Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 5/1/2024

05/01/2024 | 11:04

Hội nghị tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" năm 2023; Chốt danh sách 30 cầu thủ đội tuyển Việt Nam dự Asian Cup; Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn bậc nhất châu Á là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

-TTXVN ngày 5/1 đưa tin:

Quảng bá văn hóa, du lịch, ẩm thực đặc trưng Đông Nam Bộ

Tối 4/1, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước tổ chức khai mạc Không gian trưng bày, quảng bá văn hóa - du lịch - ẩm thực đặc trưng các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ năm 2024, tại thị xã Phước Long. Không gian trưng bày diễn ra đến ngày 6/1, tại vườn cây lưu niệm (Trung tâm hành chính thị xã Phước Long cũ). Đây là sự kiện chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Phước Long (6/1/1975 - 6/1/2024). Không gian trưng bày quy tụ 22 gian hàng giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch, ẩm thực đặc trưng của các tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Phước.

Sẽ khai quật khẩn cấp con tàu gỗ bị chìm trên vùng biển Hội An

Trưa 4/1, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, theo đề nghị của UBND thành phố Hội An về việc phối hợp xử lý hiện vật tại khu vực ven biển phường Cửa Đại, Sở chỉ đạo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An phối hợp Bảo tàng Quảng Nam tiến hành các thủ tục đề xuất khai quật khẩn cấp hiện vật tại địa điểm trên theo quy định của pháp luật.

69 tác phẩm được trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2023

Ngày 4/1, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức lễ trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2023. Theo Ban tổ chức, Giải thưởng Văn học nghệ thuật của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam là giải thưởng thường niên, đến nay đã tròn 30 mùa giải, ngày càng được mở rộng về quy mô, tập hợp sự tham gia của đông đảo văn nghệ sỹ trên cả nước. Hội đồng Giải thưởng đã lựa chọn được những tác phẩm có chất lượng tốt nhất về nội dung và nghệ thuật, đồng thời vẫn đảm bảo và tôn trọng tính chất tập hợp đội ngũ, phát hiện, bồi dưỡng lực lượng trẻ qua mỗi lần trao giải.

- Báo Văn hóa ngày 5/1 đưa tin:

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát huy tối đa sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam, vững bước đi lên

Dự và chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, kết quả của ngành VHTTDL trong năm 2023 đã đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Bước sang năm 2024, toàn Ngành tự tin, bản lĩnh và mạnh mẽ hơn để phát huy tối đa sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam và vững bước đi lên. Trong mọi hoàn cảnh, văn hóa chính là sức mạnh nội sinh để dân tộc ta luôn kiên cường, không khuất phục trước mọi khó khăn. "Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất…".

Xung quanh phát hiện "bất ngờ" tranh gương từng treo ở điện Cần Chánh

Mới đây báo chí phản ánh về sự "bất ngờ" phát hiện tranh gương ở Đại học Khoa học Huế là tranh quý từng treo ở điện Cần Chánh, gây sự quan tâm, chú ý của dư luận. Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, trong tương lai gần, sau khi điện Cần Chánh được trùng tu phục hồi, nhất thiết cần đưa các bức tranh gương này quay trở lại vị trí nguyên thủy của chúng. Đó cũng là yêu cầu chính đáng và phù hợp của công cuộc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống của Huế.

"Đường đua" phim Tết

Có thể thấy, Tết cổ truyền luôn là mùa "hốt bạc" của phim chiếu rạp, vì khán giả có nhu cầu giải trí trong thời điểm này rất cao, Tính đến thời điểm hiện tại, các bộ phim chiếu Tết Nguyên đán 2024 đã bắt đầu rục rịch bước vào đường đua. Theo đó, có ba phim đã chính thức chốt lịch ra rạp là "Mai" của Trấn Thành, "Gặp lại chị bầu" của Nhất Trung và "Sáng đèn" của Hoàng Tuấn Cường. Cả ba dự án đều khởi chiếu vào Mùng 1 Tết Giáp Thìn.

- Báo Đại đoàn kết ngày 5/1 đưa tin:

Còn đó câu chuyện trùng tu

Cuối năm 2022, dự án trùng tu Chùa Cầu (Hội An) khởi công. Sau 1 năm, khi di tích này đã hoàn thành việc tháo dỡ thì UBND TP Hội An yêu cầu tạm dừng việc trùng tu để lấy thêm ý kiến nhằm đảm bảo tính chân xác của di tích. Đây là việc làm cần thiết đối với một kiến trúc quan trọng, được coi là điểm nhấn của Di sản văn hóa thế giới Hội An (được UNESCO công nhận vào năm 1999). Được biết, UBND thành phố Hội An có 3 phương án trùng tu và cả 3 phương án sẽ đều được niêm yết công khai tại Chùa Cầu lấy ý kiến người dân, giới nghiên cứu. Thời gian bắt đầu từ dịp Tết Nguyên đán và kéo dài hết tháng 3/2024. Sau đó, sẽ hoàn chỉnh hồ sơ tiếp tục thi công, hoàn thành trùng tu Chùa Cầu trước mùa mưa năm nay. Việc trùng tu Cầu Chùa, việc UBND TP Hội An tạm dừng thi công để lấy ý kiến rộng rãi đáng được hoan nghênh. Chậm nhưng chắc. Còn nếu chỉ vì nôn nóng "khoác áo mới" cho di tích thì sẽ chỉ làm hỏng di tích mà thôi.

- Báo Sài Gòn Giải phóng ngày 5/1 đưa tin:

Múa rối: Thay đổi để tiếp tục phục vụ khán giả

Nghệ thuật múa rối xưa nay vẫn luôn thu hút khán giả, đặc biệt là các em thiếu nhi. Theo năm tháng, dù hành trình chinh phục và giữ chân khán giả gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh cùng các loại hình giải trí khác nhưng các nghệ sĩ múa rối vẫn nỗ lực từng ngày với khát vọng làm nghề, cống hiến cho nghệ thuật. Tại Liên hoan Múa rối TPHCM vừa diễn ra cuối năm 2023, các đơn vị rối đã cho thấy những nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng hình ảnh mới lạ để thu hút khán giả. Những con rối Transformers, Iron Man (dựa theo loạt phim nổi tiếng của Mỹ) tạo ấn tượng mạnh với khán giả thành phố, nhất là các em thiếu nhi. Và thành công từ 3 đêm diễn của liên hoan cho thấy sức hấp dẫn của nghệ thuật múa rối vẫn luôn bền bỉ với công chúng nhiều lứa tuổi.

- Báo điện tử VOV ngày 5/1 đưa tin:

Lai Châu giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc

Với mong muốn bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người am hiểu văn hóa ở tỉnh miền núi Lai Châu đã, đang tích cực truyền dạy tiếng nói, chữ viết, các bài dân ca, dân vũ và phong tục tập quán... cho giới trẻ. Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lai Châu cho biết, đến nay Lai Châu đã có 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm nghệ thuật múa xòe, trò chơi kéo co của dân tộc Thái; lễ hội Tủ Cải của dân tộc Dao, lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông và nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lự. Nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, các lễ hội, tín ngưỡng dân gian, tiếng nói, chữ viết, trang phục, các nghề thủ công truyền thống, các điệu dân ca, dân vũ... cũng đã, đang được bảo tồn, phát triển, góp phần làm nên sự đa sắc trong vườn hoa văn hóa các dân tộc Việt Nam.

- Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật ngày 4/1 đưa tin:

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Đổi mới về tư duy, thể hiện ước mơ, khát vọng đưa ngành VHTTDL phát triển

Chiều 03/01, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL tiếp tục chương trình Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 với chủ đề "Phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước" dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng. Tại Hội nghị, Bộ trưởng gợi mở các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực công tác: thể chế, tài chính, cán bộ, xây dựng Đảng, đoàn kết nội bộ trong các đơn vị, và yêu cầu các đơn vị phát biểu đi thẳng vào vấn đề, nêu ra những điểm nghẽn để cùng nhau tìm cách tháo gỡ, từ đó đề ra giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Với năm từ khóa "Thể chế, sáng tạo, liên kết, tăng tốc, về đích", Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ quán triệt, thực hiện tốt 8 nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao cho Ngành trong phiên họp sáng 03/01; tăng cường công tác quản lý tài chính, tổ chức cán bộ...

- Báo điện tử Tổ quốc, Văn hóa ngày 5/1 đưa tin:

Xây dựng Đề án thí điểm phát triển công nghiệp văn hóa tại tỉnh Quảng Ninh

Chiều 04/01, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã chủ trì buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về Đề án thí điểm phát triển công nghiệp văn hóa tại tỉnh Quảng Ninh. Đồng chủ trì có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh.Đề án cũng hướng đến tăng cường đầu tư của nhà nước, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa; huy động mọi nguồn lực xã hội đóng góp cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại tỉnh. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ chuyên môn để quản lý, điều hành các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh.

- VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam: Chuyên mục "Góc nhìn văn hóa" 11 giờ 05 phút hàng ngày đưa tin:

"Giải thưởng sách quốc gia" là chủ đề trong Chuyên mục "Góc nhìn văn hóa" ngày 04/01 trên VTV1. Theo Chương trình, 41 cuốn sách, bộ sách tiêu biểu vừa được vinh danh trong Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VI đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc, tình yêu dành cho sách trong cộng đồng.

-TTXVN , báo điện tử Chính Phủ và nhiều báo khác ngày 5/1 đưa tin: "Hình thành các mô hình văn hóa gắn bó chặt chẽ với đời sống nhân dân" cho biết: Cần đề xuất các phong trào xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi cấp thiết của quần chúng nhân dân; có giải pháp thực thi đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, hình thành các mô hình, giá trị văn hóa gắn bó chặt chẽ với đời sống, sinh hoạt thường nhật. Trên đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Hội nghị tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" năm 2023, phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2024, diễn ra chiều 4/1, tại Trụ sở Chính phủ.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 5/1/2024 - Ảnh 1.

Toàn ảnh Hội nghị tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" năm 2023

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" có phạm vi, địa bàn hết sức rộng lớn, phong phú về hình thức, đa dạng về đối tượng tham gia, đòi hỏi cách tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể, mới có thể đánh giá đầy đủ, chính xác, thiết thực.Việc xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở (quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng, bố trí nguồn vốn đầu tư, chi phí quản lý, vận hành…), cần có quy định, định mức, chỉ tiêu cụ thể giao cho cấp ủy, chính quyền các cấp, với trách nhiệm giám sát của Ban Chỉ đạo phong trào các cấp. Trong đó, cơ chế, chính sách nguồn lực Nhà nước sẽ góp phần kích hoạt, tạo điều kiện cho người dân chủ động tham gia từng phong trào văn hóa.

2.Lĩnh vực Thể thao

-Báo điện tử VOV ngày 5/1 đưa tin:

Tuyển thủ Việt Nam thuộc top thống kê đặc biệt ở Asian Cup 2023

Tuyển thủ Việt Nam - Nguyễn Đình Bắc nằm trong số 10 cầu thủ trẻ nhất của các đội bóng tham dự VCK Asian Cup 2023. Theo danh sách AFC công bố về 624 cầu thủ của 24 đội tuyển tham dự VCK Asian Cup 2023, tuyển thủ Việt Nam - Nguyễn Đình Bắc nằm trong số 10 cầu thủ trẻ nhất giải. Cụ thể, tiền vệ của ĐT Việt Nam sinh ngày 19/8/2004 và ở thời điểm Asian Cup 2023 khởi tranh, cầu thủ này vẫn chưa tròn 20 tuổi. Ở độ tuổi này, Đình Bắc là nhân tố trẻ thứ 7 tại giải đấu trên đất Qatar. Đình Bắc cũng chính là gương mặt ít tuổi nhất của ĐT Việt Nam. Đình Bắc đang có mùa giải khá ấn tượng cùng Quảng Nam khi đã có 2 bàn thắng sau 7 lần ra sân ở V-League 2023/2024. Ở cấp độ ĐTQG, Đình Bắc đã có bàn thắng ngay trong trận ra mắt ĐT Việt Nam gặp Philippines ở vòng loại World Cup 2026.

Vé xem ĐT Việt Nam thi đấu ở Asian Cup 2023 chưa đến 500.000 đồng

Liên đoàn bóng đá châu Á tin rằng mức vé ở vòng bảng Asian Cup 2023 sẽ dễ tiếp cận với số đông người hâm mộ. Vé xem các trận đấu vòng bảng tại Asian cup 2023 được chia làm 3 mức là 25 riyal Qatar (QAR), tương đương khoảng 160.000 đồng, 40 QAR (khoảng 260.000 đồng) và 60 QAR (khoảng 400.000 đồng). Một cổ động viên được mua tối đa 10 vé. Liên đoàn bóng đá châu Á cho biết, mức giá vé này để tạo điều kiện tiếp cận tốt nhất đến hàng triệu cổ động viên bóng đá châu Á.

-Báo Người Lao động ngày 5/1 đưa tin:

Tuyển Việt Nam trông chờ tài năng trẻ

Nhiều trụ cột tuyển Việt Nam không thể góp mặt tại vòng chung kết Asian Cup 2023 vì chấn thương, tạo cơ hội cho lứa tuyển thủ U23 quốc gia được thể hiện tài năng. Ngày 4-1, người hâm mộ Việt Nam đón nhận tin không vui thứ 3 liên tiếp khi tiền vệ ngôi sao Nguyễn Hoàng Đức không kịp bình phục sau thời gian điều trị chấn thương, buộc phải vắng mặt tại VCK Asian Cup 2023. Hoàng Đức là nhân tố chủ lực trong đội hình các cấp tuyển quốc gia gặt hái nhiều thành công dưới thời HLV Park Hang-seo.

Đi bộ gây quỹ chăm lo Tết cho công nhân

10.000 người sẽ tham gia chương trình đi bộ đồng hành "Triệu bước chân, một tấm lòng", hướng đến việc chăm lo một mùa xuân ấm áp, đầy tình thân cho đoàn viên Công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình sẽ diễn ra vào sáng 7-1-2024 với địa điểm xuất phát phía trước trụ sở UBND TP Thủ Đức, TP HCM. 10.000 người tham gia sẽ xuất phát trên lộ trình 3,5 km, dọc theo các tuyến đường Trương Văn Bang, Lâm Quang Kỳ, Sử Hy Nhan, Thạnh Mỹ Lợi, Trần Quý Kiên, Tạ Hiên và trở lại đường Trương Văn Bang, về đích tại điểm xuất phát.

-TTXVN ngày 5/1 đưa tin:

HLV Troussier chốt danh sách 30 cầu thủ sang Qatar

Chiều 4/1, HLV Philippe Troussier đã rút gọn danh sách 30 cầu thủ đội tuyển Việt Nam sang tập huấn tại Qatar để chuẩn bị cho Asian Cup 2024. Trước ngày chốt danh sách, đội tuyển Việt Nam đón nhận nhiều tin không vui khi có tới 9 cầu thủ chấn thương, không kịp bình phục cho giải đấu là Nguyễn Thành Chung, Hoàng Văn Toản, Đặng Văn Lâm, Nguyễn Đức Chiến, Nguyễn Thanh Nhàn, Bùi Tiến Dũng, Quế Ngọc Hải, Nguyễn Tiến Linh và Nguyễn Hoàng Đức. HLV Troussier đã phải đôn 4 cầu thủ lên từ U23 Việt Nam, gồm thủ môn Nguyễn Văn Việt, tiền vệ Lê Văn Đô, Nguyễn Văn Trường và tiền đạo Bùi Vĩ Hào lên tập trung cùng đội tuyển Quốc gia.

- Báo Tuổi trẻ ngày 4/1 đưa tin:

Tuyển Việt Nam có 44,28% cơ hội giành vé đi tiếp ở Asian Cup 2023

Trang We Global Football là công ty chuyên về thống kê bóng đá. Tính toán của We Global Football dựa theo các chỉ số thống kê của mỗi đội, họ đã mô phỏng các trận đấu bằng nhiều thuật toán trước khi đưa ra kết quả dự báo khá chính xác. Theo thống kê của We Global Football, tuyển Việt Nam có 44,28% cơ hội giành vé đi tiếp ở bảng D Asian Cup 2023.

- Báo Tiền phong ngày 4/1 đưa tin:

AFC công bố danh sách tuyển Việt Nam dự Asian Cup 2023: Nhiều bất ngờ!

Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã công bố danh sách chính thức của tuyển Việt Nam tham dự Asian Cup 2023. Đáng chú ý, Nguyễn Hoàng Đức vẫn có tên bên cạnh những bất ngờ lớn như Giáp Tuấn Dương, Trương Tiến Anh (Link).

- Báo điện tử Tổ quốc ngày 4/1 đưa tin:

HLV Troussier: "Đội tuyển Việt Nam sẽ cố gắng từng trận đấu"

Chiều ngày 04/01, HLV Philippe Troussier đã có những chia sẻ về tình hình đội tuyển Việt Nam trước thềm Asian Cup. HLV cho biết: Tôi muốn gia tăng chủ động của đội và để làm được điều đó các cầu thủ phải có sự tự tin, đặc biệt trong khâu có bóng và kiếm soát bóng. Dù vậy, không dễ để các cầu thủ làm quen ngay. Tuy nhiên, ở các cầu thủ Việt Nam, tôi tin rằng họ có định hướng, giải pháp. Với năng lực của các cầu thủ cùng sự tự tin, họ sẽ giải quyết được nhiều chuyện. Chúng tôi đặt mục tiêu thi đấu tốt từng trận và vượt qua vòng bảng"

- Báo Văn hóa ngày 5/1 đưa tin:

Thể thao Việt Nam chuẩn bị cho thế vận hội 2024: Khó nhưng không nản

Thế vận hội mùa hè 2024 (Olympic Paris 2024) sẽ được tổ chức từ ngày 26/7 - 11/8 tại Paris cùng 16 thành phố trên khắp nước Pháp. Thể thao Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn gấp rút chuẩn bị cho Thế vận hội năm 2024. Để "vượt núi", Cục Thể dục thể thao đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó nhóm vận động viên trọng điểm tập trung cho mục tiêu giành vé dự Olympic sẽ được tăng chế độ ăn, dinh dưỡng, hồi phục và có thêm đội ngũ bác sĩ, chuyên gia hồi phục đồng hành trong quá trình tập huấn, thi đấu...

3.Lĩnh vực Du lịch

-TTXVN ngày 5/1 đưa tin:

Sức hút từ cao nguyên Lâm Đồng

Ngoài các hình thức tham quan, nghỉ dưỡng đặc thù, ngành du lịch Lâm Đồng đang phát triển mạnh mô hình du lịch kết hợp thi đấu thể thao bởi những điều kiện lý tưởng của địa phương. Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng nhận định, phong trào chạy trail phát triển mạnh tại địa phương trong những năm gần đây. Ngoài thu hút du khách, chất lượng các giải đấu cũng được hoàn thiện qua từng năm

Hải Phòng: Phấn đấu đón 9,1 triệu lượt du khách trong năm 2024

Năm 2024, ngành Du lịch Hải Phòng triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm để đạt mục tiêu thu hút 9,1 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt trên 1 triệu lượt. Theo ông Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng, năm 2024, ngành tiếp tục triển khai các chủ trương lớn của Trung ương và thành phố về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố và thực hiện kế hoạch của UBND thành phố về quảng bá, xúc tiến du lịch giai đoạn 2021 - 2025.

Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn bậc nhất châu Á

Việt Nam là nước an toàn nhất, đồng thời là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn nhất ở khu vực châu Á cho mùa du lịch năm 2024. Đây là đánh giá trên trang https://www.traveloffpath.com một trong những trang thông tin về du lịch có quy mô lớn nhất khu vực Bắc Mỹ. Theo bài viết, năm 2024 sẽ là năm du lịch của châu Á, trong đó, mọi sự chú ý của du khách quốc tế sẽ đổ dồn vào Việt Nam. Malaysia với khung cảnh đa văn hóa hay Indonesia với vô số hòn đảo thiên đường sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượt khách quốc tế đến thăm trong những tháng tới.

-Báo Hà Nội mới ngày 5/1 đưa tin:

Du lịch Việt Nam năm 2024: Kỳ vọng bứt phá mạnh mẽ

Với sự tăng trưởng nhanh vào cuối năm 2023, ngành Du lịch kỳ vọng năm 2024 sẽ bứt phá mạnh mẽ, đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, bằng với thời điểm năm 2019 - "năm vàng" của du lịch Việt Nam trước dịch Covid-19. Con số này thể hiện quyết tâm của ngành Du lịch để phục hồi hoàn toàn, đồng thời đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc cạnh tranh với những nước trong khu vực.

Hơn 3.500 du khách tàu biển cập cảng Phú Mỹ

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đón chuyến tàu du lịch biển đầu tiên của năm 2024, mang theo hơn 3.500 du khách nước ngoài đến tham quan miền Nam. Spectrum of The Seas là siêu du thuyền hiện đại bậc nhất, được đóng tại Meyer Werft ở Papenburg, Đức và được hạ thủy vào tháng 4-2019. Tháng 8-2023, tàu du lịch biển Spectrum of The Seas cũng đã đưa hơn 4.400 du khách quốc tế khám phá Việt Nam và ghé qua cảng Phú Mỹ.

Hà Nội thuộc tốp dẫn đầu lượng du khách trong Tết Dương lịch

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam vừa công bố, kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024 diễn ra với thời tiết thuận lợi ở cả ba miền với nhiều tín hiệu vui. Trong 3 ngày nghỉ (từ ngày 30-12-2023 đến 1-1-2024), ước tính, cả nước đã phục vụ khoảng 3,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023. Theo ghi nhận, tổng lượt khách trong đợt nghỉ Tết Dương lịch 2024 tại một số địa bàn du lịch trọng điểm đều tăng. Trong đó, 3 địa phương dẫn đầu lượng khách là thành phố Hồ Chí Minh ước đón và phục vụ 1,65 triệu lượt khách; công suất phòng trung bình ước đạt khoảng 87%, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 6.400 tỷ đồng. Khánh Hòa ước đón và phục vụ 465.900 lượt khách, công suất phòng bình quân ước khoảng 73%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 498 tỷ đồng. Thủ đô Hà Nội ước đón và phục vụ 402.000 lượt khách, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 5/1/2024 - Ảnh 3.

Hà Nội nằm trong tốp các địa phương dẫn đầu số lượng du khách trong dịp Tết Dương lịch 2024.

-Báo điện tử VOV ngày 5/1 đưa tin:

Du khách Ấn Độ - "mỏ vàng" mới của du lịch thế giới?

Từ năm 2024, mỗi năm người dân Ấn Độ được dự báo dành ra khoảng 42 tỷ USD cho việc đi du lịch. Với quy mô dân số đứng đầu thế giới, không chỉ các doanh nghiệp lữ hành, nhiều quốc gia trên thế giới đang chờ đợi Ấn Độ thực sự bước vào "giai đoạn vàng" về du lịch. Ấn Độ đang trở thành "điểm nóng" mới của du lịch thế giới với tốc độ tăng trưởng nhanh trong một vài năm qua. Du lịch Ấn Độ "cất cánh" cả ở phân khúc nội địa và quốc tế. Các đột phá về kinh tế, xã hội giúp cho thu nhập của người dân Ấn Độ đang ngày một cải thiện. Truyền thông và mạng xã hội giúp người tiêu dùng Ấn Độ tiếp cận được nhiều thông tin đa dạng hơn, mở ra cho họ các lựa chọn mới. Đây chính là yếu tố thúc đẩy nhu cầu du lịch tại Ấn Độ gia tăng.

Phát triển "Du lịch xanh"- Du lịch bền vững

Phát triển du lịch xanh được xem là hướng đi phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, nước ta liệu đã có đủ các điều kiện để phát triển du lịch xanh? Làm thế nào để du lịch xanh thực sự là hướng phát triển bền vững của du lịch Việt? Theo ông Vũ Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, có rất nhiều nước trên thế giới khi phát triển một cách ồ ạt về kinh tế đã tạo ra xu hướng mất cân bằng giữa thiên nhiên và xu hướng hiện đại. Tuy nhiên, Việt Nam đã làm công việc này rất tốt. Định hướng của Việt Nam sắp tới là phát triển về không gian du lịch xanh, đây là một chiến lược cũng như một định hướng rất tốt, rất có lợi thế cho Việt Nam.

Cách Nhật Bản "làm mới" ngành du lịch sau đại dịch

Năm 2023, ngành du lịch Nhật Bản đã có một năm khởi sắc sau khoảng thời gian trì trệ vì đại dịch Covid-19. Lượng khách tới "đất nước mặt trời mọc" liên tục tăng và vào tháng 10/2023, lần đầu tiên Nhật Bản đón lượng khách trong tháng vượt qua mức trước đại dịch Covid-19. Về nguyên nhân chính giúp ngành du lịch Nhật Bản phục hồi, đầu tiên là từ tháng 1/2023, tất cả các hoạt động đã trở lại bình thường như trước đại dịch Covid-19, các chuyến bay quốc tế đã hồi phục trên 80%. Thứ hai, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu đi du lịch Nhật Bản tăng mạnh từ cả thị trường Đông Nam Á, Bắc Mỹ, châu Âu và Australia… Thứ ba, đồng Yên Nhật Bản xuống giá khiến sự chênh lệch đồng USD và Yên Nhật Bản có sự chênh lệch lớn. Điều này khiến các sản phẩm và dịch vụ rẻ hơn đối với du khách quốc tế, kích thích họ chi tiêu mua sắm nhiều hơn.

Điểm du lịch đầy hứa hẹn nằm giữa hai công viên địa chất toàn cầu

Nằm giữa Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) có vị trí vô cùng thuận lợi để trở thành điểm đến của du khách trong hành trình khám phá văn hóa của vùng đất có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Để có thêm nhiều sản phẩm du lịch, huyện Bảo Lạc tổ chức chợ đêm Bảo Lạc từ năm 2020. Sản phẩm này là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa và lĩnh vực thương mại, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương đến khám phá, giao lưu, thưởng thức những điệu hát dân ca các dân tộc và thưởng thức các món ăn truyền thống như: thắng cố, thịt chua, bánh bò, bánh trứng kiến, bánh chưng đen…

-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 5/1 đưa tin:

Điện Thái Hòa và Kiến Trung sẽ mở cửa đón khách tham quan dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Điện Thái Hòa và điện Kiến Trung, hai cung điện quan trọng thuộc hệ thống các cung điện của triều Nguyễn sẽ mở cửa để phục vụ du khách tham quan vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 sau thời gian dài trùng tu. Thông tin trên được ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cung cấp tại Hội nghị Triển khai công tác năm 2024 của Sở Du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức vào sáng ngày 4/1.

Thái Nguyên: Du lịch văn hóa tâm linh, lịch sử, về nguồn là một trong bốn sản phẩm chiến lược của tỉnh

Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc có vị trí địa lý thuận lợi và là điểm kết nối giữa 3 vùng, tiếp giáp với 6 tỉnh gồm: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và thủ đô Hà Nội. Với lợi thế này, Thái Nguyên đã xây dựng các chương trình tour du lịch văn hóa tâm linh, lịch sử, về nguồn trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách.

Du lịch Việt Nam xán lạn hơn nhờ "cú hích" từ Phú Quốc, Tây Ninh

Kết thúc một năm 2023 "không đến nỗi tệ", dù chưa đạt như kỳ vọng song du lịch Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc đầy lạc quan, khi nhiều điểm đến trọng điểm như Phú Quốc, Tây Ninh, Đà Nẵng… đón nhận tin vui trong dịp Tết Dương lịch 2024. Tín hiệu lạc quan còn nằm ở xu hướng lượng khách quốc tế qua các tháng đã tăng dần đều, thể hiện tín hiệu phục hồi tốt. Đáng chú ý, 6 tháng cuối năm 2023 đều có trên 1 triệu khách đến Việt Nam, trong đó tháng 12 đạt lượng khách cao nhất với 1,37 triệu lượt.

- Báo VnExpress ngày 4/1 đưa tin:

Du lịch Việt 2024 - vẫn còn thách thức khách rời bỏ sân nhà

Các chuyên gia cho rằng du lịch Việt năm 2024 còn nhiều thách thức nếu các nút thắt năm 2023 như vé máy bay không được tháo gỡ, khiến khách tiếp tục rời bỏ sân nhà. Theo bà Đinh Thị Thu Thảo, Giám đốc Thương mại của Mustgo, nền tảng đặt phòng với 2.000 đối tác toàn quốc, tình hình du lịch nội địa trong năm 2024 sẽ còn gặp nhiều thử thách. Bà Thảo nhận xét ngành du lịch sẽ tiếp tục phục hồi nhưng trong giai đoạn suy thoái kinh tế, khách hàng có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn.

- Báo Chính phủ ngày 4/1 đưa tin:

DIFF 2024: Lần đầu tiên các tân binh đến từ Mỹ, Đức, Trung Quốc tham gia tranh tài

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng DIFF 2024 dự kiến có 8 đội tham gia, gồm 7 đội quốc tế: Pháp, Ý, Mỹ, Đức, Ba Lan, Trung Quốc, Phần Lan và đội Đà Nẵng - Việt Nam. Trong đó có 3 tân binh đến từ các quốc gia Mỹ, Đức, Trung Quốc lần đầu tham gia trình diễn, tranh tài. DIFF 2024 sẽ có 5 đêm thi, bao gồm 4 đêm thi vòng loại và một đêm chung kết. Đêm khai mạc DIFF 2024 dự kiến diễn ra vào tối 8/6. Các đêm pháo hoa sau đó tổ chức vào mỗi tối thứ bảy trong các tuần kế tiếp (nghỉ một tuần trước đêm chung kết). Dự kiến đêm chung kết DIFF 2024 sẽ diễn ra vào ngày 13/7.

- Báo Văn hóa ngày 5/1 đưa tin:

Phát triển du lịch bền vững từ di sản văn hóa bản địa

Khao khát lưu giữ bản sắc tộc người và phát triển du lịch xanh, bền vững dựa vào nội lực cộng đồng, đồng bào dân tộc tại Tả Phìn, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã cùng khai thác giá trị về tri thức, di sản văn hóa bản địa gắn liền với du lịch, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập.

- Tạp chí Du lịch TP.HCM ngày 5/1 đưa tin:

Đà Lạt tăng cường bảo đảm an toàn cho du khách ở khu vực hồ, thác,…

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng vừa đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương chuẩn bị các điều kiện đón tiếp, phục vụ; đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ và an toàn cho khách du lịch, yêu cầu các khu, điểm du lịch, tham quan phải tuyệt đối không cho các công ty lữ hành tổ chức các chương trình du lịch tự phát trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

- Báo Pháp luật Việt Nam ngày 5/1 đưa tin:

Khai thác giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số: Chú trọng vai trò chủ thể của cộng đồng

Trong hoạt động khai thác giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, cần quan tâm và đặt cộng đồng dân cư tại chỗ ở vị trí trung tâm; các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch cần phải góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần thực chất, bền vững cho người dân.

4.Lĩnh vực Gia đình

-Báo Hà Nội mới ngày 5/1 đưa tin: "Thành phố Hồ Chí Minh: Dành gần 1.000 tỷ đồng chăm lo Tết cho người dân" cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chi từ nguồn ngân sách thành phố hơn 915 tỷ đồng để chăm lo Tết cho người dân, đặc biệt đối tượng chính sách. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, về điểm mới trong công tác chăm lo Tết năm 2024, thành phố tổ chức các đoàn thăm 65 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, các hội quỹ, 12 đơn vị, tổ chức là đối tác cùng đồng hành hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ, trẻ em và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố.

Ban Biên tập

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×