Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 17/2/2021

17/02/2021 | 16:22

Dâng hương tưởng nhớ Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ; Hà Nội đón 122 nghìn lượt khách trong dịp Tết Nguyên đán; V-League siết chặt kiểm soát COVID-19 là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- Báo Hà Nội mới ngày 17/2 đưa tin:

Xuất bản bộ sách ''Truyện ký Việt Nam trong thư tịch cổ''

Trung tâm Nghiên cứu quốc học và Nhà Xuất bản Văn học vừa xuất bản bộ sách "Truyện ký Việt Nam trong thư tịch cổ" gồm 261 truyện ký đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam). Bộ sách có hai tập, do hai nhà nghiên cứu Lâm Giang và Nguyễn Văn Tuân biên soạn, gồm các tác phẩm văn xuôi tự sự là truyện ký (truyện dài, truyện ngắn, mẩu truyện) được ghi lại trong tài liệu, sách vở viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm, đã tồn tại suốt thời kỳ phong kiến ở Việt Nam, từ thời Lý đến thời Nguyễn.

Kỷ niệm 232 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2021): Biểu tượng cho ý chí quật cường

"Một trận rồng lửa giặc tan tành, bỏ thành cướp đó trốn cho nhanh. Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến. Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh" - sĩ phu Ngô Ngọc Du đã mô tả như vậy về chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân 232 năm về trước (1789-2021). Âm hưởng từ bản anh hùng ca ấy, đến nay vẫn còn ngân vang mãi như một biểu tượng cho ý chí quật cường, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

- TTXVN ngày 16/2 đưa tin:

Tiếc thương NSND Hoàng Dũng, tên tuổi lớn của làng nghệ thuật Việt

Thông tin Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Dũng - một trong những tên tuổi lớn của nghệ thuật Việt Nam qua đời ở tuổi 65 khiến cho giới nghệ sỹ và công chúng bàng hoàng, tiếc thương trước sự ra đi đột ngột của ông - một nghệ sỹ gạo cội, một cây đa, cây đề của nghệ thuật nước nhà. Gia đình nghệ sỹ cho biết, Lễ tang của Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Dũng sẽ diễn ra từ 7 giờ 30 đến 9 giờ ngày 20/2 (tức ngày mùng 9 tháng Giêng) tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ an táng sẽ được tổ chức cùng ngày tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Hướng dẫn người dân phòng chống dịch COVID-19 khi đi lễ đền chùa tại Hà Nội

Công tác phòng chống dịch COVID-19 được các chùa, đình, đền, phủ tại Hà Nội thực hiện nghiêm, yêu cầu người đến lễ tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Tại những địa điểm có đông người đến lễ, ban tổ chức thường xuyên thông báo qua loa khuyến cáo các quy định phòng dịch COVID-19. Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể tao TP Hà Nội, các địa điểm văn hóa, tâm linh vẫn sẽ được mở cửa bình thường. Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh phức tạp, thành phố sẽ quyết liệt thực hiện chủ trương theo Chỉ thị 03 /CT - UBND ngày 3/2/2021 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Trong đó, có nêu rõ về việc hạn chế tập trung đông người, hạn chế tổ chức lễ hội. Mọi người vẫn sẽ có thể đi vãn cảnh du xuân và lễ bái đầu năm nhưng số lượng khách đến sẽ bị hạn chế theo đúng quy định của chính quyền.

- Báo Nhân Dân ngày 16/2 đưa tin:

Quảng Ninh dừng các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí nơi công cộng

Tỉnh Quảng Ninh cho biết đã dừng các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí đầu năm tại các địa điểm công cộng, tập trung đông người. Nhiều di tích, cơ sở thờ tự... trên địa bàn cũng tạm đóng cửa. Khu Di tích quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả), một địa điểm thu hút rất đông du khách vào dịp đầu năm, đã tạm dừng không đón khách vào tham quan trong khi di tích từ ngày 9-2 cho đến khi có thông báo mới; đồng thời, đóng cửa toàn bộ các khu vực thờ tự.

Ðể di sản trở nên sống động

Những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã phục dựng nhiều nghi lễ cung đình xưa, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, khám phá tại di tích Hoàng thành Thăng Long để phục vụ công chúng. Ðón xuân Tân Sửu, một nghi lễ đặc biệt đã được tái hiện là nghi lễ "Tiến xuân ngưu". Dù năm nay dịch Covid-19 khiến nghi lễ phải thu gọn, nhưng đây là tiền đề để phục dựng, phổ biến nghi lễ này và nhiều hoạt động văn hóa mang tính cung đình khác của Thăng Long - Hà Nội.

- Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 17/2 đưa tin:

Chương trình nghệ thuật "Xuân về trên đất nước rồng bay"

Tối 15-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ và đền thờ Hoàng đế Quang Trung tại Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa. Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TP Hà Nội dừng tổ chức lễ hội Gò Đống Đa thường niên. Tối 16-2, tại sân khấu chính Hội Hoa xuân Công viên văn hóa Tao Đàn, Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TPHCM - Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM phối hợp thực hiện chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 232 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử (1789-2021) với chủ đề Xuân về trên đất nước rồng bay (đạo diễn NSƯT Lê Trung Thảo - Dương Thảo).

Lưu dấu di sản

Trong câu chuyện hiện tại hướng đến tương lai, Củ Chi luôn là niềm tự hào của người dân TPHCM về những đổi thay, phát triển sau chuỗi ngày bom đạn cày xới và là khát vọng mang tầm vóc di sản thế giới. Có lẽ từ lâu, đối với nhiều người, Địa đạo Củ Chi không chỉ là một di sản về đường hầm tinh vi để sống và chiến đấu trong thời chiến mà còn là một di sản phi vật thể. Đó là di sản về bàn tay, khối óc sáng tạo và sự kiên trung của những người con anh dũng đã chiến đấu ròng rã suốt 20 năm ngay sát trung tâm đầu não của kẻ thù và rất nhiều người đã gửi lại tuổi xuân trong đường hầm, để làm nên chiến thắng vẻ vang trong lịch sử dân tộc.

Văn hóa Việt lên phim

Điện ảnh Việt Nam đang trong giai đoạn vươn mình mạnh mẽ, phong phú, đa dạng về thể loại, đề tài. Trong dòng chảy ấy, văn hóa Việt dẫu mới được khắc họa khá khiêm tốn trên phim Việt nhưng đã có những sự chuyển động đáng khích lệ. Tại buổi công bố dàn diễn viên chính cho dự án Thanh Sói, nhà sản xuất - đạo diễn Ngô Thanh Vân chia sẻ, Hãng phim Studio 68 do chị thành lập hoạt động dựa trên 3 tiêu chí. Một trong số đó là tìm kịch bản gốc để phát triển phải hướng về con người và văn hóa Việt Nam, nỗ lực để có sản phẩm thuần Việt.

- Báo Kinh tế Đô thị ngày 16/2 đưa tin: "Sắc màu văn hóa Việt trong không gian đi bộ Hồ Gươm" cho biết: Cuối tuần cùng nhau dạo bước trên tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm đã trở thành thói quen của người dân và du khách đến Hà Nội. Không gian văn hóa cộng đồng này trở nên hấp dẫn du khách không chỉ bởi việc người đi bộ được tự do, thoải mái đi lại dưới đường không lo va chạm xe cộ, hay vì cảnh quan xung quanh như tháp rùa, đền Ngọc Sơn, đền bà Kiệu, tượng đài Vua Lý Thái Tổ… mà còn ở những hoạt động văn hóa mang sắc màu Việt Nam và quốc tế.

- Báo điện tử Chính Phủ, báo Nhân Dân và nhiều báo khác ngày 17/2 đưa tin: "Dâng hương tưởng nhớ Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ" cho biết: Nhân kỷ niệm 232 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789 - 2021), tối 15/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài Quang Trung – Nguyễn Huệ và đền thờ Hoàng đế Quang Trung tại Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa, tưởng nhớ người anh hùng áo vải cờ đào, thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, nhà quân sự với những chiến công vang dội chống thù trong, giặc ngoài. Sáng 16-2, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Hà Nội đã tới dâng hương tại Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ và đền thờ Hoàng đế Quang Trung tại Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội). Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789 là một trong những chiến công chống ngoại xâm nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam và là chiến công oanh liệt nhất của Hoàng đế bách chiến bách thắng Quang Trung. Năm nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 28/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố Hà Nội dừng tổ chức Lễ hội Gò Đống Đa thường diễn ra vào mồng 5 Tết Nguyên đán hằng năm.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 17/2/2021 - Ảnh 1.

Tượng đài vua Quang Trung tại Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) - Ảnh: Báo Nhân Dân

2.Lĩnh vực Du lịch

- Báo Hà Nội mới ngày 17/2 đưa tin:

Du lịch nội địa và gần nhà là xu hướng nổi bật trong năm 2021

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trong năm 2021, du lịch nội địa và gần nhà sẽ là xu hướng nổi bật. Hội đồng chuyên gia du lịch UNWTO cũng chỉ ra rằng, sự lên ngôi của du lịch nội địa sẽ thúc đẩy nhu cầu về các hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên và du lịch nông thôn. Các biện pháp bảo đảm sức khỏe và an toàn tiếp tục là mối quan tâm chính của du khách trong năm 2021. Do tình hình dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến khó lường và các lệnh hạn chế đi lại nên xu hướng đặt chương trình du lịch vào phút chót sẽ được nhiều du khách lựa chọn.

Du lịch 2020: Bản lĩnh "vượt bão"

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với nền kinh tế cả nước, ngành Du lịch đứng trước khó khăn, thách thức lớn nhất từ trước đến nay. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm gần 80%, tổng thiệt hại ước tính đến 23 tỷ USD. Trong bức tranh toàn cảnh không mấy sáng sủa, du lịch Thủ đô đã thể hiện bản lĩnh "vượt bão Covid-19" để giúp các doanh nghiệp "phá băng", phần nào ổn định thị trường và lấy lại đà tăng trưởng.

Quảng bá du lịch Hà Nội trên sóng truyền hình quốc gia

Sở Du lịch Hà Nội cho biết đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện các chương trình quảng bá du lịch Hà Nội, được phát sóng vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Sẽ có 6 chương trình quảng bá du lịch Hà Nội được phát sóng trong chương trình Chuyển động 24h và S Việt Nam. Trong Chuyển động 24h, khán giả cả nước sẽ được xem các nội dung: "Cảm nhận Hà Nội thật khác trong ngày đầu năm" (mùng 1 Tết), "Lộc xuân Hà Nội ở Tứ trấn Thăng Long" (mùng 2 Tết).

- TTXVN ngày 16/2 đưa tin:

Hà Nội đón khoảng 122.000 lượt khách dịp Tết Nguyên đán

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 7 ngày Tết Nguyên đán, từ ngày 10/2 đến 16/2 (tức từ ngày 29/12 năm Canh Tý đến ngày 5/1 năm Tân Sửu), Hà Nội đón khoảng 122.000 lượt khách, đạt gần 50% lượng khách cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khách du lịch quốc tế cơ bản không có, số khách trên chỉ tập trung vào khách nội địa. Để đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các khu điểm du lịch đều không tổ chức các sự kiện, hoạt động dịp Tết âm lịch hoặc giảm quy mô tổ chức theo kế hoạch, nhằm hạn chế tụ tập đông người. Trong quá trình đón tiếp khách, các điểm đến đã thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Hưng Yên tạm đóng cửa Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến từ ngày 15/2

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên Bùi Tuấn Anh cho biết, thành phố đã có văn bản hỏa tốc tạm đóng cửa Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến và tất cả các di tích trên địa bàn để phòng, chống dịch COVID- 19 từ ngày 15/2. Qua thực tế hiện nay, đặc biệt là từ sau ngày 12/2 (tức mùng 1 Tết) lượng du khách từ các địa phương ngoài tỉnh Hưng Yên đến tham quan, chiêm bái tại các di tích thuộc quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến trên địa bàn thành phố Hưng Yên tương đối đông. Thực trạng này đã làm quá tải, khó kiểm soát việc phòng, chống dịch COVID- 19 ở các di tích.

Các điểm du lịch ở Bạc Liêu vắng khách vì COVID-19

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu những ngày qua giảm hẳn lượng du khách đến tham quan. Người dân Bạc Liêu cũng nêu cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh COVID-19, luôn tuân thủ và tự trang bị khẩu trang khi ra đường và đến các điểm công cộng. Theo ghi nhận của phóng viên tại địa bàn Bạc Liêu, từ đêm Giao thừa cho đến trưa mùng 2 Tết (13/2), người dân tại các địa điểm công cộng, nhà hàng, quán ăn, khu vui chơi, điểm du lịch, cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh đều thực hiện nghiêm quy định 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Báo điện tử Dân Trí ngày 17/2 đưa tin

Du lịch Ninh Bình thu khoảng 32 tỷ đồng dịp Tết Nguyên đán 2021

Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tỉnh Ninh Bình đón trên 62.000 lượt du khách, trong đó có gần 2.000 lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch ước đạt 32 tỷ đồng. Ngày 16/2, Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tình hình thời tiết thuận lợi để khách du lịch thăm quan, trải nghiệm song do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, do đó nhiều chương trình du lịch của các hãnh lữ hành bị khách hoãn, hủy.

Huyện Mỹ Đức phản hồi: Người dẫn khách "chui" vào chùa Hương bị phạt nóng

UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã tổ chức họp ngay trong chiều 16/2 với các đơn vị liên quan để quán triệt nghiêm túc nội dung phản ánh trên báo Dân trí phản ánh về việc người dân địa phương dẫn khách "chui" vào chùa Hương ngày 15/2 vừa qua. Theo đó, ông Nguyễn Bá Hiển - trưởng ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) - thừa nhận thông tin có tình trạng một số người dân xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, dẫn khách vào lễ chùa với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/chuyến đò.

Bình Định: Đầu năm người dân nô nức đi lễ chùa, điểm du lịch hút khách

Dù tỉnh Bình Định vẫn an toàn nhưng người dân đi lễ chùa đầu năm, đến các điểm du lịch ý thức đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để tự bảo vệ mình và cộng đồng. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân đi lễ chùa đầu năm, cầu những điều tốt đẹp trong năm mới. Dịp này, người dân trong tỉnh cũng nô nức du xuân, vãn cảnh tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Báo Vietnamplus ngày 16/2 đưa tin:

Du lịch miền núi Tây Bắc: Kỳ vọng nhiều đột phá trong năm mới

Đánh giá chung về tình hình du lịch Việt Nam trong năm qua và năm 2021, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục tưởng Tổng cục Du lịch, cho biết Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia trên thế giới thành công trong việc vừa khống chế dịch COVID-19, vừa thúc đẩy thị trường du lịch nội địa. Việc triển khai tốt các chương trình kích cầu du lịch trong nước đã góp phần duy trì và từng bước phục hồi các chuỗi kinh doanh du lịch, dịch vụ và giảm thiểu tối đa thiệt hại

Ninh Thuận: Làm du lịch từ niềm tự hào về nông sản địa phương

Không chỉ kiên trì, năng động trong sản xuất nông nghiệp trên vùng đất thừa nắng, gió, khí hậu khắc nghiệt, nông dân Ninh Thuận còn kết hợp sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch từ ruộng vườn. Không chỉ kiên trì, năng động trong sản xuất nông nghiệp trên vùng đất thừa nắng và gió, khí hậu khắc nghiệt, nhiều nông dân ở tỉnh Ninh Thuận còn kết hợp sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch từ chính ruộng vườn với các mặt hàng nông sản thế mạnh đặc trưng của địa phương.

Nam Định: Du khách đeo khẩu trang khi đến đền Trần đầu năm mới

Mùng 3 Tết Tân Sửu, nhiều người dân và du khách thập phương đã đến Khu di tích lịch sử, văn hóa đền Trần-chùa Tháp, tỉnh Nam Định để lễ, cầu may đầu năm mới và hầu hết mọi người đều đeo khẩu trang. Ngày 14/2 (tức mùng 3 Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021), nhiều người dân và du khách thập phương đã đến Khu di tích lịch sử, văn hóa đền Trần-chùa Tháp, tỉnh Nam Định để lễ, cầu may đầu năm mới. Để phòng, chống dịch COVID-19, hầu hết mọi người khi đến đây đều đeo khẩu trang.

3.Lĩnh vực Thể thao

- Báo điện tử Tiền Phong ngày 17/2 đưa tin: "V-League siết chặt kiểm soát COVID-19" cho biết: Sau Tết Nguyên đán 2021, các CLB đều đã tập trung quân trở lại để chuẩn bị cho giải VĐQG. LS V-League 2021 dù vậy chưa thể xác định ngày tiếp diễn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Các cầu thủ trở về từ các địa phương đang là vùng dịch như Hải Dương, Quảng Ninh hay Tp Hồ Chí Minh sẽ phải xét nghiệm COVID-19. Sau khi có kết quả âm tính mới tập trung CLB, thực hiện cách ly. Những cầu thủ khác cũng sẽ phải thực hiện cách ly tại đội bóng theo quy định"-Giám đốc điều hành HAGL Nguyễn Tấn Anh nói với Tiền Phong.

- Báo Pháp Luật TPHCM ngày 17/2 đưa tin: "Bảng G vòng loại World Cup 2022 chờ phán quyết từ AFC" cho biết: LĐBĐ Malaysia (FAM) đã thất bại trong việc thuyết phục tuyển Việt Nam đá tập trung khi dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Vài ngày nữa AFC sẽ công bố các số liệu và thông tin về những cuộc thương lượng của các đội trong bảng G rồi đưa ra quyết định. Tổng thư ký AFC - ông Windsor John gửi đi thông báo tình hình mới và nhấn mạnh không có chuyện AFC ép các đội phải đá tập trung.

- Báo Công an Nhân Dân ngày 17/2 đưa tin: "Giấc mơ của ông Park trong năm Tân Sửu" cho biết: Hơn một năm gián đoạn, không thi đấu vì dịch bệnh, nhưng đội tuyển Việt Nam vẫn tràn đầy hy vọng khi các giải đấu quốc tế trở lại nhờ sự cam kết và nhiệt thành của HLV Park Hang-seo. HLV Park Hang-seo là một người Hàn Quốc điển hình, với những nét tính cách mạnh mẽ, quyết đoán và sự chuyên nghiệp ở mức cao nhất. Ở ông không có khái niệm thỏa mãn hay hài lòng với những gì đã giành được. Cho dù thành công rực rỡ và trở thành người hùng ở cả Việt Nam và Hàn Quốc, HLV Park Hang-seo vẫn giữ tâm thế như ngày đầu tiên ký hợp đồng với VFF.

- Báo điện tử Giao Thông ngày 17/2 đưa tin: Bóng đá Việt Nam sắp được chứng kiến sự kết hợp "kinh điển" cho biết: Cựu tiền đạo Lê Công Vinh hé lộ ý định xây dựng đội bóng chuyên nghiệp trong năm 2021 cùng người thầy cũ Henrique Calisto. Trong chia sẻ mới đây, cựu tiền đạo Lê Công Vinh cho biết anh đang có ý định xây dựng một đội bóng chuyên nghiệp trong năm 2021. "Có lẽ, tôi sẽ trở lại và lăn lộn với bóng đá chuyên nghiệp nhiều hơn trong năm nay. Tôi dự định một dự án rất lớn, một kế hoạch dài hơi mà tôi đã ấp ủ từ lâu lắm rồi.

- Báo Doanh nghiệp Việt Nam ngày 17/2 đưa tin: "HAGL chính thức hội quân sau kỳ nghỉ Tết" cho biết: Nhằm chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của mùa giải 2021, nhiều đội bóng tại V.League đã rục rịch hội quân từ khá sớm, Hoàng Anh Gia Lai là một trong số đó. Đội bóng Phố núi trở lại tập luyện từ ngày 16/2, tức mùng 5 Tết Tân Sửu. Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến khá phức tạp ở nhiều địa phương, tất cả các cầu thủ và BHL HAGL buộc phải lấy mẫu xét nghiệm trước khi bước vào buổi tập đầu năm.

- Báo Nhân Dân ngày 16/2 đưa tin:

"Cầu nối" thể thao Việt Nam - Ấn Ðộ

Việt Nam và Ấn Ðộ có mối quan hệ gắn bó truyền thống từ nhiều năm qua trên các lĩnh vực. Riêng trong lĩnh vực thể thao, những năm gần đây, môn võ Vovinam (Việt võ đạo) đã phát triển mạnh mẽ ở nước bạn với nhiều câu lạc bộ được thành lập, thu hút khá đông người tập luyện. Rõ ràng, nếu có một sản phẩm văn hóa Việt Nam có thể được thể hiện rõ nhất trên nước bạn Ấn Ðộ và được nhiều người đón nhận thì đó chính là Vovinam. Trên thực tế, cũng giống như yoga đã trở nên phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, Vovinam có thể có ảnh hưởng tương tự ở Ấn Ðộ nếu môn thể thao này được hỗ trợ và quảng bá đúng cách.

Ðội tuyển bóng đá nam Việt Nam vẫn nằm trong tốp 100 thế giới

Theo bảng xếp hạng mới nhất trong tháng 2-2021 của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), đội tuyển Việt Nam có 1.258 điểm, xếp thứ 94 thế giới, thứ 14 châu Á và tiếp tục là đội tuyển bóng đá số 1 tại Ðông - Nam Á. Trong khi đó, đội tuyển Thái-lan chỉ xếp thứ 113 thế giới với 1.178 điểm và thứ 20 châu Á. Theo thứ tự đánh giá điểm và xếp hạng của FIFA, đội tuyển Việt Nam đã có sự thăng tiến mạnh trong 10 năm qua, từ hạng 137 vào năm 2010 đã vượt lên vị trí 94, tăng 43 bậc.

- Báo Hà Nội mới ngày 17/2 đưa tin:

Giải Cờ vua dành riêng cho các đại kiện tướng quốc tế đầu tiên tại Việt Nam

Giải Cờ vua The Grand Hồ Tràm 2021 sẽ diễn ra từ ngày 10-3 đến 17-3-2021 tại khu The Grand Hồ Tràm (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là giải đấu lần đầu tiên được tổ chức dành cho các đại kiện tướng quốc tế tại Việt Nam, do Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng The Grand Hồ Tràm tổ chức.

Câu lạc bộ Hà Nội xét nghiệm Covid-19 cho các cầu thủ

Ngày 16-2 (mùng 5 Tết Tân Sửu), ngay trong ngày hội quân đầu tiên trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, câu lạc bộ Hà Nội (Hà Nội FC) đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ ban huấn luyện và cầu thủ. Đây là biện pháp an toàn nhằm phòng, chống dịch Covid-19 trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Thể thao Hà Nội: Sẵn sàng cho đấu trường lớn

Sự kiện "Khởi động cùng SEA Games 31" diễn ra thành công tại Thủ đô Hà Nội vào cuối tháng 11-2020 chính là lời hứa, Hà Nội quyết tâm tổ chức kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 năm 2021 (SEA Games 31-2021) thành công. Là địa phương đăng cai chính, thành phố Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng vận động viên, sẵn sàng cho sự kiện thể thao lớn nhất khu vực.

Lùi lịch thi đấu vòng 1 Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia PV Gas 2021

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã quyết định lùi lịch khởi tranh vòng 1 Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia PV Gas 2021. Theo dự kiến, vòng 1 Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia PV Gas 2021 sẽ được tổ chức từ ngày 17 đến 21-3-2021 tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hà Nội.

Nhật Bản siết chặt quy định Olympic Tokyo 2020

Ngày 9-2, Kyodo cho biết, các vận động viên thi đấu tại Olympic và Paralympic Tokyo 2020 sẽ được yêu cầu thực hiện xét nghiệm Covid-19 ít nhất 4 ngày một lần nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho hai sự kiện thể thao quan trọng này. Cụ thể, toàn bộ vận động viên góp mặt tại hai sự kiện thể thao lớn tại Nhật Bản vào mùa hè năm 2021 đều phải tham gia xét nghiệm tại làng vận động viên. Quy định này cũng được áp dụng đối với những trường hợp quyết định tạm trú tại khách sạn.

4.Lĩnh vực Gia đình

- TTXVN ngày 16/2 đưa tin: "Khơi gợi xây dựng dòng họ an toàn trong xuân mới" cho biết: Mỗi dịp Tết đến Xuân về, các gia đình, các dòng họ lại sum họp nói chuyện năm cũ, bàn chuyện năm mới. Với văn hóa truyền thống tốt đẹp như vậy, càng cho thấy vai trò của dòng họ tác động lớn đến đời sống của mỗi con người Việt Nam. Vì thế, tại Hà Nội nhiều địa phương đã xây dựng, khơi gợi phát huy dòng họ an toàn trong mỗi dịp xuân mới. Người trưởng họ ôn lại những kết quả của năm ngoái, khen thưởng những gia đình có nhiều đóng góp cho họ, phát quà tặng cho các con cháu học giỏi, đỗ đạt. Nhưng một phần quan trọng, thu hút được nhiều sự chú ý đó là nhắc nhở những con cháu trong họ còn chểnh mảng làm ăn, ham vui với những chất gây nghiện. Từ đó, nghiêm khắc yêu cầu cá nhân vi phạm quy ước dòng họ rút kinh nghiệm, thay đổi thói quen xấu, tránh xa các tệ nạn xã hội để trở thành công dân tốt.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×