Du lịch âm nhạc: cơ hội thu hút khách quốc tế
06/07/2024 | 08:15Mặc dù xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đã có từ lâu trên toàn cầu nhưng tại Việt Nam, hiện nay, xu hướng này mới đang bắt đầu được công chúng quan tâm. Điều này đang mở ra cơ hội mới cho phát triển du lịch tại Việt Nam, bởi đây không chỉ góp phần quảng bá vẻ đẹp của các điểm đến thông qua sự kiện âm nhạc nổi tiếng, mà còn thu hút được lượng khách du lịch quốc tế ngày càng nhiều.
Tiềm năng lớn
Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore... Theo thống kê của Future Market Insights, thị trường du lịch âm nhạc trên toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 11,3 tỷ USD trong năm 2032. Qua đó, có thể thấy, nhu cầu thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch ngày càng tăng cao.
Theo Phó Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội Chu Anh Hùng, du lịch âm nhạc chính là kết hợp giữa việc thưởng thức sự kiện âm nhạc giải trí với việc tham quan, nghỉ dưỡng giúp cho khách du lịch thư giãn, nâng cao đời sống tinh thần. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển du lịch âm nhạc bởi chúng ta có một nền văn hóa phong phú và đa dạng, có thể kết hợp giữa âm nhạc và các yếu tố văn hóa, ẩm thực, và du lịch tự nhiên để tạo ra các sản phẩm du lịch âm nhạc độc đáo.
Hiện nay, Việt Nam cũng là một trong những nước có nhiều nghệ sĩ quốc tế đến tổ chức các sự kiện âm nhạc. Có thể kể đến, chương trình âm nhạc của Blackpink được diễn ra vào tháng 7/2023 tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình; Lễ hội âm nhạc quốc tế 8 Wonder diễn ra vào 7/2023 tại Nha Trang, với sự góp mặt của nam ca sĩ nổi tiếng Charlie Puth và gần đây nhất là vào tháng 6/2024, Ban nhạc huyền thoại Westlife cũng đến Việt Nam biểu diễn… Những sự kiện âm nhạc của các nghệ sĩ quốc tế luôn thu hút lượng lớn người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự, đặc biệt giới trẻ, họ rất mạnh tay chi tiền để thưởng thức những buổi biểu diễn âm nhạc của thần tượng, từ đó, kéo theo lượng du khách nước ngoài và cả trong nước tăng lên đáng kể. Và những dịch vụ du lịch như lưu trú, ăn uống, mua sản phẩm quà tặng, các điểm du lịch… cũng được hưởng lợi rất nhiều. Qua đó, vừa góp phần vào phát triển kinh tế địa phương, vừa phát triển du lịch trong nước".
"Đồng thời, thông qua các sự kiện này, chúng ta cũng khẳng định được năng lực và tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức sự kiện, cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Ngoài ra, những sự kiện này cũng sẽ mở ra cơ hội hợp tác văn hóa, nghệ thuật giữa các nước, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, nghệ thuật của người dân Việt Nam" – ông Chu Anh Hùng nói.
Đồng quan điểm trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, không chỉ các sự kiện âm nhạc của các nghệ sĩ quốc tế, những chương trình lưu diễn của các ngôi sao âm nhạc tên tuổi trong nước như: Hà Anh Tuấn, Mỹ Tâm, Đen Vâu,… hay các đêm diễn tại tụ điểm ca nhạc của Phan Mạnh Quỳnh, Trung Quân, Đức Phúc… cũng đã trở thành sản phẩm hút khách tại nhiều điểm đến. Bên cạnh đó, hiện nay, du lịch âm nhạc tại Việt Nam cũng đang được nhiều địa phương đẩy mạnh. Có thể kể tới một vài chương trình du lịch kết hợp với các sự kiện âm nhạc đã diễn ra khá thành công như: chương trình Vườn âm nhạc được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội; River flows in you tại bãi đá sông Hồng, Hà Nội; Soul of the Forest - Đêm nhạc giữa rừng thông được tổ chức tại Flamingo Đại Lải resort; Hoa Bay tại Khu du lịch Tam Đảo, các đêm diễn Mây Lang Thang tại Đà Lạt..
Đặc biệt, năm 2023, Đà Lạt đã chính thức được công nhận là Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc, đây cũng là một bước tiến quan trọng, không chỉ góp phần nâng cao vị thế của Đà Lạt trong ngành du lịch âm nhạc quốc tế mà còn tạo nền tảng cho việc tổ chức các hoạt động và sự kiện âm nhạc sáng tạo, thu hút cả du khách trong và ngoài nước.
"Nhìn chung, tôi cho rằng, du lịch âm nhạc Việt Nam rất có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, từ đó, đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế quốc gia và quảng bá văn hóa âm nhạc, hình ảnh Việt Nam ra thế giới" – PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.
Cần có chiến lược đúng đắn, lâu dài
Dù sở hữu tiềm năng, nội lực rất lớn nhưng theo các chuyên gia, phát triển du lịch âm nhạc ở Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức.
Là người có hơn 20 năm kinh nghiệm tổ chức các sự kiện âm nhạc mang tầm cỡ quốc tế, ông Chu Anh Hùng cho rằng: Trên thế giới, các quốc gia như Mỹ, Anh, hay Đức đã rất thành công trong việc kết hợp âm nhạc với du lịch thông qua các lễ hội âm nhạc lớn, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Còn ở Việt Nam, khái niệm này vẫn còn khá mới mẻ nên việc phát triển sẽ đối diện với nhiều khó khăn. Bởi Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện âm nhạc mang tầm cỡ quốc tế. Mỗi sự kiện đều đòi hỏi cơ sở hạ tầng tốt, đội ngũ tổ chức chuyên nghiệp và khả năng quản lý sự kiện ở quy mô lớn. Đặc biệt, là khi làm việc với những nghệ sĩ nước ngoài, họ làm việc rất chuyên nghiệp và bài bản, họ đòi hỏi rất khắt khe về điều kiện biểu diễn, kỹ thuật và bản quyền.
Vậy nên, để thúc đẩy phát triển tiềm năng của du lịch âm nhạc, ông Chu Anh Hùng cho rằng: "Các đơn vị tổ chức sự kiện ở Việt Nam cần phải tăng tính chuyên nghiệp, khoa học khi làm việc. Một điều quan trọng nữa, các đơn vị tổ chức khi làm việc với các nghệ sĩ, đối tác nước ngoài cần phải đặt lợi ích chung lên trên hết. Chúng ta muốn những nghệ sĩ quốc tế đến biểu diễn, quảng bá hình ảnh đẹp cho đất nước, con người Việt Nam thì chúng ta phải cho họ thấy mình đang làm việc với tâm thế phụng sự Tổ quốc. Khi đã tạo được tình cảm tốt đẹp, sự tin tưởng thì mọi sự hợp tác đều đạt được hiệu quả".
Còn theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, để phát triển du lịch âm nhạc trong thời gian tới, chúng ta cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tổ chức các sự kiện âm nhạc gắn với phát triển du lịch. Từ nhận thức đúng đắn và đầy đủ này sẽ hình thành nên chính sách hỗ trợ từ Nhà nước trong khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp và cá nhân vào phát triển du lịch âm nhạc cũng như các hình thức hỗ trợ về pháp lý, giảm thuế cho các hoạt động liên quan đến tổ chức sự kiện âm nhạc.
Bên cạnh đó, để thu hút du khách quốc tế, Việt Nam cần đầu tư vào việc xây dựng các chương trình âm nhạc chất lượng cao, tổ chức đa dạng hóa sự kiện âm nhạc, bằng cách tổ chức thường xuyên các lễ hội âm nhạc với nhiều thể loại khác nhau từ dân gian, cổ điển đến hiện đại, để phục vụ đa dạng đối tượng. Mời các nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước tham gia biểu diễn để tăng sức hấp dẫn cho sự kiện. Cùng với đó, kết hợp với các điểm đến du lịch, văn hóa như: làng nghề, bảo tàng, khu di tích,…để tạo ra các tour du lịch phong phú.
"Việc học hỏi từ các mô hình thành công trên thế giới, tìm kiếm hợp tác quốc tế và đầu tư vào việc đào tạo đội ngũ tổ chức sự kiện cũng rất cần thiết. Nếu chúng ta có chiến lược đúng đắn và cam kết lâu dài, du lịch âm nhạc có thể trở thành một phần quan trọng trong ngành du lịch của Việt Nam, góp phần vào việc phát triển kinh tế và quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới" – PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh./.