Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 7/12/2020

07/12/2020 | 15:01

Triển lãm ảnh về 24 di sản thế giới của Việt Nam; HLV Park Hang Seo đặt 4 mục tiêu cho đội tuyển Việt Nam; Liên hoan ẩm thực quốc tế lần thứ 8 tại Hà Nội là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- Báo Nhân Dân ngày 7/12 đưa tin:

Thực trạng khó khăn của đạo diễn sân khấu hiện nay

Ðạo diễn là tác giả để có được một vở diễn hoàn chỉnh, là người quyết định phong cách, toàn quyền lựa chọn ê-kíp cùng sáng tạo từ diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ...Tuy nhiên, trên thực tế, quyền hành của họ đến đâu lại là chuyện khó nói, nhất là với những đơn vị xã hội hóa. Sân khấu có tiếp tục tỏa sáng, tiếp tục trở thành món ăn tinh thần được ưa thích của công chúng hay không, trông chờ rất nhiều vào sự đổi mới, năng động, sáng tạo và nhiệt huyết của các thế hệ đạo diễn đang tiếp đuốc, thắp sáng ngọn lửa nghệ thuật.

Kết thúc cuộc thi tài năng trẻ diễn viên cải lương toàn quốc năm 2020

Sau 10 ngày tranh tài sôi nổi, cuộc thi tài năng trẻ diễn viên cải lương toàn quốc năm 2020 đã kết thúc tối 4-12 tại TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Cuộc thi do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau tổ chức với sự tham dự của 53 thí sinh thuộc 19 đơn vị nghệ thuật trong cả nước, đăng ký thi 51 trích đoạn cải lương. Ban giám khảo cuộc thi đã trao sáu Huy chương vàng, 14 Huy chương bạc cho các thi sinh; ba đoàn cải lương: Trần Hữu Trang, Hương Tràm, Long An được trao tặng bằng khen.

Khởi hành Lễ cung rước an vị Tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông

Chiều 6-12 (tức 22 tháng 10 âm lịch), tại Đền Thái Tổ Trần Thừa, huyện Mỹ Lộc (Nam Định), đã diễn ra lễ dâng hương, khởi hành cung rước và an vị Tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Sự kiện được tổ chức nhân dịp Đại lễ tưởng niệm 712 năm Ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn dưới sự chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với sự phối hợp của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các địa phương: Nam Định, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang cùng nhiều tổ chức, đơn vị liên quan.

- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 7/12 đưa tin: Số hóa bảo tàng: Mặc 'áo mới' cho hiện vật cho biết: Trong những năm qua việc số hóa các di sản, bảo vật, hiện vật… tại bảo tàng đang xu hướng nhằm tiếp cận người xem. Tuy nhiên, với sự chuyển mình của công nghệ việc thích ứng này vẫn còn khá chậm chạp. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức đợt trưng bày "Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý" bằng công nghệ thực tế ảo từ kết quả nghiên cứu của nhóm SEN Heritage. Đây có thể được xem một dự án số hóa được đầu tư bài bản trong việc gắn kết di sản và công nghệ.

- Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 7/12 đưa tin: "Xã hội hóa văn hóa nghệ thuật ở TPHCM: Diện mạo mới từ sự chung tay" cho biết: Nếu hỏi về "thành tựu" lớn nhất của công tác XHH VHNT ở TPHCM là gì, chắc chắn đó là sự thụ hưởng của người dân với các sản phẩm đa dạng, chất lượng và hội nhập. Nói như khán giả Nguyễn Hùng (54 tuổi, quận Phú Nhuận): "So với cách đây gần 30 năm, tôi thực sự thích thú khi mở bất kỳ kênh sóng nào cũng có vô số chương trình giải trí và việc theo dõi trên các nền tảng trực tuyến cũng nhiều thuận lợi, không còn lo lắng sẽ bị bỏ lỡ chương trình chất lượng".

- Báo điện tử Người Lao động ngày 6/12 đưa tin: "Mơ số hóa mặt nạ tuồng" cho biết: Hiện bộ sưu tập mặt nạ tuồng được tái hiện từ 40 năm trước vẫn được bảo quản tốt tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và thường xuyên được trưng bày trong các hoạt động quảng bá văn hóa. Ở nghệ thuật tuồng, khi nhân vật bước ra sân khấu lần đầu tiên, bên cạnh việc diễn viên phải biết vận dụng các yếu tố như ngôn ngữ, giọng nói, động tác hình thể… thì mặt nạ và nghệ thuật hóa trang là những yếu tố quan trọng để giới thiệu với khán giả một cách nhanh chóng về tính cách nhân vật.

-TTXVN ngày 6/12 đưa tin:

Bảo quản, tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Nhiệm vụ lập Quy hoạch xác định đặc trưng, nhận diện các giá trị tiêu biểu của Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương; đánh giá khả năng khai thác; những hạn chế, khó khăn; các vấn đề cần giải quyết trong quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.

Bảo tồn văn hóa, chữ viết - gìn giữ diện mạo văn hóa riêng của mỗi dân tộc

Những năm qua, đi đôi với phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, đào tạo nghề, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống cùng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai đồng bộ, hiệu quả ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Để gìn giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới nội dung hoạt động sưu tầm, kiểm kê, trưng bày hiện vật để phát huy giá trị di sản văn hóa ở 3 bảo tàng cấp Trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh. Nhiều địa phương đầu tư ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện các đề án, dự án bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống hiệu quả.

- Báo Hà Nội mới ngày 7/12 đưa tin:

Sản xuất phim tài liệu nghệ thuật về đại thi hào Nguyễn Du

Bảo tàng Báo chí Việt Nam, ngày 5-12, phối hợp với Công ty cổ phần Không gian văn hóa Việt - Media giới thiệu bộ phim tài liệu nghệ thuật "Đại thi hào Nguyễn Du", nhân kỷ niệm 200 năm Ngày mất đại thi hào Nguyễn Du. Bộ phim có 3 phần, mỗi phần 80 phút, gồm: Gia thế và tuổi thơ; Phong trần và thơ ca; Truyện Kiều và lan tỏa, được thực hiện theo hình thức kết hợp tư liệu, phỏng vấn các nhà khoa học, diễn hoạt cảnh nghệ thuật với sự tham gia của các diễn viên.

Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng: "Đòn bẩy" từ xã hội hóa

Nếu như sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý và đơn vị công lập là nền tảng phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, thì nguồn lực xã hội hóa chính là "đòn bẩy" thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động khuyến đọc, đưa tri thức đến cộng đồng với quy mô và hình thức đa dạng, tạo thành phong trào, từng bước xây dựng, phát triển thói quen đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân.

Quảng bá văn hóa dân gian đương đại

Sau thành công của lần tổ chức đầu tiên vào năm 2019, Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại tiếp tục trở lại vào trung tuần tháng 12-2020, nhằm tôn vinh, quảng bá văn hóa dân gian của Hà Nội tới công chúng Thủ đô và du khách khắp mọi miền đất nước. Sự kiện cũng góp phần bảo vệ và phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại thông qua các thiết kế sáng tạo, thúc đẩy phát triển thương hiệu "Thành phố sáng tạo" cho Thủ đô Hà Nội.

- Báo Văn hóa ngày 6/12 đưa tin: "Liên hoan dân ca và hô hát bài chòi thành phố Đà Nẵng mở rộng năm 2020" cho biết: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh (thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng) tổ chức công diễn, tổng kết và trao giải cho các tiết mục xuất sắc nhất trong Liên hoan dân ca và hô hát bài chòi thành phố mở rộng năm 2020. Liên hoan hát dân ca, hô hát bài chòi thành phố Đà Nẵng mở rộng năm 2020 có 31 tiết mục, 110 diễn viên, nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công của 6 đơn vị quận, huyện trên địa bàn thành phố và 6 cá nhân các tỉnh tham gia. Các tiết mục trong liên hoan có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước; hát về Đảng, Bác Hồ kính yêu; giới thiệu và ngợi ca về thành phố Đà Nẵng… được thể hiện dưới hình thức hát đơn ca, song ca, tốp ca các bài dân ca có đủ các làn điệu cơ bản của bài chòi và các làn điệu dân ca khu vực Nam Trung Bộ; diễn xướng nghệ thuật hô hát bài chòi trên sân khấu.

- Báo điện tử Đại Đoàn Kết, Báo An ninh Thủ đô và nhiều báo khác ngày 6/12 đưa tin: "Triển lãm ảnh về 24 di sản thế giới của Việt Nam" cho biết: 160 bức ảnh về 24 di sản thế giới của Việt Nam, đang được trưng bày tại triển lãm ảnh do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp cùng UBND huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) tổ chức. Triển lãm nhằm giới thiệu tới người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế về các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam; thúc đấy mong muốn đến khám phá, tìm về cội nguồn của những di sản qua đó góp phần quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 10-12 tại huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 7/12/2020 - Ảnh 1.

Triển lãm ảnh về 24 di sản thế giới của Việt Nam - Ảnh: Báo An ninh Thủ đô

2.Lĩnh vực Du lịch

- Báo điện tử Biên Phòng ngày 7/12 đưa tin: "Du lịch Phú Yên chưa bứt phá, vì sao?" cho biết: Thời điểm vài năm trước, sau hiệu ứng của bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" với nhiều cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ được quay tại Phú Yên khiến tỉnh này nổi lên như một hiện tượng về du lịch, lượng du khách đến đây tăng vọt. Thế nhưng, vùng đất duyên hải Nam Trung bộ này đã không giữ vững được "phong độ", lượng khách du lịch nhanh chóng chững lại.

- Báo điện tử Vnexpress ngày 7/12 đưa tin:

Những trào lưu du lịch chỉ xuất hiện trong năm 2020

Du lịch ảo, các khách sạn 5 sao giảm giá kịch sàn trong kỳ nghỉ lễ, những chuyến bay không đi đến đâu... là trào lưu xuất hiện nhiều nhất. Covid-19 bùng phát khiến ngành du lịch thế giới có một năm lao đao và tổn thất nặng nề. Để cố gắng tồn tại trong mùa dịch, nhiều đơn vị lữ hành, hàng không, khách sạn khắp thế giới liên tục nghĩ ra các xu hướng mới để phục vụ khách hàng. Dưới đây là một số trào lưu du lịch phổ biến nhất trong năm qua.

Một số địa phương kiểm soát chặt chẽ khách từ TP HCM

Khách từ quận Tân Bình, Bình Tân, 6, 10 (TP HCM) đến Quảng Bình, Quảng Nam được yêu cầu tự cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày. Tất cả trường hợp đến, trở về Quảng Bình từ TP HCM kể từ ngày 18/11 sẽ phải khai báo y tế và được giám sát chặt chẽ. Nếu có các triệu chứng sốt, ho, khó thở, đau họng, người dân và du khách phải lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định. Đặc biệt, các trường hợp đến, trở về từ các quận Tân Bình, Bình Tân, quận 6, quận 10 phải cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú đủ 14 ngày, theo công điện ngày 3/12 về việc tăng cường công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn của UBND tỉnh Quảng Bình.

Khách sạn Paris đón người vô gia cư

Vào những ngày bình thường, khách sạn Avenir Montmartre là thỏi nam châm hút khách du lịch tại Paris nhờ tầm nhìn ra tháp Eiffel và nhà thờ Sacre Coeur. Tuy nhiên, Covid-19 khiến những vị khách bình thường sợ hãi tránh xa châu Âu và Avenir Montmartre trống hàng loạt phòng. Trong lúc khó khăn, địa chỉ này quyết định mở cửa đón những người vô gia cư.

- TTXVN ngày 6/12 đưa tin:

Liên hoan ẩm thực quốc tế lần thứ 8

Nối tiếp thành công của 7 kỳ Liên hoan ẩm thực quốc tế trước đây, ngày 6/12, tại Khu Đoàn Ngoại giao Vạn Phúc (Hà Nội), Bộ Ngoại giao đã tổ chức thành công Liên hoan ẩm thực quốc tế lần thứ 8. Với 143 gian hàng, Liên hoan ẩm thực quốc tế năm 2020 mang đến những món ăn, sản vật, sách báo, ấn phẩm tuyên truyền, đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ đặc trưng nhất của nhiều quốc gia trên thế giới và các vùng, miền của Việt Nam. Trong khuôn khổ Liên hoan, giao lưu văn hóa – văn nghệ với các tiết mục múa hát, biểu diễn nghệ thuật truyền thống cũng đã diễn ra sôi nổi. Đây thực sự là cơ hội để gặp gỡ, giao lưu, kết nối văn hóa, ẩm thực của các quốc gia và Việt Nam, là dịp để Việt Nam thêm một lần giới thiệu nét đẹp đất nước, con người cùng các đặc trưng vùng miền với bạn bè quốc tế, đồng thời hướng tới các hoạt động từ thiện nhân văn thiết thực.

Đưa Việt Nam trở thành "Bếp ăn thế giới"

Việt Nam đã hai lần giành giải Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á và có nhiều "đặc sản" lọt vào danh sách món ăn hấp dẫn nhất thế giới. Song đến nay, quy chuẩn và tính chuyên nghiệp trong hoạt động của các đầu bếp - những người giữ trọng trách sáng tạo tinh hoa ẩm thực Việt Nam vẫn chưa rõ ràng. Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hội Đầu bếp Việt Nam đang xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật chế biến món ăn để khắc phục hạn chế này, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành "Bếp ăn thế giới".

- Báo Nhân Dân ngày 7/12 đưa tin:

Hà Giang tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch

Tính đến thời điểm này, lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt hơn 1,1 triệu lượt và dự tính cả năm 2020 đón khoảng 1,4 triệu lượt, doanh thu từ du lịch đạt hơn 2.000 tỷ đồng. So với các năm trước, lượng khách đến với Hà Giang ngày càng tăng, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, là tín hiệu vui đối với ngành du lịch của tỉnh trong những tháng cuối năm. Ðể đạt được thành công đó, tỉnh đã sát sao chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền thực hiện hai nhiệm vụ kép, phát triển kinh tế du lịch gắn với phòng, chống dịch.

Yêu cầu cơ sở lưu trú du lịch nghiêm túc đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19

Ngày 4-12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành Công văn số 4526/BVHTTDL-TCDL gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc đánh giá an toàn Covid-19 của các cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc. Công văn số 4526, do Thứ trưởng VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã ký, nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch, ngày 9-11-2020, Bộ VHTTDL đã có Công văn số 4159/BVHTTDL-TCDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đăng ký và thực hiện tự đánh giá an toàn Covid-19 trong tình hình mới.

Đổi mới sản phẩm lưu niệm làng nghề

Du lịch làng nghề là một trong những thế mạnh của Hà Nội. Bên cạnh các dịch vụ tham quan, ăn uống, nghỉ dưỡng, bán các sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch được ví là hoạt động "xuất khẩu tại chỗ". Song làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển, đáp ứng yêu cầu khách hàng là vấn đề thành phố đang cần tháo gỡ.

Du lịch Việt Nam: Từ điểm đến bình dân tới điểm đến tầm cỡ thế giới

Những năm gần đây, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế vững chắc trên bản đồ du lịch thế giới. Điều này thể hiện rõ nét không chỉ ở số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao, mà còn bởi "bộ sưu tập" giải thưởng danh giá quốc tế năm sau luôn "dày" hơn năm trước. Có những giải thưởng mà nếu chỉ 10 năm trước đây, sẽ ít ai nghĩ một quốc gia vốn được coi là "thiên đường du lịch giá rẻ" lại đạt tới.

- Báo Văn hóa ngày 6/12 đưa tin: "Đà Nẵng: Đề xuất đưa vào sử dụng 24 khách sạn làm cơ sở cách ly cho các công dân sau khi nhập cảnh" cho biết: Ngày 6.12, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã tiến hành đi kiểm tra công tác cách ly phòng chống dịch Covid-19 tại một số khách sạn trên địa bàn thành phố. Hiện ngành du lịch thành phố đang phối hợp với ngành y tế tổ chức rà soát, đề xuất và đưa vào sử dụng 24 khách sạn làm cơ sở cách ly cho các công dân sau khi nhập cảnh. Theo yêu cầu của lãnh đạo thành phố, ngành du lịch phải khảo sát, lựa chọn các địa điểm cách ly đảm bảo an toàn về khoảng cách với khu dân cư; nhân viên tại đây phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về phòng, chống dịch.

- Báo Văn hóa ngày 6/12 đưa tin: "Thừa Thiên Huế: Nhiều dự án về văn hóa, du lịch đạt giải thưởng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020" cho biết: Chiều ngày 5.12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức trao giải thưởng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020. Trong số 9 dự án được trao giải, có nhiều dự án ở lĩnh vực văn hóa, du lịch. Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020 thu hút 56 dự án tham gia, nhiều nhất trong vòng 5 năm qua (2016-2020). Qua các vòng sơ khảo, bán kết và chung kết, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chọn trao giải cho 9 dự án xuất sắc nhất. Giải Nhất của cuộc thi thuộc về dự án "AIQuant- Hệ thống phân tích dữ liệu thông minh tự động AL" của tác giả Nguyễn Phương Duy.

- Báo điện tử Petrotime ngày 6/12 đưa tin: "Thác Mai – Bàu nước nóng điểm du lịch có tiềm năng tại Đồng Nai" cho biết: Một địa điểm lý tưởng cho những yêu thiên nhiên và đam mê khám phá, cách TP.HCM 130km, Thác Mai- Bàu Nước nóng tọa lạc tại Lâm trường Tân Phú, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ. Thác Mai không cao nhưng trải dài và nằm ven rừng nên có cảnh quan rất hùng vĩ, quyến rũ. Du khách đến đây sẽ được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ, nghe tiếng thác gọi, lúc thì chảy róc rách, êm đềm, khi thì ầm ầm, mạnh mẽ, đỏ nặng phù sa.

- Báo điện tử Khánh Hòa ngày 6/12 đưa tin: "Cẩn trọng du lịch khám phá" cho biết: Những ngày mưa lũ vừa qua, trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) xảy ra việc 36 khách du lịch tự phát bị mắc kẹt tại núi Tà Giang đã làm dấy lên nỗi lo ngại về sự an toàn khi tham gia các loại hình du lịch có yếu tố mạo hiểm. Ngày 28-11, 2 đoàn khách du lịch từ TP. Hồ Chí Minh cùng 9 người dân địa phương đã tham gia tour leo núi Tà Giang (xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn). Theo lịch trình, đoàn kết thúc tour vào chiều tối 29-11, điểm kết thúc tour tại khu vực đèo Khánh Lê (huyện Khánh Vĩnh). Tuy nhiên, trong thời gian đó, mưa liên tục kéo dài đã khiến nước ở các sông suối dâng cao, đoàn bị mắc kẹt trong rừng và lưu lại tại khu vực trại chăn nuôi bò. Đến ngày 1-12, đoàn mới ra khỏi rừng an toàn.

- Báo Vietnamplus ngày 6/12 đưa tin: "Du lịch Indonesia mất hàng tỷ USD do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19" cho biết: Nhiều người dân Indonesia phải hủy bỏ kế hoạch du lịch hoặc không có dự định đi du lịch trong năm 2020 do lo ngại đối với vấn đề sức khỏe và các hạn chế di chuyển của các quốc gia. Lượng khách du lịch nước ngoài trong tháng 10/2020 mặc dù đã tăng nhẹ 4,57% so với tháng trước đó với 158.200 lượt khách nhưng vẫn giảm 88,25% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại cho ngành du lịch của "xứ sở Vạn Đảo" hơn 100.000 tỷ rupiah (khoảng 7 tỷ USD).

3.Lĩnh vực Thể thao

- Báo Đời sống Việt Nam ngày 7/12 đưa tin:

HLV Park Hang Seo tiết lộ 4 mục tiêu của đội tuyển Việt Nam

Chiều 6/12, ĐTQG Việt Nam đã có buổi rèn quân đầu tiên dưới sự hướng dẫn của HLV Park Hang Seo cùng các trợ lý. Đây là đợt tập trung chuẩn bị cho vòng loại World Cup và AFF Cup vào năm tới. Chia sẻ với giới truyền thông về đợt tập trung đợt này, HLV Park Hang Seo tiết lộ về mục tiêu của BLH tuyển Việt Nam: "Chúng tôi có 4 mục tiêu ở đợt này. Thứ nhất, tôi muốn các cầu thủ dù thi đấu ở vị trí nào tại CLB, tôi muốn họ nhận thức lại vai trò, vị trí của họ trên tuyển. Đây là lý do quan trọng nhất.

CLB HAGL quyết tâm khắc phục 'tử huyệt' ở mùa giải mới

Chuẩn bị cho mùa giải 2021, đội bóng của bầu Đức đã cải tổ hàng thủ của HAGL bằng việc chiêu mộ một loạt cầu thủ giàu kinh nghiệm và chia tay với các cầu thủ không đáp ứng được yêu cầu. Trong 6 mùa giải qua kể từ khi đưa lứa Công Phượng, Xuân Trường lên chơi tại V.League HAGL đã để lọt lưới tới 278 bàn, trở thành một trong những đội bóng có số bàn thua nhiều nhất giải đấu này trong vòng 5 năm qua. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến đội bóng phố Núi không có được thành tích cao dù hiệu suất ghi bàn của hàng công đội bóng này là khá ấn tượng với những ngôi sao Minh Vương, Văn Toàn…

Xác định 2 đội bóng đầu tiên vào bán kết U17 Cúp Quốc gia

Sau những lượt trận đầu tiên của vòng Tứ kết, đã xác định được hai đội bóng góp mặt ở vòng bán kết. Chiều ngày 5/12 diễn ra hai cặp tứ kết tại Vòng chung kết U17 Cúp Quốc gia 2020 giữa U17 HAGL và U17 Đà Nẵng và cặp đấu còn lại giữa U17 Nutifood và U17 Hà Nội. Ở trận tứ kết đầu tiên, U17 HAGL và U17 Đà Nẵng đã cống hiến cho người hâm mộ một trận cầu hấp dẫn. U17 Đà Nẵng thi đấu đầy tự tin và gây sức ép lớn lên khung thành của đối thủ với lối chơi máu lửa để rồi có được bàn thắng vươn lên dẫn trước trong hiệp một.

Đội tuyển Việt Nam rộng cửa vào vòng loại 3 World Cup 2022

Việc Qatar đánh bại Bangladesh với tỷ số đậm giúp tuyển Việt Nam có cơ hội lớn góp mặt ở vòng loại 3 World Cup 2022. Trong trận đấu tại bảng E vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á, Qatar đã xuất sắc vượt qua Bangladesh với tỉ số 5-0, qua đó xây chắc ngôi đầu bảng với 16 điểm, hơn đội xếp thứ 2 Oman 4 điểm, đá nhiều hơn 1 trận. Trong khi đó, đội xếp thứ 3 - Afghanistan mới có 4 điểm (5 trận).

- Báo Doanh nghiệp Việt Nam ngày 7/12 đưa tin: "Tiến Linh được thầy Park giao nhiệm vụ chưa từng có ở ĐT Việt Nam" cho biết: Tiền đạo của B.BD được thầy Park tin tưởng giao nhiệm vụ giám sát, thu tiền phạt các thành viên của ĐT Việt Nam. ĐT Việt Nam đã hội quân, bắt tay vào tập luyện từ chiều ngày 6/12. Trong lần tập trung này, HLV Park Hang Seo đã bầu ban cán sự gồm: Đội trưởng Quế Ngọc Hải, hai đội phó là Hùng Dũng và Văn Toàn. Nhà cầm quân người Hàn Quốc còn giao cho Tiến Linh một nhiệm vụ đặc biệt là chuyên đi thu tiền phạt. Nhà cầm quân Hàn Quốc yêu cầu toàn thể thành viên đội bóng bao gồm cả BHL, các cầu thủ phải tuân theo nội quy sinh hoạt của ĐT Việt Nam. Nếu ai vi phạm sẽ phải nộp một khoản tiền vào quỹ phạt.

- TTXVN ngày 7/12 đưa tin:

Khi giải đấu quốc nội quyết định Quả bóng Vàng nam 2020

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các giải đấu quốc tế không thể diễn ra, các giải đấu trong nước sẽ là căn cứ quan trọng nhất để bình chọn ra gương mặt sẽ giành Quả bóng Vàng năm nay. Quả bóng Vàng Việt Nam luôn là giải thưởng cá nhân đầy danh giá của bóng đá Việt Nam. Bản thân các cầu thủ luôn mơ ước sẽ có một mùa giải tên của mình được xướng lên trong Top 3 giải thưởng quan trọng này. Ở hạng mục đáng chú ý nhất là Quả bóng Vàng nam, Ban tổ chức giải thưởng mới đây đã công bố danh sách các ứng viên tranh giải, trong đó có đầy đủ các ngôi sao như Công Phượng, Quang Hải, Văn Quyết, Tiến Dũng hay Ngọc Hải.

Khai mạc Giải đua thuyền Cup Canoeing toàn quốc năm 2020

Ngày 5/12, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên), Tổng cục Thể dục Thể thao và Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức khai mạc Giải đua thuyền Cup Canoeing toàn quốc năm 2020, với sự tham gia của gần 300 vận động viên đến từ 17 tỉnh, thành phố trong cả nước. Giải đua thuyền Cúp Canoeing toàn quốc năm 2020 là giải thường niên và quy mô lớn nhất trong hệ thống thi đấu Quốc gia. Đây là sân chơi nhằm đánh giá trình độ của toàn bộ vận động viên đua thuyền trong cả nước; qua đó giúp các nhà chuyên môn tuyển chọn những gương mặt xuất sắc, bổ sung vào đội tuyển Quốc gia thi đấu tại các giải quốc tế năm 2021 và những năm tiếp theo.

Nhật Bản được trao quyền đăng cai FIFA Club World Cup 2021

Nhật Bản sẽ trở thành nước chủ nhà của FIFA Club World Cup 2021, một giải đấu hàng đầu cấp CLB do Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) điều hành. Dự kiến, giải đấu sẽ diễn và vào tháng 12/2021. Tại cuộc họp trực tuyến ngày 4/12 tại Zurich (Thụy Sĩ), FIFA đã thông báo thông tin trên và cho biết sẽ giữ nguyên thể thức thi đấu, theo đó vẫn sẽ có 7 CLB tham gia, trong đó có 6 đội bóng vô địch các châu lục và 1 CLB của nước chủ nhà.

- Báo Hà Nội mới ngày 6/12 đưa tin:

Tiến Minh, Thùy Linh vô địch Giải Cầu lông các cây vợt xuất sắc toàn quốc

Diễn ra từ ngày 29-11 đến 4-12, giải đấu thu hút gần 100 cây vợt xuất sắc toàn quốc đến từ 11 địa phương, đơn vị: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bộ Công an, Quân đội... Kết quả, tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh đã bảo vệ thành công chức vô địch đơn nam Giải Cầu lông các cây vợt xuất sắc toàn quốc 2020. Ở nội dung đơn nữ, tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh (Đồng Nai) giành ngôi vô địch.

Thể thao người khuyết tật Hà Nội: Tập trung cho đấu trường lớn

Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 do Việt Nam đăng cai tổ chức, sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 12-2021 (ASEAN Para Games 11-2021). Được giao đóng góp 30% tổng số huy chương của Đoàn thể thao Việt Nam, đội ngũ vận động viên thể thao khuyết tật Hà Nội đang tập trung cao độ về chuyên môn, sẵn sàng cho đấu trường quan trọng này.

- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 6/12 đưa tin: "HLV Park Hang Seo: Tôi luôn dành sự quan tâm cho Văn Quyết" cho biết: Ngay sau khi hội quân vào buổi sáng 6/12, thầy trò HLV Park Hang Seo đã có buổi tập đầu tiên vào chiều cùng ngày. Ngay trước buổi tập đầu tiên, HLV Park Hang Seo đã có những chia sẻ về lần tập trung này và việc gọi Văn Quyết có phải để phục vụ mục tiêu xây dựng chiến thuật mới, ông Park cho rằng cầu thủ lớn tuổi hay trẻ tuổi không quan trọng, miễn có phong độ tốt là sẽ được gọi. Văn Quyết đáp ứng các tiêu chí nói trên và đây là phần thưởng cho anh.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Hà Nội mới ngày 6/12 đưa tin: Lễ cưới tập thể "Giấc mơ có thật" cho biết: "Giấc mơ có thật" năm 2020 là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc nhằm khuyến khích sự tham gia đầy đủ, bình đẳng của người khuyết tật và hành động vì sự hòa nhập, phát triển của người khuyết tật trong mọi mặt của đời sống xã hội. Lễ cưới tập thể "Giấc mơ có thật" lần thứ 3 năm 2020 diễn ra ngày 6-12 với sự góp mặt của 46 cặp đôi là người khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện đang sinh sống tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3-12) và hưởng ứng Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×