Dự án Luật Thư viện được thảo luận lần đầu tiên
17/04/2012 | 09:01(VP)- Chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lần đầu dự án Luật Thư viện.
Theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/12/2000 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2001.
Sau hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh Thư viện, hoạt động thư viện ở nước ta đã có bước phát triển đáng kể. Cả nước đã hình thành mạng lưới thư viện gồm: Thư viện Quốc gia, thư viện do UBND các cấp thành lập (gồm 63 thư viện tỉnh, thành; 626 thư viện cấp huyện; gần 4.000 thư viện cấp xã và hàng nghìn phòng sách cấp xã và cơ sở), 26.000 thư viện ở trường phổ thông các cấp; gần 50 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng. Tổng số đầu sách trong các thư viện khoảng 27,5 triệu bản sách.
Sự ra đời của Pháp lệnh và hệ thống văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thư viện đi vào nền nếp, định hướng và thúc đẩy hoạt động thư viện phát triển, đáp ứng một phần nhu cầu học tập và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tuy nhiên sau 10 năm thực hiện, Pháp lệnh Thư viện và hệ thống văn bản hướng dẫn đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế.
Một số nội dung trong Pháp lệnh còn thiếu cụ thể, chưa bao quát hết được thực tiễn hoạt động thư viện; chưa thống nhất hoặc không còn phù hợp với thực tiễn… Đặc biệt trong thời đại ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng đang tạo cơ hội cho các thư viện nước ta hòa nhập vào không gian thông tin-thư viện chung của thế giới để có thể tận dụng và chia sẻ nguồn lực thông tin-thư viện phong phú.
Thêm vào đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi đổi mới căn bản mô hình tổ chức và hoạt động của các thư viện để tăng cường thu hút nguồn lực nhà nước và xã hội; đồng thời phát huy tính chủ động sáng tạo của các thư viện nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế xã hội cũng như nhu cầu đọc, sách báo của nhân dân.
Đồng tình với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cần sớm sửa đổi, nâng cấp Pháp lệnh Thư viện nhằm nâng cao hiệu lực pháp luật, tạo điều kiện cho hoạt động thư viện phát triển.
Hiện hoạt động của thư viện hầu hết do ngân sách nhà nước đảm bảo, nhưng mức ngân sách cấp cho các thư viện rât thấp nên hoạt động gặp nhiều khó khăn. Do đó, cơ quan thẩm tra nhất trí với Điều 3 là quy định cụ thể chính sách đầu tư của Nhà nước và chính sách xã hội hóa.
Về phân loại thư viện, Dự án luật đã sửa đổi phân loại thư viện theo hình thức sở hữu và bổ sung một số loại hình thư viện mới, đó là thư viện ngoài công lập và thư viện có yếu tố nước ngoài. Ngoài ra dự án luật đã cụ thể hóa loại hình thư viện do Ủy ban Nhân dân các cấp thành lập trong Pháp lệnh thành thư viện cấp tỉnh, thư viện huyện và thư viện cấp xã. Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cân nhắc về phương thức tổ chức và lộ trình phát triển loại hình thư viện tuyến cơ sở, xã, phường vì thư viện tuyến cơ sở, xã, phường đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần người dân, tạo điều kiện cho người lao động, nhất là nông dân tham gia chương trình học nghề, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thảo luận việc xếp hạng thư viện, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc xếp hạng thư viện là cần thiết, nên áp dụng với cả thư viện công lập và thư viện ngoài công lập. Căn cứ kết quả xếp hạng các thư viện công lập, Nhà nước có chính sách đầu tư, tổ chức bộ máy và định mức biên chế thích hợp. Đối với các thư viện ngoài công lập, kết quả xếp hạng tạo động lực phát triển và là cơ sở để thu hút nguồn lực xã hội tài trợ.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là chính sách, chế độ đối với cán bộ thư viện. Tại điểm c, Điều 43 Dự thảo Luật quy định người làm việc trong các thư viện công lập được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi nghề nghiệp. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng quy định này là cần thiết nhưng chưa cụ thể, khó áp dụng trong thực tiễn. Một số ý kiến đề nghị Nhà nước nên có chính sách ưu đãi nhất định đối với những thư viện ngoài công lập có thứ hạng cao, có như vậy mới khuyến khích được thư viện ngoài công lập phát triển
Theo khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng thì hệ số lương của thư viện viên chính còn thấp hơn so với chuyên viên chính, chế độ phụ cấp độc hại quá thấp (0,2% lương cơ bản). Trong khi đó, do sự phát triển của công nghệ thông tin và yêu cầu hội nhập quốc tế thì người làm thư viện cần có trình độ chuyên môn cao mà chế độ thấp thế thì không hút được nhân tài.
Cơ quan thẩm tra đề nghị cần quy định cụ thể, thỏa đáng ngay trong luật chính sách ưu đãi để cải thiện đời sống cán bộ, viên chức và thu hút được nhân lực chất lượng tốt cho lĩnh vực này.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về sự cần thiết xây dựng dự án Luật thư viện và cho rằng việc xây dựng Luật phải bảo đảm thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển thư viện, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, có tính dự báo cao và kế thừa những quy định của Pháp lệnh Thư viện còn phù hợp với yêu cầu phát triển thư viện.
Dự án Luật Thư viện sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 3, diễn ra từ cuối tháng 5/2012.
HCTC (tổng hợp)