Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”: Sẽ nhân rộng mô hình trên cả nước

21/01/2025 | 16:54

Sáng 21/01, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) đã tổ chức Hội nghị kết thúc Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” thí điểm tại Ninh Bình và Quảng Nam.

Dự án do Chương trình Tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường Toàn cầu, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP/GEF-SGP) tài trợ thực hiện trong hai năm 2023-2024.

Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”: Sẽ nhân rộng mô hình trên cả nước - Ảnh 1.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có ông Phạm Văn Thủy. Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Giám đốc Dự án; bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam; ông Vũ Quốc Trí, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia Chương trình UNDP/ GEF-SGP; ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường; PGS. TS. Lê Thu Hoa, Chuyên gia đánh giá Quỹ môi trường toàn cầu Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP); đại diện các ban, ngành, phòng chức năng, các địa phương, các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở đào tạo du lịch.

Trong những năm qua, du lịch là ngành mũi nhọn có đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển này, các hoạt động du lịch cũng góp phần làm tăng lượng rác thải ra môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa (RTN), đồng thời cũng chịu nhiều tác động của RTN.

Nhận thức được yêu cầu cấp thiết về bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững của đất nước, VITA với vai trò là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của ngành Du lịch đã tích cực, chủ động hưởng ứng mọi chủ trương, chính sách của nhà nước, hành động mạnh mẽ thực hiện mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch.

Hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành Du lịch có 6 nhiệm vụ trọng tâm. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa và tham gia xây dựng, phổ biến, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch.

Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm du lịch xanh, không rác thải nhựa và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch gắn với giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về giảm thiểu rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ của các đơn vị thành viên Hiệp hội và huy động nguồn lực quốc tế để thúc đẩy giảm thiểu rác thải nhựa.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Ô nhiễm rác thải nhựa đang là một trong những thách thức lớn mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể, song vấn đề rác thải nhựa trong ngành Du lịch vẫn gặp phải không ít khó khăn. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề này đòi hỏi một kế hoạch cụ thể, thực hiện đúng trọng tâm và đồng bộ trong quá trình phát triển ngành”.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thuỷ bày tỏ mong muốn: “Hiệp hội Du lịch  tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý du lịch trong việc triển khai những kết quả này để thực hiện thắng lợi ở mức độ lan tỏa cao hơn mục tiêu đã đề ra”.

Thông qua các hoạt động của Dự án sẽ truyền đi thông điệp mạnh mẽ, kêu gọi sự nỗ lực, chung tay góp sức của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng và du khách vì mục tiêu: Du lịch không rác thải nhựa ở Việt Nam.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí, qua 18 tháng triển khai, Dự án đã đạt được các kết quả đầu ra chính theo mục tiêu đặt ra. Nhận thức về tác hại của RTN và ý thức, trách nhiệm, khả năng và năng lực quản lý, giảm thiểu RTN của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, các hiệp hội du lịch, người dân được nâng cao thông qua các hoạt động truyền thông, hội thảo, toạ đàm.

Đồng thời, bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không RTN được xây dựng và ban hành góp phần lan tỏa các thông điệp, các thực hành và biện pháp quản lý tốt tới các doanh nghiệp du lịch thành viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đồng thời thúc đẩy, nhân rộng các giải pháp giảm thiểu RTN trên phạm vi toàn quốc, để từ đó hình thành một công cụ quản lý RTN trong ngành du lịch.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã xây dựng và vận hành ứng dụng (App) quản lý RTN để phục vụ quản lý RTN trong doanh nghiệp và hệ thống Hiệp hội Du lịch. Các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thí điểm và phổ biến các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu RTN trong nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch góp phần giảm thiểu RTN phát sinh từ hoạt động du lịch trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, kế hoạch hành động về giảm thiểu RTN ngành Du lịch sẽ cơ sở để các thành viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam triển khai, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động giảm thiểu RTN ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước.

Những kết quả, biện pháp được áp dụng trong thực tế có thể trở thành tài liệu tham khảo có giá trị trong quá trình xây dựng và đề xuất chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch tại các địa phương và trung ương.

Qua khảo sát điều tra, đo lường kết quả giảm thiểu RTN của các doanh nghiệp du lịch tại 2 địa phương với 28 doanh nghiệp ở Ninh Bình và 19 doanh nghiệp ở Hội An cho thấy đã có sự thay đổi về hành vi giảm thiểu RTN thông qua việc thay thế đồ nhựa sử dụng một lần bằng các sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần, sản phẩm thân thiện môi trường với sự hỗ trợ của Dự án.

PGS.TS Lê Thu Hoa, Chuyên gia của UNDP đánh giá cuối kỳ Dự án: “Dự án đã hoàn thành 100% chỉ tiêu đề ra theo kế hoạch, thành công do lựa chọn đúng địa bàn thực hiện là Ninh Bình và Quảng Nam và đối tác thực hiện là Hiệp hội Du lịch tỉnh; Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, Dự án có cam kết của chính quyền địa phương, được sự ủng hộ của doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, nhấn mạnh đến vai trò của công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và cách tiếp cận rất thực tế, linh hoạt, hợp lý trong triển khai thực hiện”.

Trên cơ sở kết quả đạt được của Dự án tại Ninh Bình và Hội An, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục phổ biến, nhân rộng các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa đến các địa phương khác trong cả nước, tập trung nội dung chuyển đổi xanh trong kinh doanh du lịch để phát triển bền vững.

“Hiệp hội Du lịch Việt Nam hướng tới mục tiêu hướng việc nền tảng số về rác nhựa được xây dựng và vận hành. Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa được ban hành và áp dụng rộng rãi trong các đơn vị thành viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam”, ông Vũ Quốc Trí cho biết.

Đến năm 2025, 100% các thành viên Hiệp hội Du lịch Việt Nam là khu du lịch, khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân huỷ và sản phẩm nhựa dùng một lần. Đến năm 2030, 100% các thành viên Hiệp hội Du lịch Việt Nam không sử dụng túi nilon khó phân huỷ và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia Chương trình UNDP/ GEF-SGP giới thiệu: “Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (SGP) của UNDP đã tài trợ 127 quốc gia với 30.000 dự án, trị giá 800 triệu USD trong các lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu, ngăn ngừa thoái hóa đất và hoang mạc hóa, quản lý rừng bền vững, quản lý rác thải, rác thải nhựa…”

“Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” thí điểm tại Ninh Bình và Quảng Nam do Hiệp hội Du lịch Việt Nam thực hiện rất thành công vì có sức lan tỏa trong cộng đồng, tiếp cận và huy động sự tham gia trực tiếp của doanh nghiệp du lịch và đặc biệt là đạt được những kết quả rất thiết thực”, bà Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×