Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Dư địa nào cho ngành du lịch Việt Nam?

15/10/2019 | 13:41

Nhiều tin vui rất đáng khích lệ tới với ngành du lịch Việt Nam: các giải thưởng quốc tế liên tục vinh danh; những con số tăng trưởng đều đặn… đang góp phần thúc đẩy nền kinh tế du lịch tăng trưởng. Trong khi đó, dư địa cho tăng trưởng của ngành vẫn còn không ít.

Những con số rất đáng khích lệ

Mới đây, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch 2019. Theo đó, du lịch Việt Nam đã tăng 4 bậc từ 67/136 lên 63/140.

"Đây là một tin vui cho ngành du lịch Việt với mức tăng trưởng tốt nhất so với các nước trong khối ASEAN. Các nước khác như Thái Lan tăng 3 bậc, Singapore giảm 4 bậc, Malaysia giảm 3 bậc…  Nhìn một cách khách quan, ngành du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng về năng lực cạnh tranh tốt và đây là tín hiệu đáng mừng" - ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đánh giá.

Được biết, 9 tháng đầu năm nay, toàn ngành du lịch tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp duy trì tốc độ tăng trưởng khách quốc tế, khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch.

Dư địa nào cho ngành du lịch Việt Nam? - Ảnh 1.

Khách du lịch nước ngoài thích thú trải nghiệm cuộc sống nông dân ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

Số liệu thống kê cho hay, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 9 đạt hơn 1,56 triệu lượt, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng lượng khách 9 tháng đạt hơn 12,8 triệu lượt, tăng 10,8% so với cùng kỳ.

Khách du lịch nội địa 9 tháng đầu năm đạt 66 triệu lượt, trong đó có 33,7 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt 504.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo ông Hoàng Nhân Chính, sự tăng hạng chủ yếu nhờ cải thiện của các nhóm chỉ số: Mức độ mở cửa đối với quốc tế tăng 15 bậc, trong đó tăng mạnh nhất là chỉ số Yêu cầu về thị thực với mức tăng 63 bậc từ 116/136 lên 53/140.

"Đây được coi là chỉ số tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Chỉ số Yêu cầu về thị thực của Việt Nam năm 2019 đã có sự cải thiện rõ rệt so với năm 2017" – ông Hoàng Nhân Chính nhấn mạnh.

Nhóm chỉ số Hạ tầng vận tải hàng không của Việt Nam tăng 11 bậc cũng có mức tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Trong đó tăng mạnh nhất là chỉ số số lượng hãng hàng không đang khai thác tăng 10 bậc.

Ngoài ra, các chuyên gia cho hay, một số nhóm chỉ số khác của Việt Nam cũng có mức tăng trưởng tốt như Cạnh tranh về giá tăng 13 bậc với sự tăng trưởng của các chỉ số Thuế và lệ phí sân bay và Mức giá nhiên liệu. Hay nhóm Môi trường bền vững tăng 8 bậc nhờ có sự tăng trưởng mạnh của chỉ số Hiệp ước về môi trường được phê chuẩn. Đặc biệt, nhóm Hạ tầng dịch vụ du lịch cũng tăng được 7 bậc do tăng chỉ số buồng khách sạn và chất lượng hạ tầng du lịch.

Dư địa nào thúc đẩy du lịch tăng trưởng?

Thống kê cho biết, 9 tháng đầu năm nay, Ninh Bình đón 6,5 triệu lượt khách, tăng 2,13% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khách quốc tế đạt 700 nghìn lượt khách, tăng 3,91%; tổng thu từ khách du lịch đạt 2.900 tỷ đồng, tăng 13,44%.

Hà Nội đón 21.500.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế 4.700.000 lượt tăng 10,1%, tổng thu từ du lịch đạt 74.736 tỷ đồng, tăng 30,9% so với cùng kỳ.

Thanh Hóa cũng đón tới hơn 9 triệu lượt khách với tổng thu từ du lịch ước đạt 11.917 tỷ đồng, tăng 41,7%.

Tổng thu từ du lịch của tỉnh Kiên Giang ước đạt hơn 6.200 tỷ đồng hay TP HCM đạt hơn 108 nghìn tỷ đồng…

Đây là những con số biết nói và vẫn còn nhiều dư địa cho tăng trưởng du lịch nhìn về những tháng trước mắt và lâu dài.

Báo cáo của ngành du lịch cũng cho hay, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhất là nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ chất lượng cao chưa được quan tâm đúng mức; trình độ ngoại ngữ của lao động ngành Du lịch còn hạn chế và thiếu lao động biết ngoại ngữ của một số thị trường trọng điểm; việc xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia chưa được đầu tư để phù hợp với tiêu chuẩn nghề du lịch trong ASEAN. Chúng ta cần chú ý nhiều hơn về nhân sự cho ngành du lịch nếu đất nước muốn cạnh tranh hơn.

Ngoài ra, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, do vậy, để thúc đẩy tăng trưởng thì còn cần sự nỗ lực của các ngành khác.

Dư địa nào cho ngành du lịch Việt Nam? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa/ Nam Nguyễn

Theo ông Hoàng Nhân Chính, hiện nay dù Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể với nhóm chỉ số Hạ tầng vận tải hàng không và Mức độ mở cửa đối với quốc tế trong hai năm qua chủ yếu là do sự gia tăng của số lượng hãng hàng không đang khai thác và mở rộng danh sách miễn thị thực, thị thực điện tử. Nhưng ngược lại, chất lượng hạ tầng vận tải hàng không thì đang bị tụt 14 bậc và hầu hết các sân bay đều quá tải. Nhiều sân bay lẽ ra phải đóng cửa đường băng để sửa chữa nhưng chưa thể thể đóng được…

Thời gian qua có sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh được xây dựng mới, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, được vận hành bởi tư nhân. Ông Hoàng Nhân Chính đánh giá, đó là dự án tuyệt vời.

"Hiện TAB đã kêu gọi Chính phủ thay vì chúng ta trông chờ vào ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) thì nên chăng có cơ chế cho các DN tư nhân tham gia đấu thầu, xây dựng và quản lý các sân bay. Từ đó chất lượng các sân bay được cải thiện nhanh"- ông Hoàng Nhân Chính nêu. 

Để tiếp tục thúc đẩy ngành du lịch phát triển, theo ông Hoàng Nhân Chính cần tập trung vào các nhóm vấn đề: đào tạo con người chuyên môn tốt cho thị trường lao động du lịch; ưu tiên marketing và xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam; đánh giá chiến lược thương hiệu quốc gia về du lịch; phát triển du lịch bền vững và cải thiện chất lượng hạ tầng du lịch Việt Nam./.

Thái Linh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×