Đồng Nai: Giữ màu cho di sản trăm năm
27/05/2025 | 15:23Bảo quản, phục hồi sơn son thếp vàng các hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ… tại nhiều di tích trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã và đang được ngành văn hóa và các địa phương quan tâm.
Nhiều hạng mục hoành phi, liễn đối trong Di tích đình Bình Thiền (thành phố biên Hòa) được bảo quản, phục hồi sơn son thếp vàng.
Không chỉ hồi sinh vẻ đẹp nguyên gốc cho các hiện vật, giữ màu di sản trăm năm, mà qua việc bảo quản, phục hồi sơn son thếp vàng còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa di tích, kết nối phát triển du lịch.
Nỗ lực hồi sinh vẻ đẹp nguyên gốc hiện vật di tích
Đình Phước Lư là một trong những ngôi đình tồn tại và phát triển trên 200 năm, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng Phước Lư, trấn Biên Hòa xưa (nay thuộc phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) được bảo quản, phục hồi sơn son, thếp vàng nhiều bức hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ.
Ông Nguyễn Ngọc Đức, người có hơn 5 năm trông coi Di tích đình Phước Lư, cho hay bà con địa phương rất phấn khởi khi thời gian qua các bức hoành phi, liễn đối tại di tích được bảo quản, phục hồi sơn son thếp vàng. Không chỉ kéo dài tuổi thọ cho hiện vật, việc bảo quản, phục hồi đã hồi sinh vẻ đẹp hiện vật, trả lại yếu tố gốc ban đầu.
“Bên cạnh bảo quản, phục hồi sơn son thếp vàng, hiện một số hạng mục của di tích đang bị xuống cấp như: mái hiên bị hư hại gây tình trạng thấm dột, cột gỗ bị mối mọt… Ban Quản lý di tích mong sớm được các cấp chính quyền phê duyệt trùng tu, tôn tạo nhằm tránh sự hư hỏng tiếp theo” - ông Đức chia sẻ.
Di tích đình Bình Quan (ở phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa) được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIX với tên gọi là Bình Quan miếu võ. Đình được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh vào năm 2004. Trải qua thời gian dài tồn tại cùng với điều kiện thời tiết khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều nên các hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ, cửa võng được làm bằng gỗ, được sơn son thếp vàng hiện đã xuống cấp, ẩm mục, nấm mốc, mối mọt xâm hại. Toàn bộ bề mặt các hiện vật trên đã bị phủ bằng lớp sơn công nghiệp. Một số câu đối, hoành phi bị nứt, các khớp mộng đã bị hư hỏng; trong đó có 6 cặp liễn đối ở chánh điện, miếu Bà, nhà lưu niệm, 13 bảng chữ thờ, 5 bức hoành phi, 5 bộ cửa võng…
Ngày 14/5, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đã có văn bản gửi UBND tỉnh và đề xuất UBND tỉnh giao Bảo tàng Đồng Nai làm chủ đầu tư và triển khai thực hiện Dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi sơn son thếp vàng, hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ, cửa võng tại Di tích đình Bình Quan. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh (nguồn sự nghiệp).
Trong thời gian tới, khi có quyết định sắp xếp đơn vị hành chính theo Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sở sẽ tham mưu điều chỉnh Quyết định số 13-2023/QĐ-UBND ngày 06/4/2023 về việc ban hành quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho phù hợp với tình hình thực tế và các dự án sử dụng nguồn sự nghiệp, nguồn vốn đầu tư công theo đúng quy định.
UBND tỉnh vừa ban hành quyết định bổ sung danh mục xếp hạng di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo quyết định, đình Tập Phước - Phước Hòa (ở xã Long Phước, huyện Long Thành) được bổ sung vào danh mục xếp hạng di tích. Với việc bổ sung này, Đồng Nai có 13 di tích - danh thắng được xếp hạng giai đoạn 2021-2025. |
Phát huy giá trị văn hóa của di tích
Đồng Nai hiện có hơn 70 di tích được xếp hạng, trong đó nhiều di tích có hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ xuống cấp đã được bảo quản, phục hồi sơn son thếp vàng. Có thể kể đến các di tích như: đình Bình Thiền, đình Tân Lân (thành phố Biên Hòa); đình Phú Mỹ (huyện Nhơn Trạch); đình Phước Lộc (huyện Long Thành)…

Các bức hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ tại Di tích đình Phú Mỹ (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) được phục hồi sơn son thếp vàng sau thời gian dài xuống cấp
Có nhiều năm kinh nghiệm thực hiện bảo quản, sơn son thếp vàng các hiện vật tại hệ thống đình, miếu trong và ngoài tỉnh, anh Lê Hoàng Vũ (ngụ khu phố 6, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) cho biết, phục hồi sơn son thếp vàng không đơn thuần là trả lại yếu tố gốc ban đầu, mà còn là quá trình đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về mỹ thuật truyền thống, chất liệu và cả phong tục tín ngưỡng. Từ việc làm sạch gỗ, xử lý mối mọt, cho đến sơn son thếp vàng…, mọi công đoạn đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình bảo tồn di sản.
“Nhiều đình, miếu cổ sau khi được phục hồi, sơn son thếp vàng không chỉ sáng rực lên về diện mạo, mà còn trở thành điểm kết nối cộng đồng. Đó là nơi bà con địa phương tổ chức lễ hội, giáo dục truyền thống và thu hút du khách gần xa đến tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử của dân tộc” - anh Vũ nói.
Giữ màu cho di sản trăm năm không chỉ là việc của ngành văn hóa hay chính quyền, mà còn bắt nguồn từ tình yêu với di sản của mỗi người dân. Ở Đồng Nai, hành trình ấy vẫn đang được tiếp nối tại nhiều di tích. Mỗi lần tu bổ, mỗi lớp “vàng son” được phục hồi là một lần quá khứ được gọi tên trở lại. Đó không chỉ là gìn giữ vật thể, mà còn là gìn giữ ký ức, bản sắc cộng đồng. Và hành trình ấy vẫn bền bỉ như mạch nguồn văn hóa chưa từng ngừng chảy.