Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 13/5/2021
13/05/2021 | 14:19Hà Nội siết chặt công tác quản lý, giám sát các khách sạn là nơi cách ly y tế; Hoãn lưu diễn vở nhạc kịch 'Những người khốn khổ' để phòng chống dịch Covid-19; Đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho ba trận đấu còn lại trong khuôn khổ Vòng loại thứ hai World Cup 2022 là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
- Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 13/5 đưa tin:
Tiếp nhận bộ tranh sơn mài quý về nội dung Truyện Kiều
Ngày 12-5, ông Hồ Bách Khoa, Trưởng ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du (thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, cơ quan này vừa tiếp nhận thêm bộ tranh sơn mài quý về nội dung Truyện Kiều do một cá nhân yêu mến Truyện Kiều lưu giữ lâu dài và nay làm thủ tục chuyển nhượng. Bộ tranh được làm bằng chất liệu sơn mài, khảm vỏ trứng thếp vàng, gồm 4 bức tranh, mỗi bức có trọng lượng hơn 2kg, chiều rộng 35cm, chiều cao 1,2m, xung quanh viền của mỗi bức tranh được làm nổi theo biểu tượng cây tre truyền thống.
Nhân lực làm phim: Thiếu và phân tán
Đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh là tiền đề để phát triển thị trường tiến tới ngành công nghiệp điện ảnh, sớm bắt kịp sự phát triển của thế giới. Tất cả các khâu có đạt đến sự chuyên nghiệp thì điện ảnh Việt mới đi lên và khẳng định được vị thế. Theo PGS-TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: "Đội ngũ làm phim hiện nay ngày càng mỏng và thiếu đồng bộ. Nguồn nhân lực chất lượng cao cạn kiệt dần do không được tiếp tục đào tạo ở nước ngoài, còn đào tạo trong nước chưa đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng".
Lao đao vì "cú đấm bồi" Covid-19
Hơn một năm qua, trên cả nước, khó tìm được những buổi sân khấu sáng đèn. Các đợt diễn lớn vào mùa xuân, dịp lễ… gần như bị "đóng băng" bởi nếu không vướng vào các đợt giãn cách xã hội buộc phải đóng cửa rạp thì công chúng cũng chưa thoát khỏi tâm lý e dè khi tham gia hoạt động đông người. Người làm nghề cố gắng bám trụ, luyện tập, chuẩn bị kịch bản mới, vở diễn mới. Nhà sản xuất tìm đủ cách kích cầu từ giảm giá vé đến vận động các quan hệ quen biết để được ủng hộ, gắng cầm cự.
- Báo điện tử Người Lao động ngày 13/5 đưa tin: Múa rối nước ứng phó với dịch bệnh cho biết: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng tại TP HCM đã chuẩn bị phương án đối phó trong điều kiện mới khi sàn diễn nghệ thuật được phép mở cửa. Đó là mô hình xây dựng sân khấu múa rối nước mini, dễ dàng thích ứng với diện tích biểu diễn nhỏ, không gian mở và không tập trung đông người. "Nếu kích thước sân khấu thủy đình lớn có chiều dài từ 7 - 10 m thì sân khấu thủy đình mini chỉ 4,5 m.
- Báo Văn hóa ngày 12/5 đưa tin:
Tháo gỡ vướng mắc về thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan
Ngày 12.5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đã làm việc với Cục Bản quyền tác giả và các đơn vị liên quan về tình hình thực hiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Thứ trưởng Đoàn Văn Việt lưu ý, những năm qua, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đã phát huy vai trò tạo hành lang pháp lý quan trọng và cần thiết cho hoạt động sáng tạo, khai thác và thụ hưởng tác phẩm cũng như trong thực thi pháp luật trong nước và hội nhập quốc tế... Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn thi hành thời gian qua cho thấy nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ còn tồn tại một số vướng mắc, đòi hỏi phải được tháo gỡ thông qua nội dung sửa đổi trong Dự án Luật sửa đổi.
Phim hành động, thách thức mới cho điện ảnh Việt
Dòng phim hành động luôn bị coi là mạo hiểm và chứa đựng nhiều rủi ro với điện ảnh Việt, nhưng lại là "cỗ máy hút bạc" của điện ảnh thế giới. Tuy nhiên gần đây, hàng loạt dự án phim hành động "made in Vietnam" được khởi động với nhiều gương mặt trẻ tài năng đã hứa hẹn một năm rộn ràng của dòng phim này. Kể từ khi bộ ba Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn và Dustin Nguyễn về nước, điện ảnh Việt bắt đầu có những tác phẩm hành động đúng nghĩa với Dòng máu anh hùng (2007) hay Bẫy rồng (2009). Nhưng việc Bụi đời Chợ Lớn (2013) bị cấm ra rạp, cộng thêm thất bại phòng vé của Lửa Phật (2013), thể loại này bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Những bộ phim như Hương Ga (2014), Truy sát (2015) hay Găng tay đỏ (2016) lại không đủ sức nặng khi chất lượng chỉ ở mức trung bình…
Những trang sách lan tỏa giá trị nghệ thuật
Sách nghệ thuật từng là thể loại "hiếm hoi" trong ngành xuất bản Việt bởi thiếu đội ngũ tác giả, ít về số đầu sách và kén độc giả. Tuy nhiên gần đây, dòng sách này đã tạo được sức hút với sự ra mắt của nhiều tác phẩm giá trị, được cộng đồng những người yêu sách đón nhận. Tại tọa đàm "Bàn về sách mỹ thuật đối với sinh viên" diễn ra tại trường ĐH Mỹ thuật VN mới đây, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên khoa Hội họa của trường cho biết, khi du học và tham gia giao lưu nghệ thuật ở nước ngoài, anh thường mang về những vali đầy chặt sách nghệ thuật. Bởi việc tiếp cận những cuốn sách từ nước ngoài gần như là cách để anh tìm hiểu về nghệ thuật thế giới. Tại Việt Nam, sách về nghệ thuật hiện đại, cận đại, sách công cụ rất cần thiết với người học mỹ thuật, tuy nhiên lại gần như vắng bóng, nội dung ít hấp dẫn, chưa đáp ứng được nhu cầu độc giả. Theo các nhà nghiên cứu, nhu cầu về sách nghệ thuật ở Việt Nam có, nhưng lượng người quan tâm rất nhỏ. Bởi vậy, số lượng in ra khiêm tốn và phát hành mãi mới hết. Điều này khiến tác giả và các đơn vị xuất bản không mấy mặn mà.
-Báo Kinh tế Đô thị ngày 13/5 đưa tin:
Giữ lửa nghề trên sân khấu xiếc
Dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến sân khấu biểu diễn cả nước, trong đó sân khấu tròn của nghệ thuật xiếc không phải ngoại lệ. Nhiều hợp đồng diễn bị hủy, chương trình lớn được đầu tư chưa thu được vốn, nghệ sĩ xiếc một lần nữa lao đao với bài toán kinh tế. Hiện nay, Ban Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cố gắng duy trì căng tin ăn trưa cho diễn viên tập luyện. Một bữa ăn miễn phí không là bao nhưng hỗ trợ cho diễn viên trẻ có động lực đi tập. Điều đáng nói là mặc dù vô cùng khó khăn, đòi hỏi về nghề của nghệ thuật xiếc cũng rất khắc nghiệt, nhưng lớp nghệ sĩ trẻ vẫn luôn nuôi giữ ngọn lửa đam mê và tình yêu với nghệ thuật xiếc".
"Mắt xẩm" qua góc nhìn giới trẻ
Từ ngày 16/5 đến ngày 22/5 tại Vicas art studio (32 Hào Nam, Hà Nội) sẽ diễn ra chuỗi hoạt động "Mắt xẩm" giới thiệu những góc nhìn, quan điểm đa dạng về hát xẩm. Chuỗi hoạt động "Mắt xẩm" với sự góp mặt của các loại hình như âm nhạc thể nghiệm, triển lãm tranh, nghệ thuật sắp đặt và tọa đàm chuyên môn. Lễ khai mạc, bế mạc, tọa đàm, workshop đã được chuyển đổi thành trực tuyến nhằm đảm bảo các yêu cầu hiện nay về chống dịch Covid-19.
Điện ảnh Việt thích ứng với khó khăn
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều bộ phim ăn khách như: "Lật mặt 48h", "Thiên thần hộ mệnh", "Trạng Tí phiêu lưu ký" phải tạm ngừng chiếu tại các rạp ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các đoàn làm phim thể hiện năng lực, thích nghi với tình trạng dịch bệnh, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm.
- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 13/5 đưa tin:
'Những người khốn khổ' lỗi hẹn với khán giả TP. Hồ Chí Minh
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngày 12/5, Nhà hát Vũ Kịch Việt Nam đã có thông báo sẽ hoãn chương trình lưu diễn vở nhà kịch "Những người khốn khổ". Cụ thể, theo thông báo, đứng trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng các hoạt động tụ tập đông người, đồng thời đảm báo sức khỏe của cộng đồng, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam xin phép quý khán giả được tạm hoãn lịch diễn vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk đêm 30/5 và TP. Hồ Chí Minh từ ngày 2,3 và 4/6 sang khoảng thời gian hợp lý và an toàn hơn sau khi dịch bệnh kết thúc.
Khánh Vân được đánh giá cao tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới
Chuyên trang sắc đẹp uy tín Sash Factor vừa có dự đoán, đại diện của Việt Nam Khánh Vân là một trong ứng cử viên sáng giá trở thành tân Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2021 bên cạnh các thí sinh đến từ các cường quốc sắc đẹp như: Venezuela, Puerto Rico, Colombia, Brazil, Chile…Theo Sash Fator, hình thể Khánh Vân hiện tại không phải sự lựa chọn hàng đầu của cộng đồng yêu sắc đẹp song chuyên trang này nhận thấy ở đại diện Việt Nam một tiềm năng rất lớn, không đơn thuần chỉ là gương mặt đại diện cho một quốc gia.
2.Lĩnh vực Du lịch
- Báo Hà Nội mới, báo Văn hóa và nhiều báo khác ngày 13/5 đưa tin: "Hà Nội: Yêu cầu các khách sạn làm nơi cách ly triển khai hệ thống camera giám sát" cho biết: Sở Du lịch Hà Nội vừa ra văn bản số 327/SDL-QLCSLT gửi các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch trên địa bàn. Trong đó, Hà Nội yêu cầu các khách sạn làm nơi cách ly phải triển khai hệ thống camera giám sát. Ngoài ra, Sở Du lịch yêu cầu các đơn vị đáp ứng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch, chủ động tạo lập và sử dụng mã QR Code; cài đặt ứng dụng Bluezone để phục vụ giám sát, truy vết tiếp xúc dịch Covid-19.
- Báo điện tử VOV ngày 13/5 đưa tin:
TP.HCM lọt top 10 nơi đáng sống và làm việc thời "bình thường mới"
Xu hướng làm việc từ xa ngày càng thịnh hành trong thời kỳ hậu Covid-19. Ý tưởng đổi ghế sofa và bốn bức tường cho một bãi biển đầy cát thực sự hấp dẫn. Trong thời kỳ "bình thường mới", phong cách sống và làm việc kiểu "du mục" ngày càng được nhiều người lựa chọn. Sự trợ giúp của công nghệ giữ cho mọi thứ luôn kết nối với nhau, dù bạn di chuyển liên tục tới bất kỳ đâu trên thế giới. Mới đây hãng Club Med đã thực hiện phân tích một loạt tiêu chí để tìm ra những địa điểm phù hợp nhất cho những ai lựa chọn phong cách sống này. Cụ thể, nghiên cứu đã đánh giá về chi phí sinh hoạt, sự an toàn, tốc độ Internet trung bình, các lựa chọn khám phá cuối tuần, số lượng các hoạt động thư giãn giải trí và chất lượng địa điểm làm việc.
Ninh Thuận tạm dừng đón khách du lịch để phòng dịch Covid-19
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành và địa phương về việc đẩy mạnh thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Sáng nay (12/5), Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận có văn bản gửi các sở, ban, ngành và địa phương về việc đẩy mạnh thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Từ ngày 12/5/2021, Ninh Thuận tạm dừng các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, các sự kiện tập trung đông người (trên 30 người).
Người Anh giúp "hồi sinh" ngành du lịch Bồ Đào Nha?
Nhu cầu du lịch tại Anh đang bùng nổ sau khi chính phủ nước này gỡ bỏ lệnh cấm đi du lịch nước ngoài. Bồ Đào Nha là một trong số quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách này. Bồ Đào Nha là một trong số 12 quốc gia và vùng lãnh thổ mới được thêm vào "danh sách xanh" của Anh. Theo đó, du khách Anh đến Bồ Đào Nha du lịch từ ngày 17/5 mà không bị cách ly, nhưng vẫn yêu cầu hai lần kiểm tra Covid-19, một trước khi trở lại Anh và một trong vòng hai ngày sau khi trở về.
- Báo Hà Nội mới ngày 12/5 đưa tin: "Tổng thu lĩnh vực du lịch của thành phố Hồ Chí Minh đạt hơn 29.700 tỷ đồng" cho biết: Theo Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, trong 4 tháng đầu năm 2021, lượng khách nội địa đến thành phố khoảng 6,16 triệu lượt, tổng thu 4 tháng ước đạt hơn 29.700 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 5-2021, cùng với việc thực hiện quy định hạn chế tập trung đông người để phòng, chống dịch Covid-19 và lùi thời gian tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch như đã dự kiến vào dịp thuận lợi hơn;
- Báo Giáo dục và Thời đại ngày 12/5 đưa tin: "Du lịch Đà Nẵng: Thêm một lần "đau" vì Covid-19" cho biết: Du lịch Đà Nẵng đã chịu thiệt hại khá nặng nề sau 2 lần dịch vào năm 2020. Sau khi TP kiểm soát dịch, ngành du lịch bắt đầu tung ra sản phẩm để kích cầu du lịch, thu hút du khách đến với địa phương. Kỳ nghỉ lễ dài ngày trong dịp lễ 30/4 và 1/5 là khoảng thời gian lý tưởng để Đà Nẵng vực dậy sau khoảng thời gian khó khăn. Thế nhưng, dịch quay trở lại cùng một lần "đau" cho Đà Nẵng. Việc du khách nhanh chóng hủy tour, hủy phòng khi dịch phức tạp như là một cú "đá bồi" của dịch Covid-19 vào ngành du lịch của TP và ngành du lịch trên cả nước. Bởi ngành du lịch của thành phố vốn đã chịu thiệt hại khá nặng nề do dịch Covid-19 gây ra trong năm 2020 giờ đây lại thiệt hại nặng nề hơn.
- Báo Vietnamplus ngày 12/4 đưa tin: "Khu nghỉ dưỡng với các ngôi nhà hình Quẩy Tấu xác lập kỷ lục Việt Nam" cho biết: Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa xác lập kỷ lục cho khu nghỉ dưỡng với các ngôi nhà hình Quẩy Tấu (chiếc địu lưng của người dân tộc Mông) được xây dựng đầu tiên ở xã Đồng Hà, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Khu nghỉ dưỡng hình Quẩy Tấu được xây dựng với 15 ngôi nhà nằm trong khuôn viên rộng hơn 20ha đã tạo cảnh quan thiên nhiên vô cùng sáng tạo và ấn tượng khi tới đây.
- Báo điện tử Vnexpress ngày 12/5 đưa tin: "Hơn 9.000 cơ sở lưu trú đánh giá an toàn Covid-19" cho biết: Các cơ sở lưu trú trên toàn quốc đăng ký và thực hiện tự đánh giá trên hệ thống An toàn Covid-19 quốc gia. Ngày 10/5, trong buổi làm việc cùng các cơ quan thường trực phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, cho tới nay có khoảng 30% trong 30.000 cơ sở lưu trú du lịch ở 63 tỉnh thành tham gia đánh giá an toàn trên hệ thống quản lý của Bộ.
- Báo Văn hóa ngày 12/5 đưa tin:
Việc đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19: Để đảm bảo cho du khách
Mặc dù Bộ VHTTDL đã gửi văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp chỉ đạo, đôn đốc các Sở quản lý du lịch và đơn vị liên quan yêu cầu bắt buộc các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 trong tình hình mới, nhưng đến nay tỉ lệ thực hiện còn thấp. Thậm chí nhiều trường hợp đăng ký cho có, mang tính đối phó chứ chưa thực sự làm hết trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch. Việc đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 trong các cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp lữ hành là một trong những biện pháp hữu hiệu phòng, chống dịch; góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân và du khách; ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh qua đường du lịch; tăng cường trách nhiệm trong công cuộc phòng, chống dịch của quốc gia.
Tây Ninh - Viên ngọc tự nhiên miền Đông Nam Bộ
Đến Tây Ninh bây giờ, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay mạnh mẽ của địa phương này. Từ vùng đất của bò tơ, bánh tráng, Tây Ninh đã nhanh chóng trở thành biểu tượng du lịch mới của vùng Đông Nam Bộ, với rất nhiều những hấp dẫn mới mẻ. Du lịch Tây Ninh đã "nâng cấp" ngoạn mục trong khoảng thời gian ngắn, bởi tuy không có thế mạnh về khí hậu như những thành phố du lịch nổi tiếng khác, nhưng Tây Ninh có rất nhiều "của để dành" về địa hình, đa dạng khí hậu, nhất là sức hút về du lịch khám phá văn hoá, tâm linh. Đặc biệt Đạo Cao Đài và Tòa thánh Tây Ninh, cho đến nay vẫn là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà văn hoá, du khách trong và ngoài nước. Tây Ninh cũng hội đủ những tiêu chuẩn để phát triển du lịch khám phá khi sở hữu các địa danh hiếm có như rừng quốc gia Lò Gò - Xa Mát, thung lũng Ma Thiên Lãnh huyền thoại, hay hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á "Hồ Dầu Tiếng"…
-Báo điện tử Thanh Hóa ngày 13/5 đưa tin: Thị xã Nghi Sơn tập trung phát triển du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp cho biết: Với bờ biển dài 42 km, 38 di tích danh thắng, gần 20 lễ hội và nhiều làng nghề truyền thống, thị xã Nghi Sơn đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm. Theo mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế biển và phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, thị xã Nghi Sơn phấn đấu đến năm 2025 đón được trên 1 triệu lượt khách du lịch (trong đó khách quốc tế đạt 300 nghìn lượt), doanh thu từ du lịch đạt 1 nghìn tỷ đồng trở lên.
3.Lĩnh vực Thể thao
- Báo Kinh tế Đô thị ngày 13/5 đưa tin: "Đón tin vui từ Trọng Hoàng, thầy Park lại lo lắng cho quân của HAGL" cho biết: Ở buổi tập chiều ngày 11/5, ĐT Việt Nam đã phải luyện tập trong điều kiện không thuận lợi, trời đã đổ mưa lớn. Điều kiện thời tiết ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của buổi tập, đáng chú ý trong tình huống tranh chấp với Đỗ Duy Mạnh, tiền vệ Lương Xuân Trường đã bị chấn thương và không thể tiếp tục tập luyện cùng các đồng đội. Được biết, cầu thủ của HAGL bị chấn thương ở cổ chân bên phải, dự đoán là sẽ mất 2 3 ngày tập riêng để có thể bình phục chấn thương. Ngay trong buổi tập ngày 12/5, Xuân Trường đã phải tập riêng cùng bác sĩ của đội và 2 người đồng đội khác là Văn Hậu, Văn Xuân.
- Báo điện tử Người Lao động ngày 13/5 đưa tin:
Đa dạng hàng công tuyển Việt Nam
Trong 3 tuyến của đội tuyển Việt Nam, HLV Park Hang-seo có lẽ yên tâm nhất là hàng tấn công, khi Tiến Linh, Công Phượng, Hà Đức Chinh hay Văn Toàn đều có phong độ rất tốt. Lịch tập luyện của đội tuyển Việt Nam trong những ngày qua biến động liên tục theo những tính toán của ban huấn luyện. Mới nhất là việc đổi từ tập buổi chiều 12-5 sang thành 10 giờ, thời điểm mà thầy trò HLV Park Hang-seo không phải lo ngại những cơn mưa thất thường ở Hà Nội, có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các cầu thủ.
Thủ thành Đặng Văn Lâm sẽ sớm lên tuyển nếu CLB Nhật Bản có người thay thế
CLB Cerezo Osaka sẽ cho phép thủ thành Đặng Văn Lâm sớm về tập trung tuyển Việt Nam chuẩn bị cho các trận vòng loại bảng G VCK World Cup 2022 nếu 2 thủ môn của đội bóng đang thi đấu ở J-League 1 có thể ra sân thi đấu. Theo đó, CLB Cerezo Osaka sẽ có chuyến làm khách đến sân của Kashima Antlers. Nếu một trong hai thủ môn của đội là Kim Jin Hyeon hoặc Kenya Matsui có thể thi đấu thì thủ thành Đặng Văn Lâm sẽ được phép rời đội bóng để đáp chuyến bay thẳng từ Nhật Bản sang UAE, hội quân cùng tuyển Việt Nam.
- Báo Nhân Dân ngày 12/5 đưa tin: "Các cầu thủ ĐT U22 Việt Nam vượt qua bài kiểm tra thể lực" cho biết: Ngày 12-5, Ban huấn luyện ĐT U22 Việt Nam đã tiến hành kiểm tra thể lực đối với tất cả các cầu thủ được triệu tập cho đợt tập trung đầu tiên trong năm 2021. Kết quả kiểm tra sẽ là cơ sở để BHL đánh giá về nền tảng thể lực hiện tại của từng cầu thủ, qua đó có sự điều chỉnh giáo án cho phù hợp. Do HLV trưởng Park Hang Seo đang bận cùng ĐT Việt Nam chuẩn bị cho ba trận đấu còn lại trong khuôn khổ Vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, nên Trợ lý Kim Han Yoon được giao nhiệm vụ phối hợp cùng với các thành viên trong BHL ĐT U22 Việt Nam triển khai công tác tập luyện cho các cầu thủ theo chương trình, nội dung đã được HLV trưởng Park Hang Seo thông qua.
- Báo Doanh nghiệp Việt Nam ngày 13/5 đưa tin: HLV ĐT UAE: 'ĐT Việt Nam là chướng ngại vật số 1' cho biết: HLV Van Marwijk của ĐT UAE khẳng định, các đối thủ còn lại của đội bóng này đều rất khó chơi. Trong số đó ĐT Việt Nam là một thách thức lớn sao với Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Phát biểu với báo giới UAE,HLV Van Marwijk nhận định rằng ĐT Việt Nam sẽ là thách thức số 1 để đội bóng của ông giành vị trí đầu bảng G. "UAE có lợi thế khi thi đấu cả 4 trận ở sân nhà nhưng chúng tôi phải thi đấu 4 trận với mật độ 3 ngày/trận.
- Báo điện tử Nghệ An ngày 13/5 đưa tin:
Sông Lam Nghệ An: Khó khăn trước mùa chuyển nhượng
Những năm trước đây, rất hiếm khi đội bóng xứ Nghệ tham gia thị trường chuyển nhượng giữa mùa giải, nhưng với tình cảnh hiện tại, nhiều khả năng sân Vinh sẽ phải đón chào thêm những gương mặt mới. Nói thế không có nghĩa, Sông Lam Nghệ An phải chịu "bó tay" trong việc tăng cường sức mạnh. Đơn giản là đội bóng xứ Nghệ vẫn còn cách là đi mượn quân ở những đội bóng khác. Đừng quên là trong quá khứ, Sông Lam Nghệ An từng được Thanh Hóa cho mượn Hoàng Văn Bình (lượt về V.League 2018), TP.HCM cho mượn Joel Vinicius (lượt về V.League 2019).
Indonesia chốt danh sách đấu tuyển Việt Nam
HLV Shin Tae Yong chốt danh sách 28 cái tên tuyển Indonesia đấu Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022. HLV Shin Tae Yong hoàn tất việc lựa chọn 28 cầu thủ tuyển Indonesia thi đấu tại vòng loại World Cup 2022 trên đất Dubai. Trong 28 cái tên nói trên, 5 cầu thủ đang chơi ở nước ngoài sẽ hội quân muộn và bay trực tiếp sang UAE, bao gồm Elkan Baggott (England), Asnawi Mangkualam (South Korea), Egy Maulana (Poland), Witan Sulaeman (Serbia), và Ryuji Utomo (Malaysia).
- Báo Pháp Luật TPHCM ngày 13/5 đưa tin:
Đội tuyển Việt Nam thận trọng ở UAE
Thầy trò HLV Park Hang-seo dẫn đầu bảng G vòng loại thứ hai World Cup 2022 nhưng chỉ hơn các đối thủ xếp sau 2-3 điểm nên phải rất cẩn thận cho từng trận đấu vì không có nhiều cơ hội sửa sai. Ông thầy người Hàn Quốc cho phép học trò... thua một trong ba trận còn lại ở cuộc chơi lớn vào đầu tháng 6, khi lần lượt đối đầu Indonesia (0 điểm), Malaysia (9 điểm) và chủ nhà UAE (6 điểm, thi đấu ít hơn một trận). Đấy là chưa kể Thái Lan (8 điểm) cũng gặp ba đối thủ này giống Việt Nam (11 điểm) hạ quyết tâm thắng cả ba để lấy vé đi tiếp.
HLV Malaysia khiêu chiến với thầy trò ông Park
Không có cơ hội tiếp thầy trò HLV Park Hang-seo ngay tại chảo lửa Bukit Jalil mà phải sang UAE đá tập trung, HLV Tan Cheng Hoe đã mở đầu với bài khiêu chiến cũng là để che đi nỗi sợ hãi mà Malaysia từ AFF Cup 2018 đến nay mỗi lần gặp Việt Nam (VN) chỉ toàn thua. Duy nhất họ có trận hòa 2-2 ở Bukit Jalil trong trận chung kết lượt đi AFF Cup.
Thầy Park cho đội đến muộn, đá tập ít là có chủ đích
Trong bốn đội Đông Nam Á của bảng G đến UAE, đội tuyển Việt Nam (VN) đến muộn nhất vào ngày 26-5 và chỉ đá giao hữu một trận với Jordan rồi vào giải. So với lịch đến UAE của các đội khác gồm Indonesia sang ngày 15-5, Malaysia đến ngày 20-5 và Thái Lan có mặt ngày 21-5. Như vậy, so với hai đối thủ đầu tiên là Indonesia và Malaysia thì thầy trò ông Park đến muộn hơn từ sáu đến 11 ngày.
4.Lĩnh vực Gia đình
- Báo Điện tử Gia đình và xã hội ngày 13/5 đưa tin: "Lâm Đồng: Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" cho biết: Thực hiện Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 và của Bộ Y tế, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch Hành động thực hiện Chương trình Điều chỉnh mức sinh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030: Tăng 5% tổng tỷ suất sinh ở các huyện, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con) năm 2025; tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các huyện, thành phố có mức sinh thấp năm 2030. Giảm 5% tổng tỷ suất sinh ở các huyện, thành phố có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con) đến năm 2025; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các huyện, thành phố có mức sinh cao năm 2030. Duy trì kết quả tại các huyện, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2 con đến 2,2 con).