Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 4/12/2020
04/12/2020 | 21:08Khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam; Hội An tổ chức tọa đàm "Bảo tồn và phát huy du lịch di sản trong bối cảnh dịch COVID-19"; Khai mạc Đại hội Thể thao Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VIII là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
- TTXVN ngày 4/12 đưa tin:
Bảo tồn văn hóa, chữ viết - gìn giữ diện mạo văn hóa riêng của mỗi dân tộc
Những năm qua, đi đôi với phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, đào tạo nghề, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống cùng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai đồng bộ, hiệu quả ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Phát huy giá trị những di tích của Bác Hồ ở Thừa Thiên - Huế
Ngày 3/12, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập. Hiện nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế là công trình văn hóa lớn và là một địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục chính trị, truyền thống tại địa phương. Những năm qua, Bảo tàng đã phát huy tốt chức năng nhiệm vụ quản lý, tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản các tài liệu, hiện vật và giới thiệu rộng rãi đến công chúng về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những năm tháng tuổi thơ của Bác cùng với gia đình sinh sống tại mảnh đất Cố đô Huế xưa.
Khai mạc triển lãm ảnh 60 năm quan hệ đoàn kết Việt Nam - Cuba
Triển lãm ảnh mang tên "Cuba - Việt Nam: 60 năm đoàn kết anh em, hợp tác toàn diện và tin cậy lẫn nhau" đã khai mạc ngày 2/12 tại Thư viện quốc gia José Martí ở thủ đô La Habana. Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Văn hóa Cuba Fernando León Jacomino đã điểm lại những mốc lịch sử mang tính biểu tượng trong quan hệ hai nước, như chuyến thăm của Lãnh tụ cách mạng lịch sử Cuba Fidel Castro tới Việt Nam vào tháng 9/1973. Khi đó ông là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất thăm một khu vực mới giải phóng tại Quảng Trị bất chấp hiểm nguy. Chuyến thăm cũng là biểu tượng của sợi dây tình cảm đặc biệt nối liền hai dân tộc cách xa nhau nửa vòng Trái Đất.
- Báo Nhân Dân ngày 4/12 đưa tin:
Tuần lễ "Từ trang sách đến màn ảnh"
Khán giả Việt cùng lúc được thưởng thức những bộ phim của điện ảnh Pháp được chuyển thể từ các tác phẩm văn học kinh điển cùng tên cùng nhiều hoạt động liên quan như chiếu phim, tọa đàm, trưng bày và workshop về các tác giả và tác phẩm văn học Pháp từng được chuyển thể sang điện ảnh.…Tuần lễ "Từ trang sách đến màn ảnh" bắt đầu từ đầu tháng 12 đến hết ngày 6-12. Năm bộ phim được giới thiệu trong tuần lễ "Từ trang sách đến màn ảnh" lần thứ ba này là hai tập phim "Ba chàng chính ngự lâm" chuyển thể từ kiệt tác cùng tên của đại văn hào Pháp Alexandre Dumas (cha); "Ngài Bộ trưởng hài hước"; "Không gia đình" và "Khinh miệt".
Nhìn lại một chặng đường văn học
Một sự kiện không chỉ những người cầm bút mà còn được người dân cả nước quan tâm, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X (Đại hội X) đã kết thúc trong niềm phấn khởi và hy vọng. Tiếp tục đẩy mạnh sáng tác là nhiệm vụ hàng đầu của Hội Nhà văn. Hội cần tạo mọi điều kiện để các nhà văn, các cây bút chuyên nghiệp và không chuyên tiếp tục đổi mới tư duy văn học, đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác, nhằm đem đến một diện mạo văn học đa dạng phong phú, khuyến khích cá tính sáng tạo, tìm tòi thể nghiệm cái mới, cái khác.
Đưa khu di tích khảo cổ học thời Trần ở Thái Bình trở thành di tích cấp Quốc gia
Thông tin cho Nhân Dân điện tử, UBND huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) cho biết: Địa phương đang nỗ lực phối hợp các ban, ngành chuyên môn của tỉnh hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình tỉnh để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) xem xét đưa khu di tích khảo cổ học thời Trần tại xã Hồng Minh (huyện Hưng Hà) trở thành di tích cấp Quốc gia.
- Báo Hà Nội mới ngày 4/12 đưa tin: "Sức sống Truyện Kiều trong đời sống hôm nay" cho biết: Trong lịch sử văn học Việt Nam, hiếm có tác phẩm văn học thể hiện sức sống bền bỉ trong lòng nhân dân như Truyện Kiều. Từ một tác phẩm văn chương, Truyện Kiều đi vào đời sống bằng nhiều hình thức, trở thành "bộ phận không thể tách rời trong đời sống tâm hồn dân tộc Việt Nam nói chung và đời sống văn học nói riêng" - nhận định chung tại hội thảo khoa học quốc gia "Nguyễn Du - Truyện Kiều qua văn bản và các liên văn bản văn chương nghệ thuật" do Viện Văn học tổ chức mới đây.
- Báo Công an Thành phố Đà Nẵng ngày 4/12 đưa tin: TT- Huế trao giải "Đại sứ văn hóa đọc" lần 2 năm 2020 cho biết: Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" lần 2 năm 2020 được Thư viện tỉnh TT- Huế tổ chức ngày 3-12. Theo Thư viện TT- Huế, Cuộc thi năm nay Ban tổ chức đã tuyển chọn 24 bài xuất sắc nhất để trao giải cá nhân cho các khối cấp học và giải tập thể cho 2 trường có nhiều thí sinh tham gia nhất và trường có nhiều thí sinh đạt giải nhất. 20 bài xuất sắc nhất đã được chọn tham dự vòng Chung kết toàn quốc tại Hà Nội.
- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 4/12 đưa tin: "Giới thiệu tác phẩm của các nghệ sĩ vùng Kinh Bắc" cho biết: Từ ngày 11 đến 17/12, tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội) sẽ diễn ra Triển lãm mỹ thuật Kinh Bắc Art. Triển lãm sẽ trưng bày các tác phẩm của 8 nghệ sĩ quê hương Bắc Ninh, những người qua cách đặt tên triển lãm muốn tôn vinh vùng quê văn hóa đáng tự hào đã sinh ra họ, nơi nuôi dưỡng và cho họ nguồn cảm hứng sáng tạo.
- Báo điện tử VOV ngày 4/12 đưa tin: "Chiếu hội sân đình" và tình yêu của giới trẻ với nghệ thuật truyền thống cho biết: "Chiếu hội sân đình" với mong muốn "đem cả sân đình đến sân trường" đã thực sự khơi gợi tình yêu của các bạn trẻ đối với nghệ thuật truyền thống...Trước sự phát triển ngày càng nhanh của môi trường, công nghệ và trước những biến thiên của xã hội, văn hóa nói chung và văn hóa phi vật thể nói riêng vẫn luôn được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ. Nhưng cũng cần phải nhìn nhận 1 thực tế là nhiều bạn trẻ hiện nay đang có xu hướng quay lưng lại với những loại hình nghệ thuật truyền thống. Vì vậy để góp phần bảo tồn và phát triển những giá trị truyền thống ấy và đưa đến gần hơn với giới trẻ, khoa Du lịch trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức sự kiện mang tên "Chiếu hội sân đình".
- Báo Vietnamplus ngày 3/12 đưa tin: "Ai Cập khai màn Liên hoan phim quốc tế Cairo lần thứ 42 bất chấp dịch" cho biết: Liên hoan phim quốc tế Cairo (CIFF) lần thứ 42 đã khai mạc tối 2/12 với một buổi lễ thảm đỏ hoành tráng tại Nhà hát Cairo Opera của Ai Cập. Chủ tịch Liên hoan phim quốc tế Cairo cho biết việc tổ chức sự kiện này trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tấn công ngành điện ảnh trên toàn thế giới là một thách thức lớn.
- Báo điện tử Chính Phủ, báo Lao động, báo điện tử VOV và nhiều báo khác ngày 4/12 đưa tin: "Khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam" cho biết: Sáng 4.12, lễ khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự Lễ khai mạc.
Với chủ đề: “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”, Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II nhằm đánh giá những thành tựu, kết quả thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc giai đoạn 2010-2020, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện chính sách dân tộc, đưa ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030.
2.Lĩnh vực Du lịch
-TTXVN ngày 4/12 đưa tin:
Đưa An Giang trở thành trung tâm 'du lịch văn hóa tâm linh' trọng điểm của cả nước
Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ bật nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, du lịch An Giang nổi tiếng với du lịch tâm linh viếng Bà Chúa Xứ Núi Sam (Châu Đốc), vùng Thất Sơn huyền bí. Đây là lợi thế nổi trội đưa An Giang trở thành trung tâm "du lịch văn hóa tâm linh" trọng điểm của cả nước. Tại tỉnh An Giang có 97 cơ sở lưu trú du lịch đạt chuẩn với gần 3.000 phòng, 13 công ty lữ hành quốc tế và nội địa, 15 địa điểm tham quan, trong đó các khu cấp tỉnh là Núi Cấm (huyện Tịnh Biên), Núi Sam (Châu Đốc), Đồi Tức Dụp, rừng tràm Trà Sư. Đến cuối tháng 11/2020, An Giang đã thu hút 25 dự án với tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng, tập trung vào các khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng.
Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh lập 'rào chắn' dịch lây lan trong cộng đồng
Ngày 3/12, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đang tập trung triển khai các chỉ đạo của UBND thành phố, đồng thời thực hiện biện pháp để lập "rào chắn" chống dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở ăn uống và mua sắm, điểm tham quan, khu vui chơi giải trí... Bên cạnh việc tăng cường triển khai biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, các đơn vị này cũng đã chủ động hoãn và hủy các chương trình, hoạt động tập trung đông người. Cùng với đó, những đơn vị này cũng hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tác đã đăng ký sản phẩm, dịch vụ được giải quyết theo yêu cầu và nguyện vọng, nhằm giảm thiệt hại cho cả hai bên.
Bảo tồn và phát huy du lịch di sản trong bối cảnh dịch COVID-19
Ngày 3/12, UBND thành phố Hội An (Quảng Nam) tổ chức buổi tọa đàm với nội dung: "Bảo tồn và phát huy du lịch di sản trong bối cảnh dịch COVID-19: Vấn đề và giải pháp". Đặt vấn đề bảo tồn và phát huy du lịch di sản trong bối cảnh dịch COVID-19, cuộc tọa đàm đã thu hút được nhiều nghiên cứu, tham luận chuyên sâu của các chuyên gia về bảo tồn và phát huy giá trị của du lịch di sản. Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn và du lịch tại làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), làng cổ Đông Hòa Hiệp (Tiền Giang) để có thể áp dụng vào quá trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Hội An.
- Báo Hà Nội mới ngày 4/12 đưa tin: "Các đơn vị du lịch bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19 khi triển khai tour Tết" cho biết: Mặc dù xuất hiện ca mắc Covid-19 mới tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng các đơn vị lữ hành du lịch cho biết, số lượng tour cho dịp Tết Dương lịch chưa bị ảnh hưởng nhiều. Tâm lý của khách có e ngại hơn, song các đơn vị vẫn nhận các đơn đặt tour và đã có phương án phòng, chống dịch an toàn cho du khách.
- Báo Nhân Dân ngày 4/12 đưa tin:
Triển lãm ảnh các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam tại Phú Quốc
Sáng 4-12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm phối hợp UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) tổ chức Triển lãm ảnh các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam. Triển lãm ảnh giới thiệu tới người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế về các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam. Qua đó, thúc đẩy người dân mong muốn khám phá, tìm về cội nguồn của những di sản, góp phần quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam.
Châu Âu kêu gọi thắt chặt biện pháp chống Covid-19 mùa du lịch cuối năm
Khi hàng triệu công dân châu Âu chuẩn bị cho mùa lễ hội cuối năm và đón năm mới, Ủy ban châu Âu ngày 2-12 kêu gọi các nước thành viên duy trì các biện pháp mạnh mẽ phòng chống Covid-19 để tránh gia tăng các ca mắc mới và tử vong do Covid-19 sau kỳ nghỉ. Theo các khuyến nghị không ràng buộc được Ủy ban châu Âu công bố hôm 2-12, việc nới lỏng các biện pháp ngăn chặn đại dịch trong tháng này sẽ gây nguy hại cho những nỗ lực đã giúp làm chậm sự lây nhiễm trong EU những tuần gần đây.
UNWTO: 70% điểm đến trên thế giới dỡ bỏ hạn chế đi lại
70% số điểm đến trên toàn cầu đã nới lỏng các quy định hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19. Đây là thông tin trong bản Báo cáo thứ tám về các lệnh hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn Covid-19 của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) công bố ngày 2-12. Báo cáo cho biết, cứ một trong bốn điểm đến vẫn tiếp tục đóng cửa hoàn toàn với du khách quốc tế.
- Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam ngày 4/12 đưa tin: "Khách du lịch đến Hà Nội tăng trở lại" cho biết: Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong tháng 11/2020, Hà Nội đã đón hơn 715 nghìn lượt khách, tăng 29,1% so với tháng 10/2020. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 1,7 nghìn tỷ đồng, giảm 80,6% so cùng kỳ năm trước và tăng 40,9% so tháng 10. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2019, lượng khách giảm 70,4%. Trong đó khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 21.000 lượt khách, giảm 96,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 5% so với tháng 10/2020; khách du lịch nội địa ước đạt 694,2 nghìn lượt khách, giảm 61,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 30% so với tháng 10/2020.
- Báo Đầu tư chứng khoán ngày 3/12 đưa tin: "Lào Cai sắp có Chợ Du lịch hoạt động xuyên đêm" cho biết: Tin từ UBND TP. Lào Cai cho biết, việc hoàn thiện các hạng mục công trình của chợ sẽ phải thực hiện xong trước ngày 15/1/2021. Đồng thời, từ 00h00 ngày 4/2/2021, chợ tạm Phố Mới sẽ bị đóng cửa để các tiểu thương di chuyển vào hoạt động tại Chợ Du lịch Lào Cai. Bà Nguyễn Thị Vi Huế, Phó chủ tịch UBND thành phố Lào Cai cho biết, Chợ Du lịch Lào Cai có điểm khác khi đây vừa là chợ truyền thống, phục vụ nhu cầu của nhân dân là hàng tươi sống, tiêu dùng, nhưng chợ được hoạt động xuyên đêm 24/24h để phục vụ mục đích du lịch.
- Báo điện tử Khánh Hòa ngày 3/12 đưa tin: "240 tác phẩm dự thi Biểu trưng và Biểu ngữ Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa" cho biết: Sáng 3-12, Sở Du lịch phối hợp với Báo Khánh Hòa tổ chức chấm sơ khảo Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) và biểu ngữ (slogan) về thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa. Cuộc thi sáng tác biểu trưng và biểu ngữ về thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa do Sở Du lịch phối hợp với Báo Khánh Hòa tổ chức từ ngày 15-9 đến ngày 1-12-2020. Ban tổ chức đã nhận được 100 tác phẩm dự thi biểu trưng và 140 tác phẩm dự thi biểu ngữ.
- Báo Văn hóa ngày 4/12 đưa tin:
Du lịch và chuyện ứng xử với biến đổi khí hậu
"Hoạt động du lịch đã, đang hứng chịu những tác động nặng nề do biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là những khu, điểm du lịch ven biển bị tác động cực đoan gây thiệt hại cả về vật chất và phát triển kinh doanh…". TS Võ Quốc Đoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL) đã đưa ra nhận định như vậy tại Hội nghị Chung tay bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch do Tổng cục Du lịch mới tổ chức tại TP Nha Trang.
Bảo tồn và phát huy du lịch di sản trong bối cảnh dịch Covid-19: Thách thức tạo ra cơ hội…
"Bảo tồn và phát huy du lịch di sản trong bối cảnh dịch Covid-19: Vấn đề và giải pháp", diễn ra tại đô thị cổ Hội An hôm qua 3.12, các chuyên gia, nhà quản lý đã đồng thuận đi đến nhận định: Cần chú trọng thị trường khách nội địa, phải xây dựng cho được hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn… Chia sẻ về công tác bảo tồn di sản và phát huy du lịch sau đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc BQL Di tích làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) cho biết trong khoảng thời gian 47 ngày (từ ngày 13.3-29.4), làng cổ Đường Lâm tạm dừng hoạt động, không đón khách tham quan.
Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững
Nhằm thực hiện đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn" giai đoạn 2020-2025 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án nói trên với mục đích cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên - nhân văn, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao… Theo đó, kế hoạch đề ra nhiều nội dung chủ yếu, trong đó có nhiệm vụ xây dựng môi trường du lịch an toàn, vệ sinh, thân thiện và văn minh với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư. Đáng chú ý là thực hiện giải pháp lắp máy ghi hình cố định tại một số địa điểm đông khách du lịch, hình thành hệ thống kiểm soát an ninh, an toàn tại các khu, điểm du lịch kết nối với trung tâm hỗ trợ du khách.
3.Lĩnh vực Thể thao
- TTXVN và nhiều báo khác ngày 4/12 đưa tin: "Khai mạc Đại hội Thể thao Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VIII" cho biết: Ngày 4/12, Đại hội Thể thao Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VIII năm 2020 đã khai mạc tại Nhà thi đấu Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Vĩnh Long. Đại hội có sự tham gia của hơn 3.000 huấn luyện viên, vận động viên đến từ 14 đoàn thể thao của 13 tỉnh, thành trong khu vực và Trung tâm Thể dục thể thao quốc phòng 4 - Quân Khu 9. Đại hội Thể thao Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VIII năm 2020 chia thành 2 giai đoạn, với 412 nội dung thi đấu của 24 môn thể thao. Giai đoạn 1 (từ tháng 1 - 11/2020), tổ chức thi đấu 19 môn thể thao tại các tỉnh, thành phố trong khu vực. Giai đoạn 2, diễn ra sau lễ khai mạc với 5 môn thể thao còn lại, gồm: bắn cung, cầu mây, bóng chuyền nam, taekwondo và điền kinh tại tỉnh Vĩnh Long. Tính đến thời điểm hiện tại, đoàn thể thao tỉnh An Giang tạm dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương toàn đoàn, xếp vị trí thứ 2 là tỉnh Tiền Giang, vị trí thứ 3 là thành phố Cần Thơ. Đơn vị chủ nhà Vĩnh Long đang tạm xếp vị trí thứ 5.
- Báo Hà Nội mới ngày 4/12 đưa tin:
Giải Bóng bàn các câu lạc bộ Hà Nội mở rộng tranh Cúp Báo Hànộimới lần thứ VIII năm 2020: Nhiều bất ngờ ở loạt trận xác định hai đội vào chung kết đồng đội nam hạng A
Bước sang ngày thi đấu thứ hai (4-12) tại Giải Bóng bàn các câu lạc bộ Hà Nội mở rộng tranh Cúp Báo Hànộimới lần thứ VIII năm 2020, các đội bước vào loạt trận giai đoạn hai nội dung đồng đội nam hạng B và đáng chú ý là 2 trận đấu bán kết nội dung đồng đội nam hạng A.Để bảo đảm các điều kiện phòng dịch Covid-19, Ban tổ chức liên tục phát trên loa, yêu cầu các vận động viên chưa thi đấu, cổ động viên… thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang và bảo đảm giãn cách an toàn.
Cần có thêm sân chơi thể thao
Tháng 11 vừa qua, các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia diễn ra dồn dập, khiến vận động viên hào hứng, giới chuyên môn có cơ sở đánh giá chính xác thực lực của vận động viên sau thời gian dài thiếu "sân chơi" do dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp. Thực tế cho thấy, tìm cách tổ chức thêm nhiều giải đấu là việc quan trọng, trong đó, làm tốt công tác xã hội hóa là giải pháp cần được ưu tiên.
- Báo Nhân Dân ngày 4/12 đưa tin:
CLB Sài Gòn ký hợp đồng với cựu tuyển thủ Nhật Bản 39 tuổi
Ngày 3-12, CLB Yokohama thuộc J-League, xác nhận tiền vệ kỳ cựu Daisuke Matsui, từng thi đấu cho ĐTQG Nhật Bản đã chuyển đến thi đấu cho CLB Sài Gòn. Sau khi thanh lý gần hết đội hình mùa trước, Sài Gòn đang nỗ lực liên hệ, đàm phán trên thị trường chuyển nhượng để lấp đầy quân số. Trong khi các suất nội binh đã tạm ổn thì bốn suất ngoại binh chưa có nhiều động tĩnh khi mới chỉ có trung vệ Thiago đến từ DNH Nam Định.
Giải vô địch và Giải trẻ cờ vây toàn quốc: Đoàn chủ nhà thắng lớn
Vượt qua khó khăn nhất là mối lo ngại từ dịch Covid-19, Giải vô địch và Giải trẻ cờ vây toàn quốc tranh cúp LS 2020 đã kết thúc vào chiều 3-12, tại khách sạn Đệ Nhất, TP Hồ Chí Minh. Thể hiện ưu thế vượt trội, đoàn chủ nhà TP Hồ Chí Minh giành tới chín trong tổng số 12 Huy chương vàng (HCV) tại giải. Ở bảng đấu của nữ, Hà Quỳnh Anh (TP Hồ Chí Minh) - nhà vô địch nội dung cờ nhanh tiếp tục cho thấy sự ổn định của mình khi toàn thắng cả sáu ván nội dung cờ tiêu chuẩn để hoàn tất cú đúp; xếp trên Phạm Thị Kim Long (Đà Nẵng) và Nguyễn Thị Kim Ngọc (TP Hồ Chí Minh).
Vòng 11 giải Bóng đá Nữ VĐQG – Cúp Thái Sơn Bắc 2020: Than KS Việt Nam và PP Hà Nam đều giành 3 điểm
Ở loạt trận cuối tối 2-12, Nguyễn Thị Tuyết Dung lập cú repoker (ghi 5 bàn) trong chiến thắng của Phong Phú Hà Nam trước đội bóng Sơn La. Trong khi Than KS Việt Nam mất không quá nhiều sức để vượt qua Thái Nguyên T&T.
HLV thủ môn Kim Hyun Tae sẵn sàng với công tác huấn luyện
Sáng 3-12, ông Kim Hyun Tae, cựu HLV thủ môn của ĐTQG Hàn Quốc đã có mặt tại Liên đoàn Bóng đá Việt Nam để bắt đầu công việc, sau 14 ngày cách ly theo các quy định của Bộ Y tế. Sau một thời gian hoàn tất các thủ tục cần thiết và thực hiện cách ly theo quy định của Bộ Y tế nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, ông Kim Hyun Tae đã được đón về LĐBĐVN và được bố trí ở cùng các chuyên gia khác tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Phó Tổng thư ký LĐBĐVN Nguyễn Minh Châu đã đón ông Kim tại LĐBĐVN và trao đổi nhanh một số vấn đề liên quan.
-TTXVN ngày 4/12 đưa tin: "Hơn 220 vận động viên tham dự Giải cúp quốc gia Vật cổ điển, Vật tự do năm 2020" cho biết: Ngày 4/12, tại Nhà thi đấu Trung tâm Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, Tổng cục Thể dục Thể thao phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế tổ chức khai mạc Giải cúp quốc gia Vật cổ điển, Vật tự do năm 2020. Tham gia giải có hơn 220 vận động viên nam, nữ thuộc 17 đoàn trong cả nước. Các vận động viên sẽ tranh tài ở các nội dung vật cổ điển nam và vật tự do nam, nữ theo các hạng cân. Các đô vật so tài thi đấu theo hình thức tính điểm, loại trực tiếp.
- Báo Pháp luật Việt Nam ngày 4/12 đưa tin: "Đội tuyển Việt Nam sẽ đá giao hữu ở đâu?" cho biết: Ngày 3/12, Tổng cục TDTT và Sở Văn hóa Thể thao TP HCM đã có văn bản liên quan đến việc tạm dừng các giải thể thao trên địa bàn TP HCM trong tháng 12. Theo kế hoạch ban đầu, 2 trận đấu giao hữu sẽ diễn ra vào ngày 23/12 trên sân Cẩm Phả và một trận diễn ra vào ngày 27/12 trên sân Thống Nhất. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh như hiện tại, trận giao hữu giữa hai đội U22 và Đội tuyển Việt Nam sẽ không thể diễn ra trên sân Thống Nhất như kế hoạch ban đầu. Liên đoàn bóng đá Việt Nam sẽ phải sớm chọn địa điểm thay thế. Điểm điểm mới vẫn chưa được VFF tiết lộ, nhưng có thể là sẽ ở Hà Nội.
- Báo Đời sống Việt Nam ngày 30/9 đưa tin:
CLB HAGL chia tay cầu thủ thứ 7 trước thềm mùa giải mới
Sau khi chiêu mộ nhiều tên tuổi mới, CLB HAGL cũng thanh lý những cầu thủ không còn nằm trong kế hoạch. Mới đây, dội bóng này chia tay cầu thủ thứ 7 trước thềm mùa giải.HAGL đang có những sự chuẩn bị tích cực cho mùa giải mới với rất nhiều bản hợp đồng chất lượng như thủ thành Tuấn Linh, trung vệ Hữu Tuấn, Tiêu Exal, tiền về Văn Việt và HLV Kiatisak. Ngoài ra đội bóng này cũng đón chào sự trở lại của một loạt cầu thủ như Công Phượng, Đức Lương, Văn Sơn, Đông Triều, Văn Tiến...
U21 SLNA mất hai hảo thủ ở VCK U21 quốc gia 2020
Theo tiết lộ từ HLV Đinh Văn Dũng, U21 SLNA sẽ giữ nguyên lực lượng với những nhân tố hiện tại và không sử dụng Văn Lắm và Thái Bá Sang ở vòng chung kết U21 quốc gia tới đây. Giành chiến thắng 3-2 trước U21 HAGL, U21 SLNA đoạt vé tham dự Vòng chung kết U21 QG 2020 với tư cách Nhì bảng C sau 2 trận thắng, 1 trận thua. Theo đó, 8 đội lọt vào VCK U21 quốc gia năm nay gồm: Nam Định, Viettel, Phố Hiến, Khánh Hòa, CAND, SLNA, Long An, Đồng Tháp.
HLV Trương Việt Hoàng: 'Viettel sẽ gặp nhiều khó khăn ở mùa giải mới'
Chức vô địch V.League 2020 là phần thưởng xứng đáng cho Viettel sau những nỗ lực ở mùa giải vừa qua. Mới đây, đoàn quân của HLV Trương Việt Hoàng đã chính thức hội quân và có buổi tập đầu tiên chuẩn bị cho mùa giải 2021. Theo HLV Trương Việt Hoàng, mùa giải 2021 sẽ vô cùng khó khăn với Viettel, bởi họ đã bị các đối thủ nghiên cứu kỹ về lối chơi cũng như con người.
- Báo Văn hóa ngày 4/12 đưa tin: "Chấn thương, chuyện nan giải ở tuyển Việt Nam" cho biết: Trong lúc người hâm mộ háo hức chờ ngày đội tuyển Việt Nam tập trung chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng trong năm tới thì một thông tin không vui lại đến, khi hậu vệ Đoàn Văn Hậu tái phát chấn thương với mức độ nghiêm trọng hơn, phải nghỉ tập luyện và thi đấu khoảng 3 tháng, đồng thời bỏ lỡ đợt hội quân trên tuyển cùng các đồng đội. Văn Hậu chỉ là một trong những trường hợp thường thấy ở ĐT Việt Nam trong thời gian qua. Điều này khiến "Những ngôi sao vàng" thường xuyên thiếu vắng những trụ cột ở những lần hội quân và thi đấu, đó cũng là cơn đau đầu khó chịu với HLV Park Hang-seo.
- Báo Người Lao động ngày 4/12 đưa tin: "Chung kết sớm" bóng đá nữ Việt Nam cho biết: Giải Bóng đá nữ Vô địch quốc gia (VĐQG) 2020 buộc phải dời địa điểm thi đấu từ sân Thống Nhất (TP HCM) sang sân Gò Đậu (tỉnh Bình Dương) ở 3 lượt trận cuối vì lo ngại dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại TP HCM. Về việc điều chỉnh địa điểm thi đấu lượt về Giải Bóng đá nữ VĐQG 2020 nhằm hạn chế triệt để nguy cơ lây lan, bảo đảm an toàn cho các cầu thủ, ban huấn luyện và các thành viên tham dự giải.
4.Lĩnh vực Gia đình
Báo Văn hóa ngày 4/12 đưa tin: "“Bữa sáng Ruy Băng Trắng”: Giải pháp truyền thông xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ"" cho biết: Làm thế nào để tìm được những giải pháp cải thiện cơ chế phối hợp liên ngành trong ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đối với lao động nữ di cư? Vấn đề này được nêu lên tại sự kiện truyền thông “Bữa sáng Ruy Băng Trắng lần thứ 6 – Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em, di cư an toàn”. Diễn đàn do Hội LHPN Việt Nam, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức nhằm đẩy mạnh sự hợp tác của các cá nhân, các Bộ, ngành trong việc xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành nhằm giảm thiểu những thiệt hại do bạo lực gây ra.
- Báo điện tử An Giang ngày 4/12 đưa tin: "Khai mạc Hội thi văn nghệ gia đình hạnh phúc tỉnh An Giang lần thứ VI năm 2020" cho biết: Sáng 4-12, tại Trung tâm Văn hóa Nghệ An Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang khai mạc Hội thi văn nghệ gia đình hạnh phúc tỉnh An Giang lần thứ VI năm 2020, chủ đề "Hạnh phúc gia đình - Yêu thương và chia sẻ". Có 11 đơn vị huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham gia hội thi. Bằng các loại hình nghệ thuật, các đội tranh tài 3 nội dung: kiến thức, năng khiếu và thuyết trình có nội dung liên quan công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó, tuyên truyền các văn bản quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, khuyến khích các gia đình tham gia, xây dựng, nâng cao chất lượng Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững trong tỉnh, tác động xây dựng gia đình hạnh phúc…