Định vị bản sắc văn hóa trong phát triển
15/05/2023 | 11:37Đất nước ta có một nền văn hóa đặc sắc, lâu đời, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của 54 dân tộc anh em, tạo nên sự đa dạng văn hóa. Tuy nhiên bản sắc văn hóa của một số dân tộc thiểu số đang bị mai một.
Nhận diện nguồn lực
Nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) rất đa dạng, được nhận diện thông qua các biểu đạt văn hóa thể hiện qua hệ thống các di tích (di tích khảo cổ học, di tích lịch sử, di tích tôn giáo tín ngưỡng, di tích kiến trúc nghệ thuật); Hệ thống các danh thắng; Hệ thống các bảo tàng, các nhà lưu niệm…
Mỗi một dạng biểu đạt văn hóa của mỗi dân tộc tạo ra một loại nguồn lực văn hóa khác nhau, chính điều đó củng cố thêm cho tính đa dạng, phong phú của nguồn lực văn hóa của các DTTS ở nước ta.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm - Viện Nghiên cứu văn hoá (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), các dân tộc cư trú ở khắp các vùng miền trên cả nước tạo nên sự đa dạng và giàu có cho văn hóa các dân tộc. “Nguồn lực văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của các dân tộc, sự phát triển ở đây không chỉ là phát triển kinh tế mà còn là phát triển xã hội, phát triển con người theo hướng nhân văn, thân thiện với môi trường, hài hòa với tự nhiên” - bà Châm nhận định.
GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia) cho rằng, với 54 dân tộc anh em cùng chung sống, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo. Chính vì vậy, chúng ta sở hữu một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú và giàu bản sắc. Đó chính là nguồn tài nguyên nhân văn to lớn để thế hệ hôm nay có thể kế thừa, khai thác và phát huy phục vụ cho phát triển.
Bảo tồn và phát huy giá trị
Trong những năm qua, đặc biệt là từ thời kỳ đổi mới, văn hóa các DTTS đã có bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu lớn, có đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên các nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số vẫn chưa được khai thác, phát huy tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
GS Từ Thị Loan khẳng định, đất nước ta không thể phát triển phồn vinh, hạnh phúc nếu thiếu sự chung tay góp sức của các DTTS. Đó không chỉ là việc đảm bảo một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, mà còn nhằm xây dựng một quốc gia vững mạnh, củng cố an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ... Bên cạnh việc được Nhà nước ưu tiên đầu tư, có các chính sách đặc thù cũng rất cần khơi thông các nguồn lực, phát huy các thế mạnh tự có, tinh thần chủ động, sáng tạo của các chủ thể văn hóa. Làm sao để bản thân người dân địa phương có thể biến di sản thành tài sản, biến các giá trị bản sắc thành sản phẩm văn hóa phục vụ cho phát triển.
Một số nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng một bộ phận lớp trẻ ngày nay thiếu ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc; nhiều người thậm chí không nói được tiếng nói của dân tộc mình.
GS.TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia cho biết: Kho tàng di sản văn hóa truyền thống bao gồm các tri thức bản địa trong văn hóa dân gian, các lễ hội gắn với phong tục, tập quán các làng quê, gắn với đời sống tinh thần và hoạt động canh tác của từng dân tộc, hệ thống các bài ca dao dân ca cùng các hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật khác... nếu không có kế hoạch khẩn trương khảo sát, nuôi dưỡng thì tất yếu sẽ bị rơi rụng, lãng quên.
Để bảo tồn và giữ được gốc gác cội nguồn dân tộc, bản sắc văn hóa Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài trách nhiệm của ngành văn hóa và những người làm công tác văn hóa, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và cả cộng đồng, xã hội. Vì văn hóa gắn liền với mỗi con người, mỗi cộng đồng dân tộc, mỗi địa phương và gắn liền với các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, do đó, cả hệ thống chính trị phải cùng nêu cao trách nhiệm trong việc tham gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, coi văn hóa các dân tộc Việt Nam là nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính là khẳng định sự phong phú đa dạng trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.