Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 6/12/2022

06/12/2022 | 14:22

Kỷ niệm 100 năm Xiếc Việt Nam; Phát động Tuần lễ du lịch TP Hồ Chí Minh lần 2 năm 2022; Lễ xin lửa thiêng và rước đuốc Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- TTXVN ngày 6/12 đưa tin:

Bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2022

Ngày 6/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu trong năm 2022. Đây là sự kiện thường niên trở lại sau khoảng thời gian gián đoạn vì COVID-19. Danh sách 15 sự kiện được giới thiệu để bình chọn bao gồm các sự kiện tiêu biểu nhất trong năm ở các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình, được ban tổ chức tổng hợp, tham vấn ý kiến các đơn vị liên quan, báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL).

Trao giải Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia 'Tự hào một dải biên cương'

Tối 5/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương; Bộ Ngoại giao; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật Tự hào một dải biên cương lần thứ 2-năm 2022. Chỉ trong vòng 5 tháng, Ban Tổ chức đã nhận được gần 10.000 bức ảnh tham gia dự thi, với 5.765 ảnh đơn và 503 ảnh bộ của 1.000 tác giả đến từ 63 tỉnh, thành phố. Cùng với sự gia tăng về số lượng, chất lượng các tác phẩm tham dự Cuộc thi năm nay cũng được nâng lên rõ rệt.

Hà Nội giành giải nhất toàn đoàn Hội thi 'Giai điệu tuổi hồng' toàn quốc năm 2022

Phát biểu tổng kết hội thi, ông Phạm Hùng Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Hội thi "Giai điệu tuổi hồng" toàn quốc lần thứ XII - 2022 đã thành công tốt đẹp. Giải Nhất toàn đoàn thuộc về Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội. Hai đoàn giành giải Nhì là: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên. Bốn đoàn giành giải Ba gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình; Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh; Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk; Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá.

-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 6/12 đưa tin:

Cơ hội và thách thức của Việt Nam khi gia nhập 2 Hiệp ước WCT và WPPT về bản quyền

Năm 2022 đánh dấu một bước tiến quan trọng của lĩnh vực bản quyền Việt Nam khi Việt Nam gia nhập Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra nhiều cơ hội, đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

Hội thảo Văn hóa 2022: Xây dựng thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa

Tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa". Hội thảo nhằm tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm, chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Gìn giữ, phát triển nghệ thuật gốm Bàu Trúc

Nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào tối ngày 29/11/2022. Gìn giữ, phát triển nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc- làng nghề gốm cổ nhất khu vực Đông Nam Á là trách nhiệm và nghĩa vụ của không chỉ người Chăm ở Bàu Trúc để không mai một đi một di sản độc đáo.

-Báo Tin tức ngày 6/12 đưa tin:

Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội hoa Tớ Dày ở vùng cao Mù Cang Chải

Lễ hội hoa Tớ Dày sẽ khai mạc vào ngày 24/12/2022. Đây là lần đầu tiên huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) tổ chức lễ hội này. Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Sắc thắm Tớ Dày Mù Cang Chải" dự kiến khai mạc vào 19 giờ 30 ngày 24/12 tại sân Tiểu khuôn viên - thị trấn Mù Cang Chải. Chương trình nghệ thuật sẽ có các tiết mục nghệ thuật, thực cảnh giới thiệu tổng quan về huyện vùng cao Mù Cang Chải, những tiềm năng du lịch, định hướng phát triển; quảng bá, giới thiệu giá trị to lớn ruộng bậc thang, những phong tục tập quán, kết tinh văn hóa lễ hội, nét đẹp độc đáo của hoa Tớ Dày, các lễ hội độc đáo, ẩm thực trong dịp Tết...

Hòa nhạc tối 6/12 sẽ có sự tham gia của các nhạc công không chuyên

Các nghệ sỹ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO) và Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam (VYO) sẽ trình diễn nhiều tác phẩm đặc sắc trong chương trình hòa nhạc diễn ra ra tối 6/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội (Family Concert). Đặc biệt, đêm nhạc có sự tham gia của nhạc công không chuyên cùng sự chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật Bản - Honna Tetsuji. Chương trình sẽ là nơi những nghệ sỹ chuyên nghiệp, người trẻ nhiệt huyết và nhạc công đam mê đến từ cộng đồng cùng hòa âm, chia sẻ niềm vui chơi nhạc cùng nhau.

Phát hiện hàng chục hiện vật trong ngôi mộ nghi có niên đại hàng nghìn năm

Liên quan đến việc phát hiện hàng chục di vật ở một ngôi mộ cổ trong quá trình đào móng xây dựng khu nhà hiệu bộ ở trường Trung học cơ sở Hàm Rồng (phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa), ngày 5/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết, đã cử các đơn vị chuyên môn tiến hành kiểm tra, nghiên cứu giá trị văn hóa của di vật.

- Báo Hà Nội mới ngày 6/12 đưa tin:

Hà Nội: Giữ gìn, bảo tồn các yếu tố gốc của di tích

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 4033/UBND-KGVX về thực hiện đúng quy định trong hoạt động tu bổ di tích thuộc địa bàn thành phố. Theo đó, để bảo đảm nguyên tắc, tính đặc thù trong hoạt động tu bổ di tích nhằm giữ gìn, bảo tồn các yếu tố gốc của di tích theo ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật có liên quan khi triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Trưng bày tài liệu lưu trữ "Hà Nội, ký ức 12 ngày đêm - Điện Biên Phủ trên không"

Xúc động, tự hào, khơi dậy khát vọng cống hiến - là những cảm xúc của các đại biểu, công chúng tham dự Lễ khai mạc Trưng bày tài liệu lưu trữ "Hà Nội, ký ức 12 ngày đêm - Điện Biên Phủ trên không". Trưng bày do Chi cục Văn thư - Lưu trữ Hà Nội (Sở Nội vụ Hà Nội) phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm quân và dân ta chiến thắng cuộc tập kích đường không quy mô lớn của đế quốc Mỹ (12/1972 - 12/2022).

- Báo Văn hóa ngày 5/12 đưa tin:

Diễn đàn "Văn hóa với Doanh nghiệp" năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Chiều sâu văn hóa giúp doanh nghiệp không đơn thuần chạy theo lợi nhuận

Diễn đàn quốc gia "Văn hóa với Doanh nghiệp" năm 2022 với chủ đề Chấn hưng Văn hóa - Nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững đã diễn ra sáng 3.12 tại Hà Nội. Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Diễn đàn năm nay được tổ chức với chủ đề "Chấn hưng văn hóa - nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững" nhằm phát huy nhân tố văn hóa trong phát triển kinh tế, tạo ra những bước phát triển mới, bền vững. Bộ trưởng khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp được xem như "trái tim của nền kinh tế", đóng góp hết sức quan trọng vào những kỳ tích của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Chuẩn bị "hoán đổi" nhà di tích số 7 Lý Chính Thắng và căn nhà số 9 liền kề

Liên quan đến căn nhà số 7 Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM (di tích lịch sử quốc gia), thông tin từ Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết, đơn vị chuẩn bị tổ chức nghiệm thu và bàn giao nhà số 9 Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM cho gia đình ông Ngô Văn Lập quản lý, sử dụng. Được biết, đây là căn nhà được TP.HCM đồng ý hoán đổi theo nguyện vọng của gia đình. Câu chuyện chủ nhà của di tích lịch sử quốc gia Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân 1968 tại số 7 Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM từng nhiều lần viết đơn muốn trả lại bằng xếp hạng đến đây đã khép lại với cái kết thật sự có hậu. Hiện công tác sửa chữa, cải tạo căn nhà đã hoàn thành, chỉ còn vài hôm nữa sẽ bàn giao cho gia đình.

Giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt Nam - Ấn Độ

Tối 4.12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM tổ chức "Chương trình múa cổ điển Ấn độ". Đây là một trong những sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng, nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm (1972 - 2022) thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ. Phát biểu tại chương trình, ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM cho biết: " Hai nước Ấn Độ và Việt Nam đã có mối quan hệ thân tình từ rất lâu. Năm 2022, có hai dấu mốc sự kiện quan trọng, đáng nhớ của đất nước chúng tôi, đó là sự kiện kỷ niệm 75 năm Ngày độc lập nước Cộng hoà Ấn Độ và cột mốc đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ. Để kỷ niệm hai sự kiện này, Chính phủ Ấn Độ đã tổ chức nhiều hoạt động, Chính phủ Việt Nam cũng đề xuất tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động tương tự.

-TTXVN, báo điện tử Tổ Quốc, báo Văn Hóa và nhiều báo khác ngày 6/12 đưa tin: "Kỷ niệm 100 năm Xiếc Việt Nam" cho biết: Ngày 5/12, tại Rạp xiếc Trung ương, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 100 năm Xiếc Việt Nam, tôn vinh những đóng góp to lớn của cố Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Duy Hiển. Ngày 5/12/1922, cách đây tròn 100 năm về trước, chương trình biểu diễn mang tên "Xiếc Việt Nam" do Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Duy Hiển đặt tên và ra mắt khán giả đã đi vào lịch sử của ngành Xiếc Việt Nam. Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Duy Hiển với tinh thần tự tôn dân tộc và tình yêu đất nước đã khởi tạo những viên gạch đầu tiên cho nghệ thuật xiếc hiện đại ngày nay. Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Duy Hiển đã làm việc, cống hiến nhiều tài sản phục vụ cho kháng chiến, tình yêu nghề và sự sáng tạo, tận hiến của người nghệ sỹ đã góp phần xây dựng những trang đẹp nhất của lịch sử nghệ thuật xiếc Việt Nam.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 6/12/2022 - Ảnh 1.

Khánh thành Khu tưởng niệm Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Duy Hiển. Ảnh: TTXVN

2.Lĩnh vực Du lịch

- TTXVN ngày 6/12 đưa tin:

Phát động Tuần lễ du lịch TP Hồ Chí Minh lần 2 năm 2022

Sáng 5/12, UBND TP Hồ Chí Minh và Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ thượng cờ tại không gian di tích Cột cờ Thủ ngữ và Cột cờ ASEAN - công viên Bến Bạch Đằng (Quận 1), mở đầu cho Tuần lễ du lịch TP Hồ Chí Minh lần 2 năm 2022. Phát biểu tại lễ phát động, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Tuần lễ du lịch TP Hồ Chí Minh lần 2 năm 2022 với chủ đề "Bừng sắc lễ hội - Thỏa sức khám phá" diễn ra từ ngày 5 - 11/12 sẽ có hàng loạt chuỗi sự kiện du lịch, thể thao, âm nhạc giàu tính trải nghiệm phục vụ cộng đồng và khách du lịch trong nước, quốc tế.

Đánh thức tiềm năng du lịch Vân Hồ, Sơn La

Huyện Vân Hồ nằm trong vùng quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cùng nhiều nét văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc các dân tộc. Để phát huy lợi thế, huyện Vân Hồ đã xây dựng Chương trình hành động về phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025. Trong đó, đề ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, có sự tương hỗ của ngành nông nghiệp; sản phẩm du lịch có chất lượng, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc.

Xu hướng du lịch nào sẽ 'lên ngôi' trong năm 2023

Bất chấp bối cảnh kinh tế và địa chính trị phức tạp trên toàn thế giới, 72% người dân vẫn có nhu cầu đi du lịch. Nếu năm 2022 là năm của sự trở lại đầy thắng lợi của ngành du lịch sau đại dịch COVID-19, thì nghiên cứu mới đây của trang Booking.com, năm 2023 sẽ là năm của sự đổi mới sáng tạo.

-Báo điện tử VOV ngày 6/12 đưa tin:

Phát triển sản phẩm để Đền Hùng hút khách quanh năm

Thời gian gần đây, ngành du lịch Phú Thọ, Khu di tích lịch sử Đền Hùng cùng các doanh nghiệp du lịch đã phối hợp tạo ra nhiều sản phẩm mới, nhằm khắc phục tính mùa vụ và khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa tại Đền Hùng. Trong dịp Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc tại Phú Thọ từ ngày 2- 4/12 vừa qua, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Phú Thọ đã giới thiệu 4 tour du lịch độc đáo tới du khách, trong đó Khu di tích lịch sử Đền Hùng là điểm nhấn quan trọng.

Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa năm 2023 có chủ đề "Khát vọng phát triển"

Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa là Lễ hội tổng hợp các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, phản ánh những nét văn hóa truyền thống và đương đại được tỉnh Khánh Hòa tổ chức vào các năm lẻ. Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa là Lễ hội tổng hợp các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, phản ánh những nét văn hóa truyền thống và đương đại được tỉnh Khánh Hòa tổ chức vào các năm lẻ. 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Khánh Hòa không thể tổ chức Festival Biển 2021. Năm 2023, tỉnh này có kế hoạch tổ chức chương trình Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa với chủ đề "Khánh Hòa - Khát vọng phát triển."

Lạng Sơn triển khai du lịch thông minh tại các điểm đến thu hút khách

Ðể phục hồi sau những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, chuyển đổi số được coi là giải pháp, cũng là hướng đi tất yếu giúp ngành du lịch tăng tốc bứt phá và phát triển bền vững. Thời gian qua, Lạng Sơn cũng đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động chuyển đổi số gắn với du lịch thông minh.

-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 6/12 đưa tin:

Quảng Nam phát triển công nghiệp văn hóa gắn với các sản phẩm du lịch

Sở hữu nhiều di tích, di sản văn hóa, tỉnh Quảng Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có du lịch văn hóa. Điều kiện tự nhiên, con người và nền tảng văn hóa mà Quảng Nam có được là tiền đề để phát triển du lịch bền vững. Quảng Nam luôn có sức hút đối với du khách trong và ngoài nước, bởi tỉnh này sở hữu các di sản văn hóa thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng hơn 432 di tích (gồm 4 di tích quốc gia đặc biệt, 63 di tích quốc gia và 365 di tích cấp tỉnh).

2 nữ du khách Pháp xúc động khi được giúp đỡ tìm lại tài sản để quên trên taxi

Tối 5/12, Ban Quản lý chợ Đông Ba (TP Huế) cho biết, nhờ sự giúp đỡ của các tiểu thương tại chợ và một tài xế taxi, 2 nữ du khách nước ngoài đã nhận lại được túi xách chứa tài sản cùng nhiều giấy tờ tùy thân quan trọng. Trước đó, vào trưa cùng ngày, anh Lê Văn Cường (41 tuổi, lái xe taxi Vàng chi nhánh Huế) nhận lệnh từ tổng đài đến đường Lê Quý Đôn, TP Huế đón 2 nữ du khách người Pháp đến tham quan, mua sắm tại chợ Đông Ba. Khi đến chợ Đông Ba, xuống xe rời đi thì 2 du khách này mới biết để quên túi xách trên xe.

Sức hút của những điểm đến khác biệt tại Quảng Bình

Tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức hội thảo Xúc tiến, đầu tư du lịch - động lực phát triển ngành kinh tế mũi nhọn" với sự tham gia của hàng trăm đại biểu và hội thảo này giúp tỉnh Quảng Bình nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia đánh giá về những tiềm năng mà tỉnh Quảng Bình có được để thu hút khách du lịch trong thời gian tới.Tỉnh Quảng Bình là địa phương có rất nhiều tiềm năng về điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch với hệ thống hang động nổi tiếng, những bãi biển trải dài và có nhiều di tích lịch sử - văn hoá nổi tiếng đã tạo nên sức hút của điểm đến khác biệt…

- Báo Nhân Dân ngày 21/4 đưa tin:

Khởi sắc du lịch Thanh Hóa

Phục hồi, làm mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, dịch vụ, năm 2022, hoạt động du lịch ở Thanh Hóa tăng trưởng nhanh, sôi động trở lại. Cùng với việc thu hút, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án du lịch quy mô lớn; năm 2022 tỉnh Thanh Hóa sớm khởi động, công bố biểu trưng du lịch, phát động kích cầu du lịch và đón khách du lịch quốc tế. Các địa phương có khu, điểm du lịch nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hiện có, động viên doanh nghiệp giảm giá, cam kết về chất lượng, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh, an toàn, hấp dẫn.

7 dự báo xu hướng du lịch cho năm 2023

Mọi người trên khắp thế giới đang cảm thấy lạc quan hơn rất nhiều về du lịch năm 2023 so với 2022, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Mới đây Booking.com đã ủy nhiệm thực hiện một nghiên cứu chuyên ngành và đưa ra 7 dự đoán về xu hướng du lịch cho 2023. Những cabin ẩn mình, bữa tối bên lửa trại và những chiếc la bàn - đại diện cho các chuyến đi "ngoài vùng phủ sóng", sẽ được tìm kiếm nhiều hơn bao giờ hết trong năm 2023.

Điểm nhấn hấp dẫn cho du lịch nông nghiệp ở Nhật Bản

Fukushima là tỉnh nằm ở vùng duyên hải của Đông Bắc Nhật Bản chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp trong những năm gần đây. Những vườn cây trĩu quả còn được xem như biểu tượng cho sự phục hồi và phát triển của ngành nông nghiệp công nghệ cao và an toàn. Fukushima giờ đây còn được biết đến là "Vương quốc trái cây" của Nhật Bản. Đây cũng được coi là trung tâm của ngành du lịch nông nghiệp không chỉ của tỉnh Fukushima mà cả đất nước Mặt trời mọc.

- Báo Văn hóa ngày 6/12 đưa tin:

Hội chợ du lịch quốc tế Đà Nẵng 2022 sẽ đón khoảng 60 - 80 doanh nghiệp lữ hành quốc tế

Hội chợ du lịch quốc tế Đà Nẵng 2022 (VITM Đà Nẵng 2022) sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch ở Đà Nẵng và miền Trung quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và phát triển quan hệ kinh doanh với các đối tác. Dự kiến, Hội chợ diễn ra từ ngày 9 đến 11.12.2022 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm thành phố Đà Nẵng với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong nước và quốc tế. Chuỗi sự kiện do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp UBND thành phố, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tổ chức nhằm thúc đẩy hệ thống doanh nghiệp du lịch cả nước triển khai các hoạt động cụ thể để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế.

Phát triển du lịch chùa Khmer

Vùng đồng bằng sông Cửu Long nhiều ngôi chùa Khmer có kiến trúc độc đáo, rực rỡ sắc màu, đa dạng loại hình nghệ thuật gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào Khmer là nơi chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc của đồng bào Khmer. Trong đó, việc phát huy bản sắc văn hóa, giá trị của chùa Khmer để thu hút du khách là những tín hiệu đáng mừng. Thời gian qua, các tỉnh có đông đồng bào Khmer kết hợp với du lịch và văn hóa Khmer để khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn mang tính đặc thù của đồng bào dân tộc

Đột phá để phát triển bền vững

Cần có lộ trình khôi phục, phát triển, tái cấu trúc các điểm đến du lịch, tái cấu trúc hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng; tái cấu trúc thị trường gửi và nhận khách để đón các đối tượng khách phù hợp. Đó là ý kiến của một số đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học quốc tế chủ đề "Đổi mới và phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19", do Trường Đại học Khánh Hòa phối hợp với Trường Đại học Anh quốc Việt Nam tổ chức.

3.Lĩnh vực Thể thao

-TTXVN ngày 6/12 đưa tin:

Lễ xin lửa thiêng và rước đuốc Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022

Chiều 5/12, Lễ xin lửa và rước đuốc Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc đã diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội). Tham dự Lễ xin lửa có 9 vận động viên tiêu biểu, đã mang về nhiều thành tích cao cho thể thao Việt Nam. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 21/12, với sự tham gia của 65 đơn vị, gồm 63 tỉnh, thành phố và 2 đơn vị công an, quân đội. Đây là kỳ Đại hội có quy mô lớn nhất trong lịch sử, với số lượng người tham dự lên tới hơn 17.000 người.

Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX – năm 2022: Xác lập hai kỷ lục quốc gia mới

Ngày 5/12, tại Cung Thể thao dưới nước – Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) đã diễn ra môn Lặn trong khuôn khổ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX – năm 2022. Ngày đầu tiên thi đấu, hai kỷ lục quốc gia mới được xác lập. Sau vòng loại vào buổi sáng, vòng chung kết ở 7 nội dung trên diễn ra 18 giờ cùng ngày. Sau cuộc tranh tài gay gắt, Huy chương Vàng ở các nội dung đã được trao. Trong đó vận động viên Cao Thị Duyên (Thanh Hóa) giành thắng lợi ở nội dung vòi hơi chân vịt 100m nữ với thành tích 40.09 giây, phá kỷ lục quốc gia và kỷ lục đại hội năm 2018 là 40.62 giây.

-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 6/12 đưa tin:

ĐT Việt Nam bắt đầu lắp ráp đội hình cho AFF Cup 2022

Chiều 5/12, đội tuyển Việt Nam có buổi tập thứ 4 trên sân Bà Rịa và bước vào giai đoạn đá đối kháng cũng như lắp ráp đội hình. Buổi tập thứ 4 tại sân Bà Rịa này, các cầu thủ lần đầu tiên sử dụng đến các chiếc áo theo dõi chỉ số. Vào ngày mai, đội tuyển Việt Nam sẽ tập luyện buổi thứ 5 tại sân Bà Rịa vào buổi chiều .

Ông Đặng Thanh Hạ thay ông Dương Văn Hiền làm Trưởng ban trọng tài VFF

Hội nghị BCH LĐBĐ Việt Nam chiều 5/12 tại Hà nội đã biểu quyết ông Đặng Thanh Hạ thay ông Dương Văn Hiền làm trưởng Ban trọng tài. Ông Hiền là Trưởng ban trọng tài VFF khóa 8 (nhiệm kỳ 2018 - 2022). Ông từng là trọng tài FIFA, giành danh hiệu "Còi vàng" ba năm liên tiếp 2007, 2008 và 2009. Trước khi trở thành Trưởng ban trọng tài, ông Đặng Thanh Hạ là Uỷ viên Ban trọng tài khóa 8. Trong năm 2022, ông Hạ được Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) phân công tham gia điều hành tại giải bóng đá vô địch Đông Nam Á (AFF Cup 2020) tại Singapore.

Cháy vé AFF Cup 2022 "ghế đẹp" tại Thái Lan, Singapore mở bán vé trận đấu với Việt Nam

Một số Liên đoàn bóng đá đã bắt đầu mở bán vé xem AFF Cup 2022 cho người hâm mộ. Tại Thái Lan, dù thiếu vắng ngôi sao số 1 là Chanathip Songkrasin nhưng các hạng vé tốt vẫn "cháy hàng". Cụ thể, sau 1 ngày mở bán đợt 1, vé của khu vực ghế đẹp của sân vận động Thammasat (ngồi chính giữa chiều ngang sân) đã được bán hết. Đây cũng là khu vực đắt nhất dành cho CĐV Thái Lan với giá trị là 600 bath (hơn 400 nghìn đồng).

- Báo Hà Nội mới ngày 6/12 đưa tin:

Hà Nội giành 3 Huy chương vàng môn đấu vật tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX

Chiều 5-12, tại Nhà thi đấu Gia Lâm (Hà Nội), môn đấu vật tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, đã diễn ra phần thi chung kết một số hạng cân nội dung vật tự do nam gồm 53kg, 57kg, 61kg, 65kg, 70kg. Ở hạng 53kg, Huy chương vàng thuộc về vận động viên Phạm Như Duy (Quân đội); Huy chương bạc thuộc về Nguyễn Hữu Tiệp (Hà Nội); Huy chương đồng thuộc về hai vận động viên Hoàng Văn Lợi (Thanh Hóa), Phạm Văn Vũ (Huế).

147 vận động viên dự tranh môn lặn Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX

Ngày 5-12, môn lặn Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 đã bước vào tranh tài tại Cung Thể thao dưới nước quốc gia (Mỹ Đình). Môn lặn là môn thứ 2 thuộc nhóm thể thao dưới nước tại Đại hội thể thao toàn quốc IX thi đấu (trước đó, môn nhảy cầu đã kết thúc ở Quảng Ninh). Theo lịch thi đấu, môn lặn sẽ diễn ra từ ngày 5 tới 8-12.

Nguyễn Thị Bích Ngọc giành Huy chương vàng Giải kurash vô địch thế giới 2022

Giải kurash vô địch thế giới 2022 vừa kết thúc tại Ấn Độ, vận động viên đội tuyển kurash Việt Nam Nguyễn Thị Bích Ngọc thi đấu xuất sắc giành Huy chương vàng hạng 57kg nữ. Đây là tin mừng cho các vận động viên kurash Việt Nam trước khi có mặt thi đấu Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX sắp tới.

-Báo Văn Hóa ngày 5/12 đưa tin:

Bước "chạy đà" thuận lợi của thể thao Hà Nội

Đoàn thể thao Hà Nội đang khởi đầu khá suôn sẻ tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 khi đang dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương sau ngày thi đấu 4.12. Đây được xem là bước "chạy đà" hoàn hảo của Đoàn thể thao Thủ đô trong mục tiêu giành ngôi nhất toàn đoàn như kỳ Đại hội 4 năm trước.  Với tinh thần quyết tâm cao, thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, các VĐV Hà Nội đã có khởi đầu thành công ở những bộ môn đầu tiên của Đại hội năm nay. Rowing, môn thi đấu mở màn của Đại hội vốn không phải là thế mạnh của thể thao Hà Nội nhưng các tay chèo Thủ đô đã thi đấu khá thành công khi giành được 3 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ,

HLV Park Hang-seo tạm chia tay tuyển Việt Nam để trở về Hàn Quốc

Chiều 4.12, đội tuyển Việt Nam đã có buổi tập thứ hai tại Bà Rịa – Vũng Tàu để chuẩn bị cho chiến dịch AFF Cup 2022. Kết thúc buổi tập, HLV trưởng Park Hang-seo cũng tạm chia tay các học trò để trở về Hàn Quốc nhận huân chương vì sự nghiệp ngoại giao Hàn Quốc - Heungin. Đây là phần thưởng cao quý của Chính phủ Hàn Quốc nhằm tôn vinh những đóng góp của HLV Park Hang-seo cho sự nghiệp thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, nâng cao sức mạnh quốc gia giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Hội nghị khoa học toàn quốc "Thể thao hội nhập và phát triển bền vững"

Mới đây, Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc với chủ đề "Thể thao hội nhập và phát triển bền vững". Tham dự có gần 500 đại biểu từ các Trường Đại học thể thao, các khoa giáo dục thể chất của các trường Đại học và các đơn vị thể thao trong cả nước. Hội nghị là diễn đàn chia sẻ, trao đổi những kết quả và kinh nghiệm nghiên cứu, để công tác khoa học công nghệ thể dục thể thao của đất nước ngày càng phát triển. Sau phiên khai mạc, các đại biểu đã được nghe các báo cáo về kết quả nghiên cứu được đăng tải trong Tạp chí khoa học của trường với các chủ đề như: phát triển thể thao bền vững - xu thế và định hướng; thực trạng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại các sự kiện thể thao quần chúng; Ảnh hưởng của chương trình tập luyện thể dục thể thao can thiệp phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng cho trẻ tự kỷ.

4.Lĩnh vực Gia đình

-Báo Hà Nội mới ngày 6/12 đưa tin: "Nâng cao kiến thức pháp luật cho hội viên phụ nữ" cho biết: Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với các phong trào thi đua. Qua đó, nâng cao sự hiểu biết, kiến thức pháp luật cho hội viên…Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội còn duy trì hoạt động của Hội đồng Tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em; duy trì 184 nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật; 74 tổ tư vấn tham gia giải quyết vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em; 438 tủ sách, ngăn sách, túi sách pháp luật; 15 câu lạc bộ "Phòng, chống buôn bán phụ nữ trẻ em"...; biên soạn, cung cấp 25.000 sổ tay tuyên truyền pháp luật, tờ rơi, tờ gấp đến cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân. Thông qua hoạt động này đã trang bị kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, hội viên.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×