Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 16/2/2022

16/02/2022 | 15:12

Xây dựng phương án mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3; Tối nay (16.2), diễn ra lễ trao giải Quả bóng vàng Việt Nam 2021; Ngày thơ Việt Nam năm 2022 thích ứng và linh hoạt trực tuyến và trực tiếp là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

-TTXVN ngày 16/2 đưa tin:

Đặc sắc Đêm thơ Nguyên tiêu

Tối 15/2, tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức chương trình Đêm thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên năm 2022 với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cùng người yêu thơ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Chương trình năm nay được tổ chức linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch COVID-19, vừa mang lại hiệu quả, vừa tạo cảm hứng cho người tham dự.

An toàn mùa lễ hội

Mùa lễ hội đầu năm 2022, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19, ngành Văn hóa tiếp tục chỉ đạo các địa phương tạm dừng các lễ hội truyền thống, chỉ duy trì phần lễ ngắn gọn, không tổ chức phần hội để tránh tập trung đông người. Cùng với đó, để đáp ứng đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người Việt Nam, đón du khách thập phương tới các di tích, công tác phòng dịch COVID-19 đã được tăng cường tối đa.

Bảo tồn nét văn hóa đặc sắc nơi cực Bắc Tổ quốc

Ngày 15/2 (tức Rằm tháng Giêng năm Nhâm Dần 2022), tại thôn Làng Nùng, UBND xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên đã tổ chức Lễ dâng hương chùa Sùng Khánh và Lễ hội Lồng tồng Xuân Nhâm Dần 2022. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, các nghi lễ đã được tổ chức đảm bảo tuân thủ quy định 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Văn học truyền tải nghệ thuật và thông điệp nhân văn của con người

Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 đã được trao cho 4 tác phẩm xuất sắc nhất ở các thể loại: Văn xuôi, lý luận phê bình, văn học dịch và văn học thiếu nhi. Các tác phẩm này đều góp phần truyền tải cái hay, cái đẹp của nghệ thuật và thông điệp nhân văn của con người. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ hy vọng, thông điệp từ những tác phẩm đoạt giải không chỉ có tác động trong giới văn học mà còn tác động tích cực đến xã hội, có sức sống lâu bền trong công chúng.

- Báo Hà Nội mới ngày 15/2 đưa tin:

Các rạp chiếu phim chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch khi đón khán giả

Chiều 15-2, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng đoàn công tác đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một số rạp chiếu phim trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể, đoàn công tác đã tới kiểm tra các rạp chiếu phim: CGV Tràng Tiền Plaza (tầng 5, Trung tâm Thương mại Tràng Tiền Plaza, số 24 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm); BHD Phạm Ngọc Thạch (tầng 8 Trung tâm thương mại Vincom, số 2 Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa); Trung tâm Chiếu phim quốc gia (87 Láng Hạ, quận Ba Đình).

Di tích tăng cường phòng dịch ngày Tết Nguyên tiêu

Hôm nay, 15-2, tức ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Dần - ngày trăng tròn đầu tiên của năm, hay còn được gọi là Tết Nguyên tiêu, người dân thường đi lễ cầu bình an cho người thân và gia đình. Với việc cho phép các địa phương mở cửa di tích phù hợp theo từng cấp độ dịch, bảo đảm an toàn, linh hoạt, hiệu quả, thành phố Hà Nội đã đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân trong dịp đầu xuân mới.

- Báo Nhân Dân ngày 16/2 đưa tin:

Ngày thơ và văn nghệ sĩ Đồng Nai 2022

Chiều 15/2, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 20 và Ngày Văn nghệ sĩ Đồng Nai năm 2022. Trong chương trình, văn nghệ sĩ Đồng Nai và các đại biểu đã được thưởng thức các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc; nghe giới thiệu một số sáng tác thơ mới tiêu biểu của hội viên trong năm 2021 và một số ca khúc mừng Đảng, mừng Xuân.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay chỉ tổ chức phần lễ, hạn chế tập trung quá đông người

Theo kế hoạch, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần 2022 do tỉnh Phú Thọ tổ chức có chủ đề: Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay được tổ chức từ ngày mùng 6/3 đến hết ngày 10/3 âm lịch gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Rằm tháng Giêng trong dòng chảy văn hóa Việt

Từ bao đời nay, sau ngày mùng 7 Tết Nguyên Đán, mọi tầng lớp nhân dân người Việt đều quay trở lại công việc của mình sau những ngày vui xuân, đến mùng 10 thì coi như hết Tết. Đến ngày 15 tháng giêng âm lịch, người dân lại hoan hỷ vui mừng, đến chùa dâng hương cúng Phật, sắp lễ tại bàn thờ gia tiên để cầu gia đạo bình an và may mắn. Không khí của ngày rằm tháng giêng này thật không khác gì những ngày còn trong Tết, là một điểm nhấn quan trọng trong dòng chảy văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Lắng đọng cảm xúc từ Ngày Thơ Việt Nam tại Thái Bình

Sau 2 năm phải tạm hoãn do dịch Covid-19, sáng 15/2 (tức 15 tháng Giêng năm Nhâm Dần), giới văn nghệ sĩ cùng những người yêu thơ quê lúa Thái Bình lại được đắm chìm trong những vần điệu, tứ thơ chất chứa yêu thương từ Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 20 do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình tổ chức. Với chủ đề "Hãy sống và hy vọng", Ngày Thơ Việt Nam năm nay tại Thái Bình được tái hiện dung dị, sâu lắng bằng những giọng ngâm thơ mượt mà, đằm thắm.

Nhiều hoạt động thiết thực trong Ngày thơ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk lần thứ 20 năm 2022

Sáng 15/2 (Tết Nguyên Tiêu), tại đường sách-cà phê Buôn Ma Thuột, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc Ngày thơ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk lần thứ 20 năm 2022. Ngày thơ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk lần thứ 20 năm 2022 với chủ đề "Hãy sống và hy vọng".

- Báo Văn hóa ngày 16/2 đưa tin:

Đông đảo người dân TP.HCM tham gia Đêm hội Nguyên tiêu 2022

Tối 15.2 (nhằm Rằm tháng Giêng năm Nhâm Dần 2022), Ban Tổ chức các ngày lễ lớn TP.HCM tổ chức Đêm hội Nguyên tiêu. Chương trình thu hút hàng ngàn người dân tham gia, tạo không gian sinh hoạt văn hóa vui tươi, ý nghĩa trong những ngày đầu xuân mới. Đêm hội Nguyên tiêu năm nay được tổ chức tại 2 điểm cầu. Tại điểm cầu Trung tâm Văn hóa Quận 5 và điểm cầu Hội quán Nghĩa An với sự mở đầu của đoàn diễu hành khoảng 800 diễn viên từ hơn 20 Hội - Đoàn người Hoa. Dọc hai bên đường, người dân nô nức đến để được chiêm ngưỡng và ghi lại những hình ảnh đặc sắc của chương trình Lễ hội.

Bình Định khánh thành Khu đền thờ Tây Sơn Tam kiệt

Tiếp tục chương trình công tác tại Bình Định, chiều 15.2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khánh thành Khu đền thờ Tây Sơn Tam kiệt tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn). Dự lễ còn có Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành Trung ương. Năm 2014, Khu di tích Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2015, tỉnh đã xây dựng, nâng cấp tôn tạo quần thể Khu di tích, với mong muốn dựng xây một công trình tôn vinh sự nghiệp lẫy lừng của Triều đại Tây Sơn, công lao của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, đưa Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt - Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt trở thành điểm đến văn hóa - lịch sử phục vụ du khách trong nước và quốc tế.

"Nỗi nhớ mùa đông" của nhạc sĩ Phú Quang vang lên ở Paris

Tết đến, xuân về ở VN, Paris thiên hạ vẫn áo đông khăn cuốn, mũ len. Nhiều người đếm từng cái Tết xa quê. Thời đại công nghệ tiên tiến, chỉ một cái nhấp trên phím, hay di di thôi, cả quê hương hiện lên trên màn hình. Một cảm giác xa vời vợi, không được tắm mình trong không khí thực sự quê hương. Đường bay du lịch về quê chưa nối lại vì covid. Những người con xa xứ mỗi khi Tết đến vẫn mơ trở về quê cha đất tổ. Và Tết năm nay, những người con xa xứ càng nhớ quê hương hơn khi những giai điệu "Nỗi nhớ mùa đông" của nhạc sĩ Phú Quang vang lên day dứt giữa Paris hoa lệ.

2.Lĩnh vực Du lịch

-TTXVN, báo Văn Hóa và nhiều báo khác ngày 15/2 đưa tin: "Xây dựng phương án mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3" cho biết: Sáng 15/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp bàn phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, gắn với từng bước phục hồi kinh tế - xã hội. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại cuộc họp, đại diện một số bộ, ngành đã tập trung thảo luận nội dung chi tiết, xây dựng phương án để có thể mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3, theo tinh thần khẩn trương nhất, thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch, gắn với từng bước phục hồi kinh tế - xã hội.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 16/2/2022 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19, ngành Du lịch nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung, gặp rất nhiều khó khăn. Trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, mỗi bộ, ngành phải khẩn trương, trách nhiệm trong thực hiện hiệu quả các giải pháp mở cửa lại hoạt động du lịch, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch. Sau cuộc họp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan để có hướng dẫn kịp thời, chi tiết về việc mở cửa lại hoạt động du lịch, sớm có báo cáo Chính phủ.

- TTXVN ngày 16/2 đưa tin:

Bảo đảm an toàn cho du khách tham quan chùa Hương

Ngày 15/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng dẫn đầu Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố kiểm tra công tác tổ chức, chuẩn bị đón khách về tham quan, lễ Phật tại Khu Di tích - Thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương). Theo đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu huyện Mỹ Đức cần chú trọng đảm bảo an toàn cho du khách, nhất là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Hà Nội mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch: Vì mục tiêu đón 10 triệu khách năm 2022

Cùng với bối cảnh chung của cả nước, du lịch Hà Nội vài năm gần đây có nhiều chỉ số ở mức rất thấp, thậm chí không bằng một nửa so với những năm trước khi có dịch COVID-19. Với lợi thế là Thủ đô, trung tâm của đất nước, có nhiều danh thắng nổi tiếng, Hà Nội luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp rất lớn cho ngân sách thành phố. Không những thế, du lịch của Hà Nội còn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển văn hóa, xây dựng hình ảnh đẹp cho bạn bè quốc tế, nâng cao vai trò, vị thế của "Thành phố Vì hòa bình".

Mở cửa đầu Xuân, Quảng Ninh hút khách đến các điểm du lịch tâm linh

Trong nửa tháng kể từ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (1-15/2), tỉnh Quảng Ninh đã đón trên 837.000 lượt khách, tập trung chủ yếu tại các điểm du lịch tâm linh như: Khu di tích và danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng, đền Cửa Ông, chùa Cái Bầu… Tổng lượng khách lưu trú đạt khoảng 40.000 lượt. Tổng thu từ du lịch đạt gần 1.000 tỷ đồng. Từ ngày 1/1 đến 30/6, Quảng Ninh giảm 50% giá vé tham quan du lịch tại các điểm tham quan lớn của tỉnh như: Khu danh thắng Yên Tử, vịnh Hạ Long, Bảo tàng và Thư viện tỉnh.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám đông khách trong ngày đầu mở cửa trở lại

Từ 15/2, các di tích văn hóa – lịch sử trên địa bàn Hà Nội được phép mở cửa trở lại đón khách. Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một điểm thăm quan không thể thiếu với mỗi du khách khi đến với Hà Nội cũng đã được mở cửa trở lại từ 8 giờ ngày 15/2. Việc mở cửa đón khách thăm quan được đơn vị quản lý thực hiện đúng quy trình phòng dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Tàu cao tốc Vũng Tàu-Côn Đảo chạy lại sau 9 tháng dừng hoạt động

Sáng 15/2, tàu cao tốc Trưng Nhị (Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc) chở 598 hành khách đã khởi hành từ cảng Cầu Đá (thành phố Vũng Tàu) đi Côn Đảo. Như vậy, sau 9 tháng dừng hoạt động do dịch COVID-19, tuyến tàu cao tốc Vũng Tàu-Côn Đảo-Vũng Tàu đã chính thức hoạt động trở lại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và du khách từ Vũng Tàu đi Côn Đảo và ngược lại.

-Báo Nhân Dân ngày 16/2 đưa tin: Du lịch "phá băng", chỉ dấu phục hồi cho biết: Sau thời gian dài "đóng băng" do đại dịch Covid-19, bước sang năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đã có những dấu hiệu khởi sắc ở cả thị trường du lịch nội địa và quốc tế, hứa hẹn khả năng phục hồi mạnh mẽ, nhanh chóng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

- Báo Hà Nội mới ngày 16/2 đưa tin: "Sẵn sàng để phát triển du lịch an toàn" cho biết: UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 năm 2022-2023. Lộ trình thực hiện qua 2 giai đoạn để từng bước phục hồi, phát triển du lịch an toàn. Hiện các đơn vị, quận, huyện, thị xã đang có phương án cụ thể để sẵn sàng tiến tới mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch trong năm 2022.

- Báo Văn Hóa ngày 16/2 đưa tin:

Cuộc thi Hoa hậu Du lịch Biển Việt Nam 2022: Tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản số 221/UBND-KGVX chấp thuận cho phép Công ty TNHH Hunky Dory Việt Nam tổ chức cuộc thi Hoa hậu Du lịch Biển Việt Nam 2022. Ông Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Trong năm 2022, Khánh Hòa tổ chức 125 hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; trong đó, cuộc thi Hoa hậu Du lịch Biển Việt Nam 2022 là sự kiện điểm nhấn tiêu biểu, tạo ra không khí sôi nổi thu hút du khách đến với địa phương.

Nỗ lực đưa khách trở lại

Để chuẩn bị phục vụ cho thị trường du lịch một cách tốt nhất, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết, sắp tới, ngành du lịch thành phố nỗ lực cùng với Hiệp hội Du lịch thành phố, các hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng một số nội dung kích cầu du lịch trong tháng 4.2022 để thu hút khách. Hiện nay, các doanh nghiệp phục vụ du lịch tại Đà Nẵng đã sẵn sàng về hệ thống cơ sở dịch vụ, hệ thống sản phẩm, các nguồn lực xúc tiến, phối hợp cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan xúc tiến du lịch địa phương, Tổng cục Du lịch, các hiệp hội, Quỹ xúc tiến du lịch thành phố... để xác định nguồn khách chính cho thành phố Đà Nẵng. Trong đó tập trung trọng điểm cho nguồn khách nội địa các địa phương lân cận, tiềm năng và truyền thống.

Phú Quốc - Sức hút từ những biểu tượng xứng tầm quốc tế

Từ "viên ngọc thô" cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ, hoang sơ, Phú Quốc dần chuyển mình trở thành điểm đến vươn tầm quốc tế với loạt biểu tượng độc đáo, dịch vụ du lịch đẳng cấp. Nếu như trước kia Phú Quốc vẫn luôn được nhớ đến như một miền thiên nhiên hoang sơ, nằm ẩn mình giữa đại dương xanh, thì nay, hòn đảo với diện tích chưa đầy 600 km2 trong vòng 5 năm đã xuất hiện rất nhiều công trình biểu tượng. Sự chuyển mình mạnh mẽ với tốc độ phát triển đáng kinh ngạc, mang dáng dấp, hình hài của một đô thị hiện đại, thông minh, năng động của Phú Quốc đang được đánh giá cao bởi cả du khách nội địa và quốc tế.

Sẽ hỗ trợ Đắk Lắk 2 triệu USD để bỏ hẳn du lịch cưỡi voi

Liên quan đến thông tin đăng tải trên mạng xã hội và báo chí về việc du khách bức xúc trước cảnh tượng những con voi ở một điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị vắt kiệt sức để phục vụ du lịch và bị chủ voi đánh đến chảy máu, đại diện Tổ chức Động vật châu Á đã lên tiếng. Từ năm 2016 đến nay, Tổ chức Động vật châu Á đã hỗ trợ công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk với số tiền tài trợ 350.000 USD. Riêng với dự án ký kết chuyển sang mô hình du lịch thân thiện, chấm dứt hoạt động cưỡi voi, dự kiến Tổ chức Động vật châu Á sẽ tài trợ cho Đắk Lắk trên 2 triệu USD. Trong đó, sẽ hỗ trợ tài chính cho chủ voi, nài voi để bù đắp phần thu nhập bị mất khi ngừng hoạt động du lịch cưỡi voi, triển khai hỗ trợ mô hình thân thiện voi...

- Báo điện tử VOV ngày 16/2 đưa tin:

Du lịch Tây Ninh khởi sắc tạo đà phục hồi phát triển kinh tế

Nhờ các biện pháp quyết liệt để khống chế dịch bệnh hiệu quả và các giải pháp kích cầu du lịch hợp lý, Tây Ninh đang nổi lên như là một điểm đến an toàn, hấp dẫn trong những ngày đầu xuân. Theo ông Trần Hải Sơn - Phó Trưởng ban phụ trách Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, thống kê trong 10 ngày đầu năm Nhâm Dần, đã có hơn 1 triệu khách tham quan núi Bà Đen, trong đó có khoảng 600.000 lượt khách di chuyển lên đỉnh núi bằng cáp treo.

Khôi phục các hoạt động du lịch tại phố cổ Hội An

"Đêm phố cổ Hội An" đầu thế kỷ XX được tái hiện cùng việc khôi phục các hoạt động du lịch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể các hội quán, chùa chiền… Hội An đang lấy lại hình ảnh đặc sắc của một thành phố du lịch sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Mông Cổ mở cửa đón du khách quốc tế

Hôm (14/2), ông L.Oyun-Erdene - Thủ tướng Mông Cổ tuyên bố dỡ bỏ tất cả hạn chế Covid-19 (trừ các đồn biên phòng), chỉ còn quản lý việc tiêm vaccine, khuyến nghị mọi người rửa tay, đeo khẩu trang và giãn cách để tự bảo vệ bản thân. "Nếu đã được tiêm chủng đầy đủ, khách du lịch và nhà đầu tư được chào đón đến Mông Cổ mà không có thêm yêu cầu nào. Những du khách chưa tiêm phòng cũng được chào đón tại Mông Cổ và sẽ được tiêm phòng tại đây nếu đủ điều kiện" – ông L.Oyun-Erdene phát biểu.

3.Lĩnh vực Thể thao

-Báo Tin tức ngày 16/2 đưa tin:

Đội tuyển U23 Việt Nam luôn theo dõi sát sức khỏe các thành viên

Sáng 15/2, toàn bộ đội tuyển U23 Việt Nam đều đã nhận được kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và sẵn sàng cho các trận đấu sắp tới. Trong buổi tập ngày 15/2, Ban huấn luyện đội tuyển U23 Việt Nam đã cho các cầu thủ rèn thể lực ở phòng gym của khách sạn dưới sự hướng dẫn của trợ lý thể lực Lê Cao Cường. Buổi tập nhằm củng cố nền tảng thể lực cho các cầu thủ diễn ra trong 1 giờ.

Đội tuyển U23 Singapore có thêm nhiều cầu thủ mắc COVID-19

Đội tuyển U23 Singapore có nguy cơ phải rút khỏi giải vô địch U23 Đông Nam Á 2022 khi liên tục phát hiện các ca mắc COVID-19 trước thềm trận đấu đầu tiên. Mặc dù mới chính thức khởi tranh ngày 14/2 nhưng giải vô địch U23 Đông Nam Á đang gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi đương kim vô địch - đội tuyển U23 Indonesia không thể tham gia giải đấu do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thì chiều ngày 15/2, đội tuyển U23 Myanmar cũng phải buộc chấp nhận rút lui do nhiều cầu thủ cho kết quả dương tính. Như vậy, cả hai trận đấu của bảng B đã không thể diễn ra như dự tính.

- Báo Hà Nội mới ngày 16/2 đưa tin:

SEA Games 31 có thể áp dụng quy định U23+3 cho bóng đá nam

Ban Tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31 chuẩn bị đệ trình Hội đồng Thể thao Đông Nam Á để xin thông qua quy định cho phép độ tuổi dành cho các cầu thủ môn bóng đá nam ở SEA Games 31 là U23+3 (gồm các cầu thủ 23 hoặc dưới 23 tuổi và 3 cầu thủ trên 23 tuổi). Đây là thay đổi so với SEA Games 30 - áp dụng quy định giới hạn độ tuổi là U22+2.

U23 Myanmar rút lui khỏi giải vô địch Đông Nam Á

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, U23 Myanmar không đủ lực lượng để thi đấu ở giải vô địch Đông Nam Á và quyết định rút lui. Ngày 15-2, Liên đoàn Bóng đá Myanmar (MFF) đã gửi đề nghị đến Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) về việc rút lui khỏi giải U23 Đông Nam Á 2022. U23 Myanmar có nhiều ca mắc Covid-19 trong đội hình. Vì vậy, họ không đủ lực lượng để tiếp tục dự giải.

Tiền vệ Quang Hải vắng mặt trong Lễ trao giải Quả bóng vàng Việt Nam 2021

Tiền vệ Quang Hải sẽ không góp mặt trong Lễ trao giải Quả bóng vàng Việt Nam 2021 diễn ra ngày 16-2-2022 tại thành phố Hồ Chí Minh vì lý do sức khỏe. Lễ trao giải Quả bóng vàng Việt Nam 2021 diễn ra ngày 16-2 tại thành phố Hồ Chí Minh. Ở hạng mục dành cho các cầu thủ nam, 5 cầu thủ có tên trong danh sách rút gọn Quả bóng vàng nam gồm: Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Quang Hải, Quế Ngọc Hải, Nguyễn Hoàng Đức và Nguyễn Tiến Linh.

-Báo điện tử VOV ngày 16/2 đưa tin:

Lễ trao giải Quả bóng vàng Việt Nam 2021 diễn ra khi nào, ở đâu?

Lễ trao giải Quả bóng Vàng Việt Nam 2021 sẽ có 3 hạng mục gồm Quả bóng Vàng nam, Quả bóng Vàng nữ và Quả bóng Vàng Futsal. Tối nay (16/2), Lễ trao giải "Quả bóng vàng Việt Nam 2021" sẽ diễn ra lúc 20h00 tại Nhà hát TP.HCM và được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV6. Đây sẽ là sự kiện hâm nóng làng bóng đá Việt Nam trước khi bước vào mùa giải 2022. Ở hạng mục Quả bóng Vàng nam 2021, top 5 đề cử gồm Nguyễn Hoàng Đức (Viettel FC), Nguyễn Quang Hải (Hà Nội FC), Nguyễn Tiến Linh (Bình Dương), Nguyễn Tuấn Anh (HAGL) và Quế Ngọc Hải (vừa chuyển từ Viettel FC tới SLNA).

HAGL nắm lợi thế sân nhà ở vòng bảng AFC Champions League 2022

HAGL nắm lợi thế sân nhà ở vòng bảng AFC Champions League 2022 sau khi ban tổ chức giải quyết định các trận đấu của bảng H sẽ diễn ra tại Việt Nam. Trang chủ AFC Champions League thông báo, bảng H sẽ được tổ chức thi đấu tập trung tại Việt Nam từ ngày 16/4 tới 1/5 tới. Điều này đồng nghĩa với việc, HAGL sẽ có lợi thế sân nhà trong lần trở lại đấu trường cao nhất của bóng đá châu Á ở cấp độ CLB.

U23 Việt Nam phải tuân thủ những quy định phòng dịch khắt khe ở giải U23 Đông Nam Á

Sau khi 2 đội U23 Indonesia và U23 Myanmar rút lui khỏi giải U23 Đông Nam Á 2022, ban tổ chức (BTC) đã thắt chặt hơn những quy định phòng chống dịch Covid-19. Chiều 15/2, U23 Myanmar đã xin rút lui khỏi giải U23 Đông Nam Á 2022 do có nhiều cầu thủ trong đội mắc Covid-19. Trước đó, U23 Indonesia cũng đã bỏ giải vì lý do tương tự. Trước tình hình này, BTC đã thắt chặt hơn những quy định phòng chống dịch Covid-19 và yêu cầu các đội dự giải, trong đó có U23 Việt Nam phải chấp hành nghiêm túc.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo điện tử Chính Phủ ngày 16/2 đưa tin: "Từ ngày 18-2, không cần mang giấy khai sinh, giấy kết hôn đi làm thủ tục hành chính" cho biết: Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư 01/2022/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28-7-2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến. Thông tư có hiệu lực từ ngày 18-2-2022. Theo thông tư, có thể sử dụng bản điện tử giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn… để thực hiện các thủ tục hành chính thay cho bản giấy.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×