Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 2/3/2020
02/03/2020 | 15:55Câu lạc bộ Hà Nội xuất sắc giành Siêu cúp Quốc gia 2019 là thông tin đáng chú ý trên báo ngày hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
- Trên báo Nhân Dân ngày 2/3 có một số tin tức sau:
Sân chơi bổ ích về lịch sử, văn hóa Hà Nội
Với chủ đề về lịch sử và văn hóa Hà Nội, dành cho học sinh từ 12 tuổi đến 18 tuổi trên địa bàn thủ đô, có niềm đam mê, yêu thích lĩnh vực này, cuộc thi "Gánh văn hóa" mang đến sân chơi bổ ích những cách tiếp cận và thể hiện sáng tạo, thú vị. Chỉ trong một thời gian ngắn phát động, đến nay, vòng online của cuộc thi đã nhận được gần 20 bài dự thi chất lượng của các nhóm học sinh đến từ các trường công lập và dân lập trên địa bàn Hà Nội như: Olympia, Ban Mai, Everest, Phan Huy Chú, Amsterdam, Yên Hòa, Marie Curie... Các vi-đê-ô dự thi đều được đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng về nội dung, hình ảnh quay đẹp, thể hiện kiến thức và sự hiểu biết về nghệ thuật truyền thống, ẩm thực, làng nghề, di tích lịch sử, phong tục tập quán, nếp sống hàng ngày... của Hà Nội.
Bảo vệ môi trường di tích Ðịa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 594/QÐ-BVHTTDL về việc phê duyệt nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại các di tích địa đạo, áp dụng tại di tích quốc gia đặc biệt Ðịa đạo Vịnh Mốc và hệ thống hầm làng Vĩnh Linh. Viện Bảo tồn di tích là cơ quan chủ trì phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị cùng Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Trị sẽ triển khai trong năm 2020, thí điểm áp dụng mô hình bảo vệ môi trường tại các di tích nêu trên, hoàn thiện mô hình làm cơ sở nhân rộng cho các di tích có điều kiện tương đồng.
Đường nghệ thuật ven sông
Hai tháng qua, trên đoạn đường cũ ven sông Hồng giáp cầu Long Biên - điểm tập kết rác thải lớn thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xuất hiện những tác phẩm nghệ thuật ngoài trời độc đáo làm từ đồ dùng tái chế. Đây là nỗ lực của nhóm họa sĩ tình nguyện góp phần vào dự án Cải tạo và nâng cấp bờ lở sông Hồng do UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Giám tuyển dự án (trước đó cũng từng là Giám tuyển của dự án bích họa phố Phùng Hưng) cho biết, Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân được triển khai từ đầu tháng 1-2020 với sự tham gia của 16 họa sĩ, trong đó có hai nghệ sĩ đến từ Ô-xtrây-li-a và Tây Ban Nha là G.Bớc-xét và Đ.Co-ti-xa. G.Bớc-xét có bố là phóng viên từng gắn bó với chiến trường Việt Nam, đã gặp gỡ nhiều nhân vật lịch sử của Việt Nam.
Thành ngữ bằng tranh - cuốn sách thú vị dành cho người yêu tiếng Việt
Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ra mắt cuốn sách "Thành ngữ bằng tranh" do nhà thơ Nguyễn Thị Hường Lý biên soạn, với phần tranh minh họa của họa sĩ Nguyễn Quang Toàn. Cuốn sách tập hợp hơn 300 thành ngữ tiếng Việt thông dụng với cách giải thích dễ hiểu nhất, trực diện với từng thành ngữ để người đọc có được thông tin nền, chuẩn về nó. Điều đặc biệt cũng là điểm thú vị nhất của cuốn sách chính là đi kèm với mỗi thành ngữ là những bức tranh minh họa sinh động của họa sĩ Nguyễn Quang Toàn. Họa sĩ Nguyễn Quang Toàn đã lựa chọn lối vẽ hý họa linh hoạt, hiện đại gần gũi với phong cách biếm họa báo chí để tạo ra một câu chuyện bằng hình, qua đó thêm một lần nữa tác động đến thị giác của độc giả, tạo ấn tượng sâu và nét hơn về thành ngữ được minh họa.
- Trên báo Hà Nội mới ngày 1/3 có một số tin tức đáng chú ý sau:
Họa sĩ khóa Kháng chiến Trần Lưu Hậu qua đời ở tuổi 92
Ngày 1-3, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam xác nhận, họa sĩ Trần Lưu Hậu – một trong những đại diện xuất sắc của khóa Kháng chiến, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), đã qua đời vào tối 29-2, tại Hà Nội. Họa sĩ Trần Lưu Hậu được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2001. Ông sáng tác nhiều sau khi nghỉ hưu và những năm gần đây vẫn liên tục triển lãm, giới thiệu tác phẩm mới với công chúng.
Hướng đến xu hướng số
"Music Home" - mô hình "nhà hát internet" đầu tiên ở Việt Nam vừa khởi động mùa thứ 2, dường như giải "cơn khát" nghệ thuật của công chúng giữa thời điểm hầu hết chương trình nghệ thuật đều "đóng băng" nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, chương trình "Music Home" sẽ phát trên FPT Truyền hình vào tối thứ sáu cuối cùng mỗi tháng, giới thiệu một chân dung âm nhạc nổi tiếng, có khả năng hát trực tiếp tốt, như Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Trọng Tấn, Tùng Dương, Tóc Tiên... Với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, khán giả có thể chủ động lựa chọn góc máy quay khi xem chương trình và trải nghiệm âm thanh tiêu chuẩn chân thật như đang ở tại nhà hát.
Văn học, nghệ thuật về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng: "Mảnh đất" cuốn hút và thách thức
Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng là "mảnh đất" sáng tạo không dễ thành công, nhưng lại luôn cuốn hút văn nghệ sĩ. Nói như nhà văn Chu Lai, đó là "siêu đề tài" và người chiến sĩ là "siêu nhân vật" trong địa hạt văn học, nghệ thuật. Song, để tạo nên những tác phẩm về đề tài này hấp dẫn công chúng hiện nay, là thách thức không nhỏ với người sáng tạo.
Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ bảo đảm thiết thực, hiệu quả
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Hướng dẫn số 104-HD/BTGTU về công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020. Theo đó, các cấp, ngành của thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ các lễ kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô năm 2020 trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Thành ủy và điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị.
-Trên báo Đại Đoàn Kết ngày 2/3 có những tin sau:
Không tổ chức Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ năm 2020
Tại cuộc họp UBND TP thường kỳ tháng 2, lãnh đạo Sở VHTTDL TP Cần Thơ cho biết, lãnh đạo TP đã quyết định không tổ chức Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ năm 2020 để phòng, chống dịch Covid-19. Hằng năm, Lễ hội được tổ chức nhằm khuyến khích các nỗ lực sáng tạo của nghệ nhân làm bánh dân gian, tạo điều kiện mở rộng thị trường, hỗ trợ nghệ nhân liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài đến lễ hội, tạo điều kiện cho du khách nhiều cơ hội trải nghiệm văn hóa ẩm thực các vùng, miền; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực; thúc đẩy nâng cao kỹ thuật chế biến, sản xuất bánh dân gian thành đặc sản Nam Bộ…
Đặng Huy Quyển với triển lãm đậm chất ý niệm
Vẽ nhiều, nung nấu nhiều, nhưng Đặng Huy Quyển triển lãm cá nhân rất ít. Tranh của anh không tả thực, cũng không phải siêu thực, mà đậm chất ý niệm. Xem tranh của anh có cảm giác như những suy nghĩ "vò xé" nhào lộn sắc màu lên toan. Triển lãm "Không tên" của anh vừa được khai trương chiều ngày 1/3 tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Sinh năm 1948 tại Hà Nội, học vẽ từ lúc 10 tuổi, Đặng Huy Quyển được cha hướng cho theo học Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Sức hấp dẫn của hội họa tạo hình đã cuốn hút Đặng Huy Quyển. Năm 2018, Đặng Huy Quyển mới triển lãm cá nhân lần đầu. Trong đó có 1 lần triển lãm tại Hà Nội và 1 lần tại Pháp (ngày 1/4 đến 13/4/2018) cách Bảo tàng Picaso 40m. Tranh của hai cuộc triển lãm đều khác nhau. Họa sĩ Đặng Huy Quyển cho biết: Tới nay, anh đã vẽ khoảng 700 bức tranh sơn dầu nên không thiếu tranh để bày.
Giải thưởng đang mất 'thiêng'?
Sau nhiều năm "mất mùa", gần đây, nhiều tác phẩm văn học đã được trao giải thưởng. Có thể đó là một cuộc thi văn chương, cũng có thể là giải thưởng thường niên ở các hội nghề nghiệp, song phần nào đó đã phác họa bức tranh văn chương đương đại. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nhiều tác phẩm được xướng tên trao giải chất lượng chưa chinh phục được độc giả đương thời.
Trưng bày hơn 800 hiện vật mang tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam
Từ nay đến hết ngày 20/3, Bảo tàng tỉnh An Giang phối hợp Hội Cổ vật tỉnh tổ chức trưng bày chuyên đề "Tinh hoa sưu tập" với nhiều cổ vật đa dạng về thể loại, phong phú về chất liệu. Trưng bày chuyên đề giới thiệu hơn 800 hiện vật thuộc các bộ sưu tập tiêu biểu của 60 nhà sưu tập trong và ngoài tỉnh là hội viên của Hội cổ vật tỉnh. Các sưu tập tham gia trưng bày chuyên đề rất đa dạng và phong phú về thể loại, chất liệu như: thiết bị âm thanh, xe cộ, vật dụng gia đình, thờ cúng, gồm Nam Bộ,…
Trùng tu di tích: Phải giữ được màu thời gian
Tu bổ, trùng tu di tích là việc làm cần thiết để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa. Việc làm này cũng đã được pháp luật quy định. Thế nhưng, trong thực tế, khi trùng tu di tích, nhiều yếu tố nguyên gốc đã bị xâm hại không ở tỷ lệ, chất liệu mà ở tính thẩm mỹ. PGS.TS Đặng Văn Bài- Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng: Việc sơn son thếp vàng ngày xưa ngoài việc làm cho sang trọng thì đó cũng chính là một biện pháp bảo quản vật liệu gỗ. Vấn đề là làm các màu, các kỹ thuật có chuẩn, có phải là sơn son thếp vàng thật không.
- TTXVN ngày 1/3 đưa tin: 'Ngày văn hóa Việt Nam' sôi động tại một trường phổ thông cơ sở ở CH Séc" cho biết: Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Cộng hòa Séc, ngày 28/2, tại Trường phổ thông cơ sở số 21 Plzen của thành phố Plzen, thủ phủ miền Tây Cộng hòa Séc đã diễn ra hoạt động giới thiệu về Việt Nam do Tổ chức hỗ trợ hội nhập "Mặt trời nhỏ" dành cho người nước ngoài trực thuộc Bộ Nội vụ Séc và Hội người Việt Nam ở thành phố Plzen phối hợp thực hiện với sự hỗ trợ của chính quyền thành phố và Trường phổ thông cơ sở số 21 Plzen. Sự kiện "Ngày văn hóa Việt Nam" đã được tổ chức năm thứ 5 liên tiếp như một chương trình ấn định, nhằm giúp học sinh tại trường học của Séc hiểu về nét đẹp văn hóa, đất nước và con người Việt Nam, qua đó góp phần tăng cường kết nối văn hóa, giao lưu hữu nghị giữa Cộng hòa Séc và Việt Nam.
- TTXVN ngày 1/3 đưa tin: "Bảo tồn Then trong 'không gian thiêng' của cộng đồng" cho biết: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tháng 12/2019. Sau niềm vui được ghi danh, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của thực hành Then để di sản sống trong cộng đồng, thực hiện đúng cam kết trong hồ sơ trình UNESCO là một thách thức không nhỏ. Ngành văn hóa và các địa phương nên tính đến việc tổ chức nhiều liên hoan hát Then, đàn tính để nghệ thuật Then luôn có mặt trong đời sống thường nhật. Ví dụ, trước đây chỉ tổ chức Liên hoan hát Then, đàn tính ở quy mô toàn quốc, tới đây, các địa phương nên có những cuộc liên hoan cấp xã, huyện, tỉnh… để đông đảo người dân tham gia.
- Báo Văn hóa ngày 2/3 đưa tin: "Yên Tử: Khởi công xây dựng lại phế tích Am Dược" cho biết: Ngày 1.3 tại Khu di tích rừng quốc gia Yên Tử, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh đã khởi công tôn tạo lại phế tích Am Dược– nơi sinh thời Phật Hoàng Trần Nhân Tông vô cùng chú trọng. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cho biết, công trình dự kiến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành sơ bộ. Khi đó, đứng ở Am Dược, du khách hành hương có thể hướng tầm mắt ra biển, thấy thấp thoáng Hạ Long và những dải mây trắng bồng bềnh quấn quanh người mát lạnh, tâm hồn thanh thản lạ thường. Khách hành hương được thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, cả rừng trúc xanh bạt ngàn biếc mắt, đường tùng cổ thụ như một minh chứng lịch sử tạo nên một khung cảnh nên thơ và một gam màu đầy sống động cho bức tranh Yên Tử.
- Báo Công an Thành phố Đà Nẵng ngày 1/3 đưa tin: "Sẽ tổ chức triển lãm tôn vinh 20 họa sĩ hàng đầu nền mỹ thuật Việt Nam" cho biết: Tin từ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) cho biết, theo dự kiến, triển lãm "20 họa sĩ hàng đầu trong nền thị trường mỹ thuật Việt Nam" sẽ khai mạc vào tháng 4-2020 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một triển lãm tôn vinh các họa sĩ hàng đầu trong nền thị trường mỹ thuật Việt Nam được tổ chức, với mong muốn khẳng định sự ảnh hưởng của các tên tuổi nghệ sĩ đối với nền thị trường mỹ thuật Việt Nam. Việc tôn vinh các nghệ sĩ là cần thiết để thúc đẩy nền thị trường mỹ thuật sơ khai của Việt Nam và chỉ ra những tên tuổi xứng đáng được vinh danh.
- Báo Kinh tế Đô thị ngày 2/3 đưa tin: "Đa diện góc nhìn bảo tồn di sản" cho biết: Theo tinh thần công ước của UNESCO về trách nhiệm đối với di sản đã được ghi danh thì có 4 điểm cần được lưu ý. Đó là: Thấu hiểu - Bảo tồn - Phát triển - Quảng bá. Đó là 4 công việc cần tiến hành đồng bộ đối với một di sản. Để thấu hiểu một di sản văn hóa là cả một quá trình lâu dài của cả cộng đồng. Sự thấu hiểu này diễn ra mãi mãi cùng sự tồn tại của cộng đồng đó. Không bao giờ là xong việc cả. Trong một thiết chế văn hóa ở cấp độ quốc gia, có các cơ quan nghiên cứu, có các chuyên gia được đào tạo và có cả những người đam mê tìm hiểu tự nguyện. Trên thế giới, các lý thuyết, các trường phái nghiên cứu văn hóa hình thành và mãi mãi đi tìm con đường để thấu hiểu, tiệm cận đến thực tiễn.
2.Lĩnh vực Du lịch
- Báo Đầu Thầu ngày 2/3 đưa tin: "Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm" cho biết: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Đề án Phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) ở Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển KTBĐ, đặc biệt là tài nguyên du lịch. Các tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân văn rất đa dạng, phong phú như: các công trình kiến trúc, di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề truyền thống đang ngày càng trở thành điểm đến ưa thích cho du khách quốc tế. Đất nước ta còn có nhiều tiềm năng văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; có lượng dân số trẻ đông và sống tập trung tại các thành phố có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao.
- Báo Người Lao động ngày 2/3 đưa tin: "Miền Tây vẫn hút du khách" cho biết: Thời tiết thuận lợi, kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19, các tỉnh ĐBSCL đẩy mạnh quảng bá điểm đến an toàn để thu hút khách du lịch. Những ngày này, khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, luôn dập dìu trên những tuyến đường, bãi biển ở "đảo ngọc" Phú Quốc (Kiên Giang). Với thời tiết nắng nóng, khí hậu trong lành, du khách thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ giữa mùa dịch Covid-19.
- Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp ngày 2/3 đưa tin: "Độc đáo du lịch Điện mặt trời" cho biết: Hàng ngàn tấm pin năng lượng mặt trời xếp san sát nhau đến hút tầm mắt đã tạo cảm giác mới lạ cho du khách khi đến với vùng An Giang bảy núi. Với không gian rộng lớn, không bị cản tầm nhìn, cánh đồng pin NLMT đến hút tầm mắt nằm thênh thang trên vùng bán sơn địa dưới chân Núi Cấm nhuốm màu huyền thoại, sẽ đem đến cảm giác mới lạ, thú vị cho du khách khi đến với Thất Sơn. Du khách sẽ được trải nghiệm với các thiết bị công nghệ, đồ điện gia dụng, điện lạnh hoàn toàn được vận hành bằng điện mặt trời. Bài học thực tế đầy sức thuyết phục ấy có trong tour tham quan ở cánh đồng pin, giúp mọi người hiểu và nhận thức được việc ứng dụng năng lượng xanh vào cuộc sống và du lịch thân thiện.
- Báo điện tử VOV ngày 2/3 đưa tin: "Quảng Nam tìm sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách trở lại" cho biết: Ảnh hưởng của dịch Covid- 19, khách Trung Quốc rồi khách Hàn Quốc lần lượt rời các điểm đến ở miền Trung, khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam, lượng khách lưu trú trong tháng 2 năm nay giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, ước thiệt hại đối với ngành du lịch lên đến cả ngàn tỷ đồng. Theo các chuyên gia du lịch, tình hình thiệt hại sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng tới. Đây cũng là lúc ngành du lịch tỉnh Quảng Nam tự "làm mới" mình để đưa ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách.
- Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh ngày 2/3 đưa tin: "Tàu hơn 200 triệu USD cập cảng Thị Vải" cho biết: Ngày 1-3, du thuyền mang tên Vasco da Gama (quốc tịch Bahamas) cập cảng ODA Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu). Tàu này sẽ đưa gần 700 du khách tham quan các địa điểm: Vũng Tàu, TP.HCM và Tiền Giang. Gần 700 du khách trên tàu Vasco da Gama phần lớn là người Úc và Anh. Trước khi rời tàu, các du khách đã được nhân viên y tế đo thân nhiệt. Ngoài ra, trên cầu cảng có hàng trăm người của công ty tổ chức tour ở TP.HCM cũng được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn khi đón khách, cùng với 30 ô tô được phun khử trùng.
- TTXVN ngày 1/3 có những tin sau:
Du lịch Việt tìm giải pháp vượt khó trong mùa dịch COVID-19
Theo Tổng cục Du lịch, sự bùng phát của dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 (dịch COVID-19) được dự báo sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ đối với du lịch Việt Nam, nhất là sự sụt giảm mạnh của lượng khách du lịch đến từ thị trường Trung Quốc vốn đang chiếm trên 30% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: Rõ ràng trong thời gian dịch đang diễn ra, việc cần làm để xây dựng được hình ảnh của ngành du lịch là bảo vệ được du khách khỏi ảnh hưởng của dịch bệnh và giảm thiểu tối đa những thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, người tham gia làm du lịch.
Cần Thơ chủ trương kích cầu du lịch chung với Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 19/2, thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trong 2 tháng đầu năm 2020, tổng lượng khách du lịch đến thành phố Cần Thơ chỉ đạt 1,126 triệu lượt, giảm 39,6% so với cùng kỳ. Các cơ sở lưu trú trên địa bàn đã phục vụ cho 336.000 lượt khách, giảm 31,8%, doanh thu ước đạt 643 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ và chỉ đạt 12,6% kế hoạch cả năm.
Hà Nội kích cầu phục hồi ngành du lịch
Theo Sở Du lịch Hà Nội, tính đến hết ngày 27/2 đã có 19.846 khách du lịch quốc tế hủy tour đến Hà Nội, 15.125 khách Việt Nam hủy tour đi nước ngoài và 19.119 khách nội địa hủy tour đến Hà Nội. Một số thị trường du lịch đã tạm dừng việc đưa đón khách như Trung Quốc, Hàn Quốc; nhiều thị trường khác cũng giảm mạnh tour tham quan. Trước sự sụt giảm lượng khách, nhiều công ty lữ hành ở Hà Nội đã liên kết, kích cầu thị trường đến những khu vực an toàn nhằm phục hồi ngành du lịch.
- Trên báo Hà Nội mới ngày 1/3 có một số tin tức đáng chú ý sau:
Hà Nội: Du khách yên tâm khi thực hiện cách ly tại các khách sạn
Hiện nay, thành phố Hà Nội đang thực hiện việc giám sát, cách ly những du khách đến từ vùng dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Italia, Iran bởi đây là biện pháp cần thiết, quan trọng và hiệu quả trong việc phòng, chống dịch Covid-19. 18h ngày 29-2, một nam du khách Hàn Quốc 34 tuổi nhập cảnh vào Hà Nội. Theo kế hoạch, du khách này đến Việt Nam để du lịch, đã đặt phòng lưu trú 7 đêm tại Hà Nội. Với quy định mới về việc giám sát, cách ly của Bộ Y tế Việt Nam, những du khách đến từ vùng dịch phải được giám sát, cách ly để bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng.
Du lịch Việt Nam trước ảnh hưởng của dịch Covid-19: Biến thách thức thành cơ hội phát triển
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, khiến ngành Du lịch Việt Nam gặp nhiều thách thức khi lượng khách tiếp tục giảm; dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận chuyển hoạt động cầm chừng. Trước thực trạng này, các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đã sát cánh để tìm ra giải pháp khôi phục thị trường, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Hướng đi mới dần hé mở, thông qua giải pháp tái cơ cấu thị trường, kích cầu du lịch nội địa với tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu.
Khách quốc tế đến Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2020 tăng 4,8%
Ngày 29-2, Tổng cục Thống kê cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2-2020 giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là khách đến từ một số nước như: Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc. Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,2 triệu lượt người, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất của 2 tháng đầu trong các năm 2016-2020.
- Báo Nhân Dân ngày 1/3 đưa tin: "Du khách đến từ vùng dịch giảm mạnh" cho biết: Tổng cục Thống kê cho biết, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến lĩnh vực du lịch làm khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2 giảm mạnh so với tháng trước, đặc biệt khách đến từ một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc giảm sâu. Tính chung hai tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,2 triệu lượt người, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất của hai tháng trong giai đoạn năm 2016-2020.
- Báo Nhân Dân ngày 1/3 đưa tin: "Hỗ trợ khách du lịch nước ngoài phòng, chống dịch Covid-19" cho biết: Mỗi ngày, Hà Nội đón hàng chục nghìn khách du lịch nước ngoài, chưa kể số người nước ngoài sống, làm việc trên địa bàn, trong đó, có nhiều người đến từ các nước có dịch Covid-19. Hỗ trợ cộng đồng người nước ngoài phòng, chống dịch Covid-19 là nhằm bảo đảm an toàn, sức khỏe cho khách, cho xã hội, đồng thời, góp phần củng cố thương hiệu du lịch Thủ đô "An toàn, thân thiện và chất lượng". Những biện pháp đồng bộ, quyết liệt giúp Hà Nội đến thời điểm này vẫn giữ vững được hai mục tiêu. Đó là bảo đảm an toàn cho khách, an toàn cho cư dân thành phố, tạo môi trường cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư trên địa bàn Thủ đô diễn ra bình thường.
- Báo điện tử Chính phủ ngày 1/3 đưa tin: "COVID-19 tác động tiêu cực đến lĩnh vực du lịch" cho biết: Dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến lĩnh vực du lịch làm khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2/2020 giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt khách đến từ một số nước như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc giảm sâu do lo ngại lây lan của dịch bệnh. Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 ước tính đạt 1.242,7 nghìn lượt người, giảm 37,7% so với tháng trước và giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ châu Á giảm 27,2%; từ châu Mỹ giảm 21,1%; từ châu Úc giảm 18,4%; từ châu Âu tăng 6,1%; từ châu Phi tăng 11,6%.
- Báo điện tử Chính phủ ngày 1/3 đưa tin: Đà Nẵng, TPHCM lọt TOP 25 'Điểm đến thịnh hành trên thế giới' cho biết: Trang web du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor xếp hạng Đà Nẵng đứng thứ 7, TP.HCM đứng thứ 12 trong TOP 25 điểm đến thịnh hành trên thế giới năm 2020. TripAdvisor nêu đánh giá của du khách: "Đà Nẵng rất thoải mái, con người thân thiện, ẩm thực tuyệt vời. Chuyến tham quan ẩm thực là cách phổ biến để trải nghiệm hương vị địa phương theo đúng nghĩa đen. Sau khi no căng bụng với món mì mặn và thức ăn đường phố ngon lành, bạn có thể dạo chơi bằng cách khám phá các hang động và chùa chiền tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn".
- Báo Lao động Thủ đô ngày 1/3 đưa tin: "Đảo Nam Du – thiên đường du lịch miền Tây Nam Bộ" cho biết: 20 năm sau sự tàn phá của cơn bão số 5 (bão Linda) gây ra, quần đảo Nam Du thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành thiên đường du lịch tiền năng bậc nhất Tây Nam Bộ. Quần đảo Nam Du thuộc huyện đảo Kiên Hải là điểm xa nhất của tỉnh Kiên Giang với 21 quần đảo lớn nhỏ cùng nhiều cảnh đẹp tự nhiên, hoang sơ được ví như "Vịnh Hạ Long phương Nam". Trước đây, khách du lịch ít biết đến nơi này và chỉ từ năm 2013 trở, khách mới bắt đầu tìm đến Nam Du.
-Báo điện tử Một Thế Giới ngày 1/3 đưa tin: "Mù Cang Chải, điểm đến hấp dẫn nhất năm 2020 của CNBC" cho biết: Mới đây, kênh CNBC giới thiệu Mù Cang Chải, Yên Bái của Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn với du khách quốc tế trong 2020. Kênh truyền hình của Mỹ ví Mù Cang Chải như một viên ngọc ẩn mình trong thung lũng được bồi đắp bởi sông Hồng. Nơi đây có những cánh đồng ruộng bậc thang tựa như vân tay của trời. Ruộng bậc thang là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào Mông sinh sống trên mảnh đất này. Những thửa ruộng bậc thang còn được bao quanh bởi những ngọn núi nhấp nhô khiến khung cảnh đẹp như tranh.
3.Lĩnh vực Thể thao
- TTXVN, báo Nhân Dân, báo Hà Nội mới và nhiều báo khác ngày 1/3 đưa tin: "Câu lạc bộ Hà Nội xuất sắc giành Siêu cúp Quốc gia 2019" cho biết: Trong trận tranh Siêu cúp Quốc gia 2019 diễn ra chiều 1/3 trên sân vận động Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), Câu lạc bộ Hà Nội đã đánh bại chủ nhà Thành phố Hồ Chí Minh với tỉ số 2 - 1 để giành cúp vô địch. Cùng với danh hiệu vô địch V-League và Cúp Quốc gia 2019 trước đó, chiến thắng này giúp Câu lạc bộ Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế số 1 của bóng đá Việt Nam hiện nay.
- Báo điện tử Zing.vn ngày 2/3 có những tin sau:
Thủ môn Thái Lan đẩy Văn Lâm lên ghế dự bị là học trò Kiatisak
Somporn Yos, người đang đẩy Đặng Văn Lâm lên ghế dự bị tại CLB Muangthong, tới từ cùng lò đào tạo với Chanathip Songkrasin và là thành viên "Thế hệ vàng" của Kiatisak Senamuang. Somporn Yos đang là cái tên gây được chú ý lớn ở Thái Lan. Thủ thành 27 tuổi tạm chiếm suất đá chính ở CLB hùng mạnh Muangthong United sau 2 trận liên tiếp với Rayong và Chonburi. Anh đồng thời đẩy thủ môn tuyển Việt Nam Đặng Văn Lâm lên ghế dự bị.
Hàng thủ tuyển Việt Nam khủng hoảng nặng nhất thời ông Park
Duy Mạnh, Đình Trọng chấn thương, Trọng Hoàng bị treo giò còn Văn Lâm, Văn Hậu liên tiếp dự bị, ông Park đang đối diện cuộc khủng hoảng chưa từng có tại hàng thủ tuyển Việt Nam. Ngày đầu tiên của tháng 3 khó có thể mang tới niềm vui cho HLV Park Hang-seo khi ông liên tục nhận các tin tức xấu liên quan tới tuyển Việt Nam.
'Mong HLV Chung Hae-seong vẫn trao cơ hội cho Bùi Tiến Dũng'
Bình luận viên Quang Huy cho rằng thủ môn Bùi Tiến Dũng cần được trao cơ hội ra sân nhiều hơn để lấy lại cảm giác bóng tốt nhất.
Sau khi trở về từ AFC Cup 2020, CLB TP.HCM tiếp đón Hà Nội trong trận tranh siêu cúp bóng đá Việt Nam chiều 1/3. Đây là trận đấu Bùi Tiến Dũng được trao cơ hội bắt chính, tuy nhiên những sai lầm trong khâu ra vào của anh khiến đội nhà phải nhận 2 bàn thua và thất bại chung cuộc.
'Chấn thương của Duy Mạnh rất nghiêm trọng'
Trong cuộc họp báo, HLV Chu Đình Nghiêm đánh giá chấn thương của Duy Mạnh rất nghiêm trọng và cần kiểm tra để biết rõ tình trạng. "Duy Mạnh có chia sẻ rằng anh ta bị vặn đầu gối. Tuy nhiên, chúng tôi cần kiểm tra thêm để biết rõ thông tin. Đây chắc chắn là một chấn thương nặng. Duy Mạnh đang rất đau và chưa thể đi lại bình thường. Tôi hy vọng đầu gối không bị tràn dịch để có thể đi chụp phim ngay. Nhưng nếu tràn dịch thì chúng tôi phải đợi cho hết dịch", HLV Chu Đình Nghiêm nói.
HLV Park Hang-seo không vào TP.HCM dự khán Siêu cúp Quốc gia
HLV trưởng tuyển Việt Nam ở lại Hà Nội, theo dõi màn trình diễn của CLB Hà Nội và TP.HCM tại Siêu cúp Quốc gia 2019 qua truyền hình chiều tối 1/3. Ông Park Hang-seo không có mặt tại sân Thống Nhất dự khán trận Siêu cúp Quốc gia. HLV người Hàn Quốc và trợ lý Lee Young-jin đều ở lại Hà Nội. Họ đã theo dõi siêu cúp qua truyền hình chứ không trực tiếp tới sân. Nhiều khả năng, ông Park sẽ chỉ trở lại các sân cỏ quốc nội khi V.League khởi tranh ít ngày tới.
- Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 2/3 đưa tin: "Thầy Park càng thêm lo sau trận Siêu cúp" cho biết: Siêu cúp giữa hai đội mạnh nhất là đương kim vô địch V-League Hà Nội và á quân TP.HCM diễn ra giữa mùa dịch nên khán giả bị hạn chế vào sân, còn thầy Park thì xem qua tivi. HLV Park Hang-seo tự hạn chế tiếp xúc sau khi trở về từ Hàn Quốc đã không đến sân Thống Nhất xem trực tiếp trận Siêu cúp mở màn mùa giải mới bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, do không còn nhiều thời gian kiểm tra phong độ học trò vì COVID-19 kéo dài khiến giải hoãn liên miên, ông Park phải quan sát cầu thủ qua tivi.
- Báo Đại Đoàn Kết ngày 2/3 đưa tin: "Siêu Cúp Quốc gia 2020: Hà Nội FC vẫn vượt trội" cho biết: Không có được sự chuẩn bị tốt về nhân sự và chủ yếu tập chay với đá giao hữu nhưng CLB Hà Nội vẫn cho thấy mình thực sự là đội bóng mạnh nhất ở làng bóng đá quốc nội khi đánh bại CLB TP HCM với tỉ số 2-1 để dành Siêu cúp Quốc gia. Khoảnh khắc tỏa sáng bằng bàn mở tỉ số của Công Phượng đã không thể giúp đội bóng của anh có thể ngăn cản Hà Nội FC thâu tóm cả 3 danh hiệu gồm V-League, Cúp Quốc gia và Siêu cúp Quốc gia.
-Báo điện tử Cần Thơ ngày 2/3 đưa tin: "Nhiệm vụ của ông Park dễ hay khó?" cho biết: Sau hai lần vô địch AFF Cup 2018 và SEA Games 2019, bên cạnh những thành công lớn ở cấp độ châu lục, HLV Park Hang-seo trong năm nay còn có 2 mục tiêu lớn phải hoàn thành cho bản hợp đồng mới tái ký hồi đầu tháng 2. Theo đó, trong cuộc họp mới nhất với VFF, vị HLV người Hàn Quốc nhận hai chỉ tiêu bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup 2020 và hy vọng giành suất đi tiếp ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á đang diễn ra.
- Báo Nhân Dân ngày 1/3 có những tin sau:
Nâng tầm thể thao khu vực
Trong buổi làm việc vừa qua với lãnh đạo các bộ môn dự kiến nằm trong chương trình thi đấu của Ðại hội thể thao Ðông - Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) tại Việt Nam vào năm 2021, lãnh đạo Tổng cục Thể dục - Thể thao đã khẳng định quyết tâm tổ chức một kỳ đại hội thể thao khu vực đổi mới, "công bằng và sòng phẳng". Theo đó, sẽ đưa toàn bộ các môn nằm trong hệ thống Ô-lim-pích vào thi đấu tại SEA Games 31 với số lượng lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử đại hội, bảo đảm số lượng môn, nội dung thi đấu như ở các giải đấu châu lục và thế giới, tránh hoàn toàn việc chọn đưa vào thi đấu các môn và nội dung thế mạnh của nước chủ nhà nhằm giành huy chương, trong khi loại bỏ các môn và nội dung thế mạnh của các nước khác, tạo cơ hội tranh huy chương đồng đều cho các đoàn.
Đội tuyển quần vợt Việt Nam dự vòng play-offs nhóm II Thế giới
Tối 29-2, đội tuyển quần vợt nam Việt Nam sẽ lên đường sang Ma-rốc từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh để dự vòng play-offs Davis Cup nhóm II Thế giới năm 2020, diễn ra trong hai ngày 6 và 7-3. Trong năm 2019, đội tuyển quần vợt nam Việt Nam giành chức vô địch tại Davis Cup Nhóm III khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore và giành quyền thăng hạng lên thi đấu ở nhóm II. Qua đó, Việt Nam được quyền thi đấu ở vòng play-offs nhóm II Thế giới.
AFC chưa điều chỉnh lịch thi đấu vòng loại World Cup 2022
– Ngày 28-2, Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF khẳng định AFC chưa đưa ra thông báo nào tới các liên đoàn thành viên về vấn đề điều chỉnh kế hoạch tổ chức các trận đấu của vòng loại World Cup 2020 khu vực châu Á, dự kiến diễn ra trong tháng 3. Trong tuần tới, AFC cho biết sẽ có cuộc họp khẩn cấp tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia với đại diện các liên đoàn bóng đá quốc gia Đông Á và Tây Á (dự kiến diễn ra lần lượt vào ngày 2 và 7, 8-3) để đưa ra đánh giá về tác động của dịch Covid-19 với kế hoạch tổ chức các trận đấu trong thời gian tới.
- Báo Tin tức ngày 2/3 đưa tin: "Lo dịch COVID-19, giải đấu Sumo lừng danh lần đầu tiên phải tổ chức kín" cho biết: Lần đầu tiên trong lịch sử, giải đấu Spring Grand Sumo nổi tiếng tại Nhật Bản tuần này sẽ diễn ra mà không có khán giả mặc dù đã bán cháy vé. Kênh truyền hình RT đưa tin đó là tuyên bố mới của Ban giám đốc Hội Sumo Nhật Bản (JSA) ngày 1/3 tại Osaka, đồng thời bác bỏ các đề xuất hủy hoặc hoãn sự kiện này trước tình hình Nhật Bản đang nỗ lực kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng virus Corona mới SARS-CoV-2 gây ra.
- Báo Tin tức ngày 1/3 đưa tin: "Hoãn chặng mở màn mùa giải MotoGP tại Qatar vì dịch COVID-19" cho biết: Thông tin từ Liên đoàn đua xe mô tô quốc tế (FIM) đưa ra rạng sáng 2/3 cho biết, chặng đua khai mạc mùa giải đua xe mô tô MotoGP diễn ra tại Qatar vào tuần sau đã bị hoãn lại do lệnh hạn chế du khách từ Italy và các vùng dịch COVID-19. Một thông báo chung của ban tổ chức MotoGP, FIM và Hiệp hội các đội đua (IRTA) cho biết, theo quy định mới nhất, tất cả các hành khách tới Doha (Qatar) trên các chuyến bay trực tiếp tới từ Italy hoặc các hành khách đã từng tới Italy trong thời gian 2 tuần trước đó đều sẽ chịu cách ly ít nhất 14 ngày.
- Báo Đời sống Việt Nam ngày 2/3 đưa tin: "Chủ tịch Hữu Thắng hé lộ tương lai Công Phượng" cho biết: Trong một chia sẻ mới đây với giới truyền thông, Chủ tịch Hữu Thắng đã bất ngờ hé lộ tương lai của tiền đạo Công Phượng. Hơn nửa năm không được Sint-Truidense trọng dụng, Công Phượng đã khăn gói trở lại Việt Nam đầu quân cho CLB TP HCM, á quân V.League 2019. Tại đây Công Phượng có dịch thi đấu cùng với hai đồng đội cũ trong màu áo HAGL là Lê Văn Sơn và Lê Đức Lương cũng gia nhập đội bóng Sài Thành với bản hợp đồng cho mượn từ phố Núi. Ngoài ra CP10 cũng có dịp sát cánh cùng các đàn anh gốc Nghệ đang thi đấu cho đội bóng này là Ngô Hoàng Thịnh và Trần Phi Sơn.
- Báo Đời sống Việt Nam ngày 2/3 đưa tin: "Thông tin mới nhất về chấn thương của Đỗ Duy Mạnh" cho biết: HLV Chu Đình Nghiêm của CLB Hà Nội tỏ ra vô cùng lo lắng về chấn thương mà trung vệ Đỗ Duy Mạnh gặp phải trong trận Siêu cúp Quốc gia 2020. Chiều 1/3, CLB Hà Nội đã giành thắng lợi 2-1 trước CLB TPHCM ở trận tranh Siêu cúp Quốc gia 2020, qua đó bảo vệ thành công chức vô địch, đây là chức vô địch Cup quốc gia lần thứ 3 của đội bóng thủ Đô ở đấu trường này. Với chiếc Siêu cúp Quốc gia vừa có được, CLB Hà Nội trở thành đội bóng thứ 2 sau Becamex Bình Dương thâu tóm bộ 3 danh hiệu quốc nội cao quý bao gồm Siêu cúp Quốc gia, Cúp Quốc gia và V-League. Lần đầu tiên trong lịch sử, đội chủ sân Hàng Đẫy vô địch Việt Nam tuyệt đối.
- Báo Hà Nội mới ngày 1/3 đưa tin: "Cầu thủ Việt đau đầu tìm hướng xuất ngoại" cho biết: Những năm gần đây, sau thành công của đội tuyển quốc gia trên đấu trường châu lục, những người hâm mộ được chứng kiến một làn sóng cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Lâm, Văn Hậu. Tuy nhiên, đa số các cầu thủ đều không ghi được dấu ấn khiến lãnh đạo các câu lạc bộ trong nước phải đau đầu tìm hướng đi cho các cầu thủ này.
4.Lĩnh vực Gia đình
- Báo điện tử Tổ Quốc ngày 1/3 đưa tin: "Bắc Giang nhân rộng, duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình về phòng chống bạo lực gia đình" cho biết: UBND Tỉnh Bắc Giang đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTG ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch nhằm triển khai kịp thời, đầy đủ và có hiệu quả các nội dung tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình để tổ chức thực hiện có hiệu quả ở địa phương, đơn vị trong tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị và nhân dân trong việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn trong thời gian tới.