Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 20/4/2020

20/04/2020 | 15:43

Khai mạc Hội sách trực tuyến quốc gia 2020, Cầu Vàng lọt tốp những cây cầu đẹp nhất thế giới , Thể thao Việt Nam lan tỏa tinh thần chung tay chống dịch là thông tin đáng chú ý trên báo ngày hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

 - Báo Nhân Dân ngày 20/4 đưa tin:

Tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng

 Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, thuộc địa bàn bốn xã của huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Xác định ranh giới khu vực bảo vệ di tích, kiến nghị về việc điều chỉnh mở rộng hoặc thu hẹp khu vực bảo vệ di tích; xác định khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu vực hạn chế xây dựng, khu vực xây dựng mới; đề xuất việc xếp hạng bổ sung công trình, địa điểm mới phát hiện trên cơ sở quy mô quy hoạch này…

Phim tài liệu chống dịch

Hiện tại, một số dự án phim tài liệu đã kịp thời bắt nhịp, ghi lại hành trình cả nước tích cực phòng, chống dịch Covid-19. Làm phim đúng giai đoạn dịch bệnh là công việc không dễ dàng, song bằng tinh thần quyết tâm và nỗ lực đặc biệt, những nhà làm phim đã sẵn sàng vượt khó. Sự ra đời của những bộ phim truyền hình, phim tài liệu... với nội dung về phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua đã góp phần phản ánh tinh thần, trách nhiệm đối với xã hội, truyền tải thông điệp nhân văn sâu sắc tới khán giả. Ðể các dự án phim diễn ra một cách quy củ, tuân thủ đúng quy định về phòng, chống dịch bệnh và phát huy hiệu quả cao nhất, cần sự sát sao, đồng hành kịp thời của các cơ quan chức năng.

Thưởng thức những kiệt tác nghệ thuật tại "nhà hát tại gia"

Những ngày cách ly xã hội mang tới nhiều bất tiện và xáo trộn trong cuộc sống của nhiều người. Tuy nhiên, cũng chỉ trong dịp này, số đông khán giả mới thực sự được "chạm" tới những kho báu nghệ thuật lần đầu tiên hoặc hiếm hoi mới được "mở cửa" miễn phí rộng rãi trên mạng. Nghệ thuật là cách để hàng triệu khán giả chữa lành nỗi đau, tạm quên đi sự lo lắng và tự tạo cảm giác lạc quan, tin tưởng hơn vào một ngày bệnh tật sẽ phải thoái lui trên toàn thế giới. Và các nhà hát trên thế giới đang lần lượt thay nhau làm công việc "bác sĩ tâm hồn" này.

- Báo Văn hóa ngày 20/4 có những tin sau:

"Giải cứu" văn hoá

Trước tác động của đại dịch Covid-19 đối với văn hoá, vào ngày 22.4 tới đây, tổ chức UNESCO dự kiến sẽ mời Bộ trưởng Văn hóa của các quốc gia thành viên cùng tham dự một cuộc họp trực tuyến nhằm trao đổi thông tin và quan điểm về tác động của cuộc khủng hoảng đối với ngành văn hóa ở nước mình, xác định các biện pháp chính sách khắc phục phù hợp với bối cảnh quốc gia khác nhau. Thực ra không phải bây giờ mà cách đây hơn một tháng, tại tâm dịch của thế giới, Chính phủ các nước châu Âu đã tung ra các gói hỗ trợ sâu rộng cho ngành Văn hoá, sáng tạo và truyền thông.

Tình cảm kính yêu Bác Hồ luôn là cảm hứng sáng tạo vĩnh cửu

Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2020) do Bộ VHTTDL phát động sau một thời gian ngắn đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo tác giả, họa sĩ chuyên sáng tác tranh cổ động trong cả nước. Giải nhất cuộc thi được trao cho tác phẩm "Người đi tìm hình của nước" (ảnh) của họa sĩ trẻ tuổi Nguyễn Thị Mỹ Dung (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam). Tác phẩm được đánh giá có góc nhìn mới mẻ, thể hiện xuất sắc nội dung và chất lượng nghệ thuật.

Bảo tàng xoay xở giữa mùa Covid: Trong cái khó ló cái khôn

Nếu không bởi Covid-19 thì những ngày này, việc chuẩn bị các triển lãm, sự kiện nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2020) tại hệ thống các Bảo tàng sẽ vô cùng sôi động. Nhưng với tình hình đầy thách thức như hiện nay buộc các bảo tàng phải xoay xở để không bị ngắt quãng và lãng quên trong lòng công chúng. Trong khi đó, dưới góc nhìn của một số chuyên gia di sản, bối cảnh hiện nay có thể là quãng thời gian để các Bảo tàng biến khó khăn thành cơ hội. Những chắt chiu các cách thức thể hiện để kể với công chúng câu chuyện phòng, chống dịch Covid-19 dưới góc nhìn Bảo tàng rất đáng được suy ngẫm. Chỉ có điều các Bảo tàng sẽ nắm bắt và triển khai ra sao.

Đề án di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế: Đảm bảo tiến độ để người dân sớm nhận nhà

Trước ảnh hưởng chung của dịch Covid-19, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tiếp tục chỉ đạo và đốc thúc các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác di dời, giải phóng mặt bằng dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế. Dự kiến, cuối tháng 5.2020, các hộ nghèo trong đợt di dời đầu tiên sẽ nhận được nhà ở theo hình thức "chìa khóa trao tay". Những ngày này, tại khu tái định cư Bắc Hương Sơ (phường Hương Sơ, TP Huế), các công trình nhà ở đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Nhiều ngôi nhà đã cơ bản xây xong phần thô, chỉ chờ sơn quét và hoàn thiện nội thất. Đây là những ngôi nhà mới của dân cư trong diện di dời đợt 1 thuộc đề án "Di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế".

- Báo Hà Nội mới ngày 19/4 có những tin sau:

Triển lãm tranh cổ động tấm lớn kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Ngày 19-4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang giới thiệu Triển lãm tranh cổ động tấm lớn tuyên truyền kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020) tại Quảng trường 3-2, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

"Chắp cánh" cho xuất bản phát triển kinh tế số

Hôm nay 19-4, Hội sách trực tuyến quốc gia năm 2020 chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 7 (ngày 21-4) do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, chính thức khai mạc trên sàn Book365.vn. Là sự kiện văn hóa được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hội sách này được độc giả và giới hoạt động xuất bản mong đợi, coi đây là cơ hội để "chắp cánh" cho ngành Xuất bản phát triển kinh tế số.

Hy vọng mới cho dòng tranh dân gian Hà Nội

Mới đây, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ (tỉnh Bắc Ninh) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý gửi hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Điều này làm dấy lên những hy vọng mới cho tương lai hai dòng tranh dân gian Hàng Trống và Kim Hoàng (thành phố Hà Nội). Tuy nhiên, để đạt được kết quả tương tự cần có sự nỗ lực từ nhiều phía.

Triển lãm mỹ thuật trực tuyến về kháng chiến chống Mỹ

Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), từ ngày 17-4, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm trực tuyến chùm tác phẩm đặc sắc về đề tài kháng chiến chống Mỹ tại website vnfam.vn và trang Facebook Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm gồm 15 tác phẩm đặc sắc nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, do nhiều thế hệ nghệ sĩ sáng tác.

- TTXVN ngày 19/4 có những tin sau

Thi sáng tác tranh cổ động về 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020). Các tác phẩm tham gia dự thi cần hướng tới tuyên truyền những thành quả to lớn mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được trong 75 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Họa sỹ Trần Khánh Chương, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam qua đời

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, sau một thời gian lâm bệnh, Họa sỹ Trần Khánh Chương, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã từ trần vào lúc 17 giờ 29 phút ngày 19/4/2020 tại Bệnh viện Hữu nghị, hưởng thọ 77 tuổi. Họa sỹ Trần Khánh Chương có nhiều tác phẩm mỹ thuật nổi bật, từng đoạt giải thưởng mỹ thuật trong nước và quốc tế như: "Màu xanh trên vùng đất đỏ" - sơn dầu 1980; "Đường lên Điện Biên" – sơn mài 2005; "Ngày vui giải phóng" – khắc thạch cao 1986; "Những cánh diều" – khắc thạch cao 1983; "Bên cầu Thê Húc" – sơn mài; "Nhịp thời gian" – sơn mài; "Trưa cửa Tùng" –sơn mài...

'Người đi tìm hình của nước' đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác tranh cổ động về Bác Hồ

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 19/4 cho biết: Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã kí ban hành Quyết định số 1086/QĐ-BVHTTDL về việc trao giải thưởng cho tập thể, tác giả có tác phẩm đoạt giải Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo quyết định này, tác phẩm "Người đi tìm hình của nước" của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam) đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi. Giải Nhất trị giá 15 triệu đồng.

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký ban hành quyết định số 519/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch, có diện tích 1.049.701 m2, được xác định theo bản đồ khoanh vùng Khu vực bảo vệ I và Khu vực bảo vệ II của di tích, thuộc địa bàn phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

- Báo Người Lao động ngày 20/4 đưa tin: "Sàn kịch chuẩn bị ngày sáng đèn trở lại" cho biết: Các nhà chuyên môn nhận định thị trường biểu diễn sẽ sôi động trở lại, bởi "cơn khát" của khán giả kéo dài trong suốt thời gian giãn cách xã hội nhưng sẽ vất vả để trở lại như trước. Dù muốn hay không, dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động trong tương lai của nhiều sân khấu. Việc nắm bắt thị phần biểu diễn sắp tới rất quan trọng đối với từng sàn diễn, giúp các nhà tổ chức biểu diễn vạch ra chiến lược, giải pháp cần thiết.

- Báo Pháp luật TPHCM ngày 20/4 đưa tin: "Xem miễn phí 10 symphony của Mahler từ dàn nhạc New York" cho biết: Trong đại dịch COVID-19, New York Philharmonic đã tổ chức miễn phí lễ hội âm nhạc trực tuyến kéo dài đến 30-4 về nhà soạn nhạc thế kỷ Gustav Mahler. Dàn nhạc giao hưởng New York (New York Philharmonic – NY Phil) đã thông báo đóng tất cả mọi chương trình hoà nhạc, sự kiện cộng đồng đến hết 13-6.Trong suốt gần một tháng qua, NY Phil mở chương trình We are NY Phil @Home với mỗi tập video là mỗi nghệ sĩ thuộc NY Phil chơi độc tấu một bản nhạc tại nhà với trích đoạn trong các tác phẩm: Piano Concerto in G  (Ravel), Cello Suite No.2 (Bach), Entr'acte No.3 (Schubert), Symphony No.1 (Mahler)

- Báo Giáo dục và Thời đại ngày 20/4 đưa tin: "Dạy truyện ngắn Chí Phèo từ góc nhìn không gian nghệ thuật" cho biết: "Chí Phèo" (Nam Cao) được đánh giá là một kiệt tác của văn xuôi hiện đại Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết những cách tiếp cận và giảng dạy "Chí Phèo" chủ yếu chỉ từ phương diện nội dung, nhân vật mà chưa chú ý đúng mức tới không gian nghệ thuật. Vì vậy, tiếp cận và giảng dạy tác phẩm từ góc nhìn này là một hướng đi khá mới mẻ và có nhiều triển vọng.

- TTXVN, Báo Hà Nội mới và nhiều báo khác ngày 19/4 đưa tin: "Khai mạc Hội sách trực tuyến 2020, lần đầu tiên được tổ chức" cho biết: Ngày 19/4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khai mạc Hội sách trực tuyến quốc gia chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7. Hội sách trực tuyến Quốc gia diễn ra tại địa chỉ book365.vn với chủ đề "Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh". Hiểu rõ tầm quan trọng của văn hoá đọc, năm 2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam. Từ năm 2014 - 2019, Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương cả nước tổ chức thành công Ngày sách Việt Nam. Qua 6 lần tổ chức, Ngày sách Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc trong cả nước, trở thành nét đẹp văn hoá trong cộng đồng.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 20/4/2020 - Ảnh 1.

Khai mạc Hội sách trực tuyến quốc gia lần đầu tiên - Ảnh: Báo Hà Nội mới

2.Lĩnh vực Du lịch

- Báo Văn hóa ngày 20/4 đưa tin:

Nghề thời thượng bỗng... phải lo cơm, áo, gạo, tiền

Dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nghề hướng dẫn viên du lịch bỗng chốc rơi vào cảnh thất nghiệp, không có nguồn thu. Trong tình thế ấy, người thì chờ du lịch hồi phục, người phải chạy đôn chạy đáo lo cơm, áo, gạo, tiền. Trong tổng số 26.989 hướng dẫn viên du lịch hiện nay, phần lớn là hướng dẫn viên hành nghề tự do, không thuộc công ty du lịch hay hội nghề nghiệp nào, không có lương cứng (chỉ có tiền công tác phí theo ngày tour), không được đóng bảo hiểm, đương nhiên không có trợ cấp thất nghiệp.

Hơn 3.200 người nước ngoài đang lưu trú tại cơ sở lưu trú du lịch

 Tính đến ngày 18.4, đã có 58 tỉnh/ thành phố gửi báo cáo lượng khách quốc tế đang lưu trú tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn về Tổng cục Du lịch (TCDL) với 3.229 khách nước ngoài đang lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam. Trong đó có 364 khách nước ngoài mắc kẹt tại Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có nhu cầu về nước. Sau khi có con số thống kê cụ thể, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp cùng đại sứ quán các nước trong việc sắp xếp, bố trí các chuyến bay đưa khách du lịch nước ngoài đang mắc kẹt tại Việt Nam về nước.

200 phần quà hỗ trợ hướng dẫn viên ở TP.HCM chống dịch Covid-19

Tiếp tục chương trình đồng hành cùng hướng dẫn viên du lịch vượt qua khó khăn của mùa dịch Covid-19, Chi hội hướng dẫn viên du lịch TP.HCM (HTGA) đã vận động hỗ trợ từ các ạMnh thường quân được 200 phần quà để dành tặng cho 100 hướng dẫn viên không là hội viên và 100 hướng dẫn viên là Hội viên HTGA. Quà cho hội viên bao gồm hiện vật là nhu yếu phẩm và 500.000 đồng tiền mặt; quà cho hướng dẫn viên không phải là hội viên gồm nhu yếu phẩm. Những đối tượng được ưu tiên hỗ trợ là hội viên nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng; hội viên nam đang nuôi vợ có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng mà không có thu nhập; hội viên (hoặc vợ/ chồng/con) đang điều trị bệnh hiểm nghèo mà không có thu nhập; hội viên là trụ cột chính trong gia đình, đang nuôi cha, mẹ, vợ, con, người thân... mà không có thu nhập và một số đối tượng khác.

- TTXVN ngày 19/4 đưa tin:

Du lịch TP Hồ Chí Minh chủ động vượt qua dịch COVID-19 - Bài cuối: Chuẩn bị cho bước phát triển mới

Vừa qua, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện Báo cáo đánh giá tác động và đề xuất giải pháp ứng phó, phát triển ngành Du lịch trong điều kiện dịch COVID-19. Theo đó, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương đánh giá tình hình thiệt hại của doanh nghiệp, cũng như dự báo thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động cho bước phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng sau dịch COVID-19.

Du lịch TP Hồ Chí Minh chủ động vượt qua dịch COVID-19 - Bài 1: Đa dạng giải pháp phòng, chống

Với diễn biến mới và ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, song song với thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ngành Du lịch Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang nghiên cứu các kịch bản kịp thời để chuẩn bị khôi phục du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và có những giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Trong đó, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp du lịch ổn định hoạt động, tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, nguồn nhân lực... để phục vụ du khách trong và ngoài nước sau dịch COVID-19.

TP Hồ Chí Minh: Chỉ có 31 khách nước ngoài có nhu cầu về nước trong mùa dịch COVID-19

Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay có 470 khách nước ngoài đang lưu trú trên địa bàn thành phố, nhưng chỉ có 31 khách có nhu cầu về nước, chủ yếu là công dân các nước Canada, Australia, Nhật Bản, Mỹ… Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã chuyển danh sách này đến Tổng cục Du lịch, Sở Ngoại vụ và Sở Giao thông Vận tải để tổng hợp báo cáo theo yêu cầu. Ngoài ra, Sở cũng đã chuyển danh sách này đến Sở Y tế và UBND 24 quận, huyện để thực hiện công tác sàng lọc thông tin, kiểm tra y tế theo quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19.

- Báo Hà Nội mới ngày 19/4 đưa tin: "Nhà thờ cổ tộc Nguyễn Tường - Di sản trong lòng di sản" cho biết: Là một điểm du lịch được biết đến muộn màng ở Hội An (Quảng Nam), mở cửa đón khách tham quan từ giữa năm 2013 nhưng Nhà thờ cổ tộc Nguyễn Tường thực sự thu hút du khách bởi bề dày lịch sử và kiến trúc đặc sắc. Năm 2008, Nhà thờ tộc Nguyễn Tường được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Đây thực sự là một di sản trong lòng di sản, nơi giao hòa của lịch sử, văn hóa và kiến trúc, lưu giữ những giá trị vật chất và tinh thần của người xưa.

- Báo Nhân Dân ngày 20/4 đưa tin: "Cầu Vàng lọt tốp những cây cầu đẹp nhất thế giới" cho biết: Khởi đầu từ nhu cầu kết nối cảnh quan từ ga Marseille tới vườn Thiên Thai và vườn hoa Le Jardin D'Amour của khu du lịch Bà Nà Hills (Đà Nẵng), cầu Vàng trở thành hiện tượng toàn cầu của du lịch Việt Nam. Và không phải ngẫu nhiên Cầu Vàng (Golden Bridge) - Bà Nà Hills được trang tin tức của Mỹ - Insider bình chọn là một trong 28 cây cầu tuyệt đẹp nhất thế giới. Nằm ở độ cao 1.414 m so mực nước biển, Cầu Vàng được thiết kế vô cùng ấn tượng, vẽ nên một cung đường đầy mê hoặc giữa lưng chừng trời, dài gần 150 m. Cầu Vàng trở thành địa điểm check-in cực thu hút bởi trải nghiệm dạo bước trên mây quá đỗi tuyệt vời vào thời điểm mới mở ra chào đón khách du lịch.

- Báo điện tử Thanh Hóa ngày 19/4 đưa tin: "Du lịch cộng đồng lấy người dân là chủ thể" cho biết:  Đúng như tên gọi của nó, sản phẩm du lịch cộng đồng lấy người dân trong cộng đồng ấy là chủ thể, vừa là người thực hiện vừa là người hưởng thụ các lợi ích mà du lịch mang lại. Đồng thời, họ vừa là hướng dẫn viên cũng vừa là một "chuyên gia" về văn hóa – lịch sử vùng đất. Từ đó, giúp truyền tải đến du khách những thông điệp ý nghĩa về điểm đến và giúp họ trải nghiệm, khám phá những điều mới mẻ, thú vị về miền đất mới.

- Báo điện tử VOV ngày 19/4 đưa tin: "Làng hoa lớn nhất Hà Nội ủ rũ vì dịch Covid-19" cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chợ hoa lớn nhất của Hà Nội đang tạm đóng cửa, khiến làng hoa Tây Tựu gần như bị chặn đứng bởi không có đầu ra. Làng hoa Tây Tựu được biết đến là một trong những làng hoa lớn nhất của miền Bắc, chuyên cung ứng hoa tươi cho Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh thành miền Bắc. Tuy nhiên, trong những ngày này, dù đang bước vào thời điểm cuối vụ nhưng không khí thu hoạch hoa tại đây rất ảm đạm.

- Báo điện tử Dân Trí ngày 19/4 đưa tin: "Những điểm du lịch nổi tiếng không một bóng người trong mùa dịch" cho biết:  Những địa điểm du lịch nổi tiếng của TPHCM không còn cảnh đông đúc như những ngày trước khi dịch Covid-19 diễn ra. Phố đi bộ, Nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, Bưu điện thành phố... là những địa điểm du lịch thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước. Trái ngược với vẻ đông đúc trước đây, những địa điểm này vắng vẻ không một bóng người trong mùa dịch.

- Báo điện tử Dân Trí ngày 19/4 đưa tin: Tiếp tục "đóng cửa" các điểm du lịch ở xứ "Công tử Bạc Liêu" cho biết: Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu vừa có chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sau ngày 15/4, trong đó có ngành Du lịch tỉnh này. Mặc dù là một trong những tỉnh nằm trong nhóm nguy cơ thấp về dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, tỉnh Bạc Liêu đánh giá dịch bệnh này vẫn còn phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ lan rộng trong cộng đồng, nên không thể chủ quan. Do đó, UBND tỉnh này yêu cầu các sở, ngành, địa phương, người dân… cần thực hiện các biện pháp bắt buộc chung về phòng, chống dịch bệnh.

3.Lĩnh vực Thể thao

- Báo Hà Nội mới ngày 20/4 đưa tin:

Mùa Covid-19 và những "thương binh" của đội tuyển bóng đá Việt Nam

Khi tất cả các hoạt động thể thao ngưng trệ vì dịch bệnh, dàn cầu thủ chấn thương của HLV Park Hang-seo là những người hiếm hoi cảm thấy được an ủi phần nào. Đình Trọng, Duy Mạnh, Xuân Trường, Huy Hùng, Thanh Thịnh… đang chạy đua hồi phục trước khi guồng quay trở lại. Chấn thương đánh cắp của đời cầu thủ rất nhiều: Phong độ, cơ hội, sự tự tin, tiền bạc và thăng tiến… Nhưng lúc này, mùa dịch Covid-19 dường như đang trả lại cho họ một thứ không kém phần quý giá: Thời gian.

Giải đua xe F1 có thể tái khởi động vào ngày 5-7 tại Áo

Chính quyền Áo cho biết không phản đối việc tổ chức vòng đua F1 tại đây theo hình thức khép kín, nhưng chỉ cho phép diễn ra sau thời điểm nước này dỡ bỏ các quy định hạn chế đi lại. Nếu không có trở ngại nào đáng kể, vòng đua đầu tiên tiến hành theo cách mới sẽ diễn ra tại Áo vào ngày 5-7 tới. Sau đó, hai vòng đua tiếp theo sẽ được tổ chức tại trường đua Silverstone (Anh) – nơi vốn được xem là sân nhà của 7 trong số 10 đội đua F1.

Thế vận hội tại Nhật Bản vẫn có nguy cơ không thể diễn ra

 Cả Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đối diện nguy cơ không thể diễn ra nếu không có vắc xin ngừa Covid-19 đang lây lan trên phạm vi toàn cầu. Giáo sư Devi Sridharm, chuyên gia hàng đầu về y tế toàn cầu tại Đại học Edinburgh (Scotland) lo ngại hai sự kiện thể thao lớn của Nhật Bản sẽ không thể diễn ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trước đó, Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã buộc phải lùi thời điểm, dự kiến sẽ được tổ chức vào năm 2021, từ ngày 23-7 đến 8-8.

Cung thủ Nguyễn Hoàng Phi Vũ hướng đến đấu trường Olympic

Đại dịch Covid-19 khiến Thế vận hội mùa hè năm 2020 tại Tokyo, Nhật Bản (Olympic Tokyo 2020) bị lùi thời gian tổ chức sang năm 2021. Nhưng với cung thủ Nguyễn Hoàng Phi Vũ, đây lại là cơ hội để anh rèn chuyên môn và thể lực, tích lũy thêm kinh nghiệm thi đấu, sẵn sàng đến với đấu trường lớn nhất thế giới này.

Bóng đá Italia có thể trở lại vào mùa hè

 Ngày 17-4 (giờ địa phương), Liên đoàn Bóng đá Italia (FIGC) thông báo các giải bóng đá nước này nên trở lại vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, đồng thời chỉ trích những người ủng hộ hủy bỏ thi đấu là "không yêu thích bóng đá". Dẫn tuyên bố của Chủ tịch FIGC Gabriele Gravina, Channel News Asia cùng ngày cho biết, công tác chuẩn bị cho việc khôi phục các giải bóng đá của Italia có thể lên đến 3 tuần, sau khi quốc gia này gỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa, dự kiến vào ngày 4-5 sắp tới.

Lan tỏa tinh thần chung tay chống dịch

Cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19 của Việt Nam đang bước vào giai đoạn 3, với rất nhiều khó khăn, áp lực. Nhằm ủng hộ, động viên, tiếp thêm sức mạnh cho tuyến đầu chống dịch, lực lượng thể thao nước nhà đã và đang có những hành động thiết thực, hiệu quả, góp phần sẻ chia gánh nặng; đồng thời khơi dậy, lan tỏa ý thức, trách nhiệm chung tay chống dịch của cộng đồng.

- Báo Văn hóa ngày 20/4 đưa tin:

Trung vệ Đình Trọng xét nghiệm Covid-19 để chữa trị chấn thương

Hôm nay 20.4, trung vệ được yêu thích của đội tuyển Việt Nam Trần Đình Trọng sẽ tiến hành kiểm tra xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện Vinmec Hà Nội để xác định đủ điều kiện sang Trung tâm đào tạo PVF (Hưng Yên) chữa trị phục hồi chấn thương. Dự kiến, hậu vệ sinh năm 1997 sẽ điều trị tại đây cùng các chuyên gia nước ngoài trong vòng 2 tháng. Trần Đình Trọng bị chấn thương dây chằng và đã mổ tại bệnh viện Parkway (Singapore) vào tháng 6 năm ngoái. Tuy nhiên anh đã không có đủ thời gian để hồi phục chấn thương do sớm quay trở lại tập luyện và thi đấu. Vừa qua trung vệ Đình Trọng và Đỗ Duy Mạnh đã được CLB Hà Nội đưa sang Singapore để điều trị và tái khám chấn thương. Các bác sĩ tại đây đã yêu cầu  Đình Trọng tiếp tục phải dành thời gian để phục hồi chấn thương.

Thể thao Việt Nam trong đại dịch Covid-19: Mùa của sự lan tỏa yêu thương

Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của thể thao Việt Nam trong giai đoạn đầu năm 2020. Các giải đấu trong nước và quốc tế đang tạm hoãn khiến kế hoạch tập luyện và thi đấu của các VĐV bị đảo lộn. Trong hoàn cảnh đó, các VĐV, HLV và "đại gia đình" Thể thao Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm xã hội, là cầu nối làm lan tỏa những giá trị nhân văn trong mùa dịch, tạo hiệu ứng mạnh mẽ và nâng cao nhận thức của cộng đồng, chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh.

Vì Covid-19, Champions League thi đấu gấp rút vào tháng 8?

 Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) đang lên lịch trình thi đấu phần còn lại của giải bóng đá các CLB hàng đầu "lục địa già" - Champions League mùa giải 2019/20. Theo đó, giải đấu này sẽ trở lại vào tháng 8 tới và áp dụng thể thức thi đấu kỳ lạ. Truyền thông Italia tiết lộ, UEFA đang đưa ra kế hoạch tổ chức Champions League và Europa League sau khi các giải VĐQG châu Âu kết thúc, dự kiến bắt đầu từ ngày 7.8 và kết thúc vào cuối tháng 8.

Văn Hậu gửi thông điệp ý nghĩa về dịch Covid-19

Hậu vệ của ĐT Việt Nam và CLB Heerenveen (Hà Lan) - Đoàn Văn Hậu mới đây đã nhắn lời kêu gọi mọi người cùng đồng lòng với Chính phủ và Bộ y tế để chống đại dịch Covid-19 hiệu quả. Văn Hậu cùng các đồng đội tại Heerenveen đang trong thời gian nghỉ thi đấu vì giải VĐQG Hà Lan bị tạm hoãn bởi dịch Covid-19. Trong thời gian này, ngoài việc tập luyện duy trì thể lực, Văn Hậu cũng thường xuyên gửi những thông điệp ý nghĩa đến người hâm mộ bóng đá Việt Nam trong việc phòng, chống dịch Covid- 19.

AFC chọn 3 cầu thủ Việt Nam gửi thông điệp chống dịch Covid-19

Sau 2 đồng đội ở tuyển Việt Nam là Nguyễn Quang Hải và Nguyễn Công Phượng, tiền vệ Đỗ Hùng Dũng mới đây vinh dự là cầu thủ Việt Nam thứ ba được Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) chọn làm nhân vật cổ động cho chiến dịch #BreakTheChain (tạm dịch là: Chấm dứt sự lây lan). Thông điệp chính mà Hùng Dũng gửi đến là mong muốn cộng đồng có những cái nhìn chính xác và đầy đủ về tình hình dịch bệnh cũng như các phương pháp để phòng, chống sự lan truyền của dịch Covid-19. Tiền vệ CLB Hà Nội chia sẻ: "Mọi người cần có nhận thức đúng về dịch bệnh. Có ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tin tưởng vào các giải pháp mà chính quyền đưa ra. Với vai trò là một thành viên của gia đình bóng đá châu Á, tôi cảm thấy vui khi được đóng góp và trở thành một phần của chiến dịch phòng, chống đại dịch".

- Báo Nhân Dân ngày 19/4 đưa tin: "Thể thao thế giới hướng tới ngày trở lại" cho biết: Đại dịch Covid-19 dù chưa qua đi nhưng rất nhiều quốc gia đã phần nào kiểm soát được tình hình lây lan, đây cũng là thời điểm tốt để thể thao thế giới lên phương án cho các kế hoạch trở lại trong tương lai gần. Trong bối cảnh cả thế giới đều đang gồng mình nỗ lực chống lại dịch Covid-19, các quốc gia châu Âu cũng không nằm ngoài vòng quay ấy. Nền bóng đá tại "lục địa già" đang lao đao hơn bao giờ hết, khi mà rất nhiều các giải vô địch quốc gia vẫn đang "thấp thỏm" lo âu chờ ngày trở lại.

- Báo điện tử Zing.vn ngày 20/4 đưa tin: "Xuân Trường có thể trở lại HAGL vào tháng 6" cho biết: Tiền vệ Lương Xuân Trường thông tin về thời gian bình phục chấn thương, báo tin vui đến CLB HAGL và HLV Park Hang-seo. Sau 7 tháng nghỉ thi đấu vì đứt dây chằng chéo trước, Xuân Trường sẽ trở lại vào cuối tháng 6. Như vậy, cầu thủ của HAGL tuân thủ đúng thời gian yêu cầu của bác sĩ là 9 tháng điều trị và hồi phục. Hiện tại, tiền vệ tuyển Việt Nam tập phục hồi ở Trung tâm Đào tạo Bóng đá PVF ở Hưng Yên cùng các chuyên gia người nước ngoài. Xuân Trường đã tiếp xúc được với bóng, dần có cảm giác trên sân cỏ.

- Báo điện tử Tiền Phong ngày 20/4 đưa tin: "V-League ra sao khi trở lại?" cho biết: Giải bóng đá VĐQG, LS V-League 2020 dự kiến trở lại sớm nhất cuối tháng 5. Nhiều vấn đề liên quan việc tổ chức giải vẫn chưa được thống nhất. Trong thông báo mới nhất của Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) hôm 16/4, bóng đá Việt Nam sẽ trở lại bằng các trận đấu thuộc Cúp Quốc gia 2020 hôm 15/5 với điều kiện dịch COVID-19 đã được kiểm soát và các cơ quan có thẩm quyền cho phép.

-Báo Pháp luật TPHCM ngày 20/4 đưa tin: "FIFA sẽ chi tiền hỗ trợ cho VFF và các CLB" cho biết: Các nhà tổ chức giải VPF đã tính toán V-League dự kiến tái xuất ngày 22-5 và trước đó một tuần là giải Cúp Quốc gia, bao gồm cả các đội hạng Nhất.  Tuy nhiên, tất cả vẫn còn hồi hộp chờ đợi những cơ quan có thẩm quyền cho phép bóng lăn trở lại, sau khi đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

- Báo Pháp luật TPHCM ngày 20/4 đưa tin: "Ông Park gặp trắc trở nếu dời vòng loại World Cup" cho biết: FIFA tiếp tục cho hoãn các trận vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á trong tháng 6 nhưng vẫn chưa thể có quyết định cuối cùng về lịch thi đấu khiến các HLV như thầy Park bị động. Mục tiêu nào với HLV Park Hang-seo cũng quan trọng và đều ảnh hưởng lớn đến khả năng tồn tại của ông như giao kèo ở bản hợp đồng ba năm vừa tái ký. Nhưng cái khó của thầy Park là thời gian cấp bách không thể cùng lúc quán xuyến cả đội tuyển quốc gia và U-23 hướng đến những cái đích khác nhau.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Văn hóa ngày 17/4 đưa tin: Thấy gì từ Tọa đàm "Bạo lực giới thời Covid"? cho biết:  Ở nhà phòng, chống dịch Covid-19 có thể là một khoảng thời gian tuyệt vời để "sống chậm" và dành thời gian cho những người thân yêu. Nhưng cũng có thể là "địa ngục" đối với những người phải chịu cảnh bạo lực gia đình (BLGĐ). Cuộc Toạ đàm online với chủ đề Bạo lực giới thời Covid do Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành viên (CSAGA) đã đưa ra những thực tại và giải pháp để ngăn ngừa BLGĐ.

Nhìn nhận về những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống gia đình thời dịch Covid-19, các chuyên gia đều cho rằng cả hai giới cần phải áp dụng phương pháp là "bình tĩnh" để giải quyết mọi vấn đề. Mặt khác, ngăn chặn hành vi BLGĐ, ngay từ việc tìm ra nguyên nhân dẫn tới những hành vi lệch chuẩn là lời cảnh báo đối với mọi thành viên trong gia đình, tuy nhiên khi BLGĐ xảy ra với mức độ trầm trọng và với những những người luôn có nguy cơ bị BLGĐ không chỉ ở trong mùa dịch, thì phải có sự chuẩn bị và kế hoạch phòng ngừa bạo lực chi tiết như tìm tới các số điện thoại đường dây nóng của các địa chỉ tư vấn về BLGĐ.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×