Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 19/2/2021

19/02/2021 | 14:27

Điện Biên dừng tổ chức Lễ hội Hoa Ban năm 2021; Bảo đảm phòng, chống dịch khi du lịch ; HLV Park Hang-seo quyết tâm cùng tuyển Việt Nam vượt qua vòng loại World Cup 2022 là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 19/2 đưa tin: "Lễ hội nghệ thuật đường phố đầu tiên tại Việt Nam" cho biết: Lễ hội nghệ thuật đường phố TPHCM 2021 (Saigon Urban Arts 2021) do Viện Pháp tại TPHCM tổ chức diễn ra từ tháng 4 tới. Đây là lần đầu tiên, dự án nghệ thuật đường phố quy mô quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Lễ hội dự kiến kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11, với nhiều hoạt động nổi bật. Cụ thể, trong ngày 24 và 25-4, khoảng 10 nghệ sĩ sẽ vẽ trực tiếp trước công chúng tại TPHCM. Từ tháng 4 đến tháng 11, Viện Pháp tại TPHCM tổ chức triển lãm các tác phẩm này tại một số địa điểm ở TPHCM và một số tỉnh, thành. Trong tháng 11, nhiều hoạt động nổi bật của lễ hội sẽ diễn ra như vẽ tranh tường, triển lãm nghệ thuật đường phố, workshop cho giới trẻ, hội thảo quốc tế về nghệ thuật đường phố, lễ hội âm nhạc…

- TTXVN ngày 19/2 đưa tin:

Lễ hội đua thuyền đuôi én - không gian văn hóa đậm đặc nét Thái cổ

Mường Lay nằm gọn trong một thung lũng hẹp, dài, vùng ngã ba sông- nơi hội tụ, hợp lưu của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Đặc biệt hơn, hiện nay, Mường Lay còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử truyền thống, trong đó phải kể đến các lễ hội đặc trưng, mang tính nhận diện văn hóa của người Thái trắng, như: Lễ Kin Pang Then, nghệ thuật Xòe Thái cổ, Lễ hội đua thuyền đuôi én… Lễ hội đua thuyền đuôi én truyền thống của dân tộc Thái trắng Mường Lay được chính quyền địa phương phục dựng thành công, tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015; từ đó, thông lệ đầu năm, lễ hội đua thuyền đuôi én lại được tổ chức, trở thành hoạt động thể thao, vui chơi của nhân dân.

Dừng tổ chức Ngày Thơ Việt Nam năm 2021 do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp

Ngày 18/2, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định dừng việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam năm 2021 trên toàn quốc do tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Hy vọng Xuân năm tới, khi không còn vấn đề COVID-19 nữa, Ngày Thơ Việt Nam sẽ được tổ chức với những đổi mới sau hơn mười năm tổ chức Ngày Thơ", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Nhiếp ảnh gia Việt Nam đạt giải vàng cuộc thi ảnh quốc tế TIFA

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, một nữ nhiếp ảnh gia Việt Nam vừa vinh dự giành hai giải cao, trong đó có một giải vàng tại cuộc thi ảnh quốc tế Tokyo International Foto Awards (TIFA) năm 2020. Ban Tổ chức TIFA 2020 cho biết nhiếp ảnh gia Khánh Phan đã đoạt giải vàng ở nội dung Con người/Văn hóa với tác phẩm "The Childrens Dancing With Gong" (Những đứa trẻ nhảy múa với cồng chiêng), và giải bạc ở nội dung Quảng cáo/Lữ hành/Du lịch với tác phẩm "Drying Fish" (Phơi cá). Tác phẩm "The Childrens Dancing With Gong" được chụp ngày 2/12/2018 tại một lễ hội của người dân tộc thiểu số Jrai ở tỉnh Gia Lai, trong khi tác phẩm "Drying Fish" được chụp ngày 26/7/2020 ở chợ cá Long Hải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

- Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh ngày 18/2 đưa tin: "Nữ tác giả 92 tuổi đoạt giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM" cho biết: Hội nhà văn TP.HCM đã chính thức công bố 3 tác giả đoạt giải thường Văn học năm 2020 và 3 tác giả nhận được tặng thưởng. Trong đó tác giả Xuân Phượng 92 tuổi đoạt giải thưởng. Cụ thể, ba tác giả được vinh danh nhận giải thưởng Văn học 2020 gồm: tác giả Xuân Phượng với tác phẩm Gánh gánh Gồng gồng, tác giả Bùi Quang Lâm với tác phẩm Đất K và tác giả Cao Xuân Sơn với tác phẩm Bấm chân qua tuổi dại khờ.

- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 19/2 đưa tin: Hà Nội: Hết cảnh 'không lễ hội nhưng vẫn đón khách' cho biết: Nhằm ngăn chặn lây lan của Covid-19, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu tạm thời đóng cửa các di tích. Hết kiểu không tổ chức lễ hội nhưng vẫn mở cửa đón khách. Với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn vào những ngày đầu năm Tân Sửu, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các địa điểm di tích tạm thời đóng cửa để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.

- Báo điện tử Người Lao động ngày 19/2 đưa tin: "Mùa phim Tết ảm đạm" cho biết: Sau khi 4 phim Việt rút khỏi "đường đua" chiếu Tết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các rạp chỉ hoạt động cầm chừng với các phim nước ngoài và phim Việt đã ra rạp trước đó nên doanh thu ảm đạm. Số lượng phim không nhiều, cùng với tâm lý e ngại dịch bệnh dẫn đến việc khán giả không mặn mà đến rạp như mọi năm. Việc phải dời lịch chiếu bất ngờ vào phút chót gây khó khăn lớn cho các nhà sản xuất cũng như xáo trộn thị trường phim Việt.

- Báo Quân đội Nhân Dân ngày 19/2 đưa tin:

Cần bảo đảm an toàn phòng dịch khi du xuân

Những ngày đầu Xuân Tân Sửu 2021, tại nhiều khu di tích, danh thắng, đình chùa trên cả nước, lượng người đi du xuân vãn cảnh, đi lễ... rất đông, không bảo đảm yêu cầu "khoảng cách", "không tập trung" trong quy tắc "5K" để phòng, chống dịch (PCD) Covid-19... Trong điều kiện dịch đang diễn biến phức tạp như hiện nay, cần thiết phải tạm đóng cửa, dừng đón khách đối với các điểm tập trung đông du khách, không bảo đảm an toàn phòng dịch; tăng cường kiểm tra, xử lý, không để xảy ra tình trạng tạm dừng tổ chức lễ hội nhưng vẫn đón khách "chui".

Ứng dụng công nghệ số trong ngành thư viện

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (gọi tắt là Chương trình). Quyết định nêu rõ mục tiêu chung của Chương trình là ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

Lễ hạ nêu Xuân Tân Sửu tại Hoàng thành Thăng Long

Sáng 18-2 (tức mồng 7 tháng Giêng năm Tân Sửu), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long đã tổ chức Lễ hạ nêu. Đây là hoạt động thường niên được tổ chức hằng năm tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, tuy nhiên năm nay, để phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, Trung tâm chỉ tổ chức trong phạm vi nội bộ và không đón khách tham quan. Trước đó, trong chương trình "Tân Sửu nghênh xuân" diễn ra vào sáng 4-2 (tức 23 tháng Chạp năm Canh Tý), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long đã thực hành một số nghi lễ tống cựu nghinh tân như: Nghi lễ tiễn Táo quân về trời; lễ ban sóc, tiến lịch; lễ dựng nêu và tiến xuân ngưu.

- TTXVN, báo điện tử Chính Phủ, báo Văn hóa và nhiều báo khác ngày 19/2 đưa tin; "Điện Biên không tổ chức Lễ hội Hoa Ban" cho biết: Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành văn bản số 430/UBND-KGVX ngày 18/2 về việc không tổ chức Lễ hội Hoa Ban và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên lần thứ VII. Lễ hội Hoa Ban nhằm giới thiệu, bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa dân tộc của tỉnh Điện Biên; gắn bảo tồn văn hóa với phát huy tiềm năng thế mạnh du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Lễ hội Hoa Ban không được tổ chức do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 19/2/2021 - Ảnh 1.

Lễ hội Hoa Ban 2019 - Ảnh: Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

2.Lĩnh vực Du lịch

- Báo Hà Nội mới ngày 19/2 đưa tin:

Bảo đảm phòng, chống dịch... khi du lịch

Đầu Xuân Tân Sửu 2021, khi dịch Covid-19 tại nhiều địa phương tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành Du lịch đã yêu cầu các địa phương, đơn vị lữ hành, điểm đến, nơi lưu trú phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh cho du khách. Nhiều khu, điểm du lịch đã tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch để thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Hà Nội hỗ trợ thông tin cho khách du lịch qua ''đường dây nóng''

Sở Du lịch Hà Nội thông tin, trong và sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, mặc dù hoạt động du lịch khá trầm lắng, nhưng bộ phận "đường dây nóng" vẫn làm việc, hỗ trợ người dân và du khách thông tin các điểm đến cũng như biện pháp phòng, chống dịch tại các khu, điểm du lịch. Cụ thể, bộ phận thông tin, hỗ trợ khách du lịch của Sở đã cung cấp thông tin cho 15 lượt khách du lịch về tuyến, điểm du lịch trên địa bàn, chỉ dẫn đường đi, các hoạt động diễn ra quanh không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, khu vực phố cổ.

Gần 200 an ninh viên luân phiên ứng trực tại chùa Hương

Ngày 18-2, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (chùa Hương), huyện Mỹ Đức. Đoàn kiểm tra ghi nhận công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại di tích được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm yêu cầu của Trung ương và UBND thành phố Hà Nội. Theo đó, 100% chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở chùa Hương (9 điểm đặt tại các lối đi vào di tích) đều có lực lượng ứng trực nhắc nhở, khuyến cáo người dân. Cán bộ, nhân viên an ninh thực hiện đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn tay thường xuyên.

- Báo Nhân Dân ngày 18/2 đưa tin:

Bảo đảm phòng dịch, Nam Định đóng cửa Chợ Viềng

Ngày 18-2 (tức mùng 7 tháng Giêng năm Tân Sửu) theo thông lệ là ngày khai hội chợ Viềng (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Tuy nhiên để phòng, chống dịch Covid-19, năm nay chính quyền địa phương quyết định không tổ chức phiên chợ "mua may, bán rủi" nổi tiếng này. Cùng bối cảnh đó, lượng du khách đến Quần thể di tích Phủ Dầy cũng thưa vắng hẳn so thời điểm trước dịch.

Tạm dừng đón khách du lịch đến quần đảo Cát Bà

Từ ngày 18-2, UBND huyện Cát Hải (TP Hải Phòng) đã thực hiện tạm dừng hoạt động đón khách du lịch đến tham quan Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà. Đồng thời, UBND huyện Cát Hải cũng yêu cầu không tổ chức các hoạt động bán hàng, vui chơi tại khuôn viên khu trung tâm du lịch Cát Bà; tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng các văn bản chỉ đạo của trung ương, thành phố, huyện về phòng, chống dịch Covid-19.

Du lịch TP Hồ Chí Minh dịp Tết Tân Sửu ảm đạm bởi Covid-19

Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh ngày 17-2 cho biết, dịch Covid-19 tái bùng phát vào thời gian cao điểm du lịch Tết Nguyên đán, đã ảnh hưởng tiêu cực tới công suất đặt phòng và tour tuyến tại TP Hồ Chí Minh trong dịp Tết Tân Sửu. Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (từ ngày 9 đến 17-2), thành phố ghi nhận có khoảng 1.800 khách đặt phòng lưu trú. Đây là số liệu báo cáo của 22/124 khách sạn (từ 3-5 sao hoặc tương đương) trên địa bàn TP.

Du lịch Nhật Bản vẫn tổn thất nặng vì Covid-19

Du lịch Nhật Bản tiếp tục gánh tổn thất nặng nề vì Covid-19 khi lượng khách quốc tế ước tính tới Nhật Bản trong tháng 1 giảm 98,3% so với một năm trước, ở mức 46.500 lượt khách. Trong đó, khách đến từ Việt Nam chiếm gần một nửa lượng khách quốc tế tới Nhật Bản trong tháng 1. Báo cáo của Cơ quan Du lịch Nhật Bản (JTA) cho biết, đây là tháng thứ 16 liên tiếp Nhật Bản ghi nhận sự sụt giảm lượng khách quốc tế sau khi quốc gia Đông Á này dừng nhập cảnh công dân nước ngoài không thuộc diện cư trú để ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19.

- Báo Tin tức ngày 18/2 đưa tin: "Đường sách TP Hồ Chí Minh đón khoảng 20.000 lượt khách trong dịp Tết Nguyên đán" cho biết: Từ ngày 10 - 16/2, đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đã đón khoảng 20.000 lượt khách, chủ yếu là du khách nội địa. Theo thống kê của Công ty đường sách TP Hồ Chí Minh, lượng khách đến tham quan, vui chơi trong dịp Tết cao nhất vào ngày 25, 26 tháng Chạp và mồng 3, mồng 4 Tết. Tính từ ngày 10 - 16/2, đường sách Thành phố đón khoảng 20.000 lượt khách, chủ yếu là khách nội địa với tổng doanh thu khoảng 500 triệu đồng (từ bán sách và các vật phẩm lưu niệm văn hoá), giảm 50% so với Tết năm 2020.

- Báo điện tử Thanh Hóa ngày 18/2 đưa tin: "Khách đến các khu, điểm du lịch dịp tết giảm mạnh, chủ yếu là khách nội tỉnh" cho biết: Theo báo cáo nhanh của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 lượng khách đến Thanh Hóa không đáng kể, chủ yếu là người dân địa phương. Lượng khách hủy phòng nhiều, khách đến các điểm du lịch tâm linh giảm mạnh. Cụ thể, tổng lượt khách trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu ước đạt 108.000 lượt, giảm 56,2%. Tổng thu du lịch ước đạt 89,4 tỷ đồng, giảm 58,3% so với dịp Tết năm 2020.

- Báo Pháp luật Tp Hồ Chí Minh ngày 18/2 đưa tin: "Du khách đến Mũi Né- Bình Thuận giảm đến 82%" cho biết: Ngày 18-2, tin Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu nên tình hình khách hủy phòng rất nhiều. Cụ thể các khách sạn, resort đã bị hủy khoảng 60% - 80% công suất đã đặt trước đó. Ước tính trong 7 ngày Tết , toàn tỉnh đón khoảng 20.000 lượt khách lưu trú chủ yếu là khách du lịch nội địa (giảm khoảng 82% so với Tết Canh Tý năm 2020). Đa số khách tập trung tại khu vực Hàm Tiến - Mũi Né, La Gi, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam…

- Báo Vietnamplus ngày 19/2 đưa tin:

Hòa Bình: Người Mông giữ rừng nguyên sinh phát triển du lịch bền vững

Không chỉ bảo vệ hàng trăm hécta rừng nguyên sinh trên đỉnh núi Pà Cò, vợ chồng ông Khà A Lứ, người dân tộc Mông còn biến nơi đây thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách. Từ mô hình giữ rừng làm du lịch bền vững bảo vệ môi trường, đã trở thành công thức để nhiều chính quyền và người dân các địa bàn khác trong tỉnh học tập và noi theo.

Nga nối lại đường bay thẳng tới hai thành phố du lịch Ai Cập

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 18/2, Cơ quan Hàng không dân dụng Ai Cập thông báo Nga sẽ nối lại đường bay thẳng tới hai thành phố nghỉ dưỡng Sharm El-Sheikh và Hurghada của Ai Cập kể từ ngày 28/2 tới. Quyết định của Nga được đưa ra sau hơn 5 năm đình chỉ các chuyến bay tới hai thành phố nói trên kể từ khi xảy ra vụ máy bay của Nga bị rơi tại khu vực Sinai hồi tháng 10/2015 khiến hơn 200 người thiệt mạng. Việc Nga đình chỉ đường bay đến các khu nghỉ mát ở Biển Đỏ đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch của Ai Cập, do du khách Nga đóng góp lớn cho thị trường du lịch nước này.

- Báo điện tử Dân Trí ngày 18/2 đưa tin:

Ngại Covid-19, du khách đến Phú Yên thưa thớt trong kỳ nghỉ Tết

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Phú Yên đón gần 22.000 lượt khách đến tham quan tại tỉnh này, giảm gần 74% so với cùng kỳ. Theo thống kê của Sở TTVHDL tỉnh Phú Yên, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên từ ngày 11/02 đến 16/02 (30/12 Âm lịch đến mùng 5 Tết) đạt 21.900 lượt khách (giảm 73,9% so với cùng kỳ năm 2020).

Nha Trang: Du khách đi tour biển đảo thưa vắng dịp Tết

Sáng 17/2 (nhằm mùng 6 Tết nguyên đán), lượng khách đến bến tàu du lịch Nha Trang để đi tour biển đảo tham quan Vịnh Nha Trang nhìn chung giảm mạnh so với thời điểm mọi năm. Ông Trần Văn Phú, Trưởng bến tàu du lịch Nha Trang (thuộc Ban quản lý Vịnh Nha Trang) cho biết, trong 3 ngày từ mùng 3 đến mùng 5 Tết nguyên đán Tân Sửu, bến tàu du lịch Nha Trang đón bình quân từ 1.300-1.400 lượt khách/ngày.

7 ngày Tết, Đà Nẵng đón hơn 30 nghìn lượt du khách

Ngày 17/2 Sở Du lịch TP Đà Nẵng thông tin, trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán năm nay (từ 10/2-16/2, nhằm 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), các khu, điểm du lịch ở phố đón 30,8 nghìn lượt khách tham quan. Trong đó, chủ yếu là người dân địa phương và du khách trong nước. Khách đến Đà Nẵng năm nay ít khách đoàn đặt tour qua các hãng lữ hành; chủ yếu là nhóm khách lẻ, tự thiết kế tour, tự đặt dịch vụ du lịch.

- Báo điện tử Chính Phủ ngày 19/2 đưa tin: "Khai thác văn hóa dân gian để phát triển du lịch" cho biết: Cùng với tham quan, giải trí và nghỉ dưỡng, xu hướng du lịch gắn với tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa dân gian của một vùng đất đang hấp dẫn nhiều đối tượng khách. Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã khai thác lợi thế độc đáo của văn hóa dân gian để phục vụ phát triển du lịch địa phương. Tỉnh Ninh Thuận luôn chú trọng tạo đà cho sự phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh trong giai đoạn mới thông qua việc phát huy, đưa bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch.

3.Lĩnh vực Thể thao

- Báo Pháp luật Tp Hồ Chí Minh ngày 19/2 đưa tin:

Vì sao Việt Nam không đua đăng cai đá tập trung bảng G?

Trong khi UAE và Thái Lan đua nhau đăng cai đá tập trung bảng G vòng loại World Cup 2022 thì bóng đá Việt Nam (VN) vẫn im tiếng, đồng nghĩa với việc không đua cùng hai đối thủ trên. Giải thích về việc không muốn đua để tạo lợi thế cho riêng mình, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nói: "VN không chạy đua đăng cai làm chủ nhà đá tập trung các trận còn lại của bảng G bởi theo quy định phòng dịch, công dân các nước đến VN phải cách ly 14 ngày. Về kỹ thuật, AFC cũng yêu cầu các đội tham dự tập trung phải kiểm tra COVID-19 liên tục, AFC cũng đưa ra các tiêu chuẩn sân tập, khách sạn... mà hoàn cảnh hiện tại VN chưa thể đáp ứng".

Ông Park chờ lập kỷ lục!

Khao khát lớn nhất của HLV Park Hang-seo trong năm 2020 là dẫn dắt đội tuyển Việt Nam lấy vé chơi vòng loại cuối cùng World Cup 2022 và mọi diễn biến mới nhất đang tạo lợi thế cho thầy Hàn. Ông thầy Hàn quả quyết: "Năm 2021, bóng đá VN có nhiều nhiệm vụ quan trọng và đây là những thử thách rất lớn. Tôi xin hứa sẽ cố gắng hết sức để cùng các đội tuyển VN hoàn thành những mục tiêu.

Vừa xong thời hạn cách ly, ông Park làm gì?

Sau kỳ nghỉ phép dài tại quê nhà Hàn Quốc và trở lại Việt Nam vào ngày 3-2, ông Park Hang-seo cùng với trợ lý HLV Lee Young-jin, Kim Han-yoon, bác sỹ Choi Ju-young đã kiểm tra y tế và cách ly tại khách sạn Hòa Bình, Hà Nội. Ông Park đã được cung cấp thông tin kế hoạch thi đấu tập trung đối với ba trận đấu còn lại của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á vào tháng 6. Trong những ngày tới, ông và các trợ lý phối hợp với bộ phận chuyên môn của VFF xây dựng kế hoạch chuẩn bị tối ưu nhất cho đội tuyển Việt Nam, hướng đến mục tiêu giành vé đi tiếp vào vòng loại cuối cùng của World Cup 2022.

- Báo điện tử Người Lao động ngày 19/2 đưa tin:

Tuyển Việt Nam: 9 ngày, 3 trận, cần 6 điểm

Trong lúc chờ AFC công bố địa điểm đăng cai đá tập trung 3 trận vòng loại World Cup 2022, HLV Park Hang-seo đã lên kế hoạch tìm điểm rơi cho tuyển Việt Nam, bắt đầu bằng việc giữ chân những đồng hương thân cận, giỏi nghề. Dựa vào lịch trình được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) công bố, tuyển Việt Nam sẽ lần lượt gặp Indonesia (ngày 7-6), Malaysia (ngày 11-6) và UAE (ngày 15-6) trong khuôn khổ 3 trận còn lại của bảng G vòng loại World Cup 2022 - khu vực châu Á.

VFF nói gì khi AFC dời lịch vòng loại World Cup đến tháng 6?

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã ra quyết định tổ chức các trận đấu còn lại ở bảng G vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á vào tháng 6 tới một địa điểm tập trung. Trong buổi họp giữa AFC và các liên đoàn thành viên, trong đó có Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), phương án dời lịch đến tháng 6 và thi đấu các trận còn lại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á tại một địa điểm đã được thông qua.

Vừa hết hạn cách ly, HLV Park Hang-seo nêu mục tiêu tại vòng loại World Cup 2022

HLV Park Hang-seo đã hoàn thành quá trình cách ly sau khi từ Hàn Quốc trở lại Việt Nam và cho biết hằng ngày luôn duy trì tập luyện để đảm bảo sức khỏe tốt nhất, chuẩn bị cho những nhiệm vụ quan trọng thời gian tới. Hoàn thành quá trình cách ly sau khi từ Hàn Quốc trở lại Việt Nam vào ngày 18-2, HLV Park Hang-seo đã có mặt tại Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện gặp, thăm hỏi và trao đổi trong khoảng 1 giờ.

- Báo Hà Nội mới ngày 18/2 đưa tin: "HLV Park Hang-seo: Quyết tâm cùng tuyển Việt Nam vượt qua vòng loại World Cup 2022" cho biết: Sau khi kết thúc kỳ nghỉ phép tại quê nhà và trở lại Việt Nam, huấn luyện viên (HLV) trưởng Park Hang-seo cùng các trợ lý HLV Lee Young-jin, Kim Han-yoon và bác sĩ Choi Ju-young đã hoàn thành 14 ngày cách ly tập trung, làm xét nghiệm và có kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2, được cơ quan y tế xác nhận đủ sức khỏe để trở lại với công việc. Hiện nay, đội tuyển Việt Nam đang tạm dẫn đầu bảng G với 11 điểm, hơn đội xếp nhì Malaysia 2 điểm. Thái Lan đứng thứ 3 với 8 điểm, UAE đứng thứ 4 (6 điểm) và Indonesia đứng cuối bảng với 0 điểm.

- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 19/2 đưa tin "Vòng loại World Cup bị hoãn, đội tuyển Thái Lan hủy tập trung" cho biết: HLV Akira Nishino vẫn bị mắc kẹt tại quê nhà Nhật Bản, chưa thể trở lại Thái Lan vì dịch Covid-19. Chính vì thế, đội bóng đất Chùa Vàng hiện đã hủy đợt tập trung vào cuối tháng 2. Trả lời truyền thông Thái Lan, Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá nước này (FAT), ông Patit Suphaphong cho biết HLV đội tuyển bóng đá Thái Lan Akira Nishino vẫn chưa thể trở lại Thái Lan (lẽ ra ông Nishino phải có mặt tại Thái Lan hồi tháng 1, theo như dự định trước đó), mà hiện vẫn "kẹt" tại Nhật Bản, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

- Báo Hà Nội mới ngày 18/2 đưa tin: "Bóng đá Việt Nam duy trì thứ hạng, Thái Lan tăng bậc" cho biết: Theo bảng xếp hạng (BXH) đầu tiên trong năm 2021 do Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) công bố ngày 18-2, đội tuyển quốc gia Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí thứ 93 với 1.258 điểm, trong khi đại kình địch Thái Lan tăng 1 hạng, lên vị trí thứ 110 với 1.178 điểm. BXH châu Á không có bất kỳ sự thay đổi nào. Nhật Bản tiếp tục đứng đầu khu vực này và vẫn duy trì vị trí thứ 27 thế giới với 1.502 điểm. Các vị trí còn lại trong tốp 5 gồm Iran (hạng 29 với 1.496 điểm), Hàn Quốc (hạng 38 với 1.465 điểm), Australia (hạng 41 với 1.457 điểm) và Qatar (hạng 58 với 1.391 điểm).

- Báo Văn hóa ngày 18/2 đưa tin:

Trung tâm HLTTQG Hà Nội hội quân, tăng cường phòng chống dịch

Hôm nay 18.2 (mùng 7 Tết), các vận động viên (VĐV) tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) Hà Nội đã bước vào tập luyện tích cực và thực hiện nghiêm các qui định phòng, chống dịch bệnh. Hội quân trở lại vào mùng 6 Tết (17.2), với 300 vận động viên thuộc 17 đội tuyển, toàn bộ các HLV, VĐV của Trung tâm đã thực hiện nghi lễ chào cờ đầu năm mới theo đúng qui định giãn cách để phòng chống dịch bệnh và làm lễ dâng hương tại tượng đài Bác.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Đội tuyển phải duy trì được ý chí, tinh thần Việt Nam

Sáng 18.2 (mùng 7 Tết), Bộ trưởng Bộ VHTTDL – Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện đã tới thăm, chúc Tết HLV trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam và đội tuyển U23 quốc gia Park Hang-seo. Cùng đi còn có Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn. Trước đó, ông Park vừa hoàn thành thời gian cách ly theo qui định và trở về làm việc tại Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vào đêm 17.2. Chúc mừng ông Park nhân dịp năm mới 2021, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện mong vị HLV đến từ xứ sở Kim Chi tập trung ngay vào công việc sau thời gian phải cách ly vì đại dịch.

Nhật Bản: Olympic Tokyo có trưởng ban tổ chức mới

Hội đồng ban tổ chức Olympic Tokyo chịu trách nhiệm chọn ứng cử viên thay thế ông Mori đã quyết định chọn bà Hashimoto, 56 tuổi, tiếp quản vai trò Trưởng ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo. Theo Kyodo, một nguồn thạo tin ngày 18.2 cho biết Bộ trưởng Olympic của Nhật Bản Hashimoto Seiko sẵn sàng chấp nhận đề nghị trở thành trưởng ban tổ chức mới của Olympic Tokyo, một tuần sau khi Trưởng ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo Mori Yoshiro từ chức. Hội đồng ban tổ chức Olympic Tokyo chịu trách nhiệm chọn ứng cử viên thay thế ông Mori đã quyết định chọn bà Hashimoto, 56 tuổi, tiếp quản vai trò Trưởng ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo.

- Báo Vietnamnet ngày 27/4 đưa tin: "Tuyển Việt Nam: Tin vào mưu cao của thầy Park" cho biết: HLV Park Hang Seo nghiên cứu kỹ, cùng tuyển Việt Nam chuẩn bị thật tốt cho 3 trận còn lại của bảng G, vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á. Về phần mình, HLV Park Hang Seo khẳng định ông đã nghiên cứu kỹ, cùng sự chuẩn bị về mọi mặt cho 3 trận còn lại của bảng G, trong đó có cuộc đối đầu quan trọng với Malaysia. "Tôi cùng các cầu thủ đều tin tưởng sẽ giành vé đi tiếp vào vòng loại cuối World Cup 2022, làm nên lịch sử cho bóng đá Việt Nam", HLV Park Hang Seo tự tin nói.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 18/2 đưa tin: "Xây dựng quy trình chuẩn về hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người hòa nhập cộng đồng" cho biết: Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong Chương trình phòng, chống mua bán người vừa được Thủ tướng phê duyệt có nêu lên yêu cầu, nạn nhân được tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả theo quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm. Đồng thời, lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×