Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 3/1/2024
03/01/2024 | 11:30Cả nước phục vụ 3,2 triệu lượt du khách trong dịp Tết Dương lịch 2024; Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ VHTTDL; AFC công bố mức thưởng dành cho đội bóng giành chức vô địch Asian Cup 2023 là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
-Báo Nhân Dân ngày 3/1 đưa tin:
Quảng Ninh chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm các vi phạm tại chùa Ba Vàng
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có ý kiến chỉ đạo và giao các cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố Uông Bí khẩn trương vào cuộc, kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm các vi phạm tại chùa Ba Vàng (thành phố Uông Bí). Trong thời gian qua, một số hoạt động của chùa Ba Vàng như: Lễ thỉnh vong, giải oan gia trái chủ, xin chuyển sang hệ phái Nam tông kinh, phát ngôn gây mất đoàn kết liên quan đến tín ngưỡng thờ mẫu, rước và trưng bày vật thể được cho là "xá lợi tóc của Đức Phật" từ Myanmar… gây phức tạp dư luận, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, gây hoang mang trong dư luận nhân dân.
Hội Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ diễn ra vào ngày 26/1
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ra Quyết định số 4087/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức Hội Xuân Giáp Thìn 2024 nhân dịp Tết Nguyên đán và chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930). Hội Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Số 2 phố Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) từ ngày 26/1 đến hết 1/2. Hội xuân nhằm giới thiệu, tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống trong dịp Tết cổ truyền của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, đồng thời là địa chỉ mua sắm, vui chơi, giải trí lành mạnh của người dân Thủ đô trong dịp Tết.
-TTXVN ngày 2/1 đưa tin:
Khởi công xây dựng cụm Tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954
Ngày 2/1, tại khu vực bờ Nam sông Ông Đốc (Khóm 6B, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), UBND tỉnh tổ chức Lễ khởi công xây dựng cụm Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954. Đây là một trong những công trình chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Cụm công trình do Ban Quản lý Dự án Xây dựng công trình giao thông Cà Mau làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 10,8 ha, tổng mức đầu tư trên 176,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Tri ân tiền nhân và tôn vinh người trồng hoa, kiểng Sa Đéc
Trong khuôn khổ chương trình Festival hoa, kiểng Sa Đéc lần thứ I, tối 2/1, tại Quảng trường Sa Đéc, UBND thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) tổ chức Lễ tri ân tiền nhân và tôn vinh người trồng hoa, kiểng. Hoạt động nhằm tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ trước đã có nhiều đóng góp cho sự hình thành, phát triển của Làng hoa Sa Đéc; giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống, phát huy giá trị kinh tế của các sản phẩm hoa, kiểng - ngành hàng chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp; thúc đẩy phát triển ngành hàng hoa, kiểng gắn với phát triển du lịch nông nghiệp và chương trình mỗi xã một sản phẩm.
-Báo Người Lao Động ngày 3/1 đưa tin:
Nỗ lực xây dựng kho nội dung cho phim Việt
Việc có một kho nội dung đủ hấp dẫn, đặc sắc, mang nét văn hóa bản địa để làm chất liệu là ước mơ chung của các nhà làm phim Việt. Bên cạnh sân chơi phim ngắn, giới làm phim đang chung tay tổ chức nhiều hoạt động tranh tài đa dạng để "xây kho" nội dung vững chắc cho các nhà làm phim Việt Nam. Nhà sản xuất, đạo diễn Charlie Nguyễn cùng nhà làm phim người Úc Paul Brenner và những người bạn đã tổ chức cuộc thi sáng tác truyện tranh thường niên "Comink". Mùa 1 đã trao giải, trong khi mùa 2 đang diễn ra. Đây là cuộc thi dành cho tất cả những ai đam mê kể chuyện bằng hình vẽ, bất kể trình độ, kinh nghiệm, độ tuổi, giới tính hay vùng miền. Yêu cầu duy nhất là truyện tranh phải bản gốc và chưa xuất bản.
Xét tặng danh hiệu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể
Nghị định 93/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15-2-2024. Đối tượng được xét tặng là cá nhân người Việt Nam đang nắm giữ, thực hành, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian; nghề thủ công truyền thống; là tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư liên quan hoạt động xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
NSND Hồng Vân, NSƯT Hữu Châu gia nhập đường đua phim Tết
NSND Hồng Vân, NSƯT Hữu Châu tham gia phim "Sáng đèn" do Hoàng Tuấn Cường đạo diễn. Tác phẩm gia nhập đường đua phim Tết Nguyên đán, cạnh tranh cùng "Mai" và "Gặp lại chị bầu". Phim "Sáng đèn" có nội dung về thời thịnh-suy, giao thời của cải lương và những gánh hát lưu diễn khắp miền Tây. Trong poster phim, với màu sắc của sự hoài cổ, khán giả bắt gặp hình ảnh quen thuộc của những người nghệ sĩ cải lương với trang phục sân khấu và các đạo cụ đặc trưng. Điểm nhấn trên poster là tất cả những thành viên của gánh hát đều toát lên nụ cười, ánh mắt của sự lạc quan và hy vọng. Tất cả họ cùng nhìn về một hướng, dường như đang tràn đầy niềm tin về một ngày mai tươi sáng cho gánh hát lưu diễn muôn phương.
-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 3/1 đưa tin:
Xây dựng môi trường văn hóa đi vào chiều sâu: Khẳng định một hướng đi đúng
Sau 2 năm xác định việc xây dựng môi trường văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, toàn ngành Văn hóa đã đạt được những kết quả bước bước đầu đáng ghi nhận, tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ. Tại các địa phương đã xuất hiện nhiều điểm sáng, tấm gương điển hình tiên tiến, từng bước khẳng định đây là một hướng đi đúng đắn.
Bộ VHTTDL tổng kết công tác năm 2023: Lĩnh vực văn hóa, gia đình đạt nhiều thành tựu quan trọng
Sáng 3/1, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 với chủ đề: "Phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Báo cáo về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, ngành đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Khai thác thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa ở Đà Nẵng
Trong báo cáo của Bộ VHTTDL do Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam lần đầu tiên tổ chức ngày 22/12/2023, mục tiêu phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Đà Nẵng được xác định vừa là một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm (cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) vừa là một trong các địa phương được đầu tư xây dựng và phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo.
-Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 2/1 đưa tin:
Bước đà cho cuộc nâng tầm
Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu, nhiều người đánh giá năm 2023 là một năm "kinh tế buồn", nhưng không vì thế mà các hoạt động thuộc về giá trị tinh thần tại TPHCM trở thành khoảng trống. Năm 2024, các sự kiện văn hóa - giải trí tại TPHCM sẽ tiếp tục nỗ lực định vị vai trò "văn hóa sáng tạo" của TPHCM, từng bước nâng tầm chất lượng, làm động lực cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Thời thịnh - suy của cải lương lên phim Tết 2024
Là dự án thứ 3 sẽ góp mặt trong đường đua phim Tết năm nay, Sáng đèn của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường xoay quanh câu chuyện về những thịnh - suy, giao thời của cải lương và những gánh hát lưu diễn khắp miền Tây. Nhà sản xuất Mega GS vừa công bố poster chính thức của bộ phim Sáng đèn với lịch phát hành dự kiến vào mùng 1 Tết Nguyên đán (tức ngày 10-2). Đây sẽ là dự án phim Tết thứ 3 sau Mai (đạo diễn Trấn Thành) và Gặp lại chị bầu (đạo diễn Nhất Trung). Sáng đèn mang màu sắc của sự hoài cổ, nhuốm màu thời gian với những con người, đạo cụ gợi nhắc cho chúng ta về thời hoàng kim của những gánh hát cải lương mấy chục năm về trước.
Festival Huế 2024 kéo dài với bốn mùa lễ hội
Mới đây, Ban tổ chức Festival Huế tổ chức lễ Ban Sóc và công bố chương trình Festival Huế 2024 chủ đề "Di sản Văn hoá với hội nhập và phát triển". Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Phó Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2024 cho biết, Festival Huế 2024 được tổ chức với các hoạt động liên tục, kéo dài trong suốt năm với định hướng bốn mùa.
2.Lĩnh vực Thể thao
-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 3/1 đưa tin:
Nhìn lại thể thao Việt Nam năm 2023
Năm 2023 được đánh giá là năm thách thức với thể thao Việt Nam khi thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó, hai nhiệm vụ hàng đầu là SEA Games và ASIAD. Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL cùng sự quyết tâm đồng lòng, ngành thể thao đã gặt hái được những thành công nhất định. Đó là việc đạt thành tích ấn tượng trên đấu trường quốc tế, thành tích bất ngờ và hành trình lịch sử của đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam, tìm hướng đi cho thể thao thành tích cao
-Báo điện tử VOV ngày 3/1 đưa tin:
ĐT Nhật Bản có "quân xanh" chất lượng trước ngày đấu ĐT Việt Nam
Trước trận ra quân tại VCK Asian Cup 2023 gặp ĐT Việt Nam, ĐT Nhật Bản sẽ đối đầu với đội bóng khá mạnh của châu Á. Tại VCK Asian Cup 2023, ĐT Nhật Bản nằm chung bảng D với các đội Iraq, Việt Nam và Indonesia. Minamino và các đồng đội sẽ chơi trận ra quân gặp Việt Nam vào ngày 14/1, sau đó gặp Iraq và Indonesia vào các ngày 19/1 và 24/1.
Lịch thi đấu và trực tiếp Asian Cup 2023: ĐT Việt Nam vượt núi cao?
Lịch thi đấu và trực tiếp VCK Asian Cup 2023 của ĐT Việt Nam, thầy trò HLV Philippe Troussier sẽ đối đầu với những đối thủ mạnh như Nhật Bản, Iraq và Indonesia. VCK Asian Cup 2023 được tổ chức ở Qatar - nước chủ nhà thay cho Trung Quốc rút lui không đăng cai. Giải đấu đã lùi ngày thi đấu từ mùa hè 2023 sang đầu năm 2024, dự kiến diễn ra từ ngày 12/1 đến 10/2/2024. Theo thể thức thi đấu, 24 đội tham dự Asian Cup 2023 được chia thành 6 bảng, mỗi bảng 4 đội. Các đội sẽ đá vòng tròn để chọn ra những đội nhất, nhì cùng 4 đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất ở mỗi bảng vào vòng 1/8.
ĐT Việt Nam được nhận bao nhiêu tiền thưởng ở Asian Cup 2023?
Theo thông báo từ Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), đội vô địch Asian Cup 2023 sẽ nhận số tiền thưởng 5 triệu USD. Mới đây, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) vừa công bố mức thưởng dành cho đội bóng giành chức vô địch Asian Cup 2023. Theo đó, đội bóng vô địch Asian Cup 2023 sẽ nhận số tiền thưởng là 5 triệu USD (tương đương hơn 121 tỷ đồng). Theo Liên đoàn Bóng đá châu Á, các đội giành quyền tham dự vòng chung kết Asian Cup 2023 được cấp 200.000 USD (gần 5 tỷ đồng). Do đó, ĐT Việt Nam sẽ nhận ít nhất 200.000 USD khi góp mặt ở sân chơi này. Nếu tiến sâu ở giải thì số tiền sẽ tăng lên theo quy định.
-Báo Người Lao động ngày 3/1 đưa tin:
Quế Ngọc Hải, Nguyễn Tiến Linh không dự Asian Cup 2023
Bị tái phát chấn thương trong thời gian hội quân tuyển Việt Nam chuẩn bị cho Asian Cup 2023, trung vệ Quế Ngọc Hải và tiền đạo Nguyễn Tiến Linh không thể tham dự sân chơi đẳng cấp nhất châu Á kỳ này. Sau khi chia tay hàng loạt trụ cột vì chấn thương trước ngày hội quân, tuyển Việt Nam đón nhận thêm tin buồn vì trung vệ Quế Ngọc Hải và tiền đạo Nguyễn Tiến Linh không kịp bình phục sau thời gian bị tái phát chấn thương và không thể tham dự Asian Cup 2023 tại Qatar vào tháng 1-2024. Kết quả thăm khám của đội ngũ y tế thể hiện bộ đôi thuộc biên chế B.Bình Dương khó kịp hồi phục trước khi đội tuyển Việt Nam lên đường sang Qatar tập huấn từ ngày 5-1.
Báo châu Á khen ngợi HLV tuyển Việt Nam và các học trò
Trang chủ LĐBĐ châu Á (The AFC) đánh giá HLV Troussier là một nhà cầm quân kỳ cựu tại Asian Cup và ấn tượng với hai chân sút Nguyễn Tiến Linh, Phạm Tuấn Hải. Trước thềm Asian Cup 2023, The AFC đánh giá cao trình độ, đẳng cấp của đội tuyển Việt Nam. Trang chủ The AFC viết: "HLV trưởng tuyển Việt Nam – ông Philippe Troussier là một nhà cầm quân kỳ cựu tại Asian Cup khi đã từng dẫn dắt tuyển Nhật Bản vô địch giải đấu năm 2000 và huấn luyện tuyển Qatar tham dự sân chơi này vào năm 2004. Thành tích của HLV Troussier là mục tiêu mà HLV Moriyasu của tuyển Nhật Bản đang hướng tới ở Asian Cup 2023".
Thể thao Việt Nam "hụt hơi" ở đấu trường lớn
Xếp nhất toàn đoàn kỳ SEA Games thứ nhì liên tiếp nhưng thi đấu không thành công tại Asian Games 19 là thực trạng của thể thao Việt Nam trong năm 2023. Thực tế này cũng đặt ra bài toán đau đầu cho ngành chức năng về việc tạo nền tảng lẫn sức bật mới để thể thao thành tích cao Việt Nam phát triển như kỳ vọng, theo đúng lộ trình vạch ra trong Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã đệ trình chờ Chính phủ phê duyệt.
-Báo Hà Nội mới ngày 2/1 đưa tin:
Gian nan đường tới Olympic Paris 2024
Kết thúc năm 2023, thể thao Việt Nam chưa thể hài lòng khi mới chỉ có 3 vận động viên (VĐV) giành được dự Olympic Paris 2024. Nhiều cán bộ thể thao, huấn luyện viên, VĐV sẽ không thể vui đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn một cách trọn vẹn bởi còn canh cánh nhiệm vụ chuẩn bị cho những giải đấu khốc liệt diễn ra từ đầu năm mới cho đến khoảng tháng 5-2024. Đó là những cơ hội cuối cùng để họ góp phần hoàn thành mục tiêu giành từ 12 - 15 suất dự Olympic mà ngành Thể thao đã đề ra.
Thể thao thành tích cao Hà Nội: Vững vàng vị thế dẫn đầu
Nhiều năm qua, thể thao thành tích cao của thành phố Hà Nội luôn duy trì ổn định vị thế dẫn đầu cả nước. Đặc biệt, trong năm 2023, lĩnh vực này tiếp tục vững vàng trong vai trò trụ cột của thể thao Việt Nam trên các đấu trường quốc tế, với nhiều thành tích đáng tự hào... Năm 2023, thể thao thành tích cao Hà Nội luôn giữ vững vị trí dẫn đầu toàn quốc và là trụ cột của thể thao Việt Nam. Tính đến cuối tháng 11-2023, các vận động viên Hà Nội đã thi đấu đạt hơn 3.000 huy chương các loại.
-TTXVN ngày 2/1 đưa tin:
Thể thao Việt Nam: Nhìn lại để vươn xa hơn ở sân chơi thế giới
Tại Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) diễn ra ở Campuchia năm 2023, Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành tổng cộng 136 Huy chương Vàng, 105 Huy chương Bạc và 114 Huy chương Đồng, xuất sắc giành vị trí số 1 chung cuộc. Đây là lần đầu tiên, nước ta đứng đầu bảng tổng sắp huy chương ở một kỳ SEA Games tổ chức ở nước ngoài sau 2 lần giữ ngôi Nhất toàn đoàn trên sân nhà (năm 2003 và 2022). Sự kiện này cũng được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2023.
3.Lĩnh vực Du lịch
-Báo điện tử VOV, TTXVN và nhiều báo khác ngày 3/1 đưa tin: "Cả nước phục vụ 3,2 triệu lượt du khách trong dịp Tết Dương lịch 2024" cho biết: Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 3 ngày từ 30/12 - 1/1/2024, ước tính cả nước đã phục vụ khoảng 3,2 triệu lượt khách du lịch (tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023). Trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2024 (từ 30/12/2023 đến 1/1/2024), ước tính cả nước đã phục vụ khoảng 3,2 triệu lượt khách du lịch (tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023). Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đạt gần 50%, một số trung tâm du lịch lớn ghi nhận công suất vào khoảng 70%. Nhìn chung, lượng khách và tổng thu từ du lịch tại các địa phương trên cả nước đều cơ bản tương đương so với cùng kỳ năm trước, một số địa phương ghi nhận số lượng tăng khá. Hoạt động kinh doanh du lịch tại các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch diễn ra nhộn nhịp.
Đa số địa bàn du lịch trọng điểm đã đón lượng khách và doanh thu du lịch tăng cao trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024. Trong đó, TP.HCM đón và phục vụ 1,65 triệu lượt khách; công suất phòng trung bình ước đạt khoảng 87%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 6.400 tỷ đồng. Khánh Hòa đón và phục vụ 465.900 lượt khách; công suất phòng bình quân khoảng 73%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 498 tỷ đồng. Hà Nội đón và phục vụ 402.000 lượt khách; công suất phòng trung bình ước đạt 60%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 1.500 tỷ đồng.
-Báo Vietnamplus ngày 3/1 đưa tin:
Năm 2024, Hà Nội phấn đấu đón 25,6 triệu lượt khách du lịch
Năm 2023, du lịch Hà Nội đã phục hồi mạnh mẽ, với nhiều kết quả vượt chỉ tiêu ban đầu. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt, tăng 27% so với năm 2022 (tăng 9,1% so với kế hoạch, tương đương 83% kết quả năm 2019). Trong số này, có 4 triệu lượt khách quốc tế (có 2,82 triệu khách có lưu trú), tăng 266,7% so với năm 2022 (tăng 33,3% so với kế hoạch, tương đương 57% kết quả năm 2019). Năm 2024, ngành du lịch Thủ đô đặt mục tiêu số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 đạt khoảng 26,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với ước năm 2023.
Bạc Liêu đón gần 40.000 lượt khách trong dịp Tết Dương lịch 2024
Dịp Tết Dương lịch 2024, tỉnh Bạc Liêu đã đón khoảng 39.500 lượt khách đến tham quan, du lịch, doanh thu du lịch đạt trên 28,5 tỷ đồng. Các điểm tham quan, du lịch tập trung đông khách tham quan là Khu Quán âm Phật đài, Quảng trường Hùng Vương, Khu Du lịch Vườn nhãn, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sỹ Cao Văn Lầu. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương cho biết công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực tại cơ sở được tăng cường trong dịp Tết Dương lịch năm 2024.
Kiên Giang đặt mục tiêu đón 9,2 triệu lượt khách du lịch trong năm 2024
Để đạt mục tiêu, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất, nhất là xây dựng công trình hạ tầng trọng điểm đến khu, điểm du lịch. Theo Sở Du lịch Kiên Giang, năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu đón 9,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 680.000 lượt khách; tổng doanh thu từ du lịch 20.000 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất, nhất là xây dựng công trình hạ tầng trọng điểm đến khu, điểm du lịch.
-TTXVN ngày 3/1 đưa tin:
Phát huy tiềm năng du lịch Điện Biên
Điện Biên, mảnh đất với thiên nhiên hùng vỹ, lịch sử hào hùng, văn hóa đặc sắc, khí hậu trong lành, là nơi hội tụ tinh hoa của vùng Tây Bắc. Với nhiều tiềm năng, lợi thế, Điện Biên nỗ lực phấn đấu đưa du lịch "cất cánh", trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2020 - 2025, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, địa phương xác định khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và dựa trên ba trụ cột chính: Du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm 42% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam
Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho thấy: Trong năm 2023, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường khách lớn nhất trong năm 2023 với gần 3,6 triệu lượt (chiếm 28% tổng lượng khách). Thị trường Trung Quốc đạt 1,7 triệu lượt, xếp ở vị trí thứ 2. Như vậy là, 2 thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm 42% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tiếp sau là Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ và Nhật Bản đứng vị trí thứ 5.
Vịnh Hạ Long là điểm đến yêu thích của du khách dịp Tết Dương lịch 2024
Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2024 (30/12/2023-1/1/2024), tỉnh đón 170 ngàn lượt khách du lịch, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách nội địa ước đạt gần 129 ngàn lượt, khách quốc tế ước đạt hơn 41 ngàn lượt. Khách lưu trú ước đạt 56.800 lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 340 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023. Vịnh Hạ Long là điểm đến yêu thích của du khách khi đón 33.500 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 25.400 lượt.
-Báo Người Lao động ngày 3/1 đưa tin:
Du lịch Mỹ Sơn một năm bội thu
Theo báo cáo của Ban Quản lý (BQL) Di sản văn hóa Mỹ Sơn, năm 2023, tổng lượt khách đến đây tham quan là hơn 380.000, đạt 344,31% so với năm 2022. Trong đó, khách nước ngoài 335.000 lượt, đạt 500,90%; khách Việt Nam 45.000 lượt, đạt 103,48%. Ông Phan Hộ, Giám đốc BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho rằng đó là những con số ấn tượng trong một năm nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông, năm 2023, du lịch đã từng bước phục hồi sau đại dịch COVID-19; khách quốc tế đến Việt Nam tăng dần. Tuy nhiên, thị trường khách có nhiều thay đổi. Các thị trường truyền thống chưa thể phục hồi như trước dịch, chủ yếu là thị trường mới nổi.
Du lịch Việt Nam quyết tâm bứt phá
Năm 2024, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, dự kiến phục hồi 95%-100% so với năm 2019 và phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu ước đạt 840.000 tỉ đồng, cao gấp 1,25 lần năm 2023 và gấp 1,2 lần năm 2019. Trong năm 2023, du lịch Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện.
Thú vị trải nghiệm "đi bộ khám phá văn hóa" ở Chợ Lớn
Không giống những chuyến du lịch khác, tour "Kể chuyện Chợ Lớn" buộc khách tham quan phải đi bộ qua những ngõ, ngách mang dấu ấn lịch sử để nghe kể chuyện và khám phá văn hóa. Tour "Kể chuyện Chợ Lớn" do Công ty Vang Vọng Trống Chầu thiết kế kéo dài khoảng 4-5 tiếng với mức giá trung bình khoảng 700.000 đồng/khách. Founder Phan Khắc Huy thành lập công ty năm 2012 với tên Cội Việt, sau đó đổi tên thành Vang Vọng Trống Chầu vào năm 2020.
-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 2/1 đưa tin:
Dự báo du lịch toàn cầu 2024: Châu Á nổi lên là điểm nóng hàng đầu
Theo trang CNBC, khi nhắc đến du lịch nước ngoài, những điểm đến nổi tiếng như London, Paris và Rome dường như luôn đứng đầu danh sách của khách du lịch Mỹ. Nhiều du khách Mỹ gần đây thường có xu hướng tìm kiếm những chuyến đi xa hơn trong năm 2024. Các chuyên gia dự báo, trong năm 2024, khách du lịch sẽ có xu hướng lựa chọn điểm đến là trung tâm lớn của châu Á và các địa điểm mới ở châu Âu.
Đà Nẵng đón hơn 2.000 khách du lịch bằng tàu biển
Hơn 2.000 du khách đầu tiên trên chuyến tàu biển du lịch Westerdam đã đến Đà Nẵng nhân dịp Tết Dương lịch 2024. Ngày 2/1, tại cảng Tiên Sa, Sở Du lịch TP. Đà Nẵng phối hợp với Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng, Bộ đội Biên phòng Cảng Đà Nẵng và Công ty lữ hành Destination Asia tổ chức chào đón hơn 2.000 du khách tàu biển đầu tiên trên chuyến tàu biển du lịch Westerdam (thuộc sở hữu của hãng tàu biển danh tiếng Holland America Line) đến Đà Nẵng nhân dịp Tết Dương lịch 2024. Đây là chuyến tàu biển du lịch quốc tế đầu tiên cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) trong năm mới.
-Báo Văn Hóa ngày 2/1 đưa tin:
Đưa Mường Lay thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh Điện Biên
Đến Mường Lay những ngày này mới thấy hết không khí sôi động, đầy sức sống với các hoạt động mở màn cho Năm Du lịch quốc gia- 2024 Điện Biên: Lễ hội Đua thuyền đuôi én lần thứ 9 và Giải Vô địch các CLB Dù lượn quốc gia lần thứ 4 năm 2024. Giới thiệu với đoàn khảo sát gồm đại diện hơn 30 công ty du lịch và cơ quan báo chí, ông Chui Văn Thành, Phó chủ tịch Thị xã Mường Lay cho biết: "Trong những năm gần đây, thị xã được Chính phủ quan tâm đầu tư thực hiện Dự án Tái định cư thuỷ điện Sơn La. Qua đó, cơ sở hạ tầng, bộ mặt đô thị ngày càng đổi thay với những công trình được xây dựng khang trang, hiện đại". Các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ lưu trú homestay… được đầu tư mở rộng. Nhiều công trình dự án được xây dựng, đang từng bước hoàn thiện. Các tuyến đường nội thị được rải áp phan, hệ thống đèn chiếu sáng đô thị được đầu tư, chỉnh trang đồng bộ. Hệ thống cây xanh đa dạng, phát triển tốt là điểm nhấn cho thị xã sáng - xanh - sạch - đẹp…
Nhiều cơ sở lưu trú ở Ninh Bình đạt 100% công suất dịp Tết Dương lịch
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết: Trong 3 ngày Tết Dương lịch 2024 (từ ngày 30.12.2023- 1.1.2024), toàn tỉnh đón 312.900 lượt khách, tăng 21,2% so với dịp Tết Dương lịch năm 2023. Trong đó có 29.500 lượt khách du lịch quốc tế, tăng 147,4% so với năm 2023. Doanh thu đạt 420 tỉ đồng, tăng 10,52% so với năm 2023. Công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh du lịch được các cấp, ngành đảm bảo; không có tình trạng chen lấn, ép khách, xin tiền bo; việc nâng cao hình ảnh du lịch Ninh Bình được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi. Một số điểm đón đông du khách tiêu biểu như: cố đố Hoa Lư đón 8.300 lượt khách; Tràng An đón trên 30.000 lượt; chùa Bái Đính đón 27.000 lượt khách; khu phố cổ Hoa Lư đón trên 43.000 lượt khách; vườn chim Thung Nham đón trên 33.000 lượt khách.
Khánh Hòa đón 465.000 lượt khách du lịch dịp Tết Dương lịch
Kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch kéo dài 3 ngày ước tính có khoảng 465.000 lượt khách du lịch đến Khánh Hòa tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, doanh thu du lịch đạt trên 498 tỉ đồng. Cũng theo Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, tình hình an ninh trật tự, an toàn trong dịp này được đảm bảo. Các đơn vị kinh doanh du lịch thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm... Trong dịp nghỉ Tết Dương lịch 2024, Sở đã tăng cường nhân lực, bố trí người trực điện thoại đường dây nóng 24/24 giờ để tiếp nhận phản ánh của du khách, bố trí người trực tại Trạm thông tin Hỗ trợ khách du lịch trên đường Trần Phú từ 8 - 21 giờ hằng ngày. Đa số nhu cầu của khách là đề nghị cung cấp thông tin về các khu, điểm tham quan, vui chơi giải trí ở Nha Trang, tuyến đường, điểm thu đổi ngoại tệ..
Quảng Nam: Đón hơn 100.000 lượt khách dịp Tết Dương lịch
Trong dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch 2024, tỉnh Quảng Nam đón hơn 100.000 lượt khách tham quan, lưu trú, tăng 130% so với cùng kỳ. Cùng với đó, nhiều hoạt động văn hóa, giải trí tổ chức thu hút sự tham gia hào hứng của người dân và du khách. Theo Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam, dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch 2024 (30.12.2023 – 1.1.2024), lượng khách tham quan, lưu trú trên địa bàn Quảng Nam ước đạt 103.000 lượt, tăng 130% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai điểm đến thu hút khách lớn nhất là Khu phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn.
4.Lĩnh vực Gia đình
-Báo Văn Hóa ngày 3/1 đưa tin: "Thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS, miền núi tỉnh Thanh Hóa" cho biết: Sau thời gian được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện, Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tập trung tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng tại các xã đặc biệt khó khăn. Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm 10 dự án thành phần, trong đó giao Hội LHPN Việt Nam chủ trì Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS&MN". Dự án được thực hiện tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó có Thanh Hóa. Mục tiêu của Dự án 8, là nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại vùng đặc biệt khó khăn. Dự án được thực hiện tại 96 xã, 318 thôn đặc biệt khó khăn của 12 huyện, thị xã của tỉnh Thanh Hóa gồm: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Thạch Thành, Triệu Sơn và thị xã Nghi Sơn. Tổng kinh phí thực hiện năm 2022 là hơn 6,16 tỷ đồng; năm 2023 là gần 16,6 tỷ đồng...