Đồng Nai: Chỉnh trang để phát huy giá trị vườn tượng
28/05/2024 | 16:10Các vườn tượng trong khu vực Văn miếu Trấn Biên không chỉ là công trình tôn vinh con người, sự kiện văn hóa, lịch sử tiêu biểu, mà còn là điểm đến của người dân và du khách, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều hạng mục trong các vườn tượng đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, cần được chỉnh trang, bảo quản để phát huy hết giá trị.
Nhiều hạng mục xuống cấp
Nằm trong khu vực Văn miếu Trấn Biên hiện có 2 vườn tượng phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử của người dân và du khách. Trong đó, Vườn tượng Danh nhân văn hóa Trấn Biên nằm ở phía trước Văn miếu, có 13 tượng danh nhân văn hóa như: vua Lý Thái Tổ, Nguyễn Du, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm... và phù điêu thi tướng Huỳnh Văn Nghệ.
Vườn tượng nghệ thuật Hào khí Trấn Biên nằm phía sau Nhà bái đường Văn miếu. Công trình có 26 tác phẩm được tuyển chọn, trưng bày từ Trại sáng tác Hào khí Trấn Biên năm 2016 với nhiều chủ đề như: Hào khí phương Nam, Học, Cổng tri thức, Từ thuở mang gươm, Vinh quy, Hạt giống… Các tác phẩm nghệ thuật là điểm nhấn tôn thêm vẻ đẹp di tích quốc gia Văn miếu Trấn Biên.
Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho biết, khi bảo tàng tiếp nhận bàn giao quản lý di tích Văn miếu Trấn Biên, nhiều hạng mục trong 2 vườn tượng đã xuống cấp, nhất là các ngôi nhà truyền thống Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ. Một số hạng mục trang trí bằng đá như: tượng, trụ đèn bị hư, ngã đổ; hệ thống điện chiếu sáng bị hư hỏng nặng; mạng lưới dây xích bảo vệ hành lang an toàn cho du khách bị mất cắp…
Thời gian qua, Bảo tàng Đồng Nai đã phối hợp với các đơn vị liên quan định kỳ tổ chức dọn dẹp, cắt tỉa cành cây, phát cỏ 2 vườn tượng; vệ sinh, chống bám bẩn, rong rêu trên các tượng; đồng thời, chỉnh trang lại các trụ đèn bằng đá bên trong khu thờ chính và các vườn tượng; sửa chữa nhỏ hệ thống tưới nước tự động và hệ thống bơm phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, do diện tích rộng (khoảng 15 hécta), không gian mở, bảo tàng gặp một số khó khăn. Công tác chăm sóc cảnh quan, cây xanh, an ninh trật tự ở 2 vườn tượng chưa được thường xuyên, kịp thời.
Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho hay: “Hàng năm, bảo tàng xây dựng các chương trình quảng bá, các buổi sinh hoạt chuyên đề về danh nhân văn hóa, tham quan các vườn tượng… đến người dân và du khách, nhất là đối tượng học sinh trên địa bàn tỉnh. Qua đó giáo dục truyền thống, lịch sử vùng đất, con người Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung, cho thế hệ trẻ”.
Để khai thác, phát huy giá trị vườn tượng
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thị Ngọc Loan, để phát huy giá trị 2 vườn tượng trong khu vực Văn miếu Trấn Biên, Sở chỉ đạo Bảo tàng Đồng Nai tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là với những trường học mang tên danh nhân văn hóa. Đảm bảo công tác bảo vệ, an ninh trật tự và mỹ quan môi trường vòng ngoài khu vực văn miếu; sửa chữa, lắp đặt đèn chiếu sáng nghệ thuật; trồng thêm cây xanh tại các vườn tượng trong năm 2024.
Bên cạnh đó, sở chỉ đạo Bảo tàng Đồng Nai xây dựng Đề án Chỉnh trang toàn bộ khu vực Văn miếu Trấn Biên, tính toán để đưa các vườn tượng vào quản lý, khai thác; trồng thêm cây xanh đặc trưng của vùng đất tại vườn tượng.
Riêng với 3 ngôi nhà ở truyền thống Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ trong Vườn tượng Danh nhân văn hóa Trấn Biên được đề xuất trùng tu, tôn tạo nhằm phát huy giá trị của các công trình. Ngoài ra, sở đã đề xuất với Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai tổ chức không gian sáng tác, quảng bá tác phẩm trong khuôn viên vườn tượng.
Tại buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực trạng 2 vườn tượng trong khu vực Văn miếu Trấn Biên vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, các tượng danh nhân và tượng nghệ thuật trong 2 công trình trên được thực hiện bằng chất liệu đá xanh Bửu Long nguyên khối - một đặc trưng của làng nghề đá Biên Hòa, vốn có từ lâu trên vùng đất Đồng Nai xưa. Các công trình không chỉ tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; kết nối các không gian văn hóa, mà qua đó còn khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần hiếu học, trọng nhân tài và truyền thống uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tính toán phương án sửa chữa, bảo quản nhằm phát huy giá trị các vườn tượng. Trong thời gian chờ đợi các phương án, cần chỉnh trang, tổ chức dọn dẹp vệ sinh, góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị, phát huy giá trị tượng danh nhân văn hóa và các tác phẩm nghệ thuật đối với công chúng, tạo điểm đến thu hút du khách.