Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 27/4/2020

27/04/2020 | 12:23

Việt Nam có bản quyền truyền hình AFF Cup 2020, NSND Đàm Liên qua đời, các địa phương đón khách du lịch trở lại là thông tin đáng chú ý trên báo ngày hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- Trên báo Nhân Dân ngày 27/4 có một số tin tức sau:

Chung tay góp sức vì một cộng đồng yêu sách

Ra mắt trong khi cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid-19, những người làm công tác thư viện trên cả nước đã thành lập kênh YouTube "Cùng bạn đọc sách - truyền cảm hứng, kết nối và lan tỏa tri thức" (Cùng bạn đọc sách) nhằm tăng cường phục vụ nhu cầu bạn đọc gần xa bằng hình thức trực tuyến. Trong khó khăn, sự chung tay góp sức của ngành thư viện đã mang đến một món quà tinh thần cho những người yêu thích đọc sách, để từ đây tri thức được lan tỏa mọi lúc, mọi nơi, góp phần kết nối, mở rộng hiểu biết, hình thành và nâng cao kỹ năng sống cho mọi người.

NSND Đàm Liên qua đời

NSND Đàm Liên, người được mệnh danh là "Bà chúa tuồng", nổi tiếng với các vai diễn "Ông già cõng vợ đi xem hội", "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo"… đã qua đời ở tuổi 78. NSND Đàm Liên được biết đến qua loạt vai diễn như Trưng Trắc trong Trưng nữ vương, Phương Cơ vở Ngọc lửa Hồng Sơn, Hồ Nguyệt Cô trong Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, ông già trong vở Ông già cõng vợ đi xem hội... Riêng với vở Ông già cõng vợ đi xem hội, bà đảm nhiệm cả hai vai ông già và cô vợ trẻ, và đã đạt tới kỷ lục 2.000 đêm diễn vở này.

Giới thiệu phim tài liệu về chiến dịch Hồ Chí Minh

Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, Ðiện ảnh Quân đội nhân dân ra mắt năm bộ phim tài liệu nằm trong đề án phim tài liệu dài tập "Con đường đã chọn". Ðó là các phim của biên kịch Lại Văn Sinh, tái hiện tiến trình lịch sử trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: Tiến công chiến lược (Ðạo diễn: NSƯT Phạm Huyên), Ðòn thăm dò (Ðạo diễn: NSƯT Phạm Huyên), Ðiểm huyệt Tây Nguyên (Ðạo diễn: NSND Lưu Quỳ), Ðánh trong hành tiến (Ðạo diễn: NSND Lưu Quỳ), Thống nhất đất nước (Ðạo diễn: Bùi Chí Trung - Trần Vũ Anh). Mỗi phim có độ dài từ 30 đến 31 phút, kể lại lịch sử một cách khách quan, đa chiều với góc nhìn hôm nay. Các tập phim sẽ được trình chiếu trong quân đội và các đài truyền hình vào dịp 30-4.

Cần nhanh chóng "dọn rác" trên môi trường mạng

Dư luận xã hội và cộng đồng mạng đã lên án mạnh mẽ một số cá nhân, tổ chức sản xuất và đăng tải tiểu phẩm, vi-đê-ô clíp trên các trang mạng xã hội có nội dung, hình ảnh phản cảm không phù hợp bản sắc, truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Ủy ban Dân tộc đã có công văn gửi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Theo đó, các tiểu phẩm nêu trên được chia sẻ rộng rãi trên không gian mạng là thiếu tôn trọng, đi ngược lại chủ trương, chính sách về các DTTS của Ðảng và Nhà nước, tạo hiểu lầm về văn hóa, phong tục tập quán, gây mất đoàn kết, hiểu sai về bản sắc cũng như truyền thống văn hóa tốt đẹp của một số nhóm DTTS.

Phách sênh nối nhịp

Mỗi câu thơ ca trù (hát ả đào), đều chứa những ẩn dụ, điển tích. Nhịp phách, tiếng đàn, kỹ thuật nhả chữ, buông câu cũng thế. Ðó là cả một thế giới mà qua nhiều khổ luyện mới có thể nắm bắt. Vậy mà vẫn có những người trẻ tuổi nặng lòng với bộ môn nghệ thuật này góp phần đưa ca trù thoát khỏi những ngày chỉ biết "ngậm thở, nuốt than". Ðó là các đào nương, kép đàn của Câu lạc bộ Ca trù Phú Thị.

Hàng trăm nghệ sĩ, bác sĩ, chiến sĩ Trường Sa tham gia dự án âm nhạc chống Covid-19

Nhóm đạo diễn Mai Thanh Tùng, Tạ Huy Cường, Vũ Minh Ly đã thực hiện MV cổ vũ tinh thần các bác sĩ, chiến sĩ và người dân cả nước trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 mang tên "Tự hào Việt Nam", phát trên kênh Youtube ngày 24-4. Đồng hành và cổ vũ tinh thần của các bác sĩ, các chiến sĩ và hàng triệu người dân Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch, được sự bảo trợ thông tin của Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Bộ Y tế, nhóm đạo diễn Mai Thanh Tùng, Tạ Huy Cường, Vũ Minh Ly đã sản xuất MV cổ động với tên gọi "Tự hào Việt Nam" qua ca khúc mới cùng tên của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Trí.

- Trên báo Hà Nội mới ngày 26/4 có một số tin tức đáng chú ý sau:

Nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước

Thiết thực kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020); 134 năm Ngày Quốc tế lao động (1/5/1886-1/5/2020); 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội xây dựng tour tham quan ảo 360o tại di tích cách mạng Nhà và hầm D67; triển lãm online với chủ đề "Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ - Chắc thắng", sẽ ra mắt công chúng vào ngày 29-4 tới.

Bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội: Dừng đón khách, không dừng hoạt động

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các bảo tàng, di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội phải tạm dừng hoạt động tham quan, để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Với phương châm "Dừng đón khách, nhưng không dừng hoạt động", các bảo tàng, điểm di tích đã và đang tích cực triển khai các chương trình nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản hiện vật; hoàn thiện nội dung trưng bày, thuyết minh cũng như nhiều kế hoạch dài hơi khác, sẵn sàng cho ngày mở cửa trở lại.

Văn xuôi về đề tài chiến tranh cách mạng: Mạch nguồn chảy mãi: Tư liệu - Lối mở phong phú cho văn chương

Hai thập niên đầu thế kỷ XXI, không ít cây bút đã và đang hướng đến việc sử dụng tư liệu chiến tranh để "chưng cất" thành những tác phẩm phi hư cấu. Những tư liệu đó góp phần không nhỏ làm phong phú hơn diện mạo văn học nước nhà, đồng thời giải mã thêm về chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong các cuộc chiến tranh cách mạng, tiếp mạch nguồn sáng tạo cho văn học về một đề tài luôn tràn đầy cảm hứng và thách thức.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Người chép sử bằng âm nhạc

Nhắc đến nhạc sĩ Phạm Tuyên là nhắc đến "người chép sử bằng âm nhạc", bởi hầu hết sáng tác của ông ra đời đều đúng thời điểm lịch sử của dân tộc, trở thành vũ khí sắc bén cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Một trong những ca khúc tiêu biểu đã "nằm lòng" trong tâm trí mỗi người Việt Nam và thường vang lên trong những ngày tháng 4 lịch sử này là Như có Bác trong ngày đại thắng.

- Báo Văn hóa ngày 26/4 đưa tin:

Chiêm ngưỡng những họa phẩm về kháng chiến chống Mỹ qua triển lãm online

Lần lượt từng tác phẩm mỹ thuật đặc sắc, phản ánh đề tài cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước anh hùng của dân tộc đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu đến công chúng thông qua cuộc triển lãm trực tuyến đặc biệt được tổ chức trong những ngày cả đất nước đang chung tay chống đại dịch Covid-19. Bức tranh sơn mài Mẹ kháng chiến của họa sĩ Hoàng Trầm với hình ảnh trung tâm là bà má miền Nam cùng người con gái đang chăm sóc chiến sĩ bị thương, xung quanh là các đồ sinh hoạt quen thuộc.

Triển lãm tranh cổ động kỷ niệm 30.4 hai bên bờ Hiền Lương

Những tác phẩm tranh cổ động tấm lớn kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975- 30.4.2020) đang được triển lãm tại một số địa điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, gồm Trung tâm Văn hóa, TP. Đông Hà và đặc biệt là ở hai bên bờ Hiền Lương. Triển lãm là hoạt động ý nghĩa do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL phối hợp với địa phương tổ chức nhân dịp kỷ niệm trọng đại của dân tộc. Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó kiểm soát, cùng với chủ đề Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2020), triển lãm còn trưng bày tranh cổ động với chủ đề Phòng, chống dịch Covid-19 và Bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc.

Giải pháp chống mất cắp cổ vật tại di tích: Phải gắn "chíp" trách nhiệm

Như tin đã đưa, chỉ chưa đầy một tháng, từ giữa tháng 3 tới nửa đầu tháng 4.2020, trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội) liên tiếp xảy ra 4 vụ mất trộm cổ vật tại các di tích: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê, đình Đại Định (xã Tam Hưng), chùa Dư Dụ (xã Thanh Thuỷ) và chùa Từ Châu (xã Liên Châu). Con số 26 cổ vật bị kẻ gian lấy đi tại 4 di tích này không khỏi khiến bất cứ ai cũng phải giật mình. Vấn đề đặt ra là, đâu là kẽ hở trong công tác quản lý, bảo vệ để dẫn đến tình trạng đạo chích tung hoành như vậy? Một lần nữa, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật thì câu chuyện trách nhiệm về quản lý của chính quyền địa phương lại được đặt ra cấp thiết hơn. Di tích, di vật thuộc về cộng đồng, yêu cầu chính quyền địa phương và cộng đồng phải có trách nhiệm bảo vệ. Nhưng thực tế lâu nay, nhiều nơi chưa chú trọng vấn đề này. Nguyên nhân một phần do ý thức, phần khác do chưa hiểu biết thấu đáo trách nhiệm giữ gìn di sản.

- Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 27/4 đưa tin: "Đẩy mạnh sức sáng tạo của nhạc sĩ thành phố" cho biết: Sau nhiều năm liên tục thực hiện việc xét hỗ trợ đầu tác phẩm âm nhạc xuống từng chi hội; tạo điều kiện về mọi mặt cho hội viên trong đầu tư sáng tác tác phẩm nghệ thuật mới..., hoạt động chuyên môn của Hội Âm nhạc TPHCM đã từng bước nâng chất, mở rộng về quy mô, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và đóng góp tích cực của hội viên. Với những thành quả đạt được, Hội Âm nhạc TPHCM đã và đang từng bước đổi mới, nâng cao chuyên môn, tính chuyên nghiệp, mở rộng quy mô hoạt động phát triển của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, góp phần đẩy mạnh sức sáng tạo của các nhạc sĩ TPHCM trong thời đại mới, đặc biệt là trẻ hóa hội viên.

- Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 26/4 đưa tin: "Tiếp sức cho văn hóa - nghệ thuật" cho biết: Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thế giới chao đảo. Bên ngoài là nguy cơ, con người tìm nơi trú ẩn trong từng căn nhà. Xã hội như một guồng máy, hoạt động sinh tồn ngày đêm, bỗng chốc chậm lại. Kinh tế chịu tác động mạnh. Văn hóa, di sản cũng lâm vào tình trạng trầm lắng như vậy. Song, trong những thời điểm ấy, nghệ thuật, âm nhạc lại là phương thuốc thần diệu để nâng đỡ tinh thần, làm cho những khó khăn của cuộc sống trở nên bớt nặng nề hơn.

- Báo Văn hóa và Đời sống ngày 27/4 đưa tin: "Thanh Hoá: Những người "giữ lửa" cho nghệ thuật trình diễn dân gian' cho biết: hanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc gắn với từng vùng, miền trong tỉnh đã và đang được khai thác có hiệu quả. Để góp phần làm sống lại những bộ môn nghệ thuật quý báu này có phần đóng góp không nhỏ của những nghệ nhân, những người luôn tâm huyết với việc "giữ lửa" cho thế hệ sau...-Báo Người Lao động ngày 27/4 đưa tin: Sân khấu cải lương nỗ lực cho ngày trở lại" cho biết: 7 vở diễn mới của sân khấu cải lương công lập và xã hội hóa đã được dàn dựng với nhiều sáng tạo để chuẩn bị cho ngày được phép công diễn. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, hầu hết các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đều tạm dừng. Với sàn diễn cải lương, điều này lại giúp nhà tổ chức và nghệ sĩ có thời gian đầu tư, tìm tòi cái mới cho phù hợp sau khi hoạt động biểu diễn trở lại bình thường.

- Báo Quân đội Nhân Dân ngày 27/4 đưa tin: "Kon Tum phát động sáng tác văn học-nghệ thuật năm 2020" cho biết: Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Kon Tum vừa phát động cuộc vận động sáng tác văn học-nghệ thuật năm 2020. Đây là lần đầu tiên tỉnh Kon Tum phát động cuộc vận động lớn với 5 loại hình sáng tác: Văn, thơ, nhạc, hội họa và nhiếp ảnh. Tất cả hội viên các hội văn học-nghệ thuật, những người đam mê sáng tác của 11 tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đều có thể tham gia. Chủ đề sáng tác tập trung vào đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

- Báo Tin tức ngày 25/4 đưa tin: "TP Hồ Chí Minh ban hành Bộ tiêu chí an toàn với dịch bệnh COVID-19 trong ngành văn hóa và thể thao" cho biết: Ngày 24/4, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động bảo tàng, di tích; thư viện, phòng đọc sách và tổ chức tập luyện của các đơn vị hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn.

2.Lĩnh vực Du lịch

- Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 27/4 đưa tin: "Du lịch rục rịch chuyển hướng" cho biết: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt, người dân Hàn Quốc, đặc biệt là giới trẻ đã nhanh chóng thích nghi bằng việc chuyển sang lựa chọn các mô hình du lịch đi bộ để thăm thú các địa điểm nổi tiếng trong nước, vừa tốt cho sức khỏe lại có thể tiết kiệm triệt để. Trong khi đó, tại Philippines, các đại lý du lịch vẫn duy trì hoạt động như bình thường với các điểm đến không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngành du lịch Philippines bám sát thông tin của các cơ quan y tế cộng đồng của nước này về ổ dịch, cập nhật tình hình, hướng dẫn về cách thức quản lý khách du lịch và vệ sinh.

- Trên báo điện tử Tổ Quốc ngày 27/4 đưa tin:

Italy khôi phục lại ngành du lịch sau khi nước này trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất châu Âu

Đảo Sicily (Italy) đã đưa ra các kế hoạch ưu đãi lớn để thu hút mọi người tới đây du lịch sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ dự kiến vào ngày 4/5. Theo đó, du khách sẽ được hỗ trợ nửa tiền vé máy bay. Nếu bạn ở lại 3 đêm sẽ được miễn phí tiền phòng một đêm. Vé vào tham quan bảo tàng, khu khảo cổ cũng được miễn phí. Chính phủ Italy dùng gói cứu trợ trị giá 84,6 triệu USD cho chương trình này nhằm "gỡ" lại khoản lỗ 1,6 tỷ USD do khách du lịch sụt giảm trong tháng 3 và 4. Ngành công nghiệp du lịch chiếm 13% GDP. Do đó, quốc gia này đang lên kế hoạch thu hút lại khách sau khi đại dịch được kiểm soát.

Cao Bằng: Mở cửa trở lại phục vụ khách tham quan tại các Khu di tích Quốc gia đặc biệt

Theo thông tin được đăng tải trên Báo Cao Bằng, thực hiện Công văn số 1030/UBND-VX ngày 23/4/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh mở cửa trở lại đón tiếp và phục vụ khách tham quan tại các Khu di tích Quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh từ ngày 24/4/2020. Cụ thể, các khu di tích sẽ thực hiện thời gian mở cửa theo giờ mùa hè từ 7h00 đến 17h00 tất cả các ngày trong tuần. Từ ngày 24/4 đến hết ngày 26/4/2020 mở cửa đón khách tham quan tự do. Từ ngày 27/4/2020 mở cửa bán vé, đăng ký hướng dẫn thuyết minh đón tiếp du khách tham quan tại tất cả các khu di tích.

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội xây dựng tour tham quan ảo 360 độ

Theo đó, tour tham quan ảo tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long được ứng dụng phần mềm QR Code, cho phép người xem tìm hiểu không gian kiến trúc cùng các giá trị tiêu biểu của di tích Nhà và hầm D67 - Tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam những năm 1968-1975, nơi chứng kiến sự ra đời của những quyết sách, chỉ thị, chiến lược quan trọng, làm nên chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh (30-4-1975), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

- Trên báo Hà Nội mới ngày 26/4 có một số tin tức đáng chú ý sau:

Nhiều điểm du lịch mở cửa trở lại, đón khách tham quan dịp nghỉ lễ 30-4

Trước chủ trương nới lỏng giãn cách xã hội, vừa chủ động trong phòng chống dịch Covid-19, vừa thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, nhiều điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam đã rục rịch mở cửa, đón khách tham quan. Dự kiến, dịp nghỉ lễ 30-4 tới, du lịch nội địa sẽ được khởi động trở lại. Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn (Quảng Nam) cho biết sẽ mở cửa bán vé tham quan Khu di tích Mỹ Sơn vào ngày 28-4. Tuy nhiên, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn cũng yêu cầu du khách phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tham quan.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: Điểm đến thú vị, hấp dẫn

Là một trong 6 bảo tàng quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là nơi trưng bày những hình ảnh, hiện vật phản ánh cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc của quân và dân ta cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975). Hàng vạn hiện vật, tài liệu có giá trị được sưu tầm, bảo quản và trưng bày tại bảo tàng là pho sử về cách mạng Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam và là điểm nhấn thu hút du khách khi đến Thủ đô Hà Nội.

Nơi "kể chuyện" áo dài

Bảo tàng áo dài ra đời từ ý tưởng và sự kiến tạo công phu của họa sĩ - nhà thiết kế Sỹ Hoàng trong suốt hơn 10 năm, trên nền tảng của khu nhà vườn Long Thuận (địa chỉ: 206/19/30 Long Thuận, phường Long Phước, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh). Bảo tàng áo dài là nơi trưng bày và "kể" lại câu chuyện về chiếc áo dài Việt Nam từ lúc hình thành cho đến những đổi thay cùng lịch sử đất nước. Quần thể công trình là một ngôi nhà dài mang âm hưởng nhà rường Huế với khung gỗ, tường bao gạch và mái lợp ngói âm dương.

Sớm "phá băng" thị trường du lịch

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hơn 3 tháng nay, ngành Du lịch rơi vào trạng thái "đóng băng", nhiều hoạt động phải tạm dừng. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, ngành Du lịch đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với hy vọng nhanh chóng "phá băng" thị trường, kích cầu ngay khi hết dịch...

- Báo Văn hóa ngày 26/4 đưa tin: "Bình Định đón khách du lịch trở lại nhưng vẫn tạm dừng tổ chức sự kiện lớn" cho biết: Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT-TTg, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu vừa phòng chống dịch, vừa thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm. Các điểm tham quan, du lịch, danh lam thắng cảnh, dịch vụ lưu trú mở cửa đón khách trở lại đáp ứng các tiêu chí du lịch an toàn. UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công công, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết. Tạm đình chỉ hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn tỉnh (khu vui chơi giải trí, cơ sở làm đẹp, massage, karaoke, vũ trường, bar, rạp chiếu phim).

- Báo Văn hóa ngày 26/4 đưa tin: "Kiên Giang mở lại điểm tham quan du lịch" cho biết: Sở Du lịch Kiên Giang vừa ra văn bản yêu cầu Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố; các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh khi đón và phục khách tiếp tục thực hiện việc phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố cần tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo các ngành, địa phương có liên quan và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn quản lý, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung đã thông báo trước đó; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế địa phương đối với khách du lịch, cán bộ công nhân viên, người lao động đơn vị.

- TTXVN ngày 25/4 đưa tin: "Thanh Hóa: Các khu, điểm du lịch mở cửa đón khách trở lại" cho biết: Theo Công điện khẩn số 11 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 25/4, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được phép đón khách nội tỉnh tham quan du lịch, tắm biển nhưng không quá 10 người/nhóm và phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định và giãn cách xã hội. Mặc dù còn nhiều hạn chế trong việc đón tiếp khách cũng như dịch vụ du lịch, nhưng đây được coi là hoạt động "mở hàng" của du lịch Thanh Hóa sau thời gian dài "ngủ đông" do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

- Báo điện tử An Giang ngày 27/4 đưa tin: "Châu Thành tập trung phát triển du lịch sinh thái" cho biết: Những năm gần đây, huyện Châu Thành (An Giang) đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích nông dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, rau màu… Song song đó, huyện có những định hướng phát triển du lịch (DL) sinh thái, DL canh nông gắn với DL tâm linh kết hợp tham quan các làng nghề, nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

3.Lĩnh vực Thể thao

- Báo điện tử Zing.vn, báo điện tử Vietnamnet và nhiều báo khác ngày 27/4 đưa tin: "Việt Nam có bản quyền truyền hình AFF Cup 2020" cho biết: Người hâm mộ Việt Nam có thể yên tâm theo dõi trực tiếp hành trình bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup 2020 của thầy trò HLV Park Hang Seo. Next Media trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam mua bản quyền truyền hình AFF Cup. Đơn vị này đã đạt thỏa thuận với đối tác Lagardere Sports Asia (LSA) để sở hữu độc quyền bản quyền truyền thông tại 4 quốc gia: Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Hai bên từ chối tiết lộ vấn đề tài chính, nhưng theo một số nguồn tin, giá bản quyền mà Next Media mua vào khoảng 5 triệu USD.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 27/4/2020 - Ảnh 2.

Việt Nam chính thức có bản quyền truyền hình AFF Cup 2020 - Ảnh: Báo Vietnamnet

- Báo Pháp Luật TPHCM ngày 27/4 đưa tin: "V-League không chắc đúng hẹn" cho biết: Các nhà tổ chức giải đã kéo dài thời gian dự kiến bóng lăn trở lại từ ngày 15-5 đá cúp quốc gia và một tuần sau tái khởi tranh V-League, dù không gặp phải sự phản ứng nào từ phía CLB nhưng chưa chắc phù hợp. Sự thận trọng và không thoải mái so với nhịp điệu tập luyện bình thường đã khiến nhiều CLB chỉ duy trì cầm chừng ngày một buổi và tiếp tục chờ đợi. Chính điều này sẽ rất khó cho cầu thủ tích lũy nền tảng thể lực đầy đủ trong 2-3 tuần, bên cạnh phương pháp chuyên môn.

- Báo điện tử Tổ Quốc ngày 27/4 đưa tin: "CLB Hà Nội hội quân trở lại, đóng cửa tập luyện chờ ngày tái khởi tranh" cho biết: Theo thông báo của CLB Hà Nội, sau quãng thời gian 1 tháng tạm nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19, vào ngày 26/04 vừa qua, các cầu thủ đã hội quân trở lại và có buổi tập đầu tiên vào ngày 27/04. Đây làbuwowcs chuẩn bị cho ngày tái khởi tranh các giải đấu bóng đá tại Việt Nam theo dự kiến của Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF).

- Báo Vietnamnet ngày 27/4 đưa tin: "UAE chốt HLV trưởng đấu tuyển Việt Nam" cho biết: UAE muốn chốt ghế HLV trưởng trong tuần này, sớm chuẩn bị cho cuộc chiến với tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022. Mặc dù các trận đấu quốc tế chưa có lịch thi đấu trở lại, sau khi hoãn vì Covid-19, UAE vẫn muốn sớm có được thuyền trưởng mới. UAE hiện xếp thứ 4 bảng G vòng loại World Cup 2022, sắp tới lần lượt đối mặt Malaysia, Thái Lan và tuyển Việt Nam. Trong báo cáo cách nay không lâu, UAEFA nhấn mạnh ưu tiên những trường hợp có kinh nghiệm ở UAE, hoặc bóng đá khu vực.

- Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 27/4 đưa tin: "Đội tuyển Việt Nam gặp khó với hai giải lớn cuối năm" cho biết: Với việc phải tham dự hai giải đấu lớn vào cuối năm, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn về vấn đề đội hình. Mặc dù Vòng loại World Cup 2022 đã bị hoãn đến cuối năm nhưng với việc AFF Cup 2020 diễn ra cùng thời điểm nên đội hình của đội tuyển Việt Nam chắc chắn sẽ bị xáo trộn. Đó là chưa kể những chấn thương dài hạn của các tuyển thủ sẽ khiến cho HLV Park Hang Seo rất đau đầu trong giai đoạn cuối năm. Nhà cầm quân người Hàn Quốc cần phải tìm kiếm những nhân tố mới cho đội tuyển.

- TTXVN ngày 26/4 có những tin sau:

Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Minh Trí 'truyền lửa' BreakTheChain chống COVID-19

Xuất hiện trong phần mới nhất của chiến dịch #BreakTheChain do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) khởi xướng với mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng trong giai đoạn chống lại dịch bệnh COVID-19, hậu vệ Bùi Tiến Dũng của tuyển Việt Nam và cầu thủ futsal Nguyễn Minh Trí cùng "truyền lửa" đồng hành với cộng đồng tiến bước. Trong đoạn clip do AFC thực hiện, Bùi Tiến Dũng chia sẻ thông điệp khá giản dị: "Cùng chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch."

Hải Phòng là đội đầu tiên xin lùi lịch thi đấu Cúp Quốc gia 2020 vì COVID-19

Hải Phòng xin lùi lịch thi đấu Cúp Quốc gia 2020 để có thời gian chuẩn bị tốt hơn cho giải đấu này sau thời gian dài nghỉ thi đấu vì dịch COVID-19. Theo lịch dự kiến, Hải Phòng sẽ có chuyến hành quân tới sân của Đồng Tháp vào ngày 15/5. Nhưng theo ban huấn luyện Hải Phòng, đội bóng này không kịp gom quân để chuẩn bị cho trận đấu này. Vì thế, Hải Phòng đã gửi công văn xin rời ngày khai mạc Cúp Quốc gia. Đội bóng đất Cảng sẽ hội quân và tập luyện trở lại từ ngày 26/4.

Filip Nguyễn chờ phép màu để khoác áo tuyển Việt Nam

Filip Nguyễn trưởng thành từ lò đào tạo Sparta Prague và chơi bóng cho CLB Slovan Liberec tại giải vô địch quốc gia Cộng hòa Czech. Chia sẻ trên trang cá nhân, Filip Nguyễn tâm sự: "Khoác áo đội tuyển Việt Nam là điều tôi không bao giờ từ chối. Hiện tại, tôi chờ phép màu đó đến với tôi trong tương lai gần. Tôi sẽ đăng trên fanpage chính thức khi có quyết định cuối cùng của Chính phủ Việt Nam. Hy vọng tất cả người hâm mộ Việt Nam chờ đợi tôi. Cảm ơn Việt Nam, cảm ơn người hâm mộ".

Quyết đấu tuyển Việt Nam, 'sao' nhập tịch Malaysia kêu gọi đồng đội rèn thể lực

Ngôi sao nhập tịch Mohamadou Sumareh của Malaysia đã nhắn gửi các đồng đội giữ gìn thể lực để trở lại thật mạnh mẽ thời gian tới, sớm nhất là cuộc tái đấu đội tuyển Việt Nam. Sumareh lên tiếng kêu gọi các đồng đội cũng vì Malaysia đang xếp thứ 2 bảng G sau 5 lượt trận vòng loại châu Á World Cup Qatar 2022.

K-League khai mạc từ ngày 8/5, làm mẫu cho các giải đấu châu Á

Sau hơn 2 tháng lùi lịch thi đấu, Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc đã quyết định cho K-League trở lại từ đầu tháng 5 với rất nhiều những hạn chế để tránh lây lan dịch bệnh COVID-19. Đây có thể là hình mẫu cho những giải bóng đá khắp châu Á cũng đang mong muốn được trở lại thi đấu cho hết mùa giải 2020. Trong đó, nhận được phản ứng nhiều nhất là điều lệ nghiêm cấm các cầu thủ nói chuyện với đồng đội trên sân trong suốt trận đấu. Trước trận, cũng sẽ không có màn bắt tay giao lưu giữa hai đội bóng.

Chuyện giảm lương cầu thủ 'mùa COVID': Giải pháp hay trách nhiệm chia sẻ

Tác hại do dịch COVID-19 gây ra với thể thao thế giới là vô cùng to lớn. Nó khiến các giải đấu phải tạm dừng. Với bóng đá, nhiều đội đang đứng trước cuộc khủng hoảng trầm trọng. Các phương pháp "thắt lưng buộc bụng" đã đưa ra và việc giảm lương cầu thủ là cách trực tiếp giúp các CLB giảm bớt khó khăn.

HAGL lạc quan có Xuân Trường tiếp thêm sức mạnh ở lượt về V-League 2020

Sau khi phẫu thuật điều trị chấn thương tại Hàn Quốc, Xuân Trường đang tiếp tục điều trị tại trung tâm bóng đá trẻ PVF. Chia sẻ về vài trò của Lương Xuân Trường trong màu áo đội bóng phố Núi, HLV trưởng HAGL, Lee Tae Hoon nói : "Tôi cảm thấy rất đáng tiếc khi Xuân Trường gặp phải một chấn thương khá nặng và không thể thi đấu tại lượt đi V-League 2020. Có Xuân Trường trong đội hình HAGL, chất lượng những đường chuyền sẽ tốt hơn. Khi cậu ấy trở lại, HAGL chắc chắn sẽ mạnh hơn rất nhiều".

Những giải đấu thể thao trực tuyến hấp dẫn tại Việt Nam

Thể thao Việt Nam đang đóng góp những giải đấu thực tế ảo, những trò chơi trực tuyến nhằm tạo thêm không gian giải trí trong những ngày giãn cách xã hội, tăng thêm quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19 của cả nước. Để những người yêu cờ có thêm thú vui trong khoảng thời gian này, Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam tổ chức trò chơi giải thế cờ trực tuyến (mini game online) CO VI 19. Bên cạnh đó còn Giải đua xe đạp thực tế ảo tranh Cúp truyền hình 2020 đã chính thức khởi tranh từ ngày 24/4 với tên gọi "Niềm tin chiến thắng" do Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh tổ chức.

FIFA công bố số tiền hỗ trợ các liên đoàn gặp khó khăn do COVID-19

Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) ngày 24/4 thông báo sẽ cung cấp khoản tiền trị giá 150 triệu USD để hỗ trợ liên đoàn bóng đá các nước đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Trong thông báo, FIFA cho biết số tiền trên sẽ được hỗ trợ tới tất cả 211 thành viên trong thời gian tới, đồng thời khẳng định đây là bước đi đầu tiên trong nỗ lực nhằm khôi phục lại hoạt động của cộng đồng, vốn đang bị ảnh hưởng mạnh bởi tình hình dịch bệnh. Ngoài ra, thông báo cũng cho biết mỗi liên đoàn sẽ nhận được 500.000 USD.

- Báo Hà Nội mới ngày 25/4 đưa tin:

AFF vinh danh cựu thủ môn tuyển quốc gia Việt Nam

Ngày 23-4, Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) vinh danh Phan Văn Santos, cựu thủ môn nhập tịch của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam, là thủ thành châu Á ghi nhiều bàn thắng nhất. Theo thông tin do AFF đăng tải, cựu thủ môn của tuyển quốc gia Việt Nam vinh dự đứng đầu danh sách bình chọn với 15 lần sút tung lưới các đối thủ. Thành tích của Phan Văn Santos bỏ xa các đối thủ còn lại.

AFC hoãn giải vô địch Futsal nữ châu Á 2020 và U20 Futsal châu Á 2021

Ngày 24-4, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) thông tin, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, AFC quyết định hoãn các giải vô địch Futsal nữ châu Á 2020 và U20 Futsal châu Á 2021. Giải vô địch bóng đá bãi biển châu Á 2021 vẫn diễn ra vào năm sau tại Thái Lan. Ngoài ra, AFC cũng ấn định thời gian diễn ra giải Vô địch bóng đá bãi biển châu Á 2021 là từ ngày 18-3 đến 28-3-2021 tại Thái Lan.

Nỗ lực chinh phục đấu trường Olympic

Với thành tích xuất sắc của mình, vận động viên Lê Thanh Tùng đã làm vẻ vang cho thể dục dụng cụ Việt Nam khi giành vé tham dự Thế vận hội mùa hè tại Tokyo (Nhật Bản). Hiện, vận động viên Lê Thanh Tùng đang miệt mài tập luyện để chuẩn bị chinh phục đấu trường Olympic tại Tokyo vào năm 2021.

- Báo Nhân Dân ngày 26/4 đưa tin: "V.League 1-2020 dự kiến thi đấu trở lại từ giữa tháng 5" cho biết: Theo thông tin từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), Giải bóng đá Cúp quốc gia 2020 và Giải bóng đá vô địch quốc gia V.League 1-2020 dự kiến trở lại thi đấu vào ngày 15-5 và ngày 20-5. Phương án thi đấu sẽ sớm được VPF công bố đến các câu lạc bộ, trong đó VFF có thể sẽ mở cửa một số sân vận động cho khán giả vào sân theo dõi, nếu như tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, an toàn với nhóm các tỉnh, thành phố thuộc các vùng có nguy cơ thấp và được các cơ quan có thẩm quyền, các địa phương có đội bóng đồng ý. Trong khi các địa phương có nguy cơ cao như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp thi đấu trên sân không khán giả trong giai đoạn đầu.

- Báo Nhân Dân ngày 26/4 đưa tin: "AFC chọn thêm cầu thủ bóng đá tham gia chiến dịch chống dịch Covid-19" cho biết: Tiền đạo Hà Ðức Chinh, thủ quân đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam Huỳnh Như và tuyển thủ đội tuyển quốc gia futsal Nguyễn Minh Trí vừa được AFC chọn góp mặt vào chiến dịch chống Covid-19. Thông điệp mà các tuyển thủ chuyển tải trong chiến dịch là tinh thần đoàn kết, khuyến khích mọi người bảo vệ tốt sức khỏe bản thân và tự nâng cao sức đề kháng để phòng, chống dịch bệnh.

- Báo điện tử Dân Trí ngày 25/4 đưa tin: "Giải Hà Lan chính thức bị huỷ, tương lai Văn Hậu được quyết định' cho biết: Sau khi có sự cân nhắc kỹ, Ban tổ chức (BTC) giải Hà Lan Eredivisie 2019-2020 buộc phải hủy giải đấu vì dịch Covid-19, sẽ không có đội vô địch. Như vậy, tương lai của Văn Hậu cũng sắp được quyết định. đại diện CLB Hà Nội đã chính thức lên tiếng về tương lai của Văn Hậu. Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thể thao Hà Nội - T&T Võ Lê Trung, nếu Heerenveen không tiếp tục gia hạn hợp đồng thì Văn Hậu sẽ trở lại Hà Nội. Thậm chí, đội bóng Thủ đô cũng đã chuẩn bị sẵn kịch bản cho Hậu nếu anh trở lại. Hà Nội sẽ đăng ký để Văn Hậu có thể thi đấu giai đoạn 2 V-League 2020.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Hà Nội mới ngày 26/4 đưa tin: "Phát triển văn hóa đọc trong gia đình: Gắn kết thành viên, bồi đắp tri thức" cho biết: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng không thể làm đứt mạch văn hóa đọc đã dần thành nếp trong cộng đồng. Nhiều gia đình đã biến những ngày ở nhà để thực hiện cách ly xã hội thành dịp để gắn kết các thành viên, bồi đắp tri thức thông qua hoạt động cùng nhau đọc sách. Từ đây, văn hóa đọc trong gia đình được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần phát triển bền vững văn hóa đọc trong cộng đồng.

Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, để phát triển văn hóa đọc, mỗi gia đình cần tạo phòng đọc sách, tủ sách hoặc góc thân thiện cho trẻ đọc sách. Phụ huynh nên lựa chọn sách phù hợp với lứa tuổi, sở thích của con; bố trí thời gian đọc cho con mỗi ngày, đồng thời hướng dẫn, truyền cảm hứng về phương pháp tự đọc sách cho con. Một điều quan trọng nữa là ông bà, cha mẹ phải làm gương; nếu ông bà, bố mẹ đều đọc sách, tự nhiên con cháu cũng sẽ đọc mà không cần nài ép, bắt buộc... Chú trọng, duy trì văn hóa đọc trong gia đình không chỉ giúp cho mỗi thành viên, đặc biệt là con cái, tự tin trong cuộc sống, hình thành khả năng tự học suốt đời, mà còn là cầu nối để gắn kết, tạo nên "sức mạnh mềm" cho mỗi gia đình và cả cộng đồng.

- Báo Văn hóa ngày 25/4 đưa tin: "Vui cùng con cháu" -show truyền hình thực tế hiếm hoi dành cho gia đình 3 thế hệ cho biết: MC Quyền Linh vừa cho ra mắt chương trình "Vui cùng con cháu" trên sóng HTV9, vào 11h Chủ nhật hằng tuần. Đây là chương trình truyền hình thực tế dạng game show hiếm hoi và có lẽ là đầu tiên dành cho gia đình có 3 thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái cùng tham gia. Sau gần 1 tháng ra mắt, nhìn lại có khá nhiều điều thú vị. Ngay cả cái cách sản xuất cũng mang tính gia đình khi mà nhân vật chính xuyên suốt của chương trình là MC Quyền Linh, em trai của MC là đạo diễn Quyền Lộc tham gia chương trình đúng với vai trò đạo diễn của mình. Còn đạo diễn Nguyễn Phi Hùng tham gia với vai trò giám đốc sản xuất. Những khách mời nghệ sĩ tham gia chơi "Vui cùng con cháu" cũng là những người bạn, người em thân thiết của MC Quyền Linh và ekip. Tất cả đều vì mục đích chung, mong muốn mọi người tôn trọng và trân quý những giây phút bên gia đình, bên những người thân. Hay nói cách khác, "Vui cùng con cháu" tôn vinh những giá trị về gia đình vốn đã trở thành truyền thống đẹp của người Việt.

- Báo Văn hóa ngày 25/4 đưa tin: Nguy cơ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng: Cha, mẹ phải là tấm "barie" bảo vệ con cho biết: Đường dây nóng Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em (111) của Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) thời gian gần đây liên tục nhận được cuộc gọi từ phụ huynh phản ánh về nguy cơ con em mình bị kẻ xấu nhắn tin, "xâm hại" trên môi trường mạng. Đặc biệt hiện tượng đáng lên án này, xuất hiện với tần xuất dày đặc hơn trong thời điểm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên nhiều trường triển khai dạy và học online. Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) đã ký kết hợp tác trong công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Đây là một nỗ lực chung tay xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn cho người dân nói chung và trẻ em nói riêng; Bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng; trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng sống an toàn trên môi trường mạng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ trẻ em được sống an toàn, bảo vệ trên không gian mạng, và dĩ nhiên cha mẹ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giám sát, quan tâm tới con cái để giúp con em vượt qua những cạm bẫy không an toàn khi lên mạng.

a

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×