Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 8/12/2022

08/12/2022 | 14:08

Đánh giá 5 năm phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Việt Nam có 3 trọng tài, giám sát được bổ nhiệm làm nhiệm vụ tại AFF Cup 2022; TP.HCM "nhảy" gần 3.000 bậc trong xếp hạng tìm kiếm du lịch dịp năm mới là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1. Lĩnh vực Văn hóa

- TTXVN ngày 8/12 đưa tin:

Bế mạc và trao giải thưởng Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2022

Tối 7/12, tại Rạp Xiếc Trung ương - Liên đoàn Xiếc Việt Nam (Hà Nội), Lễ bế mạc và trao giải thưởng Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2022 đã diễn ra với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND thành phố Hà Nội; đại diện đại sứ các nước tham dự Liên hoan; các nghệ sỹ xiếc trong nước và quốc tế. Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 14 Huy chương cho các tiết mục xuất sắc gồm: 3 Huy chương Vàng cho 3 tiết mục: Dây căng cao (Liên đoàn Xiếc Việt Nam); Lời của biển (Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam); Hồi sinh (Hình tượng tập thể nam - Nhà hát nghệ thuật Phương Nam).  

Tưởng niệm 156 năm Ngày mất Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều

Từ ngày 7 - 9/12/2022 (nhằm ngày 14 - 16/11 năm Nhâm Dần), tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp (tọa lạc xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ tưởng niệm 156 năm Ngày mất Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và kỷ niệm 10 năm Khu di tích Gò Tháp được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Viết tiếp chuyện '"Hai người lính"

Nhóm ảnh đặc biệt về "Hai người lính", tác phẩm của nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Trưởng Ban Biên tập ảnh TTXVN, lâu nay đã quen thuộc với mọi người. Tác phẩm gồm 4 ảnh này vừa được nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Đây là phần thưởng cao quý, sự ghi nhận rất có ý nghĩa đối với một nhà báo lão thành của TTXVN. Được biết, một số tác phẩm khác của những nhà nhiếp ảnh thông tấn cũng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước trong dịp này. Đây là niềm vui chung của giới nhiếp ảnh và những người làm thông tấn.

- Báo Hà Nội mới ngày 8/12 đưa tin:

Hà Nội giám sát công tác quản lý di sản đối với các cơ sở tôn giáo

Chiều 7-12, Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung làm Trưởng đoàn đã giám sát công tác quản lý di sản đối với các cơ sở tôn giáo tại huyện Thạch Thất. Huyện Thạch Thất có 209 di tích. Đến hết tháng 11-2022, có 101 di tích đã được Nhà nước xếp hạng, trong đó, chùa Tây Phương được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt; 34 di tích cấp quốc gia và 66 di tích cấp tỉnh, thành phố; đang lưu giữ 92 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 18 di sản được ưu tiên bảo vệ.

Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa, gia đình và thể thao

Ngày 7-12, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác pháp chế và quán triệt văn bản quy phạm pháp luật ngành Văn hóa và thể thao năm 2022. Hội nghị cũng dành thời gian để các đại biểu trao đổi về những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong việc tổ chức thực hiện công tác pháp chế; đồng thời, đưa ra những kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Trao giải báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022

Ngày 7-12, tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ trao giải "Giải thưởng báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022". các tác phẩm tăng cao cả về số lượng và chất lượng. Tác phẩm tham dự giải thưởng bao gồm tin, bài phản ánh, phỏng vấn, tọa đàm, bình luận, chuyên luận, phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí thuộc các loại hình báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử.

- Báo Văn hóa ngày 7/12 đưa tin:

Ưu tiên nguồn lực để bảo tồn, phát huy

Thừa Thiên Huế từng là không gian một phần lãnh thổ của vương quốc Chăm Pa trong khoảng thế kỷ II đến đầu thế kỷ XIV. Hiện nơi đây đang "ôm trong lòng" nhiều dấu tích liên quan đến văn hóa Chăm Pa như các công trình đền, tháp, thành lũy, mộ, bia, giếng cổ… cùng nhiều hiện vật đã được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học. Hầu hết các di tích Chăm Pa trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã trải qua hàng ngàn năm biến thiên của lịch sử, chịu sự tác động của thiên nhiên khắc nghiệt nên đã trở thành phế tích. Chính vì thế cần thiết phải có sự ưu tiên tập trung nguồn lực để giữ gìn, bảo quản những gì còn lại đến hôm nay.

Bình Dương xử phạt đơn vị tổ chức sự kiện biểu diễn nhạc nước không phép

Liên quan đến sự cố sập dàn đèn sân khấu tại sự kiện biểu diễn nhạc nước ở Khu công viên Hòa Lợi, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) khiến 8 người bị thương, Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương đã xử phạt đơn vị tổ chức sự kiện với số tiền 25 triệu đồng. Theo đó, ngày 5.12, Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Ong Vàng, do không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng không bán vé xem biểu diễn nghệ thuật.

Sách lậu "bóp nghẹt" văn hóa đọc

Tình trạng tàng trữ, mua bán sách lậu, xâm phạm bản quyền, nội dung vi phạm Luật Xuất bản… vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để khắc phục. Lợi dụng mạng xã hội, một số cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh phát hành không thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi tác giả, NXB và đơn vị liên kết, tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của ngành xuất bản.

- Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 7/12 đưa tin:

Dàn hợp xướng Sài Gòn trở lại với Concert Flourish

Tối 16-12 tới đây, tại Hội trường A Nhạc viện TPHCM, Dàn hợp xướng Sài Gòn (Saigon Choir) sẽ tổ chức chương trình biểu diễn âm nhạc riêng lần thứ 7 mang tên Flourish. Đêm nhạc sẽ trình diễn những tác phẩm hợp xướng đa dạng thể loại, từ những bài hát nổi tiếng khắp thế giới như Hallelujah của Leonard Cohen, Sleep của Eric Whitacre... những bản nhạc phim nổi tiếng Lalaland, The sound of music, Lion King... cho đến những ca khúc được rất nhiều người yêu thích trong nước như: Ngày chưa giông bão, Ngựa ô thương nhớ... Bên cạnh đó là những bài hát dân gian mang nhiều màu sắc của Indonesia, Haiti... Các tác phẩm được thể hiện bởi hơn 70 hợp xướng viên.

- Báo điện tử Tổ Quốc ngày 8/12 đưa tin: "Dệt dèng A Roàng được công nhận là nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế" cho biết: Ngày 7/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết vừa có Quyết định số 2954/QĐ-UBND công nhận nghề dệt dèng A Roàng, xã A Roàng, huyện A Lưới là Nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế. Dệt dèng là một loại hình sản xuất thủ công độc đáo của đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Vân Kiều tại huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mỗi sản phẩm dệt dèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa các dân tộc.

- Báo điện tử Tổ Quốc, báo Sài Gòn Giải Phóng và nhiều báo khác ngày 8/12 đưa tin: "Đánh giá 5 năm phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" cho biết: Ngày 7/12 tại Hưng Yên, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị - Hội thảo "Đánh giá hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (giai đoạn 2017-2022). Phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, thông qua việc tổ chức Hội nghị - Hội thảo đánh giá hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (giai đoạn 2017 - 2022) để từ đó, xác định phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch triển khai trong thời gian tới, nhằm tiếp tục triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt theo cam kết tại hồ sơ đề cử với UNESCO (giai đoạn 2023-2028). Bên cạnh đó, Cục Di sản Văn hóa đề xuất tiếp tục nghiên cứu, nhận diện, kiểm kê di sản để có những định hướng phát huy đúng đắn các giá trị di sản văn hóa trong đời sống xã hội, kiên quyết bài trừ những biểu hiện mê tín dị đoan, lệch lạc, thương mại hóa trong quá trình thực hiện tín ngưỡng.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 8/12/2022 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương dự Hội nghị - Hội thảo - Ảnh: Báo Tổ Quốc

2. Lĩnh vực Du lịch

- TTXVN ngày 8/12 đưa tin:

Khai mạc Triển lãm quốc tế về thực phẩm, đồ uống, nhà hàng và khách sạn

Ngày 7/12, Công ty Informa Markets Việt Nam đã tổ chức khai mạc Triển lãm Quốc tế lần thứ 11 về thực phẩm, đồ uống, thiết bị làm bánh, nhà hàng, khách sạn và cung ứng dịch vụ (Food & Hotel Vietnam 2022) tại TP Hồ Chí Minh. Triển lãm Food & Hotel Vietnam 2022 hứa hẹn mở ra hàng trăm cơ hội kết nối, lựa chọn đối tác và thu hút đầu tư, đồng thời dẫn dắt những thảo luận về một ngành thực phẩm và dịch vụ lưu trú đổi mới, sáng tạo không ngừng.

Người dân sẽ được ngắm toàn cảnh TP Hồ Chí Minh bằng khinh khí cầu

Trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch TP Hồ Chí Minh từ ngày 5 - 11/12 năm 2022, người dân sẽ có cơ hội bay trải nghiệm trên khinh khí cầu và quan sát toàn cảnh Thành phố mang tên Bác từ độ cao 70m. Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Ngày hội Khinh khí cầu lần đầu tổ chức đã thu hút khoảng 20.000 lượt khách. Đến ngày hội mùa thứ 2 Sở đã được phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh và UBND thành phố Thủ Đức để tạo thành một chuỗi sự kiện văn hóa du lịch lớn hơn nhằm chào đón du khách đến với thành phố dịp cuối năm.

- Báo điện tử VOV ngày 8/12 đưa tin:

Quảng Ngãi vẫn còn loay hoay trong việc định vị thương hiệu du lịch

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có nhiều di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên việc quản lý, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh để thu hút khách du lịch, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 50/254 di tích bị lấn chiếm, xâm hại, trong đó có cả những di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt.

Du lịch Phú Yên - Từ khóa hàng đầu trong Top 10 Địa điểm du lịch nổi bật nhất

Nền tảng Google vừa chính thức công bố danh sách "Google Year In Search 2022 - Google Một năm Tìm kiếm", bao gồm những từ khoá có xu hướng tìm kiếm thịnh hành nhất trên Google tại Việt Nam trong năm vừa qua. Những công bố này cho thấy nhu cầu du lịch đã phục hồi rất mạnh trong năm 2022. Du lịch Phú Yên, Du lịch Hạ Long và Khu du lịch Thủy Châu là 3 từ khóa hàng đầu về địa điểm du lịch năm 2022 trên công cụ tìm kiếm Google Việt Nam.

TP.HCM "nhảy" gần 3.000 bậc trong xếp hạng tìm kiếm du lịch dịp năm mới

Theo Booking.com, lượng tìm kiếm toàn cầu về đặt phòng ở TP.HCM đã tăng vọt trên nền tảng này trong khoảng thời gian 23/12/2022 đến 1/1/2023, so với cùng kỳ năm ngoái. Nền tảng du lịch trực tuyến Booking.com vừa công bố phân tích lượng tìm kiếm phòng nghỉ với ngày đặt phòng từ 23/12/2022 đến 1/1/2023, đồng thời so sánh với dữ liệu đặt phòng cùng kỳ năm trước (giai đoạn 24/12/2021 - 2/1/2022). Theo đó, TP.HCM có sự tăng trưởng ngoạn mục (+2.985 bậc) để góp mặt trong top 15 điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất bởi du khách toàn cầu.

- Báo điện tử Tổ Quốc ngày 8/12 đưa tin:

Sắp diễn ra hội thảo "Phát triển Du lịch biển đảo Việt Nam – Thời cơ, thách thức và giải pháp"

Vào ngày 9/12, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Đà Nẵng (số 9, đường Cách mạng Tháng 8, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) sẽ diễn ra hội thảo "Phát triển Du lịch biển đảo Việt Nam – Thời cơ, thách thức và giải pháp". Trong khuôn khổ Hội thảo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng các đại biểu các Bộ, ngành, các địa phương và các doanh nghiệp du lịch sẽ trao đổi, thảo luận, đánh giá đúng hiện trạng phát triển hiện nay và xác định những định hướng mới và đề xuất các biện pháp mới để sớm đưa du lịch biển, đảo của Việt Nam thực sự cất cánh, khẳng định thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế và tương xứng với tiềm năng.

Hàng trăm gian hàng đăng ký tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng 2022

Tính đến ngày 7/12, có khoảng 250 gian hàng đăng ký tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Đà Nẵng 2022) diễn ra từ ngày 9/12 đến 11/12 tại Trung tâm Hội chợ - Triển lãm Đà Nẵng. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch gặp gỡ, kết nối, thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển du lịch sau COVID-19.

Vượt lên bất ổn, hàng không châu Á-Thái Bình Dương đón tín hiệu tích cực

Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) Willie Walsh cho biết bất chấp những bất ổn toàn cầu, triển vọng của ngành hàng không châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2023 vẫn tích cực, theo CNA. Ông Willie Walsh đưa ra đánh giá ngày 6/12 rằng, châu Á Thái Bình Dương là một trong những thị trường hàng không nhộn nhịp nhất thế giới nhưng sự phục hồi của khu vực này vẫn đang phần nào bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, dù hiện tại đã có một số dấu hiệu tích cực từ Trung Quốc.

- Báo Hà Nội mới ngày 8/12 đưa tin:

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu: ''Viên minh châu'' của núi rừng Tây Bắc

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu nằm trên địa bàn hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La, năm 2014 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Với vị trí cửa ngõ quan trọng của tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc, lại được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu, cảnh sắc tuyệt vời cùng nguồn tài nguyên nhân văn đặc sắc nên Khu du lịch quốc gia Mộc Châu hội tụ vẻ đẹp lấp lánh tựa viên "minh châu" của núi rừng Tây Bắc.

Cơ hội đưa ẩm thực Việt ra thế giới

Mặc dù có lịch sử phát triển lâu đời, nhưng ẩm thực Việt Nam chưa khai thác hết thế mạnh và tiềm năng để tăng tính cạnh tranh, thu hút du khách. Vừa qua, Tổ chức Michelin Guide (danh hiệu danh giá trong ngành ẩm thực thế giới) chính thức đến Việt Nam và lựa chọn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến trong bản đồ tìm kiếm những thương hiệu nhà hàng, món ăn uy tín. Đây là cơ hội lớn để ẩm thực Việt Nam được nâng tầm về chất lượng, thu hút du khách nhiều hơn.

Hà Nội: Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội hoa Mê Linh

Lễ hội hoa Mê Linh 2022 sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 11-12, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội). Đây là lần đầu tiên huyện Mê Linh tổ chức lễ hội hoa nhằm trưng bày, giới thiệu các loại hoa, cây cảnh của huyện, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn du khách.

- Báo Văn hóa ngày 7/12 đưa tin:

Du lịch Quảng Nam: Thích ứng thời kỳ hậu Covid-19

Mặc dù có sự khởi sắc trong năm qua nhưng hoạt động du lịch Quảng Nam hậu đại dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn phục hồi như thời "đỉnh cao". Chính quyền và doanh nghiệp đang tổ chức nhiều hoạt động và đưa ra nhiều hướng đi mới nhằm phát triển thị trường khách đa dạng. Sau thời gian chịu tác động trực tiếp từ Covid-19, ngành du lịch Quảng Nam đã nỗ lực vực dậy. Theo bà Nguyễn Thị Linh Phượng, Phó trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở VHTTDL, trong thời gian qua tỉnh tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động nhằm kích cầu và phục hồi du lịch, trong đó việc đăng cai Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 với chủ đề "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh" và tổ chức thành công Lễ Khai mạc và các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện lớn này là cú hích cho du lịch Quảng Nam nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung sớm phục hồi.

Vườn nhãn và chùa Xiêm Cán ở Bạc Liêu: Không gian trải nghiệm văn hóa bản địa độc đáo

Từ lâu, vị ngọt thơm của quả Thanh nhãn Bạc Liêu cùng vẻ đẹp lộng lẫy của chùa Xiêm Cán - ngôi chùa Khmer 135 tuổi luôn để lại ấn tượng cho du khách khi đến thăm quê hương bản Dạ cổ hoài lang. Đặc biệt mới đây, chùa Xiêm Cán được công nhận là "Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL". Việc công nhận này là điều kiện thuận lợi để khu vực vườn nhãn và chùa Xiêm Cán đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, dựa trên kiến trúc nghệ thuật độc đáo của ngôi chùa cùng những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc.

3. Lĩnh vực Thể thao

- TTXVN ngày 8/12 đưa tin:

Đại hội Thể thao toàn quốc 2022: Hà Nội và Nghệ An gặp nhau ở chung kết bóng đá nam

Chiều 7/12, trên Sân vận động Cẩm Phả (thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) đã diễn ra 2 trận bán kết bóng đá nam trong khuôn khổ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022. Kết quả, ở trận bán kết thứ nhất, đội Hà Nội đã vượt qua đội Nam Định với tỷ số 1-0 nhờ bàn thắng của Nguyễn Văn Tùng (số 10). Ở trận bán kết thứ hai, đội Nghệ An cũng giành chiến thắng 1-0 trước đội Thành phố Hồ Chí Minh, với bàn thắng duy nhất được thực hiện do công của Phan Xuân Đại (số 17). Trận chung kết môn bóng đá nam Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 giữa Hà Nội và Nghệ An sẽ diễn ra vào lúc 17 giờ ngày 10/12/2022 trên Sân vận động Cẩm Phả.

Đại hội Thể thao toàn quốc 2022: Phá thêm 1 kỷ lục quốc gia ở môn Lặn

Ngày 7/12, môn thi đấu Lặn trong khuôn khổ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX - năm 2022 tiếp tục diễn ra ngày thứ 3 tại Cung Thể thao dưới nước - Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Trong ngày hôm nay, bộ môn Lặn phá thêm 1 kỷ lục quốc gia. Trong đó, vận động viên Cao Thị Duyên (Thanh Hóa) đạt thành tích 17.94 giây ở nội dung vòi hơi chân vịt 50m nữ, phá kỷ lục quốc gia cũ là 18.27 giây của Nguyễn Thị Tâm (Thanh Hóa) năm 2018.

- Báo Tin tức ngày 8/12 đưa tin:

Thông tin vé và lịch thi đấu các trận sân nhà của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2022

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vừa công bố thông tin bán vé trận đấu đội tuyển Việt Nam - đội tuyển Malaysia; đội tuyển Việt Nam - đội tuyển Myanmar vòng bảng AFF Mitsubishi Electric Cup 2022. Từ ngày 20/12/2022 đến 16/01/2023, tuyển Việt Nam sẽ bước vào tranh tài tại đấu trường khu vực Đông Nam Á AFF Mitsubishi Electric Cup 2022. Theo lịch thi đấu đã được Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á công bố, trận đấu sân nhà giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia diễn ra lúc 19 giờ 30 ngày 27/12, trận đấu đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Myanmar diễn ra lúc 19 giờ 30 ngày 3/1/2023 thuộc vòng bảng giải bóng đá AFF Mitsubishi Electric Cup 2022.

Tuyển Việt Nam chuẩn bị cho "bài kiểm tra" cùng tuyển Philippines

Đội tuyển Việt Nam đang tập luyện tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Giáo án của HLV trưởng Park Hang-seo đã được các trợ lý bám sát và đảm bảo đúng các yêu cầu đặt ra. Ở thời điểm hiện tại, hậu vệ Bùi Tiến Dũng đã trở lại tập luyện bình thường cùng các đồng đội sau 4 ngày phải tập riêng do chấn thương. Sự trở lại của Tiến Dũng được đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh ban huấn luyện đang gấp rút hoàn thiện đội hình cho đội tuyển Việt Nam trước khi di chuyển sang Lào đá trận ra quân tại AFF Mitsubishi Electric Cup 2022.

- Báo điện tử Tổ Quốc ngày 8/12 đưa tin:

Vé xem đội tuyển Việt Nam đá AFF Cup 2022 cao nhất là 600.000 đồng

VFF đã lên kế hoạch phát hành vé hai trận sân nhà của đội tuyển Việt Nam tại vòng bảng AFF Cup 2022. Cụ thể, trận đấu sân nhà giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia lúc 19h30 ngày 27/12/2022, trận đấu đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Myanmar lúc 19h30 ngày 03/01/2023. Các mệnh giá vé vào sân gồm 300.000 đồng, 400.000 đồng, 500.000 đồng và 600.000 đồng.

Việt Nam có 3 trọng tài, giám sát được bổ nhiệm làm nhiệm vụ tại AFF Cup 2022

Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) đã công bố quyết định bổ nhiệm các giám sát trọng tài, trọng tài và trợ lý trọng tài Việt Nam làm nhiệm vụ tại các trận đấu trong khuổn khổ vòng bảng giải vô địch Đông Nam Á (AFF Cup 2022). AFF Cup 2022 sẽ diễn ra diễn ra từ ngày 20/12/2022 đến 3/1/2023. Theo đó, các trọng tài, giám sát Việt Nam sẽ làm việc tại giải đấu này gồm trọng tài Ngô Duy Lân, trợ lý trọng tài Nguyễn Trung Hậu và giám sát Đặng Thanh Hạ.

- Báo điện tử VOV ngày 8/12 đưa tin:

Hà Nội FC tìm ngoại binh "khủng" để bước ra AFC Champions League

Hà Nội FC đang tích cực tìm kiếm ngoại binh chất lượng để phục vụ các mục tiêu ở mùa giải 2023, đặc biệt là tham dự AFC Champions League. Sau khi lập cú đúp vô địch V-League và Cúp Quốc gia ở mùa giải 2022, Hà Nội FC sẽ là đại diện của bóng đá Việt Nam tại AFC Champions League 2023. Đội bóng Thủ đô đang đứng trước bài toán nâng cấp đội hình, nếu muốn gây tiếng vang khi bước ra sân chơi châu lục.

Đại hội Thể thao toàn quốc lần IX: Khởi tranh nội dung bóng rổ 3x3

Kết thúc 7 ngày thi đấu ở nội dung bóng rổ 5x5 với chức vô địch thuộc về nam Sóc Trăng và nữ TP Hồ Chí Minh, các đội tuyển tiếp tục thi đấu nội dung bóng rổ 3x3 tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 trong 3 ngày (6-8/12). Ở nội dung bóng rổ 3x3, có 11 đội tham gia, trong đó 6 đội nữ (Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Thuận, Cần Thơ, Sóc Trăng) và 5 đội nam (Bình Thuận, Hà Nội, Quân Đội, Thành phố Hồ Chí Minh, Sóc Trăng). Thời gian bắt đầu các trận đấu bắt đầu từ 16h hàng ngày tại Nhà thi đấu Trường thể dục thể thao tỉnh Quảng Ninh.

Sắp khởi tranh Giải bóng đá thanh niên sinh viên Việt Nam

Chiều 7/12, tại TP.HCM, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) phối hợp với báo Thanh Niên tổ chức lễ công bố và ký kết hợp tác, ra mắt nhà tài trợ Giải bóng đá thanh niên sinh viên Việt Nam. Giải đấu sẽ chính thức được đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia thường niên của VFF và Giải thể thao sinh viên Việt Nam VUG. Giải đấu được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giao cho Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và báo Thanh Niên phối hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức thường niên vào khoảng thời gian từ kỷ niệm Ngày truyền thống học sinh - sinh viên Việt Nam (9/1) đến chào mừng Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3).

4. Lĩnh vực Gia đình

- Báo Văn Hóa ngày 7/12 đưa tin: "Giới tính không phải là giới hạn của phụ nữ" cho biết: Diễn đàn Phụ nữ trong đổi mới sáng tạo: She-nspiring, She-nnovation tại khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST VIỆT NAM 2022, đồng thời hưởng ứng Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới vừa được tổ chức nhằm tạo cơ hội để giao lưu và kết nối những phụ nữ đã thành công và với đông đảo phụ nữ khác để chia sẻ về câu chuyện của mình, từ đó khuyến khích mỗi cá nhân đổi mới sáng tạo trong chính ngành nghề và lĩnh vực mà họ theo đuổi. Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD - United Way Việt Nam: Nữ giới đóng góp tới 40% của cải cho nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thể hiện nhiều ưu điểm hơn như sử dụng nhiều lao động nữ hơn, chi trả BHXH cao hơn, giải quyết nhiều thách thức xã hội. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, phụ nữ khởi nghiệp lãnh đạo cũng gặp rất nhiều các rào cản để phát triển, đó là sự bất bình đẳng trong thu nhập, vị trí lãnh đạo, các rào cản về quan niệm… và chính bản thân phụ nữ tự đặt ra rào cản cho bản thân và các phụ nữ, em gái khác.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×