Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 25/2/2020

25/02/2020 | 13:11

Hoãn tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2020 sang tháng 5 là thông tin đáng chú ý trên báo ngày hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- TTXVN ngày 25/2 đưa tin: "Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Mông ở huyện Mù Cang Chải" cho biết: Những năm qua, ngoài vận động nhân dân tập trung phát triển kinh tế, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) còn đẩy mạnh tuyên truyền đồng bào Mông bảo tồn, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Mù Cang Chải là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái với đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đồng bào Mông chiếm 91%. Người Mông ở Mù Cang Chải có nhiều phong tục tập quán độc đáo, trong đó nghề dệt thổ cẩm là một trong những nét văn hóa hấp dẫn.

- TTXVN ngày 24/2 đưa tin: "Trao giải văn học nghệ thuật, báo chí của Bộ Quốc phòng tại khu vực phía Nam" cho biết: Chiều 24/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Lễ trao giải văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2014 - 2019 của Bộ Quốc phòng tại khu vực phía Nam. Giải thưởng nhằm tôn vinh thành tích các tập thể, cá nhân, các tác giả khu vực phía Nam, động viên cổ vũ cán bộ, chiến sĩ, các tác giả trong và ngoài quân đội tiếp tục phát huy khả năng, trách nhiệm, trí tuệ, tình cảm, sáng tạo nhiều tác phẩm đạt chất lượng tốt phục vụ bộ đội và nhân dân.

- Báo Văn hóa ngày 24/2 đưa tin: "Lập đề án Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh và phục dựng Di tích lịch sử quốc gia Trại Đa-vít" cho biết: Bộ VHTTDL đồng ý về chủ trương và sẽ hỗ trợ chuyên môn để Bộ Quốc phòng hoàn thiện đề án thành lập Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh và phục dựng Di tích lịch sử quốc gia Trại Đa-vít (TP. HCM). Nội dung trên được thống nhất tại Hội nghị trao đổi về quy hoạch Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh vào hệ thống bảo tàng quốc gia, đề xuất phục dựng Di tích lịch sử quốc gia Trại Đa-vít do Quân khu 7 tổ chức sáng ngày 24.2 tại TP. HCM. Tham dự có Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cùng đại diện các đơn vị liên quan…

- Báo Văn hóa ngày 24/2 đưa tin: Tạm hoãn tổ chức "Lễ hội Việt – Nhật lần thứ 7" cho biết: Sáng 24.2 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi tiếp ông Tsutomu Takebe, Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật - Việt. Một trong những nội dung chính được ông Tsutomu Takebe đưa ra tại buổi làm việc là việc tạm hoãn tổ chức Lễ hội Việt – Nhật lần thứ 7. Theo ông Tsutomu Takebe, dự kiến lễ hội được diễn ra vào ngày 22 và 23.2 nhưng trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sự kiện đã được tạm hoãn. Dù rất lấy làm tiếc nhưng Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật - Việt cũng nêu rõ lễ hội chỉ tạm hoãn chứ không dừng hẳn. Đồng thời, ông cũng khẳng định Nhật Bản sẽ nỗ lực phối hợp với phía Việt Nam nhằm đưa lễ hội trở lại với quy mô lớn hơn so với dự kiến vào thời điểm thích hợp.

- Báo Hà Nội mới ngày 24/2 đưa tin: "Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc năm 2020" cho biết: Nhằm tổ chức tốt các hoạt động phát triển, nâng cao văn hóa đọc cho nhân dân Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND về tổ chức các hoạt động văn hóa đọc năm 2020 với nhiều sự kiện đáng mong đợi với bạn đọc. Cụ thể, trong năm 2020 trên địa bàn thành phố có các hoạt động tại Phố sách Hà Nội, các hoạt động chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ VII (21-4), tổ chức Hội sách Hà Nội lần thứ VII, tham gia Hội sách quốc tế Frankfurt 2020.

- Báo điện tử Chính phủ ngày 24/2 đưa tin: "Festival Huế 2020 lùi khai mạc đến cuối tháng 8" cho biết: Ban Tổ chức Festival Huế lần thứ XI - năm 2020 cho biết sự kiện sẽ được tổ chức từ ngày 28/8-2/9, thay vì diễn ra vào ngày 1-6/4 như dự kiến. Festival Huế lần thứ XI - năm 2020 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế luôn luôn mới", dù đã khởi động nhiều hoạt động quảng bá bên lề song do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên sẽ được lùi thời điểm khai mạc lại, nhằm bảo đảm an toàn cho công chúng và du khách cũng như thành công của sự kiện.

- Báo Kinh tế Đô thị ngày 25/2 đưa tin: Cải lương "nên duyên" cùng xiếc cho biết: Dự án "Huyền sử Việt" dự kiến kéo dài bốn năm chính là cơ hội để lần đầu tiên hai nghệ thuật cải lương, xiếc được cùng "nên duyên" trên sân khấu. Dự án này gợi không ít tò mò và chờ đợi cho khán giả yêu sân khấu. Hỏi NSND Triệu Trung Kiên về cơ duyên cho sự hợp tác bất ngờ này, anh giải thích rằng Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đều chung mục đích đổi mới, sáng tạo. Trên con đường tìm tòi ấy họ gặp nhau, cùng nhau vạch ra kế hoạch để biến ý tưởng thành hiện thực. Hai ngôn ngữ ca cải lương và kỹ thuật biểu diễn xiếc ở cạnh nhau trong một vở diễn ít nhiều khiến khán giả e ngại.

- Báo điện tử VOV ngày 25/2 đưa tin: "Thị trường mỹ thuật Việt Nam: Con đường minh bạch đã lộ sáng?" cho biết: Mặc dù hoạt động buôn bán, trao đổi các tác phẩm mỹ thuật diễn ra trong nhiều năm qua chủ yếu thông qua các nhà sưu tập, các gallery, nhưng thực chất ở nước ta chưa có một thị trường mỹ thuật đúng nghĩa. Để xây dựng thị trường mỹ thuật minh bạch, uy tín cần quan tâm đến việc đẩy lùi nạn tranh giả, tranh chép, thúc đẩy sự sáng tạo của các họa sĩ trẻ… Bên cạnh đó, cần chú trọng đến công tác giám định, phục chế tranh như những điều kiện cần để có một thị trường chuyên nghiệp.

- Báo An ninh Thủ đô ngày 24/2 đưa tin: Lần đầu tiên tổ chức triển lãm tôn vinh "20 họa sĩ hàng đầu trong nền thị trường mỹ thuật Việt Nam" cho biết: Triển lãm "20 họa sĩ hàng đầu trong nền thị trường mỹ thuật Việt Nam" do họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm làm giám tuyển. Những cái tên được nhắc tới trong cuộc ra mắt lần này có họa sĩ Thành Chương, Đào Hải Phong… và phải đảm bảo 2 tiêu chí: tranh bán chạy và đạt chất lượng nghệ thuật. Việc lựa chọn các gương mặt mời tham gia triển lãm lần này không khó, bởi hầu hết 20 họa sĩ được lựa chọn đều là các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam, chỉ nhắc đến tên hầu hết mọi người đều biết và lượng tranh tiêu thị trên thị trường rất khả quan.

- Báo Đại Đoàn Kết ngày 25/2 đưa tin: "Hát sắc bùa Phú Lễ" cho biết: Hát sắc bùa Phú Lễ là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là hình thức hát dân ca cổ nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có nguồn gốc từ vùng Nam Trung Bộ. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, hát sắc bùa Phú Lễ ra đời khoảng giữa cuối thế kỷ 18. Hát sắc bùa Phú Lễ được ghi nhận là do ông Trần Văn Hậu (quê Bình Định) dạy cho dân Phú Lễ hát. Lúc đầu chỉ có đội hát sắc bùa xã Phú Lễ, sau đó các đội viên làm nòng cốt phát triển sang các xã lân cận như Phước Tuy, Phú Ngãi, Bảo Thạnh, An Bình Tây (Ba Tri) và Tân Thanh (huyện Giồng Trôm).

- Báo điện tử Petro time ngày 24/2 đưa tin: "Hệ thống bài bản trong nghệ thuật Đờn ca tài tử" cho biết: Hệ thống bài bản là nền tảng và đôi cánh giúp cho các nghệ nhân, tài tử thể hiện được sáng tạo và"chất phiêu"của mình trong nghệ thuật Đờn ca tài tử. Hệ thống đó gồm 20 bài bản tổ - vốn là tinh hoa của bộ môn nghệ thuậtđộc đáo này. Các bài bản khác tuy cũng rất hay nhưng nói chung đều không thoát khỏi hơi điệu, cấu trúc câu cú, nhịp phách của các bài bản tổ. Ngoài ra còn có 10 loại bài bản cổ nhạc Việt Nam và 72 bài bản cổ nhạc Miền Nam. Người ta nói rằng bậc thầy đờn, ca nếu chỉ am tường 20 bài bản tổ thì mới đạt ở mức cơ bản; muốn đạt trình độ cao siêu phải thông suốt nhiều hơn đến 72 bài bản.

- Báo Người Đô Thị ngày 23/2 đưa tin: Đạo diễn Nguyễn Việt Tú: "Sau những gì tìm kiếm, hạnh phúc là được sáng tạo" cho biết: Không phải ai trong giới showbiz cũng có cách chia tay năm cũ để đón năm mới ngoạn mục như đạo diễn Nguyễn Việt Tú - Giám đốc Công ty Dream Studio (DS). Trong vai trò tổng đạo diễn, anh đã cùng cộng sự và đối tác thực hiện cùng trong tháng cuối năm 2019 ba sự kiện nghệ thuật thuộc hàng đình đám nhất nước: Q Showw2, Thực cảnh đa phương tiện Vinpearl Land Nha Trang và Triển lãm thời trang Nguyễn Công Trí cùng với nghệ thuật đương đại mang tên Cục Im lặng. Nhiều giới hạn đã được phá vỡ trong các show này. Ngoài sự kiên trì mục tiêu, khả năng điều chỉnh, tôn trọng sự khác biệt và năng lực sáng tạo thì kết quả đó còn đến từ rất nhiều chuyến đi mở mang hiểu biết nghề nghiệp.

2.Lĩnh vực Du lịch

- Báo Nhân Dân, Báo Hà Nội mới và nhiều báo khác ngày 25/2 đưa tin: "Hoãn tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội sang tháng 5" cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hiệp hội Du lịch Việt Nam quyết định lùi thời gian tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2020 sang ngày 14 đến 17-5. Sự kiện dự kiến diễn ra tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, dự kiến có hơn 100 nghìn vé máy bay giá rẻ, hơn 18 nghìn tour trọn gói, 15 nghìn voucher giảm giá sẽ được bán tại hội chợ. Đây là cơ hội để kích cầu du lịch Việt Nam trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 25/2/2020 - Ảnh 1.

Hội chợ Du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2020 là cơ hội để quảng bá, kích cầu du lịch Việt Nam - Ảnh: Báo Hà Nội mới

- Báo điện tử Tổ Quốc ngày 25/2 có những tin sau:

Du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc: Phát triển lâu dài cùng môi trường và con người

Sự hài hòa và phát triển đồng đều giữa yếu tố con người và thiên nhiên môi trường là tiêu chí hàng đầu trong việc phát triển du lịch Việt Nam nói chung và Phú Quốc nói riêng. Du lịch muốn phát triển không thể không gắn chặt với môi trường, bao gồm cả môi trường xã hội – văn hóa và môi trường tự nhiên. Nếu môi trường văn hóa bảo đảm cho du lịch hướng đến văn minh; thì môi trường tự nhiên là cơ sở cho sự phát triển bền vững của du lịch.

Hợp tác kích cầu du lịch, vượt khủng hoảng Covid-19

Vừa qua, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã gửi đi lời kêu gọi đến tất cả các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh về việc đăng ký các ưu đãi hoặc khuyến mãi dịch vụ để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh COVID-2019 gây ra. Được biết, hầu hết các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp nhiều khó khăn do lượng du khách đến Huế giảm sút. Tuy nhiên, Huế có thể tận dụng thời điểm này chuẩn bị các phương án làm mới và cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ, đào tạo nâng cao chuyên môn nguồn nhân lực và tái cơ cấu thị trường khách, từ đó chuẩn bị cho chương trình kích cầu nhằm phục hồi du lịch.

Cơ cấu lại thị trường khách ngoại

Bài toán tái cơ cấu, chuyển hướng thị trường nguồn khách quốc tế đến Việt Nam trở nên cấp bách. Chuyển hướng sang tập trung quảng bá, xúc tiến du lịch ở những thị trường nguồn khách như châu Âu, Mỹ, Úc, New Zealand, Ấn Độ... ngay trong và sau dịch Covid-19; miễn giảm visa; đầu tư sản phẩm du lịch phù hợp… là những giải pháp cấp bách để góp phần vực dậy ngành du lịch.

Hội An vẫn là điểm đến an toàn, mỗi đêm có trên 10.000 khách lưu trú, chủ yếu là khách châu Âu

Trong bức tranh chung của du lịch Việt Nam, Hội An vẫn đang nổi lên là điểm sáng về thu hút du khách, mặc dù có giảm. Đó là chia sẻ của ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại buổi làm việc với các ngành chức năng thành phố Hội An vào ngày 22/2 về ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 đến ngành du lịch Hội An (Báo điện tử Tổ Quốc đã thông tin). Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP Hội An cho biết, hoạt động bán vé tham quan tại các điểm đến giảm mạnh.

- Trên báo Nhân Dân ngày 24/2 có những tin sau:

Không có việc khách Hàn Quốc đến Yên Tử tăng mạnh

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, Lê Trọng Thanh ngày 24-2 cho biết, trong thời gian này, gần 30 nghìn khách Hàn Quốc đã hủy tour đến danh thắng Yên Tử. Tính trung bình trong 10 ngày qua, lượng khách Hàn Quốc đến Yên Tử liên tục giảm mạnh, mỗi ngày công ty đón rất ít khách, trung bình không quá 50 khách/ngày. Thậm chí có ngày chỉ có 23 khách. Ông Lê Trọng Thanh khẳng định, không có việc khách Hàn Quốc tăng mạnh tại Khu di tích Yên Tử trong thời điểm hiện tại.

Nhiều ưu đãi cho du khách khám phá Côn Đảo

Ngày 24-2, hãng hàng khôngVietnam Airlines (VNA) cho biết, nhằm góp phần kích cầu du lịch và phát động các điểm đến an toàn, hãng triển khai hàng loạt chính sách mới cho đường bay Côn Đảo, giúp hành khách mua vé dễ dàng và đi lại thuận tiện hơn nữa. Theo đó, VNA đã tăng tần suất khai thác các chuyến bay giữa TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Côn Đảo lên tổng cộng 17 chuyến/ngày với giờ bay trải đều từ sáng đến chiều để đáp ứng nhu cầu đa dạng của hành khách. Hành khách từ các tỉnh thành phố khác như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Vinh, Đà Nẵng… cũng có thể dễ dàng tới Côn Đảo nhờ hàng chục chuyến bay nối chuyến qua TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ mỗi ngày của VNA.

Ninh Bình kích cầu du lịch vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19

Ngày 24-2, khác với cảnh đông đúc, nhộn nhịp du khách như trước đây, những tháng đầu năm 2020, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, thuộc huyện Hoa Lư (Ninh Bình) trầm lắng, đìu hiu vì khách du lịch trong, ngoài nước đến đây hạn chế vì lo ngại dịch bệnh Covid-19. Dịp này, Hiệp hội du lịch Ninh Bình cũng tích cực tham gia ký kết các chương trình xúc tiến du lịch giữa tỉnh Ninh Bình với Quảng Nình; Ninh Bình với Bình Định- Phú Yên - Gia Lai - Đắk Lắk, tạo thêm liên minh kích cầu phát triển du lịch. Do vậy, tại một số khu điểm du lịch như: Khu du lịch Hang Múa ở huyện Hoa Lư, lượng khách du lịch đã tăng lên hàng trăm lượt/ngày.

- Trên báo Văn hóa ngày 24/2 có những tin sau:

Thủ tướng: Khởi động du lịch Việt Nam an toàn, hàng không an toàn trong ngành văn hóa, du lịch

Chiều ngày 24.2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 báo cáo tình hình chống dịch. Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, với tinh thần chủ động, bình tĩnh, quyết liệt, đồng bộ, chúng ta đã ngăn chặn có hiệu quả dịch Covid-19. Đến nay, Việt Nam có 16 ca mắc thì đã chữa khỏi, xuất viện 15 người. Chúng ta đã thực hiện tốt "chống dịch như chống giặc", nên số người bị lây nhiễm thấp. Khoa học công nghệ được áp dụng mạnh mẽ, đặc biệt có những giải pháp hiệu quả cách ly đối tượng dễ lây nhiễm cộng đồng. Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc, dịch có dấu hiệu bùng phát ở một số quốc gia có quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch rất lớn với Việt Nam. Không được để tình trạng lây lan ra Việt Nam, tiếp tục bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là một yêu cầu, là trọng điểm chỉ đạo của Chính phủ, của hệ thống chính trị nước ta trong bối cảnh hiện nay. Thủ tướng yêu cầu tại cuộc họp, đề ra những biện pháp quyết liệt, cụ thể trong tình hình mới để công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả tốt nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Tiếp tục tăng cường triển khai các giải pháp ứng phó của ngành Du lịch

Trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, sáng 24.2, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã làm việc với lãnh đạo Tổng cục Du lịch (TCDL) và các Vụ chuyên môn về công tác phòng chống dịch Covid-19 trong ngành Du lịch. Sau khi nghe Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh báo cáo cập nhật về tình hình phòng chống dịch Covid-19 của ngành Du lịch, Bộ trưởng yêu cầu TCDL cần bám sát ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và các khuyến cáo của Bộ Y tế để hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp du lịch không tổ chức đón khách từ vùng có dịch hoặc tổ chức tour cho khách đi du lịch đến vùng có dịch.

Đà Nẵng thực hiện cách ly, giám sát theo dõi sức khỏe cho đoàn khách đến từ Daegu (Hàn Quốc)

Chiều 24.2, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã thông báo về tình hình đón 80 công dân từ Hàn Quốc trên chuyến bay Daegu (Hàn Quốc) hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng. Đoàn khách này bao gồm cả công dân Việt Nam và du khách Hàn Quốc. Sáng cùng ngày, theo sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng về việc khẩn trương tổ chức tiếp đón các công dân Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan từ Hàn Quốc về Việt Nam từ Sân bay Đà Nẵng, Sở Y tế đã khởi động quy trình tiếp đón công dân từ nước ngoài về từ vùng dịch. Các lực lượng phối hợp bao gồm Bộ chỉ huy Quân sự thành phố lãnh đạo Sở Y tế và Phòng Nghiệp vụ Y; lực lượng của Hải quan, Công an xuất nhập cảnh… đã có mặt tại sân bay cùng với các xe chuyên dụng: 2 xe cấp cứu 115, 2 xe công an dẫn đường, 3 xe ca chở hành khách từ 29-45 chỗ, 1 xe tải chở hành lý và 1 xe chở tổ lái.

Đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú: Chờ đợi những tín hiệu vui

Mặc dù thành phố Đà Nẵng chưa phát hiện ca nhiễm Covid-19 nào song đã bị ảnh hưởng nhiều trong việc phát triển du lịch nói riêng và thành phố nói chung. Qua thống kê từ các đơn vị, tổng thiệt hại của các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú du lịch, vận chuyển cập nhật đến ngày 14.2.2020 ước tính khoảng 685 tỉ đồng. Nhìn những con số thống kê có thể thấy rõ, ngành Du lịch Đà Nẵng đang phải chịu những tổn thất nặng nề, dự kiến từ nay đến tháng 3.2020 tình hình vẫn tiếp tục bị suy giảm mạnh, chỉ đạt mức 25 - 30% so với cùng kỳ năm 2019. "Thời điểm này một số khách sạn đóng cửa, một số doanh nghiệp (DN) lữ hành gần không còn công việc gì hết, các điểm đến vui chơi cũng vắng vẻ", ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng xác nhận.

- Báo điện tử Chính phủ ngày 24/2 đưa tin: "Du khách đến Việt Nam yên tâm tham quan và được đảm bảo sức khỏe" cho biết: Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, du lịch Việt Nam vẫn đang có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách quốc tế. Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động nhiều đến tâm lý của du khách. Tuy nhiên, qua tiếp xúc và thăm hỏi, hầu hết du khách đều có tâm lý thoải mái và yên tâm khi đến Việt Nam trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh việc tập trung phòng, chống dịch bệnh, ngành du lịch nước nhà cần đẩy mạnh chiến dịch quảng bá về một điểm đến Việt Nam an toàn, nhất là công tác kiểm soát tốt dịch bệnh của Việt Nam đang được quốc tế đánh giá cao, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, đón tiếp chuyên nghiệp nhằm tạo ấn tượng tốt cho du khách.

- Báo điện tử Chính phủ ngày 24/2 đưa tin: Mang thông điệp 'Việt Nam - Điểm đến an toàn' tới thị trường khách quốc tế cho biết: Tổng cục Du lịch đang thực hiện chiến lược quảng bá du lịch với thông điệp "Việt Nam - Điểm đến an toàn" cùng nhiều chương trình hợp tác trong lĩnh vực du lịch tại Liên bang Nga và Ấn Độ. Liên bang Nga và Ấn Độ là 2 trong số những thị trường tiềm năng mà du lịch Việt Nam đang hướng tới. Theo Tổng cục Du lịch, năm 2019, gần 650.000 lượt khách du lịch Nga đến Việt Nam, tăng 6,6% so với năm 2018; khách Ấn Độ là 25.000 lượt, tăng gần gấp đôi so với năm 2016.

- Báo Hà Nội mới ngày 24/2 đưa tin: "Hơn 1,3 triệu khách du lịch đến Hà Nội trong tháng 2" cho biết: Ngày 24-2, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, ước tính trong tháng 2, lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm 45,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 362.000 lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 968.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 5.583 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến 2 tháng đầu năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội đạt 3,56 triệu lượt khách, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 844.000 lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 2,71 triệu lượt khách.

- TTXVN ngày 24/2 đưa tin: "Bảo đảm cho du khách an tâm, an toàn khi du lịch Kiên Giang" cho biết: Tỉnh Kiên Giang thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 để du khách an tâm đến Kiên Giang tham quan, du lịch. Trong tháng 2/2020, tỉnh Kiên Giang ước đón trên 585.680 lượt du khách đến tham quan, du lịch (giảm 44,5% so với tháng trước), trong đó khách quốc tế 48.625 lượt (giảm 26,7%). Lũy kế 2 tháng đầu năm 2020, tỉnh đón hơn 1,6 triệu lượt khách (tăng 16,4%), trong đó khách quốc tế 114.996 lượt khách (giảm hơn 30%); tổng doanh thu đạt khoảng 2.659 tỷ đồng.

- Báo Tin tức ngày 24/2 đưa tin: "Áp dụng tiêu chí du lịch an toàn trong mùa dịch COVID-19" cho biết: Để hướng dẫn cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch phòng dịch COVID-19, Hiệp hội du lịch Việt Nam vừa công bố Bộ tiêu chí du lịch an toàn áp dụng với các điểm đến, doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, lữ hành, ăn uống, vận chuyển… Theo đó, các điểm đến du lịch an toàn với dịch COVID-19 là những điểm không thuộc vùng có dịch đã được cơ quan có thẩm quyền xác định theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2017.

- Báo điện tử VOV ngày 24/2 đưa tin: "Gần 30.000 khách Hàn Quốc hủy tour thăm quan Yên Tử" cho biết: Gần 30.000 khách du lịch Hàn Quốc đã hủy tour đến tham quan danh thắng Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh trong 10 ngày qua kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Hàn Quốc. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban quản lý Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử không tổ chức khai hội Yên Tử vào mùng 10 tháng Giêng; phối hợp với Công ty CP Phát triển Tùng Lâm lắp đặt 10 máy đo nhiệt độ và máy kiểm tra thân nhiệt từ xa; trang bị dung dịch xịt tay sát khuẩn, bổ sung thêm tủ thuốc tại các điểm chùa chính và dọc tuyến đường hành hương; thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khi làm nhiệm vụ và phát miễn phí hàng ngàn khẩu trang y tế cho du khách.

3.Lĩnh vực Thể thao

- Báo Pháp luật Việt Nam ngày 25/2 đưa tin: "Bóng đá Việt Nam thay đổi thế nào vì đại dịch Covid-19?" cho biết: Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, VFF đã chủ động thay đổi kế hoạch của các giải đấu trong nước, cũng như việc tập trung, thi đấu của đội tuyển nam, nữ. Nhiều kế hoạch hoạt động của bóng đá Việt Nam đã phải tạm thời dừng hoặc điều chỉnh. Nhưng xáo trộn đó vì một mục tiêu tốt nhất, an toàn nhất cho cầu thủ, HLV và công chúng hâm mộ. Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Quốc Tuấn khẳng định, VFF sẽ có những kế hoạch phù hợp, nhằm đảm bảo chương trình tập luyện của các đội tuyển không bị ảnh hưởng.

- Báo điện tử VOV ngày 25/2 đưa tin: "Công Phượng tự tin giúp TPHCM thâu tóm danh hiệu" cho biết: Tiền đạo Nguyễn Công Phượng đặt mục tiêu lớn cùng CLB TPHCM trong năm nay. Giới chuyên môn đánh giá Nguyễn Công Phượng là thương vụ lớn nhất mà CLB TPHCM đã kích hoạt trong kì chuyển nhượng mùa Đông. Anh đã chứng minh giá trị của mình qua pha đánh đầu đầy cảm giác giúp đội bóng mang tên Bác giành lại được một điểm quý giá trong trận hòa 2-2 trước Yangon Utd.

- Báo điện tử Zing.vn ngày 25/2 đưa tin: "HLV Park yêu cầu phóng viên giữ khoảng cách tối thiểu 3 m" cho biết: Huấn luyện viên Park Hang-seo yêu cầu phóng viên giữ khoảng cách an toàn khi giao tiếp. Huấn luyện viên Park Hang-seo rời khỏi nhà lúc 9h30 ngày 25/2. Ông có cuộc họp với lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) sau khi trở lại từ Hàn Quốc. Khu nhà ở công vụ của HLV Park nằm ngay trong khuôn viên Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF, nên ông không mất nhiều thời gian để đến gặp các lãnh đạo.

- Báo Kinh tế Nông thôn ngày 25/2 đưa tin: "AFC Cup là món quà hàng hiệu" cho biết: TP.HCM chính là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian vừa qua. Khi mà Hà Nội FC rất khó có sự thay đổi về lực lượng thì TP.HCM lại tỏ ra vô cùng nhạy bén trên TTCN. Ở đó, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chuyên môn và quảng bá thương hiệu. Những nhà quản lý của TP.HCM đã cho thấy rằng, họ đã rất nhiều cách sử dụng những đòn bẩy tài chính để thực hiện những tham vọng của mình. Nhiều người luận bàn về cái cách mà TP.HCM tiếp cận với thị trường chuyển nhượng.

- Báo Pháp luật net ngày 25/2 đưa tin: "Văn Hậu có thể trở thành cầu thủ Việt đầu tiên có danh hiệu ở châu Âu" cho biết: Văn Hậu có thể trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên có danh hiệu vô địch tại châu Âu nói riêng, nước ngoài nói chung. Chiều ngày 24/2, Jong Heerenveen tiếp tục chuỗi phong độ ấn tượng tại Beloften Eredivisie (dành cho những đội dự bị tại giải VĐQG Hà Lan) khi đánh bại Jong Zwolle với tỉ số 3-2 ngay trên sân khách. Lần thứ 4 được đá chính ở vị trí trung vệ, Văn Hậu cho thấy mình dần là mảnh ghép chính ở hàng phòng ngự Jong Heerenveen. Đá sân khách trước đối thủ xếp trên nhưng Văn Hậu cùng các đồng đội kiểm soát tốt thế trận, sớm có bàn thắng ở phút thứ 7.

- Trên báo Nhân Dân ngày 24/2 có những tin sau:

Tuyển nữ Việt Nam tăng tốc chuẩn bị cho trận đánh lớn

Ngày 24-2, đội tuyển bóng đá nữ quốc gia đã chính thức bước sang tuần tập luyện thứ hai tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (Hà Nội) chuẩn bị cho hai trận đấu vòng play-off Olympic Tokyo 2020 đầy cam go gặp đối thủ Australia. Sau đó, khi kết thúc hai tuần đóng quân tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (Hà Nội), thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ di chuyển vào TP Hồ Chí Minh vào chiều 2-3 và lên đường sang Australia vào tối cùng ngày để bước vào trận play-off lượt đi vòng loại Olympic Tokyo 2020 với đội tuyển nữ bản địa, sẽ diễn ra vào ngày 6-3. Ngay sau đó, các cô gái Việt Nam sẽ trở về nước để chuẩn bị cho trận lượt về diễn ra ngày 11-3 tại sân vận động Cẩm Phả (Quảng Ninh).

Bách Thảo - sân chơi của nhiều thế hệ "bóng đá phủi" Ngọc Hà

Nhắc đến "bóng đá phủi", hẳn không mấy người Hà Nội mà không biết đến Làng hoa Ngọc Hà, nơi được mệnh danh là "lò đào tạo" của những cầu thủ "siêu dị" trong giới bóng đá phủi. Nói "siêu dị" cũng không ngoa, là bởi vì "sân nhà ăn tập" của bao lứa hảo thủ làng Ngọc Hà chỉ là khoảng sân bê-tông uốn cong dưới chân núi Nùng trong công viên Bách Thảo, và cầu môn được "tạo hình" bằng vỏn vẹn vài hòn gạch Đại La…

Rời vùng dịch, HLV Park trở lại Việt Nam tập huấn cho đội tuyển

Sau kỳ nghỉ phép tại quê nhà, HLV Park Hang-seo cùng các trợ lý sẽ có buổi làm việc với VFF ngày 25-2, nhằm lên các kế hoạch chuẩn bị cho các trận đấu còn lại tại Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á. Lãnh đạo VFF cho biết, dù Hàn Quốc đang có sự bùng phát của dịch Covid-19, thế nhưng HLV Park sẽ không bị cách ly. "Cơ quan hàng không của Việt Nam và Hàn Quốc đều có những quy định cụ thể về vấn đề này. Đặc biệt, Hàn Quốc đang trong thời gian phòng, chống dịch. Vậy nên khi họ chấp thuận để HLV Park hay bất cứ hành khách nào lên máy bay, sức khỏe của họ đã được bảo đảm", Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết.

- Trên báo Văn hóa ngày 24/2 có những tin sau:

HLV Park Hang-seo: Tuyển Việt Nam sẽ chiến đấu hết sức ở 3 trận còn lại

Đội tuyển bóng đá Việt Nam sẽ hội quân vào cuối tháng 3 để chuẩn bị cho Vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á. Hành trình phía trước được dự báo rất gian nan nhưng theo HLV Park Hang-seo, ĐT Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để có được kết quả tốt nhất. Ngày 24.2, HLV Park Hang-seo đã có buổi làm việc với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) về những vấn đề của ĐTQG. Kế hoạch trở lại đất nước hình chữ S của ông Park muộn hơn dự kiến bởi sự điều chỉnh về lịch thi đấu V.League cũng như các hoạt động thi đấu thể thao khác do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

VFF tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch của ngành Y tế

- Trả lời phỏng vấn của Văn Hóa vào ngày 24.2, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Lê Hoài Anh cho biết, ông Park đủ điều kiện nhập cành thì mới được hải quan cho vào Việt Nam. Các trợ lý khác của ông Park đều đã sang Việt Nam từ sớm khi dịch Covid-19 chưa bùng phát tại Hàn Quốc. Người đại diện của VFF cũng cho biết, VFF tuân thủ nghiêm tất cả các quy định về phòng chống dịch của ngành Y tế. Nếu có bất cứ yêu cầu nào của ngành Y tế thì VFF sẽ phối hợp thực hiện đầy đủ với ông Park, trợ lý đi từ Hàn Quốc về. "Tôi tin ông Park và các trợ lý sẽ sẵn sàng hợp tác, nếu có yêu cầu", ông Hoài Anh khẳng định.

Các cầu thủ TP.HCM chủ động phòng dịch Covid-19 trước trận AFC Cup ở Singapore

CLB TP.HCM sẽ có trận đấu với CLB Hougang United của Singapore thuộc lượt trận thứ hai bảng F - AFC Cup 2020 vào chiều ngày 25.2 tới. Đội bóng của HLV Chung Hae Seong đang có những sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc đối đầu này, một trong những vấn đề quan trọng là chủ động phòng chống dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp tại "đảo quốc sư tử". Hiện tại sau lượt trận đầu tại bảng F, CLB TP.HCM với trận hòa 2-2 trước Yangon Utd (Myanmar) đang xếp thứ hai, kém chính Hougang United 2 điểm. Chính vì thế cuộc đối đầu này được xem rất quan trọng với đại diện Việt Nam. Ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn, Công Phượng và các đồng đội cần đảm bảo sức khỏe tốt nhất, một trong những điều thiết yếu đó là chủ động phòng chống dịch Covid-19 đang diễn ra khó lường tại Singapore.

- TTXVN ngày 24/2 đưa tin: "Rà soát các nội dung thi đấu tại SEA Games 31" cho biết: Theo thông tin từ Tổng cục Thể dục thể thao, nhằm hoàn thiện các công tác chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) diễn ra tại Việt Nam vào năm 2021, ngày 24/2, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn đã có buổi làm việc với các bộ môn của Vụ Thể thao thành tích cao 1 và Vụ Thể thao thành tích cao 2. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn nêu rõ, ở kỳ SEA Games 31 lần này, nước chủ nhà Việt Nam sẽ đưa toàn bộ hệ thống môn Olympic vào thi đấu tại SEA Games 31, ngoài ra có thể thêm một số môn thể thao truyền thống, thế mạnh của Việt Nam vào thi đấu, nhưng con số này là rất ít.

- TTXVN ngày 24/2 đưa tin: Trở lại Việt Nam ngày 23/2, Huấn luyện viên Park Hang Seo sẽ được giám sát y tế chặt chẽ" cho biết: Theo thông tin từ ngành Y tế Hà Nội cho biết: Tối 23/2, Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển quốc gia Bóng đá Việt Nam Park Hang Seo cùng vợ là bà Choi Sang-a đã nhập cảnh vào Việt Nam tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Ngày sau khi xuống sân bay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã tiến hành điều tra tiền sử dịch tễ của Huấn luyện viên Park Hang Seo và vợ. Theo đó, trong 15 ngày trước khi nhập cảnh, hai vợ chồng Huấn luyện viên Park Hang Seo ở tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), không có mặt tại vùng dịch. Hai vợ chồng Huấn luyện viên Park Hang Seo đã được kiểm tra thân nhiệt, đảm bảo tình trạng sức khỏe tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Do tính chất công việc là làm việc với Đội tuyển quốc gia bóng đá Việt Nam, Huấn luyện viên Park Hang Seo cùng vợ được nhập cảnh và sẽ được ngành Y tế Hà Nội giám sát y tế chặt chẽ.

- Báo Hà Nội mới ngày 24/2 đưa tin: "11 đội tham dự giải Futsal vô địch quốc gia 2020" cho biết: Theo thông tin từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Giải bóng đá trong nhà (Futsal) HDBank vô địch quốc gia 2020 sẽ có sự tham dự của 11 đội bóng. 11 đội đăng ký tham dự mùa giải năm nay gồm đương kim vô địch Thái Sơn Nam, Sanna Khánh Hòa, Tân Hiệp Hưng, Cao Bằng, Quảng Nam, VietFootball, Sahaco, Sanvinest Sanatech Khánh Hòa, Kardiachain Sài Gòn FC, Đà Nẵng và Thái Sơn Bắc.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo điện tử Tổ Quốc ngày 25/2 đưa tin: "Cuốn sách bố mẹ có thể cùng con đọc say sưa xuyên ngày tháng mà không biết chán" cho biết: "Ngon ngất ngây, sợ hú hồn" chính là một cuốn sách mà khi đọc cùng bố mẹ trẻ có thể nín thở lắng nghe, say sưa quan sát và hào hứng hít hà. Một cuốn sách khơi dậy mọi giác quan và nuôi dưỡng cảm xúc tuyệt vời cho trẻ nếu bố mẹ làm được 3 điều này khi đọc sách cùng con. "Ngon ngất ngây, sợ hú hồn" là một cuốn sách tranh dành cho trẻ ở độ tuổi từ 3-8 tuổi của tác giả Jannie Ho. Cuốn sách kể câu chuyện về một bạn Gấu và một bạn Gà gặp nhau trong một tình huống vô cùng tréo ngoe, đó là khi bạn Gấu thì đang chuẩn bị nấu bữa tối, còn bạn Gà thì đang nằm còng queo đông cứng giữa trời tuyết lạnh.

Theo gợi ý của những chuyên gia đọc sách cho trẻ nhỏ, có 3 điều sẽ quyết định việc một đứa trẻ có bị thu hút và lôi cuốn vào hoạt động đọc sách cùng bố mẹ hay không, đó là bố mẹ có chọn được một cuốn sách hay phù hợp với độ tuổi và sự phát triển của con, bố mẹ có đọc sách cùng con trong một không gian thật ấm cúng và có chơi cùng con những hoạt động thật vui từ chính cuốn sách đó hay không? "Ngon ngất ngây, sợ hú hồn" chính là cuốn sách hoàn hảo để các bố mẹ có thể thực hiện cả 3 điều này cùng con, đặc biệt là trong những ngày được nghỉ học dài vì dịch corona, khi cả nhà có thật nhiều thời gian bên nhau.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×