Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 16/2/2024
16/02/2024 | 12:19Khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng, khai hội chùa Hương và Hội Xuân Bái Đính - Giáp Thìn 2024; Các đội tuyển thể thao tập luyện khai xuân tại Trung tâm Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia; Năm 2024, Quảng Ninh sẽ đưa 62 sản phẩm du lịch vào khai thác là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
-TTXVN ngày 16/2 đưa tin:
Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ - nơi cội nguồn dân tộc Việt
Ngày 16/2 (tức mùng 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024) Lễ dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ theo nghi thức truyền thống chính thức diễn ra tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Tại buổi lễ, các đại biểu đã thành kính dâng hương, hoa, lễ vật lên Tổ Mẫu Âu Cơ. Trước anh linh Tổ Mẫu Âu Cơ, Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa Nguyễn Ngọc Anh đọc diễn văn tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ và cầu mong Tổ Mẫu phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Chợ Tết 'Một thoáng Thành Nam' hội tụ các di sản văn hóa truyền thống của Nam Định
Sáng 16/2 (tức ngày mùng 7 Tết), chợ Tết "Một thoáng Thành Nam" xuân Giáp Thìn 2024 đã được khai mạc tại Bảo tàng tỉnh Nam Định với chuỗi hoạt động tái hiện nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán đặc trưng của người Thành Nam xưa. Chợ Tết "Một thoáng Thành Nam" hội tụ đầy đủ các loại hình nghệ thuật của mảnh đất Nam Định như: Hát chèo, hát văn, hát xẩm, ca trù, múa rối nước do các nghệ sĩ, nghệ nhân Nam Định trình diễn. Cùng với đó còn có các hoạt động dân gian như: Biểu diễn võ thuật, thi đấu cờ bỏi, tổ tôm điếm, múa rối nước, nặn tò he, viết thư pháp, đi cà kheo, múa lân - rồng…
Rộn ràng Lễ hội Khai bút tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, Hải Phòng
Ngày 15/2, Lễ hội Khai bút đã diễn ra tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng). Đây là một trong những lễ hội quan trọng, ý nghĩa được thành phố Hải Phòng tổ chức thường niên mỗi dịp đầu Xuân. Lễ hội khai bút đầu Xuân là hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống của dân tộc, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với người dân Việt Nam. Việc khai bút đầu Xuân tượng trưng cho sự khởi đầu tốt đẹp của mọi hoạt động, chương trình, kế hoạch với mong muốn một năm mới hạnh phúc và thành công.
-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 16/12 đưa tin:
Năm đầu tiên triển khai "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống": Kỳ vọng mùa lễ hội văn minh, lành mạnh
Những ngày đầu năm mới cũng là thời điểm mùa lễ hội Xuân 2024 bắt đầu. Cùng với nhiều lễ hội được khai mạc ở khắp mọi vùng miền của cả nước, nhiều yêu cầu đặt ra đối với các địa phương như phải đổi mới, sát sao, quyết liệt, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hướng đến một mùa lễ hội văn minh, lành mạnh, an toàn, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống. Mùa lễ hội 2024 đánh dấu lần đầu tiên "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" do Bộ VHTTDL ban hành ngày 3/8/2023 được triển khai tại các địa phương nhằm hướng tới một mùa lễ hội an toàn, văn minh, lành mạnh.
Hội xuân chùa Bái Đính 2024 với nhiều nét mới
Sáng 15/2/2024 (Tức ngày 06 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Giáo Hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội xuân Bái Đính 2024. Được biết, nét mới năm nay là khai mạc lễ hội sẽ được tổ chức tại khu vực Tam quan nội – chùa Bái Đính. Với 2 phần: phần lễ và phần hội... thể hiện đặc trưng của văn hóa Phật giáo; đồng thời cho thấy sự kết nối, hòa quyện giữa con người và thiên nhiên của vùng đất di sản thế giới, thể hiện khát vọng của con người với những giá trị chân - thiện - mỹ.
-Báo Nhân Dân ngày 15/2 đưa tin:
Hơn 1,2 triệu lượt khách đến Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024
Vào lúc 21 giờ, ngày 14/2 (Mồng 5 Tết Giáp Thìn), Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 với chủ đề "Xuân yêu thương, Tết sum vầy" đã kết thúc thời gian phục vụ người dân và du khách tham quan, thưởng lãm. Suốt 8 ngày phục vụ người dân cùng du khách trong nước và quốc tế (từ ngày 7/2 đến ngày 14/2), hơn 1,2 triệu lượt khách đã đến Đường hoa và hàng chục nghìn lượt tải app Seensio Go - săn hiệu ứng rồng bay được chia sẻ trên các trang mạng xã hội, cùng sự lan tỏa thông tin tích cực từ cộng đồng mạng xã hội. Theo ước tính của ban tổ chức, có khoảng 10 triệu hình ảnh liên quan Đường hoa Nguyễn Huệ 2024 cập nhật trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội trong dịp Tết Giáp Thìn 2024.
Tưng bừng khai hội đền Sóc
Sáng 15/2, hàng chục nghìn người đã dự khai hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Tình hình an ninh trật tự được giữ vững, không xảy ra những lộn xộn trên đường rước các lễ vật. Thay mặt ban tổ chức lễ hội, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh đã nổi hồi trống khai hội Gióng đền Sóc năm 2024. Sau bài văn tế là lễ rước và lễ tế của các thôn làng. Tám lễ vật được cung tiến tại lễ hội Gióng Xuân Giáp Thìn được dâng lên đức Thánh Gióng gồm: Thần mã (ngựa sắt), cầu húc, trầu cau, voi chiến, ngà voi, cỏ voi, kiệu tướng và giò hoa tre trong sự phấn khởi của mọi người dự hội.
Công bố Lễ hội Xương Giang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Tối 14/2 (tức ngày 5 tháng Giêng), tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, UBND thành phố Bắc Giang tổ chức khai mạc Lễ hội 597 năm Chiến thắng Xương Giang (1427-2024) và công bố Lễ hội Xương Giang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái đã trao chứng nhận Lễ hội Xương Giang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho cán bộ và nhân dân thành phố Bắc Giang.
-Báo điện tử VOV ngày 16/2 đưa tin:
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành công nghiệp văn hóa
Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh đó, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành công nghiệp văn hóa trở thành sức mạnh mềm quốc gia. Đây là chia sẻ của ông Choi Seung Jin - Giám đốc Trung tâm Văn hoá Hàn Quốc tại Việt Nam với VOV nhân dịp Tết đến Xuân về. Ngoài câu chuyện phát triển văn hóa, ông Choi Seung Jin cũng trò chuyện về các giá trị độc đáo trong Tết cổ truyền, văn hóa Hàn Quốc vốn được các bạn trẻ Việt Nam vô cùng yêu mến.
Để hội làng luôn là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống
Hội làng là ký ức văn hóa, là di sản văn hóa của một làng, một xã... Và cứ hết Tết vào "Giêng, Hai" chúng ta lại bước vào một không khí lễ hội kéo dài. Theo thời gian, hội làng đã có nhiều sự thay đổi qua các thời kỳ, có những sự biến đổi là tất yếu nhưng cũng có những sự biến đổi đáng lo ngại. Những năm gần đây, hội làng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải nhìn nhận lại công tác tổ chức và xây dựng quy tắc ứng xử cho phù hợp với bối cảnh mới. Vậy làm thế nào để hội làng luôn là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống.
Lễ hội đền Đông Cuông năm Giáp Thìn sẽ diễn ra vào ngày 11 và 12 tháng Giêng
Hàng năm, vào ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng và tháng Chín, lễ hội đền Đông Cuông được tổ chức đều thu hút đông đảo người dân, du khách trong cả nước đến dâng hương, vãn cảnh và cầu lộc, cầu tài. Đền Đông Cuông ở xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái) được biết đến là một ngôi đền lớn, cổ kính, huyền tích thiêng liêng về Mẫu Thượng Ngàn.
-Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 16/2 đưa tin:
Công diễn vở nhạc kịch "Tình sử Thăng Long"
Tối 15-2, vở nhạc kịch sử Việt Tình sử Thăng Long (phóng tác từ kịch thơ Công chúa Ngọc Hân của cố nhà văn, nhà soạn kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ; biên kịch và đạo diễn: Hoàng Hải), đã công diễn suất đầu tiên tại Nhà hát Bến Thành, quận 1. Từ trước Tết Nguyên đán 2024, khi vở nhạc kịch sử Việt tung poster quảng bá, đã tạo nên sức cuốn hút với khán giả sân khấu vì ấn tượng với hình ảnh các nghệ sĩ, diễn viên trong phục trang đẹp, thể hiện được bản sắc văn hóa Việt, đậm chất điện ảnh. Phần trang phục được Hoa niên – Tháng năm tươi đẹp chịu trách nhiệm thiết kế, thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu tập trung công việc ngay sau tết, cán bộ tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thủ tướng nêu rõ, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, tổ chức liên quan khẩn trương giải quyết, xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, đặc biệt là những công việc tồn đọng, chậm tiến độ do nghỉ tết; thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, không tổ chức du xuân, chúc tết làm ảnh hưởng đến thời gian, hiệu quả công việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định cho hoạt động lễ hội, vui chơi… Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.
Tết Giáp Thìn 2024: Đa dạng món ăn tinh thần
Đa dạng, ấn tượng, hấp dẫn là những gì để chỉ các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong những ngày Tết Nguyên đán năm nay. Các văn nghệ sĩ, nghệ nhân trên cả nước đã góp phần mang đến những món ăn tinh thần tuyệt vời cho người dân trong những ngày đón xuân mới.
-Báo Tin Tức, Báo Hà Nội mới, báo điện tử Tổ Quốc và nhiều báo khác ngày 16/2 đưa tin: "Khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng" cho biết: Tối 15-2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội, diễn ra lễ kỷ niệm 1.984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Công nguyên) và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2024. Tại Lễ kỷ niệm, đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Âm vang Mê Linh" nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị kiệt nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị. Ban Tổ chức lễ hội cũng cho biết, bên cạnh hoạt động rước kiệu, cúng tế theo nghi thức truyền thống địa phương, trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống, thi đấu thể thao phục vụ Nhân dân và du khách. Trước đó, sáng 15-2 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng), Lễ hội chùa Hương chính thức khai hội tại sân Thiên Trù - chùa Hương (huyện Mỹ Đức). Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội lớn của Hà Nội kéo dài 3 tháng, thu hút hàng vạn khách tham gia mỗi ngày. Cùng ngày, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức khai mạc "Hội Xuân Bái Đính - Giáp Thìn 2024". Đây là lễ hội mở đầu cho chuỗi sự kiện kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An trong đó có chùa Bái Đính được UNESCO công nhận, vinh danh là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Đông Nam Á với cả hai tiêu chí văn hóa và thiên nhiên.
2.Lĩnh vực Thể thao
-Báo điện tử VOV ngày 16/2 đưa tin:
Vòng 9 V-League 2023/2024: Tâm điểm ở Lạch Tray và Thanh Hóa
V-League 2023/2024 sẽ trở lại vào cuối tuần này sau gần 2 tháng tạm nghỉ nhường chỗ cho ĐT Việt Nam tập luyện, thi đấu ở Asian Cup 2023. Trận đấu sớm nhất vòng 9 V-League 2023/2024 là cuộc so tài của Bình Dương vs Quảng Nam vào lúc 18h ngày 17/2. Ở vòng 9 V-League 2023/2024, các cổ động viên sẽ được chứng kiến những trận đấu hấp dẫn và kịch tính. Hai trong số đó là màn so tài của Thanh Hóa vs Hà Nội FC và Hải Phòng vs Nam Định.
Chính thức: ĐT Việt Nam mất ngôi đầu Đông Nam Á trên bảng xếp hạng FIFA
Trên bảng xếp hạng FIFA mới nhất, ĐT Việt Nam đã không còn giữ vị trí số một Đông Nam Á. Chiều 15/2, FIFA đã công bố bảng xếp hạng mới nhất dành cho các ĐTQG trên thế giới. Đúng như dự đoán, ĐT Việt Nam bị tụt đến 11 bậc từ 94 xuống thứ 105 sau thành tích toàn thua ở Asian Cup 2023. Đáng nói hơn, ĐT Việt Nam đã kết thúc chuỗi những năm đứng đầu Đông Nam Á và nằm trong top 100. Cụ thể, đây là lần đầu tiên kể từ 29/11/2018, ĐT Việt Nam rời khỏi top 100 và mất ngôi vị số 1 Đông Nam Á, kể từ 21/12/2017. ĐT Việt Nam cũng là đội bóng bị trừ điểm nhiều nhất thế giới trên BXH FIFA lần này.
V-League thi đấu với mật độ "khủng khiếp" sau Tết Giáp Thìn
Sau khi trở lại từ kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán Giáp Thìn, các CLB ở V-League sẽ phải thi đấu với mật độ rất dày, 4 ngày/trận. Do quãng thời gian từ nay đến thời điểm ĐT Việt Nam tập trung cho FIFA Days tháng 3 để chuẩn bị cho 2 trận đấu gặp Indonesia ở vòng loại World Cup 2026 là không quá nhiều nên V-League cũng như hạng Nhất Quốc gia sẽ thi đấu liên tục 5 vòng từ nay đến ngày 8/3. Như vậy, trong khoảng 22 ngày sắp tới, các CLB ở các giải chuyên nghiệp của Việt Nam sẽ phải thi đấu với mật độ rất dày, 4 ngày/trận. Đó sẽ là bài toán lớn về mặt thể lực với các cầu thủ khi giải đấu đã tạm dừng từ cuối tháng 12/2023.
-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 16/2 đưa tin:
Bộ Chính trị: Hoàn thiện chính sách, pháp luật đáp ứng phát triển yêu cầu sự nghiệp thể dục, thể thao trong giai đoạn mới
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai mới đây ký Kết luận 70 của Bộ Chính trị về phát triển thể thao trong tình hình mới. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020 đạt được nhiều kết quả tích cực, phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao được chú trọng, góp phần tăng cường sức khoẻ, lối sống lành mạnh cho nhân dân.
-Báo Hà Nội mới ngày 16/2 đưa tin:
Trịnh Thu Vinh và kỳ Thế vận hội đầu tiên
Cô vinh dự trở thành một trong những vận động viên Việt Nam đầu tiên giành vé chính thức tham dự Olympic Paris 2024. Sinh năm 2000, xạ thủ Trịnh Thu Vinh là một trong những gương mặt trẻ đầy tiềm năng của đội tuyển bắn súng Việt Nam. Dù đến với bắn súng khá muộn nhưng nhờ có tố chất và sự nỗ lực trong tập luyện, Thu Vinh vinh dự trở thành một trong những vận động viên đầu tiên giành vé chính thức tham dự Thế vận hội (Olympic Paris) 2024 môn bắn súng.
Các đội tuyển thể thao quốc gia tích cực tập luyện hướng đến Olympic Paris
Ngày 15-2, nhiều đội tuyển quốc gia đã có buổi tập luyện khai xuân đầy hứng khởi. Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2024, nhiều VĐV của trung tâm sẽ thi đấu tại Olympic 2024 và các giải thi đấu quốc tế khác. Trung tâm sẽ đảm bảo tốt nhất, chuyên nghiệp nhất các điều kiện về ăn, ở, chăm sóc sức khỏe, hồi phục dinh dưỡng, trang bị thuốc, thực phẩm chức năng, trang thiết bị tập luyện và thi đấu, tăng cường áp dụng và nghiên cứu khoa học cho các VĐV, nhất là khâu dinh dưỡng và hồi phục sức khỏe để nâng cao thành tích cho các VĐV.
Bóng đá Việt Nam: Kỳ vọng vào hành trình mới
Năm 2023, ở các cấp độ đội tuyển quốc gia, bóng đá Việt Nam bắt đầu một hành trình mới với điểm nhấn lớn nhất liên quan tới sự xuất hiện của một vị huấn luyện viên trưởng mới. Ông P. Troussier (người Pháp) thay thế vị HLV người Hàn Quốc Park Hang-seo, mang tới một phong cách huấn luyện mới, một quan điểm mới về mục tiêu cần hướng tới cũng như về cách dùng người. Kết quả ban đầu không thể làm hài lòng tất cả, nhưng cũng có những yếu tố để người hâm mộ hy vọng vào một sự chuyển mình của bóng đá Việt Nam trong năm Giáp Thìn 2024.
3.Lĩnh vực Du lịch
-Báo Hà Nội mới ngày 16/2 đưa tin:
Hướng đến giá trị bền vững
Phát triển du lịch xanh, du lịch số là một xu hướng tất yếu, đồng thời là yêu cầu cũng như định hướng chiến lược quan trọng của du lịch Việt Nam. Với vị thế Thủ đô của cả nước, Hà Nội là thành phố có nhiều tiềm năng và lợi thế khi hội đủ yếu tố tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch xanh bền vững. Thực tế cho thấy, nhiều điểm đến ở huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức... của Hà Nội đã xây dựng những mô hình du lịch xanh được đông đảo du khách trong và ngoài nước đánh giá cao, như du lịch nông thôn, du lịch trang trại.
Vườn quốc gia Ba Vì đón hơn 4.000 lượt khách trong 5 ngày Tết
Trong kỳ nghỉ Tết (từ ngày 8 đến 14-2), Vườn quốc gia Ba Vì đón 4.042 lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng. Theo ông Đỗ Hữu Thế, Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì, Vườn quốc gia Ba Vì cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km về phía Tây. Nằm trong dãy núi cao chạy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam với đỉnh Tản Viên cao 1.227m, đỉnh Vua cao 1.296m và đỉnh Ngọc Hoa cao 1.131m, khung cảnh hùng vĩ, hoang sơ của núi rừng cùng không khí mát mẻ, trong lành, Vườn quốc gia sở hữu thảm động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng, là địa điểm du lịch lý tưởng thu hút nhiều du khách.
Các di tích Hà Nội đón hàng vạn lượt khách
Trong 3 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn, các di tích của Hà Nội đã đón hàng vạn người đến tham quan, du lịch. Kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn các khu, điểm du lịch, di tích trên địa bàn Hà Nội đều đã đón lượng khách lớn, trong đó có khá đông khách quốc tế. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho ngành Du lịch Thủ đô, hứa hẹn một năm khởi sắc.
-TTXVN ngày 16/2 đưa tin:
Năm 2024, Quảng Ninh sẽ đưa 62 sản phẩm du lịch vào khai thác
Tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ đưa vào khai thác 62 sản phẩm du lịch trong năm 2024 để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, gia tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của khách và từng bước đưa địa phương này trở thành điểm đến "Kỳ quan 4 mùa". Cụ thể, khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long sẽ có thêm 11 sản phẩm với các dịch vụ tàu tham quan, lưu trú có hành trình từ vịnh Hạ Long đến vịnh Bái Tử Long; phát triển các tour tuyến tham quan lưu trú trên vịnh Bái Tử Long; tổ chức các dịch vụ vui chơi; giải trí dưới nước; sản phẩm du lịch văn hóa; trải nghiệm nuôi cấy, chế tác ngọc trai; chèo đua thuyền rồng truyền thống trên vịnh Hạ Long…
Bình Định thu gần 150 tỷ đồng từ du lịch trong dịp Tết Nguyên đán
Theo thống kê từ Sở Du lịch tỉnh Bình Định, sau 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, doanh thu du lịch đạt khoảng 146 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng lượng khách lưu trú và tham quan từ ngày 8 - 14/2/2024 (tức ngày 29 tháng Chạp đến Mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn) ước đạt trên 184.000 lượt, khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt trên 26.400 lượt khách, tăng tương ứng 23% và 75% so với cùng kỳ năm 2023.
Tín hiệu mừng cho ngành du lịch Bắc Giang
Dịp Tết Nguyên đán và những ngày đầu Xuân Giáp Thìn 2024, các khu, điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, vãn cảnh, cầu bình an, may mắn. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, tổng lượng khách du lịch đến địa phương dịp Tết ước đạt 270 nghìn lượt người, tăng 25% so cùng kỳ năm 2023, doanh thu ước đạt 40 tỷ đồng.
635.000 lượt khách du lịch đến Thanh Hóa trong kỳ nghỉ Tết
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thời tiết thuận lợi cùng với đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, chỉ trong 7 ngày (từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng) tỉnh đón 635.000 lượt khách (tăng 48,7%), tổng thu du lịch đạt khoảng 588 tỷ đồng, tăng 51% so với dịp Tết Nguyên đán 2023.
-Báo điện tử VOV ngày 16/2 đưa tin:
Thái Lan ra mắt gói bảo hiểm y tế mới cho du khách nhằm kích cầu du lịch
Du khách nước ngoài tới Thái Lan sẽ được bảo hiểm y tế lên tới 500.000 bạt (baht) (14.000 USD) trong trường hợp xảy ra tai nạn ở Thái Lan và nhận bồi thường lên tới 1 triệu baht (28.000 USD) trong trường hợp tử vong, theo một chiến dịch mới của Chính phủ nước này nhằm đảm bảo an toàn cho du khách ghé thăm xứ sở chùa Vàng. Gói bảo hiểm y tế mới nằm trong chiến dịch được ra mắt hôm 14/2 của Chính phủ Thái Lan nhằm quảng bá hình ảnh của Thái Lan như một điểm đến nghỉ dưỡng toàn cầu.
Du lịch Bình Thuận sôi động ngay từ đầu năm Giáp Thìn 2024
Sáng nay 15/2, Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, từ ngày 8 - 14/2 (tức từ 29 – mồng 5 Tết) toàn tỉnh ước đón trên 205.000 lượt khách tham quan, lưu trú, tăng 28% so với dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, doanh thu ước khoảng 340 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái. Trong đó, cao điểm từ mồng 2 Tết, lượng khách tăng cao, tính chung, công suất phòng huy động bình quân của các khách sạn, resort trong dịp Tết đạt khoảng 75 - 85%. Một số resort có thương hiệu, uy tín đạt công suất phòng tối đa và kéo dài đến hết mồng 4 Tết như: K-Town, Wonderland, Novela, Sonata, Làng Tre, The Cliff…).
Hơn 16.000 lượt khách khám phá bản làng Lai Châu dịp Tết Nguyên đán
Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, nên dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lượng khách đến với Lai Châu tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Ngoài khách thăm thân, Lai Châu còn đón nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, trải nghiệm các bản du lịch văn hóa cộng đồng và các khu, điểm du lịch danh thắng.
-Báo Nhân Dân ngày 15/2đưa tin:
Xem xét xử lý hành chính công ty du lịch vụ bỏ rơi gần 300 khách ở Phú Quốc
Chiều tối 15/2, tin từ Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, đơn vị có báo cáo về kết quả xác minh vụ việc liên quan đến thông tin gần 300 khách du lịch Đài Loan (Trung Quốc) bị bỏ rơi ở thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Căn cứ quy định pháp luật, Thanh tra Sở Du lịch Kiên Giang xem xét hành vi phạm và tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty Winner về hành vi kinh doanh dịch vụ lữ hành: "Không có hợp đồng lữ hành với doanh nghiệp, khách du lịch hoặc đại diện của khách du lịch theo quy định".
Khách du xuân Đà Lạt tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2023
Đến ngày 15/2, tức mùng 6 Tết, phố núi Đà Lạt vẫn tấp nập du khách du xuân, tham quan, trải nghiệm các khu, điểm du lịch. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, lượng du khách đến phố núi trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng khách lưu trú hơn 178,5 nghìn lượt; khách quốc tế 18 nghìn lượt, tăng 114,2% so cùng kỳ năm ngoái. Trong những ngày Tết, dù lượng du khách đông, nhưng không xảy ra tình trạng "cháy" phòng lưu trú. Tại khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt, vẫn còn nhiều khách sạn treo bảng còn phòng.
Nghệ An đón 315 nghìn lượt du khách dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Trong bảy ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Nghệ An đón và phục vụ khoảng 315 nghìn lượt khách tham quan, du lịch, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 400 tỷ đồng. Theo báo cáo của Sở Du lịch Nghệ An, trong vòng bảy ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2024, từ 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến mồng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn (tức ngày 8 đến ngày 14/2/2024), các điểm du lịch ở Nghệ An đón và phục vụ khoảng 315 nghìn lượt khách tham quan, du lịch với tổng doanh thu từ du lịch khoảng 400 tỷ đồng.
Thanh Hóa: Tổng thu du lịch trong dịp Tết Giáp Thìn đạt khoảng 588 tỷ đồng
Ngày 15/2, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, số lượng khách du lịch đến Thanh Hóa tăng 48,7% so dịp Tết Quý Mão năm 2023. Thời tiết dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 khá thuận lợi và các địa phương, khu, điểm du lịch ở Thanh Hóa tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch thu hút du khách. Thành phố Thanh Hóa đón khoảng 100.000 lượt du khách; Ban quản lý Khu di tích lịch sử Lam Kinh đón, phục vụ 40.000 lượt khách; có 4.500 lượt du khách tìm hiểu Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ và có 4.000 lượt khách khám phá du lịch sinh thái, cộng đồng ở Pù Luông.
-Báo Văn Hóa ngày 16/2 đưa tin:
Tết Giáp Thìn 2024, lượng du khách đến Long An tăng 50%
Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, khách du lịch đến Long An đạt khoảng 75.300 lượt du khách, tăng 50% so với cùng kỳ, trong đó có khoảng 1.200 lượt du khách quốc tế. Doanh thu từ hoạt động du lịch dịp này đạt khoảng 37 tỉ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ. Kết quả khởi sắc nói trên có sự đóng góp đáng kể của việc triển khai đồng bộ những giải pháp chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực, xây dựng sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống từ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và địa phương. Đồng thời, chủ động liên kết với các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành các chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho du khách nhằm kích cầu thị trường nội địa.
Siêu tàu du lịch với 2.700 khách quốc tế "xông đất" Nha Trang
Ngày 15.2 (mùng 6 Tết Nguyên đán), siêu tàu biển quốc tế Celebrity Solstice đưa 2.770 du khách từ nhiều quốc gia trên thế giới cập cảng Nha Trang. Đây là chuyến tàu biển đầu tiên "xông đất" Nha Trang dịp đầu năm mới Giáp Thìn 2024. Sau khi siêu tàu Celebrity Solstice cập cảng Nha Trang có khoản 400 du khách đã lên bờ tham quanTháp Bà Ponagar, Hòn Chồng, Làng nghề Trường Sơn, các điểm du lịch, Di tích danh lam lam thắng cảnh tại Nha Trang... Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết: Dự kiến trong năm 2024, Nha Trang – Khánh Hòa đón hơn 44 chuyến tàu biển quốc tế, đây là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi và phát triển hoạt động du lịch tàu biển của Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng, góp phần cho sự thành công của ngành Du lịch Khánh Hòa
4.Lĩnh vực Gia đình
-Báo Hà Nội mới ngày 15/2 đưa tin: "Gửi gắm những ước vọng đầu xuân" cho biết: Sự quan tâm, trợ giúp kịp thời về nhiều mặt của các cơ quan chức năng và cộng đồng thời gian qua góp phần tạo động lực, điểm tựa để người gặp khó vươn lên, an yên đón Tết. Bước sang thềm xuân mới Giáp Thìn 2024, họ gửi gắm nhiều hơn những ước vọng tươi đẹp, mong khó khăn dần lùi xa, tương lai thêm rộng mở. Không khó để nhận thấy, ước vọng của các cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn dịp đầu xuân mới cũng là vấn đề trăn trở của các cơ quan chức năng, của cộng đồng xã hội. Và các bên sẽ tiếp tục chung tay triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điểm tựa cho người gặp khó vươn lên. Phấn đấu đến cuối năm 2024, toàn thành phố giảm 380 hộ nghèo; bảo đảm 100% đối tượng bảo trợ xã hội được thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội; 100% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ xã hội…