Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 28/4/2020

28/04/2020 | 12:14

Kiểm kê hiện vật tại các di tích bị mất cắp, đề xuất biện pháp bảo vệ; nhiều điểm tham quan, du lịch hoạt động trở lại; các CLB Việt Nam hội quân chuẩn bị V-League là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- TTXVN ngày 28/4 có những tin sau:

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu Hà Nội kiểm kê hiện vật tại các di tích bị mất cắp

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTTDL) vừa ký công văn số 248/DSVH-DT gửi Sở VHTT Hà Nội đề nghị truy tìm số cổ vật, hiện vật bị mất tại các di tích trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19 vừa qua. Chỉ trong thời gian ngắn, Bộ VHTTDL nhận được nhiều thông tin phản ánh tại nhiều di tích được xếp hạng quốc gia của TP Hà Nội đã bị kẻ gian đột nhập, trộm cắp hiện vật.

200 nghệ sỹ tham gia video ca nhạc 'Niềm tin chiến thắng'

Nhân kỉ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước và thắng lợi bước đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, 200 ca sỹ, nghệ sỹ TP Hồ Chí Minh sẽ cùng góp mặt trong MV ngợi ca "Niềm tin chiến thắng". Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, MV như một lời ca ngợi những thắng lợi bước đầu của đất nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, tri ân những hi sinh thầm lặng của các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19 đã ngày đêm không quản hiểm nguy, gian khổ.

Phát huy giá trị các di tích lịch sử ở Nam Bộ - Bài 1: Những địa chỉ đỏ lưu dấu chiến công

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nơi từng diễn ra nhiều chiến công vang dội, thể hiện tinh thần quả cảm của quân và dân ta để đi đến thắng lợi hoàn toàn vào đại thắng mùa Xuân năm 1975. Các di tích lịch sử cách mạng giờ đây đã trở thành những địa chỉ đỏ lưu dấu những chiến công không thể lãng quên, góp phần vun đắp tinh thần yêu nước, cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc cho thế hệ trẻ hôm nay.

Phát huy giá trị các di tích lịch sử ở Nam Bộ - Bài cuối: Gắn với phát triển du lịch về nguồn

Để việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử đạt hiệu quả cao không thể tách rời các hoạt động quảng bá, giáo dục truyền thống gắn với phát triển du lịch, đưa du khách về thăm những địa danh lịch sử, tìm hiểu giá trị của từng di tích. Đây cũng chính là loại hình du lịch được nhiều địa phương coi trọng phát triển bằng nhiều biện pháp đồng bộ, hợp lý.

-Trên báo Văn hóa ngày 28/4 có những tin sau:

VINTATA tri ân "anh hùng" chống "giặc" Covid-19 bằng phim hoạt hình 3D ấn tượng

Cuối tuần qua, Hãng phim Hoạt hình VinTaTa (thuộc tập đoàn Vingroup) đã giới thiệu một clip hoạt hình 3D tri ân những "chiến binh" trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Chỉ trong thời gian ngắn, video đã được cộng đồng chia sẻ cùng những bình luận tích cực trên các trang mạng xã hội bởi thông điệp gần gũi, dễ thương và chất lượng hình ảnh 3D sinh động khiến người xem thích thú.

Bộ VHTTDL: Sẽ hỗ trợ các nhà hát vượt qua đại dịch Covid-19

Chiều 27.4 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã có buổi làm việc với lãnh đạo các nhà hát trực thuộc Bộ về những khó khăn, vướng mắc của các nhà hát do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các giải pháp sắp tới. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn, Vụ Kế hoạch tài chính và các Cục, vụ liên quan.

Quy định về quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc từng bước đi vào đời sống

Hiện nay, quy định về Quyền tác giả tại Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã từng bước đi vào đời sống, người sử dụng tác phẩm đã nhận thức được nghĩa vụ phải xin phép, trả tiền để sử dụng quyền tác giả theo quy định, tuy nhiên việc thực hiện còn chưa đồng bộ, nghiêm túc, còn mang yếu tố đối phó hoặc biết nhưng né tránh, thiếu hợp tác…Đó là nhận định của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).

Hà Nội: Ngăn chặn, tránh tái diễn mất cắp hiện vật ở di tích

Cũng liên quan đến sự việc mất cắp cổ vật, hiện vật đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại 4 di tích trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội), Sở VHTT TP. Hà Nội đã có văn bản số 59/BC-SVHTT báo cáo UBND TP Hà Nội về việc vụ việc mất cắp di vật, hiện vật nói trên. Báo cáo nhắc lại thông tin diễn biến sự việc. Ngày 13.3.2020, kẻ gian cậy cửa, đột nhập vào Di tích Quốc gia chùa Bối Khê (thôn Song Khê, xã Tam Hưng) lấy đi pho tượng Thích Ca sơ sinh đứng trong vòm cầu tại vị trí phía ngoài ống muống, giáp với tiền đường. Theo mô tả của người dân và sư trông nom chùa, đây là pho tượng cũ, có mầu đen, một số trên thân tượng có dấu vết sơn son thếp vàng đã nhạt, hiện chưa xác định được niên đại cùng chất liệu tạo tác.

Ngành Tòa án dựng tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý: Băn khoăn chọn ngôn ngữ nghệ thuật

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã lựa chọn hình tượng vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý của TAND. Mẫu phác thảo tượng cũng đang được lấy ý kiến rộng rãi…Bước đầu, nhiều ý kiến chuyên gia văn hóa, mỹ thuật cho rằng, dù lựa chọn mẫu nào thì quá trình triển khai cũng cần đặc biệt chú trọng về ngôn ngữ nghệ thuật, sao cho khắc họa được đúng thần thái nhân vật. Phó Chánh án TAND Tối cao Lê Hồng Quang vừa ký văn bản gửi Thẩm phán TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự TƯ, Chánh án TAND Cấp cao và Chánh án TAND các địa phương để lấy ý kiến lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông. Theo văn bản, sau khi lấy ý kiến đóng góp của các TAND, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã lựa chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý của TAND.

- Báo điện tử Chính Phủ ngày 27/4 đưa tin: "Bảo vệ các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch trước diễn biến phức tạp của thiên tai"cho biết: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Công điện số 1561/CĐ-BVHTTDL về việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn dông lốc, sét, mưa đá. Bên cạnh đó, kiểm tra, rà soát và có phương án bảo vệ các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch do đơn vị quản lý như: Các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu du lịch và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra (nếu có); phối hợp với địa phương để triển khai các phương án đối phó, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện và vật tư sẵn có để khắc phục hậu quả và hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.

- Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 28/4 đưa tin: Chương trình "Nghệ sĩ thời Covid-19" cho biết: Đài Truyền hình TPHCM vừa triển khai thực hiện chương trình Nghệ sĩ thời Covid-19, một chương trình đặc biệt nhằm tạo nhịp cầu nối giao lưu gặp gỡ giữa văn nghệ sĩ với khán giả màn ảnh nhỏ. Ở vai trò là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, các nghệ sĩ đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến các vấn đề thời sự của đất nước, góp sức tuyên truyền việc tuân thủ công tác phòng chống dịch bệnh, khuyến cáo công chúng không đọc, phát tán tin giả, gây hoang mang trong dư luận… Chương trình có thời lượng 15 phút/số, được phát sóng vào 16 giờ 5 phút trên kênh HTV7 từ thứ năm đến chủ nhật hàng tuần.

- Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 28/4 đưa tin: Ra mắt bộ sách "Nghiên cứu Hồ Chí Minh - Một số công trình tuyển chọn" cho biết: Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, NXB Tổng hợp giới thiệu đến độc giả bộ sách Nghiên cứu Hồ Chí Minh - Một số công trình tuyển chọn của tác giả Bùi Đình Phong. Bộ sách gồm 3 tập, là một công trình nghiên cứu tỉ mỉ và cẩn trọng, được tác giả chuẩn bị trong thời gian dài. Tập 1 của bộ sách làm rõ đường lối cách mạng Việt Nam: Giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản với nội dung cụ thể là giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

- Báo điện tử Gia đình và Xã hội ngày 28/4 đưa tin: Hơn 50 năm dấu ấn "Hồ Nguyệt Cô" Đàm Liên với sân khấu tuồng cho biết: Hơn 50 năm gắn bó với sân khấu tuồng, một ngày cuối tháng 4/2019, NSND Đàm Liên đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 77 tại nhà riêng. Dù đã ra đi mãi mãi, nhưng những dấu ấn đậm nét bà để lại cho nghệ thuật tuồng luôn được các nghệ sĩ và khán giả trân trọng…Bà cũng từng nói: "Sân khấu tạo nên danh tiếng Đàm Liên, nhưng để có được tiếng cười mang dấu ấn riêng có lẽ chính vì tôi có thể nghiền ngẫm và sáng tạo hết sức cho nghệ thuật Tuồng".

- Báo Nhân Dân, báo Hà Nội mới và nhiều báo khác ngày 27/4 đưa tin: "Kiểm kê hiện vật tại các di tích bị mất cắp, đề xuất biện pháp bảo vệ" cho biết: Trước tình hình mất trộm cổ vật xảy ra liên tiếp tại các đình, chùa, đặc biệt tại huyện Thanh Oai vừa qua, Cục Di sản Văn hóa vừa gửi công văn tới Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đề nghị cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để phục vụ điều tra, đồng thời kiểm kê hiện vật tại các di tích bị mất cắp, đề xuất biện pháp bảo vệ. Đặc biệt, về tình trạng mất cắp hiện vật, cổ vật ở di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã, phường, thị trấn trong việc bảo vệ di tích trên địa bàn và cơ chế phối hợp quản lý giữa UBND cấp xã với tổ chức quản lý di tích, hoặc người được giao trông coi di tích. Đồng thời, tăng cường tuần tra, canh gác kết hợp lắp đặt thiết bị bảo vệ nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di tích.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 28/4/2020 - Ảnh 1.

Liên tiếp xảy ra các vụ mất cắp di vật, hiện vật quý tại chùa cổ Bối Khê (huyện Thanh Oai). Ảnh: TTXVN.

2.Lĩnh vực Du lịch

- TTXVN ngày 28/4 có những tin sau:

Báo Pháp giới thiệu những món ăn tuyệt vời cần thưởng thức ở Hà Nội

Với tựa đề "Tại Việt Nam, 8 món ăn tuyệt vời cần thưởng thức ở Hà Nội - ngôi đền của ẩm thực đường phố", bài báo trên trang Du lịch của tờ Le Figaro số ra gần đây đã dẫn dắt bạn đọc đến những địa chỉ ẩm thực truyền thống nổi tiếng nhất thủ đô. Tinh tế, trang nhã, tươi ngon... không thiếu những tính từ để miêu tả các món ăn Hà Nội, theo tờ Le Figaro. Du khách được khuyên không nên vào những nhà hàng cao cấp thường có giá cao, mà hãy tự mình khám phá những con hẻm trong khu phố cổ, những quán ăn vỉa hè trông không hấp dẫn lắm nhưng lại là nơi che giấu kho báu của ẩm thực Việt Nam.

Khu Du lịch Quốc gia núi Sam và Khu Du lịch núi Cấm đón khách trở lại

Chiều 27/4, ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang cho biết: Khu Du lịch Quốc gia núi Sam, Châu Đốc sẽ mở cửa đón khách trở lại vào lúc 9 giờ ngày 28/4. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Châu Đốc, trong quá trình mở cửa, Khu Du lịch Quốc gia núi Sam sẽ đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định, như bắt buộc du khách đeo khẩu trang khi vào bên trong khu du lịch, rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách theo quy định....

TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh quảng bá du lịch thông qua ứng dụng thực tế ảo

Ngày 27/4, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết đang chuẩn bị cho chiến lược quảng bá và xúc tiến du lịch TP Hồ Chí Minh đến các thị trường trọng điểm quốc tế và trong nước thông qua hình thức mới là truyền thông trực tuyến, ứng dụng công nghệ thực tế ảo. Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, trong quý 1, TP Hồ Chí Minh đón hơn 1,3 triệu lượt khách quốc tế (giảm 42% so với cùng kỳ) và doanh thu đạt 25.591 tỉ đồng (giảm 26% so với cùng kỳ).

Cơ sở lưu trú, điểm tham quan du lịch tại Bình Thuận hoạt động trở lại

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có công văn hỏa tốc tiếp tục triển thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, công văn này bắt đầu áp dụng từ ngày 27/4. Theo công văn, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho phép hoạt động trở lại đối với các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ: Bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết; khách sạn, cơ sở lưu trú; quán giải khát, nhà hàng, quán ăn không phục vụ rượu, bia; khu tập luyện thể thao, các khu, điểm tham quan du lịch, khu di tích, danh lam thắng cảnh được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

- Báo Nhân Dân ngày 28/4 có những tin sau:

Khu du lịch Sa Pa đón khách trở lại

Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản số 1387 cho phép mở cửa đón khách trở lại đối với các khu, điểm du lịch, danh thắng, các điểm du lịch cộng đồng, các cơ sở kinh doanh lưu trú, homestay trên địa bàn. Theo đó, Khu du lịch quốc gia Sa Pa sẽ mở cửa đón khách trở lại từ ngày hôm nay, 28-4. Để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, các cơ sở kinh doanh du lịch, kinh doanh lưu trú, homestay phải thực hiện giãn cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn, hạn chế tiếp xúc và tập trung đông người. Các nhà hàng kinh doanh ăn uống, cà-phê, giải khát phải bảo đảm khoảng cách bàn cách bàn và ghế cách ghế 1m. Không tổ chức ăn uống tự chọn, tập trung đông người.

Nhiều điểm tham quan, du lịch tại Quảng Bình hoạt động trở lại

Chiều 27-4, Sở Du lịch (DL) Quảng Bình cho biết, do dịch Covid-19 đang được kiểm soát nên đã cho phép các khu, điểm tham quan DL, các đơn vị kinh doanh dịch vụ DL được phép hoạt động trở lại. Theo đó, dù được mở cửa đón khách tham quan, trải nghiệm nhưng các cơ sở DL dịch vụ phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định như: trang bị phòng hộ cho nhân viên, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở, khách DL phải đeo khẩu trang, bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc, không quá 20 người trong một nhóm. Các cơ sở kinh doanh lưu trú DL phải thực hiện nghiêm túc khai báo y tế đối với sức khỏe của du khách lưu trú tại đơn vị…

Khám phá quần đảo Faroe (Đan Mạch) qua trò chơi trực tuyến

Quần đảo Faroe, lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, không đứng ngoài khi tung ra tour tương tác miễn phí. Tuy nhiên, điều khiến hành trình này trở thành trải nghiệm "có một không hai" trên thế giới là người chơi có quyền điều khiển một hướng dẫn viên ngoài đời thực qua điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc PC. Những tour du lịch ảo đang là xu thế của nhiều điểm đến trên khắp thế giới, giữa bối cảnh khách du lịch phải ngồi nhà vì Covid-19. Và hòn đảo xinh đẹp Faroe đã đưa toàn bộ thắng cảnh của đảo thành một game trực tuyến, với những nhân vật thật và cảnh thật trên đảo để du khách có thể tham gia.

- Báo Văn hóa ngày 28/4 có những tin sau:

Bắc Giang cho phép các khu, điểm du lịch hoạt động trở lại từ ngày 28.4

UBND tỉnh Bắc Giang ngày 27.4 đã gửi công văn hỏa tốc tới các Sở, ngành, địa phương về việc cho phép một số hoạt động, dịch vụ du lịch hoạt động trở lại. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, để vừa làm tốt công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước khôi phục, phát triển kinh tế xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho phép các khu, điểm du lịch, các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh được hoạt động trở lại từ ngày 28.4.

Huế cho phép mở cửa trở lại các khu di tích, điểm tham quan du lịch

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho phép hoạt động trở lại tại các khu di tích, điểm tham quan du lịch, bảo tàng, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh kể từ ngày 27.4. Tuy nhiên, việc mở cửa đón khách phải được kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn trong mùa dịch Covid-19. Ngày 27.4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản số 3482/UBND-GD về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng về công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, tỉnh này tiếp tục "nới lỏng" và cho phép hoạt động lĩnh vực (có kiểm soát), gồm: các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ (như bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn...); khu tập luyện thể thao, các câu lạc bộ thể dục thể hình, khiêu vũ, bi-a, yoga...

Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Du lịch G20: An toàn cho du khách là ưu tiên hàng đầu

Nhằm chia sẻ thông tin và đưa ra kế hoạch phối hợp hành động để bảo vệ doanh nghiệp du lịch, lao động ngành Du lịch và hỗ trợ khách du lịch vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, Ả Rập Xê Út với vai trò là Chủ tịch G20 năm 2020 vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Du lịch G20. Hội nghị có sự tham gia của các Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ Du lịch của 20 nước G20, 7 nước khách mời và đại diện 4 tổ chức quốc tế: UNWTO (Tổ chức Du lịch thế giới), OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), ILO (Tổ chức Lao động quốc tế), WTTC (Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới). Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng đại diện Việt Nam - nước Chủ tịch ASEAN năm 2020 tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

- Báo điện tử Chính Phủ ngày 28/4 đưa tin: "Khánh Hòa lên kế hoạch phục hồi du lịch" cho biết: Sở Du lịch Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch trong tình hình mới. Thu hút khách nội địa (ưu tiên số 1), tập trung khai thác thị trường trọng điểm quốc tế, tổ chức thực hiện kích cầu du lịch… là những mục tiêu trọng điểm của du lịch Khánh Hòa trong diễn biến mới của dịch COVID-19 ở nước ta.

- Báo điện tử Chính Phủ ngày 27/4 đưa tin: "Một số địa phương đưa hoạt động đón khách tham quan, du lịch trở lại" cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 từng bước được kiểm soát, một số địa phương đã cho phép tổ chức việc đón khách tham quan, du lịch hoạt động trở lại trên địa bàn phù hợp với tình hình mới. Tại Kiên Giang, ngày 25/4, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang có văn bản cho phép các đơn vị lữ hành, các khu điểm du lịch được phép hoạt động trở lại nhưng chỉ được đón khách du lịch nội địa và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam đến tham quan du lịch.

- Báo điện tử Tiền Phong ngày 27/4 đưa tin: "Đưa hơn 180 du khách Nga mắc kẹt tại Việt Nam về nước" cho biết: Hơn 180 du khách Nga bị mắc kẹt tại Việt Nam đã được Hãng hàng không Siberia Airlines (Nga) đưa về nước từ Sân bay quốc tế Cam Ranh, Khánh Hoà. Phần lớn số hành khách này là du khách Nga bị kẹt lại Việt Nam do các đường bay quốc tế xuất phát từ Việt Nam tạm thời đóng cửa để phòng tránh dịch COVID-19 trong thời gian dài. Những du khách này đã có kỳ nghỉ dưỡng, lưu trú tại các tỉnh Khánh Hòa, Kiên Giang, Ninh Thuận và Bình Thuận.

- Báo Sài Gòn Đầu Tư ngày 27/4 đưa tin: "Khám phá khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ" cho biết: Nói đến cái tên Mỹ Lệ, nhiều người nghĩ ngay đến một công ty chuyên doanh chế biến điều ở miền Đông Nam bộ. Nhưng có lẽ ít người biết rằng cái tên ấy còn gắn với khu du lịch (KDL) sinh thái cũng mang tên Mỹ Lệ (thuộc địa phận xã Long Hưng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) có diện tích 72ha với khung cảnh sơn thủy hữu tình. Điểm du lịch này có thể kết nối với các điểm du lịch về nguồn nổi tiếng khác của vùng Đông Nam bộ, như căn cứ Trung ương cục ở Tân Biên (tỉnh Tây Ninh), khu căn cứ Tà Thiết, nhà Giao tế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Kho xăng dầu VK98-VK99 (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), để tạo nên một tour du lịch về nguồn kết hợp sinh thái hấp dẫn của vùng đất cuối dãy Trường Sơn.

- Báo An Giang ngày 28/4 đưa tin: "Châu Thành tập trung phát triển du lịch sinh thái" cho biết: Những năm gần đây, huyện Châu Thành (An Giang) đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích nông dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, rau màu… Song song đó, huyện có những định hướng phát triển du lịch (DL) sinh thái, DL canh nông gắn với DL tâm linh kết hợp tham quan các làng nghề, nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Được thiên nhiên ưu ái, Châu Thành là nơi cuốn hút du khách, bởi những cánh đồng lúa bao la, những vườn cây ăn trái tươi tốt, trĩu quả. Đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên thoáng mát, thưởng thức các loại trái cây dân dã, như: bưởi da xanh, cam, quýt đường, dừa xiêm, mận… cùng những món ăn đậm chất Nam Bộ

- Báo An ninh Thủ đô ngày 28/4 đưa tin: "Singapore trưng bày các tác phẩm nghệ thuật 3D qua tour tham quan trực tuyến" cho biết: Từ ngày 15 tháng 4, Bảo tàng Quốc gia Singapore giới thiệu phiên bản trực tuyến của triển lãm "An Old New World", đưa người xem quay về quá khứ và khám phá 700 năm lịch sử từ Đông Ấn đến cột mốc sáng lập đất nước Singapore. Người yêu nghệ thuật trên toàn cầu hiện đã có thể tham gia các tour tham quan trực tuyến do các chuyên gia bảo tàng và tham gia các lớp học trực tuyến về nghệ thuật – tất cả đều nhờ vào các sáng kiến kỹ thuật số mới nhất từ Hội đồng Di sản Quốc gia Singapore (NHB).

3.Lĩnh vực Thể thao

- TTXVN ngày 28/4 có những tin sau:

HLV thể lực châu Âu 'nhồi' bài tập nặng cho CLB Nam Định ngay ngày đầu luyện tập

Sau sự xuất hiện của HLV thể lực Nils Haccke, HLV Nguyễn Văn Sỹ đã có những chia sẻ về vị trợ lý tại CLB Nam Định. Ông Sỹ đánh giá cao vai trò của vị chuyên gia người Đức tại đội bóng và cũng mong muốn sẽ có thêm những chuyên gia nước ngoài tới làm việc trong tương lai. "Rõ ràng vai trò của các HLV thể lực cực kỳ quan trọng trong môi trường bóng đá hiện đại. Các đội bóng bất kể mạnh hay yếu mà có HLV thể lực thì rất tốt. Không chỉ vấn đề thể lực, mà cả những bài tập hồi phục sau khi thi đấu rất quan trọng", HLV Nguyễn Văn Sỹ cho biết.

Thủ môn Văn Lâm: 'Đội tuyển Việt Nam hiện nay như một gia đình'

Cùng với Văn Hậu, Văn Lâm là cầu thủ hiếm hoi hiện đang thi đấu ở nước ngoài. Theo thủ môn đang chơi bóng cho Muangthong United, còn rất nhiều cầu thủ khác của Việt Nam đủ khả năng làm được điều này. Thủ môn tài năng của tuyển Việt Nam trả lời phỏng vấn về những dự định sắp tới của mình. Anh cho biết: Theo cảm nhận của tôi, đội tuyển Việt Nam hiện nay như một gia đình, trong sinh hoạt cũng như tập luyện và thi đấu, mọi người đoàn kết, chia sẻ cùng nhau. Toàn đội cùng hướng về mục tiêu chung là thành tích cao nhất của tập thể.

Cúp Quốc gia khởi động cho bóng đá Việt trở lại

Sau những lần hoãn thi đấu do dịch bệnh COVID-19, các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam dự kiến sẽ trở lại ngày 15/5 bằng các trận mở màn của Cúp Quốc gia. 10 trận đấu sơ loại Cúp Quốc gia 2020 sẽ diễn ra ngày 15/5 tới. Đây được xem là màn khởi động cho các CLB của cả hai giải đấu, trước khi chính thức bước vào tranh tài ở vòng 3 V-League và khai mạc giải hạng Nhất 2020 khả năng diễn ra sau đó 1 tuần theo kế hoạch dự kiến. Theo đó, 11 đội hạng Nhất (trừ Cần Thơ) và 9 CLB V-League (trừ Hà Nội FC, TP Hồ Chí Minh, Than Quảng Ninh, Quảng Nam, B.Bình Dương) sẽ bước vào tranh tài ở vòng này.

Đề nghị cho phép Trường đua ngựa Thiên Mã được kinh doanh đặt cược

Chiều 27/4, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Lâm Đồng khóa IX, nhiệm kỳ 2016- 2021 tổ chức Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp bất thường) nhằm thực hiện những nhiệm vụ cấp bách giữa mùa dịch COVID-19. Kỳ họp diễn ra theo hình thức trực tuyến với 14 điểm cầu gồm đầu cầu Tỉnh ủy Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng và 12 điểm cầu tại 12 huyện, thành phố. Mỗi địa điểm không quá 20 đại biểu tham dự.

Văn Toàn lộ khả năng xuất ngoại

Chia sẻ với giới truyền thông, tiền đạo của HAGL và đội tuyển Việt Nam Văn Toàn tiết lộ mong muốn, nếu rời HAGL, anh có thể sang Nhật Bản thi đấu. "Đến bây giờ tôi vẫn đang tập trung cho HAGL, tôi nghĩ trong tương lai, có thể 1 - 2 năm nữa, tôi sẽ xuất ngoại. Tôi vẫn chờ vì hiện cũng chưa thể nói hay biết trước điều gì", tiền đạo của HAGL chia sẻ."Dẫu sao, tôi cũng hy vọng được thi đấu ở môi trường khác để xem bản thân mình đang ở đâu từ đó cố gắng tốt hơn. Nếu được xuất ngoại thì tôi rất thích thi đấu ở Nhật Bản. Tôi cảm giác mình có thể làm quen được với môi trường tại đó.

- Báo Văn hóa ngày 28/4 đưa tin: "Đoàn Văn Hậu và giấc mơ không dễ từ bỏ' cho biết: Giải bóng đá VĐQG Hà Lan mùa 2019/20 bị hủy vì dịch Covid-19, điều này đồng nghĩa việc hậu vệ Đoàn Văn Hậu không còn cơ hội ra sân trong màu áo Heerenveen khi mà hợp đồng giữa tuyển thủ Việt Nam và CLB Hà Lan sẽ hết hạn vào tháng 6 tới. Đứng trước nguy cơ bị thanh lý hợp đồng và trở về nước với một chuyến xuất ngoại thất bại, Văn Hậu vẫn mong muốn tiếp tục ở lại Hà Lan cạnh tranh vị trí chính thức tại Heerenveen, để biến giấc mơ chơi bóng tại châu Âu thành hiện thực.

- Báo điện tử VOV ngày 28/4 đưa tin:

UEFA tung gói cứu trợ 236,5 triệu euro cho 55 liên đoàn thành viên

Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) tung gói cứu trợ 236,5 triệu euro chia cho 55 liên đoàn thành viên vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Liên đoàn bóng đá châu Âu quyết định chi 236,5 triệu euro để giúp 55 liên đoàn thành viên vượt qua khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Số tiền này được trích từ quỹ của chương trình hỗ trợ phát triển bóng đá châu Âu. Chủ tịch UEFA, ông Aleksander Ceferin cho biết: "Môn thể thao của chúng tôi đang đối mặt với thách thức chưa từng có do khủng hoảng bởi dịch Covid-19. UEFA muốn giúp các thành viên của mình vượt qua khó khăn theo từng hoàn cảnh của họ.

Quang Hải và đồng đội miệt mài tập luyện chờ V-League 2020 trở lại

Ngày 27/4, Hà Nội FC đã trở lại tập luyện sau thời gian dài nghỉ vì dịch Covid-19. Tất cả thành viên của Hà Nội FC được yêu cầu thực hiện việc kiểm tra đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào sân và chỉ thực hiện các bài tập trong khoảng cách an toàn. Quang Hải, Hùng Dũng và các cầu thủ Hà Nội FC miệt mài tập luyện sẵn sàng tranh tài khi V-League 2020 trở lại.

V-League 2020 sắp trở lại, HLV Park Hang Seo mừng ít lo nhiều

HLV Park Hang Seo mừng vì các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sắp trở lại, nhưng nỗi lo và áp lực với chiến lược gia người Hàn là rất lớn. Dịch Covid-19 khiến bóng đá Việt Nam cũng như thế giới "đóng băng" suốt thời gian qua. Những các câu lạc bộ phải cho các cầu thủ nghỉ tập, một số đội thực hiện chính sách giảm lương cầu thủ.

- Báo Văn hóa ngày 27/4 đưa tin: Bóng đá Việt Nam "xây" lại để ngôi nhà bền vứng (Bài 2): Phải theo lộ trình phù hợp cho biết: Không chỉ nhận được ý kiến đồng thuận từ các chuyên gia, quyết định quy hoạch lại số đội tham dự giải bóng đá quốc gia giai đoạn 2021-2023 do Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải ký còn nhận được sự ủng hộ lớn từ các nhà báo có "thâm niên" theo dõi bóng đá Việt Nam. Nhận định rằng đây là một quyết định đúng, kịp thời, các nhà báo mong muốn sẽ có một lộ trình thích hợp để quyết định này đi vào cuộc sống.

- Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 28/4 đưa tin: "Đối thủ tại Vòng loại World Cup của Việt Nam sắp thay HLV" cho biết: UAE đang lên kế hoạch nhanh chóng thay thế HLV trưởng sau khi họ sa thải HLV Ivan Jovanovic dù chưa dẫn dắt một trận nào. Chiếc ghế nóng tại đội bóng UAE đang chưa có người ngồi vào sau khi họ bất ngờ chia tay HLV Ivan Jovanovic - người được bổ nhiệm gần đây và chưa có một lần nào cầm quyền. Chính vì thế, UAE đang mong muốn có được vị thuyền trưởng mới khi họ còn tới 3 trận tại Vòng loại World Cup 2022. Theo truyền thông nước này, 4 cái tên: Rodolfo Arruabarrena, Zlatko Dalic, Cosmin Olaroiu và Juan Antonio Pizzi - người cùng Saudi Arabia dự World Cup 2018 đang được cân nhắc.

- Báo Vietnamplus ngày 28/4 đưa tin: "Quang Hải, Công Phượng sung sức chuẩn bị trở lại với V-League 2020" cho biết: Câu lạc bộ Hà Nội bắt đầu quay trở lại tập luyện chiều 27/4 sau khoảng thời gian dài nghỉ vì dịch COVID-19. Đội bóng này rèn quân khép kín hoàn toàn trong thời gian này. Kể cả phóng viên cũng chưa được phép tác nghiệp ở buổi tập của đội bóng Thủ đô. Hiện Hà Nội FC có đầy đủ nhân lực sung sức nhất để chuẩn bị cho V-League 2020 sắp trở lại. Ở buổi tập vừa qua, tiền vệ Quang Hải cùng một số tuyển thủ quốc gia tập luyện sung sức, nhanh chóng bắt nhịp tốc độ cao dù vừa trải qua quãng nghỉ dài.

- Báo điện tử Zing.vn ngày 28/4 đưa tin: "Nhập tịch thành công, Filip Nguyễn vẫn không thể dự AFF Cup?" cho biết: AFF Cup 2020 không thuộc lịch FIFA Day nên CLB Slovan Liberec hoàn toàn có quyền từ chối cho Filip Nguyễn trở về khoác áo đội tuyển Việt Nam. Thủ thành mang hai dòng máu CH Czech - Việt Filip Nguyễn đang gấp rút hoàn tất những thủ tục cuối cùng trong quá trình nhập tịch Việt Nam. Chia sẻ với một đài truyền hình cách đây ít ngày, anh khẳng định: "Tôi rất muốn được cùng Việt Nam thi đấu tại World Cup. Tôi đang cố gắng để nhập quốc tịch Việt Nam và hy vọng một ngày nào đó, tôi có thể chơi bóng cho đội tuyển quốc gia Việt Nam. Bố tôi đang làm các thủ tục đó. Hy vọng tôi sẽ sớm có quốc tịch Việt Nam".

- Báo Pháp luật TPHCM ngày 28/2 đưa tin: "Các CLB Việt Nam hội quân chuẩn bị V-League trở lại" cho biết: Sau khi VPF công bố thời gian dự kiến bóng lăn trở lại, nhiều đội bóng đã bắt đầu hội quân chuẩn bị thi đấu trở lại. Kỹ lưỡng và nghiêm túc nhất là hai đội bóng dẫn đầu mùa bóng trước: Hà Nội và TP.HCM. Nếu CLB Hà Nội có buổi tập đầu vào chiều 27-4 thì sáng cùng ngày, thầy trò HLV Chung Hae-seong của CLB TP.HCM đã gom quân lên Bà Rịa-Vũng Tàu tập luyện. Đấy cũng là nơi mà đội á quân Việt Nam thường xuyên ém quân tập luyện trước những giải đấu lớn do được xem là "doanh trại nhà" có cơ sở vật chất tốt.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo điện tử Tổ Quốc ngày 28/4 đưa tin: "Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tại Quảng Ngãi" cho biết: Theo báo cáo của Sở VHTTDL Quảng Ngãi, sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến. Với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh, sự đồng tình hưởng ứng của xã hội về xây dựng gia đình cùng với sự nỗ lực và cố gắng của đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, việc triển khai thực hiện Chỉ thị trên địa bàn tỉnh trong 15 năm qua đã tạo nên những chuyển biến tích cực.

- Báo điện tử Tổ Quốc ngày 27/4 đưa tin: "Kiên Giang ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025" cho biết: UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND về hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2020-2025. Việc ban hành Kế hoạch phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2020-2025 nhằm nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, cộng đồng và mỗi gia đình cùng chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; qua đó, kịp thời phát hiện và ngăn chặn, tố giác hành vi có nguy cơ xâm hại trẻ em, các hành vi xâm hại trẻ em…; bảo đảm quyền và bổn phận của trẻ em được Luật Trẻ em năm 2016 quy định.



Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×