắc Sơn nói riêng, Lạng Sơn nói chung.
Lúa sau khi được cắt sẽ được 2 người đàn ông dùng tay đập lúa bằng loỏng.
Theo BTC, Loỏng là công cụ đập lúa của đồng bào người Tày có từ rất lâu rất được phổ biến từ xưa. Tuy nhiên, những năm gần đây khi công nghiệp hóa phát triển bà con đã sử dụng máy gặt đập liên hoàn nên Loỏng ít được sử dụng.
Việc sử dụng Loỏng trong hội thi giúp đồng bào lưu giữ được bản sắc cũng như giá trị văn hóa cổ xưa.
Để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, huyện Bắc Sơn xác định cây lúa nước là cây trồng chủ lực. Hàng năm, huyện phối hợp các cấp, các ngành khuyến khích đồng bào tổ chức các nghi lễ, lễ hội nông nghiệp gắn với phát triển du lịch như: Tổ chức các trò chơi dân gian (thi ném còn, cấy lúa, kéo); tổ chức các cuộc thi về văn hóa ẩm thực để giới thiệu các món ăn truyền thống được chế biến từ lúa gạo của địa phương, từ đó xây dựng thương hiệu cho các món ăn đặc sản của quê hương.
Huyện cũng tập trung xây dựng Làng Văn hóa dân tộc Tày tiêu biểu ở các xã, phục dựng không gian truyền thống về nghề trồng lúa nước, như cọn nước, máng lần dẫn nước, cối giã gạo bằng sức nước, các dụng cụ sản xuất truyền thống: Loỏng, cối giã gạo, quạt hòm, quang gánh. Từ đó từng bước đưa truyền thống canh tác lúa nước trở thành sản phẩm tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch, cải thiện nâng cao đời sống Nhân dân.
Du khách thích thú khi trải nghiệm cắt lúa cũng như gánh thóc về với đồng bào dân tộc Tày.
Sau 30 phút thi đấu, đội thi đến từ xã Bắc Quỳnh đã giành được giải nhất của cuộc thi.
Cuộc thi gặt lúa bằng công cụ thô sơ nhằm tái hiện lại cảnh gặt lúa của người dân những năm trước đây.
Qua đó góp phần tôn vinh giá trị văn hóa, lao động, tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc huyện Bắc Sơn; đồng thời giới thiệu cho du khách về hình ảnh, con người Bắc Sơn, về tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn.
Nam Nguyễn