Đoàn thanh niên Bộ VHTTDL sinh hoạt chính trị kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
19/05/2020 | 16:41Thực hiện Chương trình công tác năm 2020, thiết thực kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), vào sáng ngày 19/5, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức buổi sinh hoạt chính trị đầy ý nghĩa tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch.
Hơn 100 đoàn viên, thanh niên Bộ VHTTDL do đồng chí Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Tô Linh Hương dẫn đầu đã thành kính vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm quan và nghe thuyết minh về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đến thăm ba ngôi nhà gắn với một quãng đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nhà 54, Nhà sàn và Nhà 67.
Trước khi vào lăng viếng Bác, các đoàn viên, thanh niên Bộ VHTTDL đã được xem bộ phim tư liệu "Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ". Những thước phim đầy cảm xúc đã giúp tuổi trẻ Bộ VHTTDL không chỉ hiểu thêm về tình cảm của Bác với đồng bào mà cũng hiểu được những nỗ lực hết sức mình trong việc gìn giữ, bảo quản thi thể của Người để các thế hệ đồng bào hôm nay tiếp tục được đến thăm và tỏ lòng thành kính tới Bác.
Đến thăm Nhà 54, các đoàn viên, thanh niên Bộ VHTTDL đã được tận mắt tìm hiểu nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ tháng 12/1954 đến tháng 5/1958. Tại Nhà 54, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước về đường lối cách mạng hai miền Nam - Bắc, đưa ra những chủ trương, chính sách cụ thể vừa phù hợp với thực tiễn của đất nước, vừa giải quyết những yêu cầu cơ bản của cách mạng Việt Nam. Người đã viết gần 400 bài báo đề cập đến những vấn đề: độc lập dân tộc, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đường lối phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xây dựng nền quốc phòng và đường lối ngoại giao, quân sự...
Tại ngôi nhà sàn, nơi gắn bó với cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 11 năm cuối đời (1958 - 1969), các đoàn viên Bộ VHTTDL đã được nhìn ngắm những đồ vật thường ngày của Bác như chiếc máy chữ, đồng hồ hay cuốn sách Bác còn đọc dở. Từ đó, tuổi trẻ Bộ VHTTDL càng thấm nhuần tư tưởng đạo đức và phong cách làm việc của một lãnh tụ hết lòng vì nước, vì dân, vì sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và tiến bộ của các dân tộc trên thế giới.
Khi sức khỏe ngày một yếu đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển hẳn xuống Nhà 67 từ ngày 18/8/1969. Và khi Bác mệt nặng, ngôi Nhà 67 đã trở thành nơi điều trị bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các thiết bị y tế hiện đại nhất của ở thời kỳ đó được đưa về đây để chữa bệnh cho Người. Các giáo sư, bác sĩ đầu ngành của Việt Nam và nước ngoài tập trung về đây, thay nhau túc trực, chăm lo sức khỏe cho Người. Trong những ngày này, việc chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi là nhiệm vụ trọng đại, khẩn cấp của toàn Đảng, toàn dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về cõi vĩnh hằng, nhưng những di vật còn lưu lại và những câu chuyện về giây phút cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng để thế hệ trẻ hôm nay nói chung và tuổi trẻ Bộ VHTTDL nói riêng cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị cao quý về phẩm chất một lãnh tụ của nhân dân và tình yêu nhân dân, đất nước tha thiết của Người.