Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Diện mạo mới của Du lịch Việt Nam sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW

26/01/2020 | 10:18

Để phát triển du lịch nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và đáp ứng yêu cầu cạnh tranh quốc tế, ngày 16/01/2017 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, du lịch Việt Nam đã có sự chuyển biến, thay đổi mạnh mẽ không chỉ về số lượng mà còn ở chất lượng.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Lê Quang Tùng.

Diện mạo mới của Du lịch Việt Nam sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng

Thưa Thứ trưởng sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, chúng ta (ngành du lịch) đã làm được những gì?

- Thứ trưởng Lê Quang Tùng: Với sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước về việc ưu tiên phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, các doanh nghiệp và cộng đồng triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, thời gian qua, ngành Du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, đáng khích lệ, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Một số kết quả nổi bật như sau:

Quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW đã tạo được chuyển biến về tư duy, nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hệ thống văn bản pháp luật cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch. Quốc hội đã ban hành Luật Du lịch 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt: Đề án Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; Quyết định thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian tới.

Từng bước cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu của Việt Nam đồng hành cùng với sự phát triển của du lịch, tập trung nguồn lực đầu tư nhiều dự án du lịch quy mô lớn, chất lượng đẳng cấp quốc tế, góp phần xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Diện mạo mới của Du lịch Việt Nam sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW - Ảnh 2.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tốt nhất đón khách du lịch vào Việt Nam (inbound) năm 2019 - Ảnh:vietnamtourism.gov.vn-

Công tác quản lý du lịch có nhiều thay đổi, cơ bản đạt được yêu cầu về an toàn, an ninh trật tự tại các địa bàn trọng điểm du lịch. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch đã được kiện toàn từng bước, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (đã hình thành 13 Sở Du lịch tại 13 tỉnh/thành phố trọng điểm về du lịch trên cả nước).

Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 67/136 năm 2017 và năm 2019 xếp hạng 63/140 nền kinh tế.

Sự tăng trưởng của du lịch đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch, giải quyết tốt vấn đề việc làm và an sinh xã hội; góp phần bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 08 chúng ta gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Lê Quang Tùng: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW còn gặp phải một số hạn chế, vướng mắc như: nhận thức của các ngành, các cấp, địa phương về nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh các địa phương triển khai tích cực, hiệu quả như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Kiên Giang, Quảng Ninh... tại một số địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở, việc triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW còn chậm, chưa có kế hoạch thực hiện cụ thể.

Quy trình xây dựng, sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến phát triển du lịch còn nhiều bước, nhiều thủ tục, thời gian kéo dài. Việc triển khai các Đề án phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại một số bộ, ngành, địa phương còn chưa thực sự quyết liệt, còn thiếu những chính sách mới, đột phá để tăng cường thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; hỗ trợ phát triển sản phẩm, quảng bá, xúc tiến du lịch…

Năm 2019, Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam dù được cải thiện nhưng nhiều chỉ số còn ở mức thấp như: Hạ tầng mặt đất và cảng; Nhân lực và thị trường lao động; Sự bền vững về môi trường; Hạ tầng dịch vụ du lịch…

Nhiều hạn chế và điểm nghẽn để phát triển du lịch chưa được giải quyết triệt để như: Công tác xúc tiến quảng bá chưa thực sự hiệu quả do hạn chế về nguồn lực, cơ chế vận hành; Chính sách thị thực nhập cảnh còn hạn chế so với các điểm đến cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Malaysia; Hạ tầng đường không chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và du lịch, một số sân bay quốc tế lớn đều đã quá tải; Công tác quản lý điểm đến, môi trường du lịch, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông tại một số địa phương còn nhiều bất cập; Thiếu nhân lực du lịch đã qua đào tạo chuyên ngành, đặc biệt là nguồn nhân lực quản lý, trình độ cao; Việc triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch còn hạn chế.

Hoạt động liên kết vùng để phát triển du lịch được quan tâm, thúc đẩy thông qua các hội nghị hợp tác. Tuy nhiên, hoạt động liên kết vùng nhìn chung chưa cụ thể, chặt chẽ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các địa phương; việc thiếu định hướng tổng thể về phát triển du lịch dẫn tới tình trạng trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, gây lãng phí.

Diện mạo mới của Du lịch Việt Nam sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW - Ảnh 4.

Thời gian qua, ngành Du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, đáng khích lệ, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh minh họa - Minh Khánh

Theo mục tiêu của Đề án "Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", thì năm 2020 du lịch Việt Nam cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển. Theo Thứ trưởng để làm được điều này trong thời gian tới chúng ta cần phải tập trung vào những nhiệm vụ gì?

- Thứ trưởng Lê Quang Tùng: Trong thời gian tới, ngành Du lịch cần tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm sau đây:

Tiếp tục đẩy mạnh quán triệt nâng cao nhận thức, thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về "Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn".

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp và đột phá để phát triển du lịch, đáp ứng yêu cầu, tính chất của ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động theo cơ chế thị trường, đặc biệt là Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phấn đấu đến năm 2021, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam ở nhóm 50 thế giới.

Tập trung triển khai Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành; tập trung phát triển sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch cần chủ động xây dựng đề án cơ cấu lại ngành Du lịch của địa phương.

Phát triển hệ thống thông tin ngành du lịch và các ứng dụng gắn với Đề án Hệ tri thức Việt số hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh.

Tập trung thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch; chú trọng phối hợp công - tư, phát huy vai trò của các nhà đầu tư chiến lược trong việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hiện đại, đẳng cấp quốc tế.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch cùng với khu vực doanh nghiệp mở rộng thị trường, thành lập các Văn phòng xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch để không phụ thuộc một vài thị trường khách chủ yếu như những năm vừa qua. Đây là biện pháp quan trọng từng bước tiến tới chủ động về nguồn khách du lịch và kiểm soát chất lượng dịch vụ.

Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, đa dạng các hình thức thị thực như thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu...; xem xét, mở rộng diện miễn thị thực cho công dân các quốc gia là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.

Xây dựng hệ thống trường, doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động du lịch theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của ngành du lịch.

Tăng cường phối hợp với các ngành và liên kết giữa các địa phương để phát triển du lịch bền vững. Chú trọng công tác điều phối vùng một cách đồng bộ có hiệu quả trong hoạch định chính sách, nhất là các chính sách liên quan đến phát triển bền vững.

- Cảm ơn Thứ trưởng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!

Vi Phong (Thực hiện)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×