Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điện Biên: Phát triển du lịch sinh thái, khám phá rừng đặc dụng

14/08/2023 | 10:48

Du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên trong các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đang là xu hướng mới được giới trẻ quan tâm, trải nghiệm. Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, nhiều cánh rừng đặc dụng, rừng phòng hộ với hệ sinh thái đa dạng phong phú, cảnh sắc hoang sơ, Ðiện Biên đã và đang tích cực xây dựng, gọi mời thu hút đầu tư trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Điện Biên: Phát triển du lịch sinh thái, khám phá rừng đặc dụng - Ảnh 1.

Cán bộ Khu BTTN Mường Nhé tuần tra rừng.

Giàu tiềm năng

Cách TP. Ðiện Biên Phủ 220km về hướng Tây Bắc, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Mường Nhé nằm trên địa giới hành chính của 5 xã (Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Kè) của huyện Mường Nhé với tổng diện tích tự nhiên 46.730,51ha.

Nhiều năm qua, nơi đây luôn được đánh giá là một trong những khu BTTN đa dạng sinh học lớn của Việt Nam với 1.811 loài động vật và 976 loài thực vật bậc cao thuộc 606 chi, 172 họ trong 5 ngành. Trong đó, 33 loài thực vật đặc hữu của Việt Nam và 128 loài thực vật quý, hiếm thuộc sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới; 458 loài động vật hoang dã như: Cu li, khỉ mốc, khỉ cộc, khỉ vàng, khỉ đuôi lợn, vọoc xám, vượn đen má trắng, mèo rừng, báo gấm, báo hoa mai… Bên cạnh giá trị về đa dạng sinh học, Khu BTTN Mường Nhé còn là khu vực có nhiều cảnh quan thiên nhiên thơ mộng với những cánh rừng nguyên sinh và núi non hùng vĩ. Trong đó, phải nhắc đến các dãy núi: Phu Ðen Ðinh chạy theo hướng Tây Bắc - Ðông Nam; Phú Ta Long San dọc theo biên giới Việt - Trung với đỉnh cao nhất là Pu Pá Kun cao 1.892m; hay Phú Tu Na với đỉnh cao 1.405m (thuộc địa phận xã Nậm Kè). Nằm giữa các dãy núi là các thung lũng nhỏ hẹp và một số dãy núi thấp. Ðây là vùng chuyển tiếp giữa vùng núi cao với đồi núi thấp và bằng nên chứa đựng giá trị cao về hệ sinh thái rừng, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học với nhiều loài động, thực vật quý hiếm đang bị đe dọa ở cấp quốc gia và toàn cầu. Do địa hình núi cao và núi trung bình, với hệ thống thủy văn khá phong phú đã tạo nên nhiều kiệt tác tuyệt đẹp mà nhiên nhiên ban tặng như: Thác Rồng 1, Thác Rồng 2, Thác Ða Tự (đầu nguồn suối Păng Pơi), suối Nậm Ma, bãi tắm Phù Phang, điểm săn mây Nậm Pố, Hang Dơi... Nơi đây cũng giữ nguyên nét hoang sơ của núi rừng phù hợp để đầu tư nhiều loại hình dịch vụ đa dạng như du lịch thể thao mạo hiểm, khám phá thiên nhiên.

Không chỉ với hệ sinh thái đa dạng, phong phú; cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp mà các bản vùng đệm Khu BTTN Mường Nhé cũng là nơi gìn giữ các giá trị truyền thống văn hóa, với nhiều lễ hội đặc trưng và giàu bản sắc dân tộc như: Lễ hội Gạ Ma Thú (Lễ cúng bản), Khụ Sự Chà (Tết cổ truyền), Dế Khụ Chà (Tết Mùa mưa) của người Hà Nhì; Tết Hoa Mào gà của người dân tộc Cống tại xã Nậm Kè... Cùng với đó là lối mở A Pa Chải, mốc giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc.

Ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Khu BTTN Mường Nhé cho biết: Với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, khai thác tiềm năng lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân địa phương, đơn vị đã xây dựng Ðề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, giai đoạn 2022 - 2023. Phạm vi thực hiện trên toàn bộ diện tích được giao và các vùng lân cận, trong đó tập trung vào các xã thuộc vùng đệm của khu bảo tồn. Ðề án đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng nhu cầu vốn thực hiện 101 tỷ đồng (nguồn kêu gọi đầu tư 65 tỷ đồng, vốn khác 36 tỷ đồng). Cùng với việc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và khôi phục các hệ sinh thái rừng, hệ động thực vật rừng; các hoạt động du lịch trong phân khu được tổ chức thực hiện chủ yếu tại Ðiểm mốc 66, bãi tắm Phù Phang, Thác Rồng 1, hang Dơi, thác Nậm Pố Luông, thác Ða Tự (Pạm Pơi). Ðối tượng hướng tới từ 15 - 55 tuổi, có sở thích khám phá thiên nhiên, văn hoá, lịch sử; ưa thích trải nghiệm, mạo hiểm. Ðề án phát triển 4 loại hình du lịch chính: Du lịch sinh thái, khám phá tự nhiên; du lịch mạo hiểm; du lịch cộng đồng; du lịch tham quan, nghiên cứu, học tập.

Ðể triển khai, thực hiện hiệu quả, tháng 5/2023, Ban quản lý Khu BTTN Mường Nhé đã thông báo đến các tổ chức, cá nhân nhà đầu tư trong nước về các khu vực cho thuê môi trường rừng đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Trong đó, chú trọng 12 danh mục dự án đầu tư, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại khu BTTN Mương Nhé như: Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; Trung tâm cứu hộ động vật Khu BTTN Mường Nhé; điểm du lịch săn mây Nậm Pố; điểm du lịch Thác Rồng 1; điểm du lịch Thác Rồng 2; điểm du lịch Mốc 66 Khu bảo tồn; Ðiểm du lịch đường lên Mốc giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc.

Hướng đi mới triển vọng

Không chỉ Khu BTTN Mường Nhé, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNN) đã chỉ đạo Ban Quản lý rừng di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng đề cương, dự toán Ðề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng giai đoạn 2022 - 2030. Ðồng thời, trình Sở Tài chính thẩm định kinh phí xây dựng đề án dự kiến sử dụng nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng. Trên cơ sở nội dung thẩm định của Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổng hợp danh mục 8 nhiệm vụ. Trong đó có nhiệm vụ xây dựng Ðề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng - Khu rừng di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng giai đoạn 2022 - 2030). Dự kiến triển khai thực hiện bằng nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng không có đối tượng cho giai đoạn 2011 - 2014. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát, hoàn thiện các nội dung dự thảo sau khi tiếp thu nội dung tham gia của Sở Tài chính và trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục nhiệm vụ và kinh phí.

Nhận thấy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái, phám khá, nghỉ dưỡng trong những khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, trên cơ sở hướng dẫn xây dựng Ðề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của Tổng cục Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ trực thuộc rà soát, xây dựng Ðề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong phần diện tích được giao của đơn vị. Cùng với Khu BTTN Mường Nhé và Ban Quản lý rừng di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng đã xây dựng các đề án về du lịch, Sở cũng chỉ đạo 3 Ban quản lý rừng phòng hộ (Ðiện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo) xây dựng và thực hiện quản lý rừng bền vững theo phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, 3 đơn vị này chưa triển khai được nhiệm vụ xây dựng Ðề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ. Nguyên nhân do diện tích rừng được giao nằm ở xa khu dân cư, đi lại khó khăn; cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế; chưa được bố trí nguồn kinh phí để thực hiện... Tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá trong rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn tỉnh là hướng đi cần được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện phù hợp với từng địa phương. Trong đó gắn phát triển du lịch với bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ rừng; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; hỗ trợ thu hút, gọi mời đầu tư xây dựng, cải tạo các điểm, các tuyến du lịch.

Theo Báo Điện Biên Phủ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×