Dự án xây dựng Bảo tàng - Thư viện tỉnh Cà Mau chính thức được phê duyệt
28/02/2025 | 09:14Sau nhiều năm chờ đợi, Tổ hợp công trình Bảo tàng - Thư viện tỉnh Cà Mau đã chính thức được phê duyệt. Công trình này có tổng vốn đầu tư hơn 410 tỷ đồng và sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 10.079 m² tại Phường 1, TP Cà Mau, ngay cạnh Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu đất dự kiến xây dựng nhà Bảo tàng tỉnh Cà Mau
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương xây dựng Tổ hợp công trình Bảo tàng - Thư viện tỉnh Cà Mau. Đây là một trong 7 công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Chia sẻ với Văn Hóa, ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết đây là một niềm vui lớn đối với ngành Văn hóa tỉnh Cà Mau, khi sau nhiều năm nỗ lực, Tổ hợp Bảo tàng - Thư viện sẽ chính thức được xây dựng.
Công trình khi hoàn thành sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế địa phương, tạo nên một không gian lý tưởng để người dân và du khách có thể khám phá, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử vùng đất Cà Mau.
Tổ hợp công trình sẽ bao gồm hai khối chính: Khối Bảo tàng (diện tích 6.522 m²) và Khối Thư viện (diện tích 3.557 m²). Đây là một dự án thuộc nhóm B, được đầu tư từ ngân sách tỉnh trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.
Dự án dự kiến sẽ được thực hiện từ năm 2025 đến 2028, do Ban Quản lý Dự án Công trình Xây dựng tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư.
Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp công trình Bảo tàng - Thư viện tỉnh Cà Mau nhằm đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ trưng bày, giới thiệu di sản văn hoá
Cùng với đó, thực hiện công tác sưu tầm, bảo quản hiện vật, cổ vật, tư liệu lịch sử; bảo quản, sưu tầm sách, phát triển văn hoá đọc sách nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Công trình cũng sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc, góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị của TP Cà Mau, hài hòa với cảnh quan của Khu tưởng niệm Bác Hồ.

Các hiện vật đang trưng bày trong kho bảo quản tạm thời
Định hướng tổng quan không gian trưng bày Bảo tàng tỉnh Cà Mau, ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết, không gian trưng bày của Bảo tàng tỉnh sẽ được chia thành ba khu chính.
Phần đầu tiên là sảnh đón và khánh tiết, có diện tích khoảng 320 m², chiếm 10% tổng diện tích trưng bày.
Phần thứ hai là khu trưng bày cố định, với diện tích khoảng 1.920 m², chiếm 60% tổng diện tích trưng bày, bao gồm ba chủ đề chính: lịch sử tự nhiên và xã hội, lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, và phát triển kinh tế - xã hội.
Phần thứ ba là khu trưng bày chuyên đề, có diện tích khoảng 960 m², chiếm 30% diện tích trưng bày, nơi giới thiệu các chuyên đề về danh lam thắng cảnh, các vườn quốc gia của tỉnh, cùng các triển lãm chuyên đề khác.
Bên cạnh đó, còn có khu trưng bày ngoài trời, nơi sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể và các hoạt động ngoại khóa, góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm của người dân và du khách.
Bảo tàng tỉnh Cà Mau thành lập từ năm 1997, được bố trí trụ sở làm việc tại số 1AB, đường Lý Văn Lâm, phường 1, TP Cà Mau (sử dụng lại từ trụ sở Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Trung tâm Đào tạo giới thiệu việc làm trực thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ) theo Quyết định ngày 11.8.2021 của UBND tỉnh Cà Mau.
Tuy nhiên, trụ sở này đã được xây dựng từ lâu và hiện đang xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu sử dụng hiện tại.
Kho bảo quản hiện vật hiện nằm trong một dãy nhà liền kề, gồm 5 kho được xây dựng tạm thời và đặt tại khuôn viên Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các kho này được bảo vệ 24/7 để đảm bảo an toàn cho các hiện vật quý giá.
Tại đây, tổng số hiện vật, cổ vật và tư liệu lịch sử với nhiều chất liệu khác nhau đang được lưu trữ lên tới khoảng 66.000 hiện vật, không chỉ phản ánh quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Cà Mau mà còn góp phần khắc họa lịch sử, văn hóa đặc sắc của địa phương.

Hiện vật bao gồm các chất liệu, nội dung như: Hiện vật gốm, gỗ, giấy, kim loại, đồ dệt, nhựa, sành sứ, đá; hiện vật bát tràng, hiện vật Hòn cau, hiện vật độc bản, phim ảnh tư liệu,…
Đặc biệt, hiện vật khai quật được từ tàu đắm vào năm 1998 chiếm số lượng nhiều nhất và rất quý hiếm, sau khi mang bán đấu giá ở nước ngoài, hiện bảo tàng còn quản lý trên 42.000 hiện vật gốm từ cuộc khai quật này.
Dự án xây dựng Bảo tàng Cà Mau đã được lên kế hoạch từ nhiều năm trước, nhưng liên tục bị trì hoãn do vướng mắc trong quy hoạch đất đai và thiếu kinh phí.
Dù vậy, với sự nỗ lực của ngành Văn hóa tỉnh và sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông thời gian qua, dự án xây dựng công trình này đã được phê duyệt.
Ông Lê Minh Sơn hy vọng rằng công trình sẽ hoàn thành đúng tiến độ, giúp bảo quản và phát huy giá trị hiện vật một cách hiệu quả, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.
Theo ông Lê Minh Sơn: “Cà Mau là một trong số ít các tỉnh vẫn chưa có công trình bảo tàng. Thời gian qua, kho hiện vật chỉ có chức năng lưu giữ, bảo quản, kiểm kê hoặc phục vụ công tác nghiên cứu. Do vậy, công tác trưng bày, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử từ hiện vật đến người dân địa phương và du khách rất hạn chế.
Do điều kiện chưa có nhà bảo tàng như vậy, nên đơn vị thực hiện trưng bày rất ít, với một số chuyên đề nhất định, hoặc trưng bày lưu động, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, du khách và tiềm năng hiện có của bảo tàng”.
Đồng hành cùng ngành Văn hóa và Bảo tàng tỉnh Cà Mau, báo Văn Hóa đã đến địa phương tìm hiểu và có một số bài viết vào các năm 2023, 2024. Sau loạt bài viết nhằm nêu lên tính cấp thiết cần phải có tòa nhà bảo tàng tỉnh, rất mừng là đã góp phần cùng địa phương thực hiện ước mơ lâu dài này.
Giờ đây, với dự án Tổ hợp Bảo tàng - Thư viện sắp được xây dựng, Cà Mau sẽ có một không gian để trưng bày, bảo tồn và phát huy giá trị những hiện vật quý báu, đồng thời là nơi lưu giữ và phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng quan trọng của vùng đất này.
Dự án không chỉ mang lại giá trị về mặt kiến trúc, mà còn là nơi gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình yêu và niềm tự hào về mảnh đất Cà Mau đối với người dân và khách tham quan.