“Điện ảnh: Cánh cửa quảng bá đất nước, con người, văn hóa và du lịch Việt Nam ra thế giới”
23/05/2025 | 10:33Việt Nam được biết đến là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, sinh thái, văn hóa. Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam xếp hạng 26 và tài nguyên văn hóa xếp hạng 28 trên thế giới. Cùng với nhiều quốc gia, các địa danh nổi tiếng của Việt Nam đang trở thành điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế thông qua những tác phẩm điện ảnh đặc sắc, mang dấu ấn thời đại.
Báo cáo Xu hướng Du lịch năm 2023 của Expedia từng đưa ra thông tin đáng chú ý, 2/3 du khách toàn cầu đã xem xét việc du lịch dựa trên nguồn cảm hứng từ điện ảnh và 39% đã lựa chọn điểm đến dựa trên những câu chuyện từ màn ảnh. Điều này cho thấy, các bộ phim không chỉ giúp quảng bá phong cảnh thiên nhiên, mà trở thành "cầu nối" giúp khán giả khám phá về đất nước, con người, văn hóa, du lịch của một quốc gia nhanh, hiệu quả. Cũng từ năm 2023, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đã triển khai bộ chỉ số PAI (Production Attraction Index) để đánh giá mức độ hấp dẫn, thu hút đoàn làm phim, dựa trên 5 thành phần chính: tài chính, thông tin, thực địa, pháp lý và hạ tầng.

Vịnh Hạ Long - Điểm dừng chân cuối cùng của đoàn làm phim Kong: Đảo đầu lâu (Nguồn ảnh: Cục Điện ảnh)
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, địa điểm, bối cảnh quay phim của các tác phẩm điện ảnh sau khi kết thúc đã trở thành những điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch tìm đến trải nghiệm. Có thể kể đến những thành tựu mà điện ảnh quốc tế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch như: "Trò chơi vương quyền" (Game of Thrones) được quay tại Dubrovnik, Ireland mang lại gần nửa triệu lượt khách du lịch tới thăm thành phố; gần một triệu vé vào cửa đã được bán tại các di tích/địa điểm xuất hiện trong phim với lượng khách du lịch tăng 37,9%; khách lưu trú qua đêm tăng 28,5% trong năm 2015. Phim "Cô gái có hình xăm rồng" (Girl with Dragon Tattoo), quay tại Stockholm, ước tính mang lại khoảng 100 triệu Euro cho ngành du lịch Thụy Điển. Phim "Chúa tể của những chiếc nhẫn" (Lord of the Rings) ước tính đã tạo ra 42 triệu đô la cho ngành du lịch New Zealand...
Tại Việt Nam, ngay từ những năm cuối thế kỷ XX, đã minh chứng việc quảng bá địa danh thông qua điện ảnh mang lại hiệu quả bất ngờ. Các phim bom tấn của Hollywood nổi tiếng như: Người tình (1991), Đông Dương (1992), Người Mỹ trầm lặng (2002) ... được coi là những đại diện tiêu biểu góp phần đưa hình ảnh quốc gia ra thế giới.
Không dừng lại ở đó, một số bộ phim có bối cảnh đặc sắc, kỳ bí, ấn tượng đạt doanh thu cao khiến cho lượng du khách trong và ngoài nước tìm đến trải nghiệm và góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế địa phương như: "Khu du lịch cánh đồng bất tận" đậm chất Tây Nam Bộ thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An sau khi bộ phim "Cánh đồng bất tận" ra mắt công chúng (2010); "Nhà của Pao" ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang sau thành công của bộ phim "Chuyện của Pao" (2006); bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (2015) đạt doanh thu 80 tỷ đồng, lập doanh thu kỷ lục cho phòng vé tại Việt Nam vào thời điểm phát hành, đồng thời làm tăng lượng du khách đến Phú Yên (tăng 30% so với những năm trước)...

Phim Hành trình của một tình yêu giữ vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng Top 10 phim (tiếng Anh) toàn cầu, ước tính 13,4 triệu giờ xem từ ngày 17 đến 23/4
Hay tỉnh Ninh Bình đang trở thành một trong những địa phương thu hút khách du lịch hàng đầu các tỉnh phía Bắc và cũng là Tỉnh có "sức hút" các nhà làm phim trong nước và quốc tế từ những bộ phim như: "Người Mỹ trầm lặng" (The Quiet American), "Kong: Đảo Đầu lâu" (Kong: Skull Island), "Khát vọng Thăng Long", "Tấm Cám: Chuyện chưa kể", "Về nhà đi con", "Trạng Tí", "Hương vị tình thân", "Vui lên nào anh em ơi"… bởi phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ với cơ chế ưu đãi thuận lợi. Kết quả cho thấy, năm 2024, Ninh Bình đặt mục tiêu đón 7,5 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa đón 6,6 triệu lượt, khách quốc tế đón 900.000 lượt. Đến tháng 11, ngành du lịch Ninh Bình đã "về đích sớm" với lượng khách quốc tế đạt 1,08 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay; chiếm gần 7% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Poster bộ phim Kong: Đảo đầu lâu
Cuối tháng 9/2024, lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại California và Los Angeles, Hoa Kỳ với chủ đề "Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới" với quy mô lớn. Sự kiện đã thu hút hơn 500 khách mời là các nhà sản xuất, đạo diễn hàng đầu Hollywood, đánh dấu bước "đột phá", sự đổi mới sáng tạo trong công tác xúc tiến du lịch Việt Nam nhằm khai thác phát triển du lịch thông qua điện ảnh, góp phần làm tăng cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ nói riêng và quốc tế nói chung. Giới thiệu Việt Nam không chỉ là điểm đến lý tưởng cho du khách mà còn trở thành phim trường, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà làm phim, đạo diễn điện ảnh và diễn viên hàng đầu thế giới.

Hội Điện ảnh Việt Nam và Liên hoan phim Châu Á Thế giới - Asian, World Film Festival - AWFF tại Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ, tháng 9 năm 2024
Vừa qua, trong khuôn khổ Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Pháp (tháng 5/2025) đã diễn ra Hội thảo "Việt Nam - Thị trường năng động châu Á và điểm đến mới cho các đoàn làm phim quốc tế" do Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch phối hợp với Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam chủ trì tổ chức với sự tham gia Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Cục Điện ảnh. Hội thảo diễn ra trong không khí nghệ thuật đỉnh cao của Liên hoan phim Cannes lần thứ 78.
Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Việt Nam mang đến một "thư viện bối cảnh" vô cùng đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu sáng tạo với sự hùng vĩ, nguyên sơ cho những thước phim phiêu lưu, hành động, kỳ ảo. Việt Nam không chỉ đẹp về cảnh quan mà còn giàu có về văn hóa và con người, là mảnh đất màu mỡ cho những câu chuyện độc đáo với 54 dân tộc anh em cùng chung sống tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng về phong tục, lễ hội, ẩm thực, trang phục, kiến trúc... Con người Việt Nam, với sự lạc quan, lòng hiếu khách và tâm hồn phong phú, luôn là trung tâm của những câu chuyện nhân văn sâu sắc...

Phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề Nhịp đập điện ảnh Việt Nam tại Hội thảo (Nguồn ảnh: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam)
Hướng đến mục tiêu đến năm 2030 ngành điện ảnh đạt khoảng 250 triệu USD trong đó, phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD và để góp phần thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế "hai con số" trong kỷ nguyên mới của dân tộc, chúng ta cần phát huy vai trò công nghiệp sáng tạo, phát triển các dịch vụ đi kèm để góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển của công nghiệp điện ảnh. Những sản phẩm được quảng bá theo tác phẩm điện ảnh như: bối cảnh, bất động sản, thời trang; mỹ phẩm, hàng hóa tiêu dùng, sản phẩm âm nhạc... cần có chính sách hỗ trợ phát triển. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để đồng bộ hóa, điều chỉnh phù hợp các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh và các hoạt động khác có liên quan; Cắt giảm một số thủ tục hành chính trong hoạt động tạm nhập tái xuất trang thiết bị, phục trang, đạo cụ… để phục vụ sản xuất phim; Đẩy mạnh công tác bảo hộ quyền tác giả và quyền sở hữu tác phẩm điện ảnh đề phòng và ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền, thực hiện cam kết quốc tế về bản quyền.
Tăng cường mở rộng hợp tác song phương, đa phương với các nước khu vực và quốc tế thông qua ký kết các văn bản ghi nhớ, chương trình hợp tác để khuyến khích xuất khẩu sản phẩm điện ảnh, góp phần quảng bá đất nước, con người, văn hóa, du lịch Việt Nam ra thế giới. Trong đó, phát triển công nghiệp điện ảnh có sự kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc và hội nhập quốc tế. Xây dựng cơ chế hợp tác giữa điện ảnh và du lịch. Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng ứng dụng điện ảnh vào quảng bá du lịch trở thành xu hướng giúp khai thác tiềm năng văn hóa và lịch sử các địa phương, đồng thời cũng là xu hướng phát triển văn hóa, du lịch bền vững. Đồng thời, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức các sự kiện điện ảnh và tăng cường kết hợp xúc tiến hoạt động điện ảnh song hành cùng văn hóa, thể thao, du lịch.
Với xu hướng phát triển đa chiều, đa phương tiện của thế giới như hiện nay việc phát triển du lịch kết hợp với điện ảnh là một trong những hướng đi lâu dài không chỉ tận dụng sức lan tỏa của điện ảnh để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, du lịch quốc gia hiệu quả mà còn hỗ trợ thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng. Việt Nam - đất nước hòa bình, rất giàu tài nguyên thiên nhiên hùng vĩ, kỳ bí với những sắc thái văn hóa phong phú, đa dạng đây là nguồn tài nguyên rất tốt để phát triển du lịch kết hợp với điện ảnh. Việc tăng cường đổi mới phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam, thu hút các nhà đầu tư điện ảnh quốc tế đến Việt Nam là việc làm rất cần thiết./.