Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điện ảnh - Cú hích phát triển du lịch: Cơ hội không từ trên trời rơi xuống

24/05/2023 | 15:24

Thế giới điện ảnh đã chứng kiến không ít bộ phim thành công, đưa những bối cảnh quay phim trở thành điểm đến hấp dẫn và mang đến doanh thu không nhỏ, góp phần phát triển mạnh mẽ công nghiệp điện ảnh và du lịch. Dù tiềm năng tự nhiên, thắng cảnh dồi dào nhưng dường như đây vẫn là “kho báu” bị bỏ phí ở nước ta.

Điện ảnh - Cú hích phát triển du lịch: Cơ hội không từ trên trời rơi xuống - Ảnh 1.

Phim “Đông Dương” với những cảnh quay ở Huế

Quảng bá, phát triển du lịch qua điện ảnh là điều không mới. Nhưng tại Việt Nam, chúng ta vẫn chưa có nhiều bộ phim đột phá ở khía cạnh này. Nhiều nhà sản xuất thừa nhận, cơ hội sẽ không từ trên trời rơi xuống, điện ảnh Việt Nam sẽ lãng phí không ít nếu còn chậm trễ.

Hiệu ứng du lịch từ điện ảnh

Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải chia sẻ, với tiềm năng gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 7 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, Huế được các nhà làm phim lựa chọn để thực hiện các cảnh quay.

Khán giả mến mộ điện ảnh hẳn còn nhớ những cảnh quay tuyệt đẹp của Đông Dương, bộ phim nước ngoài đầu tiên được quay trong cung điện, lăng tẩm của Huế từ những năm 1990. Công chiếu tại Pháp năm 1992, bộ phim đoạt giải Oscar (dành cho phim nói tiếng nước ngoài), khiến lượng khách du lịch châu Âu, đặc biệt là khách Pháp đến Việt Nam tăng đột biến. Trước đó, Cô gái trên sông của đạo diễn Đặng Nhật Minh là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam có 100% bối cảnh quay tại Huế. Ngọn nến hoàng cung lấy bối cảnh chính là Đại Nội - Kinh thành Huế...

Gần đây, nhiều đạo diễn tiếp tục chọn Huế làm bối cảnh cho những bộ phim hút khách như Nàng thơ xứ Huế, Gái già lắm chiêu 3, Gái già lắm chiêu 4, Kiều... Đáng chú ý, phim Mắt biếc thu về hơn 170 tỉ đồng của Victor Vũ lấy phần lớn bối cảnh từ những miền quê xứ Huế, là tác phẩm giành Bông Sen Vàng tại LHP Việt Nam XXII. “Khán giả ngỡ ngàng, thích thú chứng kiến những hình ảnh quen thuộc, từ những địa danh nổi tiếng như đền đài, lăng tẩm, chùa chiền đến những không gian thơ mộng, lãng mạn của Huế qua các góc quay mới lạ. Lượng khách đến với Huế không chỉ để tham quan, khám phá những giá trị văn hóa của Cố đô xưa mà còn trải nghiệm những vùng đất mới, những giá trị mới…”, ông Phan Thanh Hải chia sẻ.

Cố đô Ninh Bình cũng có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp điện ảnh dựa trên “mỏ vàng” di sản. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở VHTT Ninh Bình cho biết, nhiều địa danh tại đây đã được các nhà làm phim trong nước và quốc tế lựa chọn làm bối cảnh cho các bộ phim nổi tiếng. Trong Người Mỹ trầm lặng (thực hiện năm 2002), người xem nhìn thấy bóng dáng rừng Cúc Phương và những ngọn núi trùng điệp của vùng đất du lịch nổi tiếng này. Bom tấn Hollywood Kong: Skull Island (Đảo đầu lâu), đạo diễn Jordan Vogt-Roberts cũng thành công khi chọn bối cảnh tại Ninh Bình cho những cảnh quay ấn tượng. “3 địa danh xuất hiện trong bộ phim là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Tam Cốc - Bích Động và khu sinh thái Tràng An. Với thành công của bộ phim, Ninh Bình đã được tạp chí du lịch Mỹ Travel+Leisure liệt kê vào danh sách những địa điểm quay phim thú vị nhất ở châu Á, là một trong những nhân tố quan trọng để quảng bá và phát triển du lịch Ninh Bình…”, ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.

Cảnh sắc Phú Yên cũng được quảng bá rầm rộ qua những cảnh quay của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - phim lập kỷ lục doanh thu phòng vé tại Việt Nam vào thời điểm phát hành, với 80 tỉ đồng. Bối cảnh của phim sau đó đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách, lượng khách đến Phú Yên tăng 30% so với trước đó.

Mới đây nhất, Netflix đã phát sóng bộ phim Hành trình tình yêu của một du khách (A tourist’s guide to love). Đây là dự án phim quốc tế đầu tiên được quay tại Việt Nam từ sau dịch Covid-19, cũng là bộ phim Mỹ đầu tiên quay hoàn toàn tại Việt Nam với bối cảnh thực chứ không phải trong trường quay, sử dụng kỹ xảo.

Đừng đợi chờ sự may mắn

Biên kịch phim Chuyện của Pao, nhà văn Đỗ Bích Thúy cho biết, năm 2005, sau khi bộ phim đoạt Cánh diều vàng, bối cảnh chính của phim trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua của du khách khi đến cực Bắc Tổ quốc. Bối cảnh đó là nhà của Pao. “Quảng bá văn hóa qua các tác phẩm điện ảnh là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, tác động mạnh mẽ nhất tới số đông công chúng. Đối với người dân bản địa, phim cũng giúp họ nhận ra giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mà họ nắm giữ và càng tự hào, càng có ý thức gìn giữ, bảo tồn văn hóa hơn. Điều này cũng có thể gặp ở nhiều địa phương được chọn là bối cảnh của những bộ phim nổi tiếng trong nước và quốc tế…”, nhà văn Đỗ Bích Thúy nhận định.

Kiều, bộ phim của đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất Mai Thu Huyền cũng ngay từ đầu đã được chú trọng yếu tố quảng bá văn hóa, đất nước và con người Việt Nam thông qua những bối cảnh quay đặc sắc. “Chúng tôi luôn trăn trở đi tìm những bối cảnh để có thể thể hiện được nội dung phim cũng như quảng bá được những giá trị văn hóa, cảnh quan của đất nước mình. Đi đến đâu, từ Huế đến Cao Bằng chúng tôi cũng đều được tạo mọi điều kiện thuận lợi để có được những cảnh quay lý tưởng và bởi vậy, khi công chiếu, mỗi bộ phim đã trở thành một “sứ giả” thu hút khán giả, đặc biệt là khách quốc tế…”, Mai Thu Huyền chia sẻ.

Thế nhưng, cũng có một thực tế là dù sở hữu một kho báu bối cảnh đồ sộ thì việc khai thác bối cảnh, tạo nên lợi ích kép trong phát triển du lịch- điện ảnh tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Nhà văn Đỗ Bích Thúy cho hay, chị hình dung điện ảnh như cánh cửa mở lối vào một vùng văn hóa. “Tôi xem những bộ phim như Đường về nhà chẳng hạn, bao giờ trong lòng cũng dấy lên một khao khát về những bộ phim như thế, về mỗi vùng đất đặc trưng văn hóa Việt Nam. Chúng ta có những vùng văn hóa rất đẹp mà đến giờ điện ảnh vẫn chưa khai thác được là bao: Tây Bắc, Việt Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… với 53 dân tộc thiểu số, chúng ta có một lịch sử dân tộc dày dặn, vạm vỡ và sinh động, điện ảnh hay bất kì loại hình nghệ thuật nào có khai thác đến bao nhiêu lâu cũng không hết”, nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ.

Cha đẻ của những bộ phim Cha cõng con, 578, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, quảng bá du lịch qua điện ảnh thì không thể chờ may mắn. “Dạo gần đây, mọi người quan tâm nhiều thông tin về những bộ phim quay tại Việt Nam và thường nói rằng, tại sao các đạo diễn Việt Nam không tận dụng những cảnh quay đẹp để quảng bá quê hương. Một câu hỏi khó trả lời”, đạo diễn Lương Đình Dũng nói. Anh phân tích, thực tế, mỗi năm có vài bộ phim nước ngoài quay ở Việt Nam, nếu phim có hiệu ứng thì cũng chỉ là “gặp may” và chưa đo đếm, lượng tính tác động của nó giúp phát triển kinh tế ra sao. Trong khi đó, một đất nước đầy ắp vẻ đẹp và phong phú từ văn hóa đến con người như Việt Nam thì không nên chờ vào vận may của một vài phim điện ảnh từ bên ngoài.

Cơ hội để mang đến những cú hích kỷ lục cho công nghiệp điện ảnh và du lịch Việt Nam sẽ không từ trên trời rơi xuống, nhưng chắc chắn sẽ đến với các nhà làm phim tâm huyết, đam mê với văn hóa và bản sắc dân tộc. Từ cách đây hàng thập kỷ, nhiều bộ phim nước ngoài đã được quay tại Việt Nam, gây sửng sốt với khán giả trên thế giới. Cho đến bây giờ, những địa danh của Việt Nam được chọn làm bối cảnh trong các bộ phim Người tình (L’Amant, 1991), Đông Dương (Indochine, 1992); Người Mỹ trầm lặng (The Quiet American, 2002)… vẫn luôn được du khách nhắc nhớ khi đặt chân đến những nơi này.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×