Di sản Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: “Chứng nhân vàng” của một thời kỳ lịch sử
18/05/2025 | 09:17"Di sản Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - Dáng hồn đô thị" là những câu chuyện kể thời gian thông qua hình ảnh về vùng đất Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh một cách thực tế và gần gũi nhất, đây cũng là chủ đề của buổi giao lưu thu hút sự quan tâm của những độc giả mong muốn tìm hiểu về giá trị những di sản của mảnh đất Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh do NXB Tổng hợp TP.HCM tổ chức tại Đường sách Nguyễn Văn Bình.
Sự lắng đọng của thời gian cùng những biến thiên của lịch sử đã tạo nên những di sản của từng vùng đất, di sản trong tinh thần mỗi con người. Giá trị của một vùng đất, thành phố, quốc gia đều bắt đầu từ câu chuyện lịch sử và giá trị di sản được trao truyền. Mỗi di sản là một mảnh hồn đô thị, là một phần không thể tách rời của lịch sử Thành phố.

Nhà báo Nguyễn Hạnh, PGS.TS. Trần Thị Mai, nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến giao lưu cùng độc giả
Từ góc nhìn của mình về lịch sử mảnh đất Sài Gòn- TP.HCM, PGS.TS. Trần Thị Mai, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn- Đại học Quốc gia TP.HCM nhìn nhận, đây là mảnh đất có bề dày văn hóa qua rất nhiều lớp văn hóa với lịch sử hình thành từ hàng nghìn năm, còn nói về lịch sử hành chính thì chỉ hơn 300 năm. Theo PGS.TS. Trần Thị Mai, nét đặc sắc của văn hóa Sài Gòn- TP.HCM được nhìn nhận ở yếu tố sông nước đặc thù, trên bến dưới thuyền, hội tụ thành những nét đặc thù về kinh tế - văn hoá, tính đa dạng, phong phú của cộng đồng dân cư của nền văn hoá, một đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất của cả nước.
Nhìn lại là để hiểu những giá trị đang tồn tại và vững bước kiến tạo giá trị trong tương lai, chương trình giao lưu được minh chứng bởi những hình ảnh do nhiều tác giả dày công sưu tập, chụp, lưu giữ, sắp xếp qua 2 cuốn sách "Di sản Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh" và "Kiến trúc Pháp - Đông Dương, dấu tích Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông", 2 cuốn sách góp phần định hình kiến trúc cảnh quan của Sài Gòn xưa, nối liền trục quá khứ và hiện tại là Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.
Cả 2 cuốn sách đều gặp nhau ở một điểm chung là giá trị cùng nói về bối cảnh kiến trúc và cảnh quan đô thị từ vùng đất Gia Định - Sài Gòn xưa và góp phần định vị được thế mạnh của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện đại. Thành phố Hồ Chí Minh tự hào là thành phố luôn nỗ lực tiên phong trong công cuộc xây dựng kinh tế, hiệp lực cùng cả nước trong chương đổi mới xây dựng đất nước, đặc biệt chú trọng vào khát vọng lớn "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".

Tập sách ảnh song ngữ Việt-Anh "Di sản Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh"
Tập sách ảnh song ngữ Việt-Anh "Di sản Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh" có sự phối hợp cùng Tạp chí Xưa và nay, tập hợp hơn 330 bức ảnh quý hiếm, bao quát lịch sử - văn hóa - xã hội của vùng đất này từ hơn 100 năm trước. Không chỉ đừng lại ở những công trình kiến trúc như tòa nhà hành chính, dinh thự, trường học, bệnh viện, khách sạn, cây cầu, đường xá, cảng, bến tàu, nhà xưởng, nhà máy, khách sạn, chợ truyền thống, nhà thờ, đình chùa, các phương tiện giao thông… tập sách còn tái hiện những tập quán trong đời sống thị thành xưa như đám cưới truyền thống, đám tang, hát bội, đờn ca tài tử, trò chơi dân gian, đua ngựa, tái hiện trang phục áo dài phụ nữ, hàng quán và những món ngon là bản sắc ẩm thực vỉa hè thú vị của Sài Gòn xưa.
Nhà báo Nguyễn Hạnh, Chủ biên tập sách chia sẻ, "Cuốn sách được biên soạn với mục tiêu bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa, giữ gìn dấu xưa và làm lan tỏa giá trị di sản trong cuộc sống hiện nay để Thành phố Hồ Chí Minh tự hào và xứng đáng với vai trò là trung tâm về nhiều mặt của cả nước, góp phần bổ sung vào bộ sưu tập tài liệu nghiên cứu và tư liệu hình ảnh về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó làm phong phú thêm cho di sản văn hóa Việt Nam".
Sách "Di sản Sài Gòn-TP.HCM" được xuất bản lần đầu năm 2016, lần xuất bản lần thứ 2 (có bổ sung và thay đổi khổ sách) do NXB Tổng hợp TP.HCM thực hiện năm 2018 và năm 2025, cuốn sách tiếp tục tái bản nhân sự kiện 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, hòa bình thống nhất đất nước. "Về những bức ảnh về Sài Gòn xưa mà chúng tôi sưu tầm được, bản thân đã mang một giá trị lịch sử nhất định", nhà báo Nguyễn Hạnh khẳng định.

Tác phẩm "Kiến trúc Pháp - Đông Dương, dấu tích Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông"
Trong khi đó, tác phẩm "Kiến trúc Pháp - Đông Dương, dấu tích Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông" do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước- Trung tâm lưu trữ Quốc gia II chủ trương thực hiện, nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến biên soạn, lại tường thuật về quá trình thành phố bước vào thời kỳ hiện đại, trên cơ sở kế thừa đô thị Gia Định xưa cổ, từ giai đoạn bắt đầu kiến tạo Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông xưa phồn thịnh và đến nay là Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những thành phố xinh đẹp, năng động và hấp dẫn của Việt Nam và thế giới. Cuốn sách trình bày về quá trình quy hoạch và xây dựng Sài Gòn từ 1862 - 1945 cùng các công trình kiến trúc Pháp - Đông Dương tiêu biểu.
Nói về lý do lựa chọn biên soạn cuốn sách, nhà báo- nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến cho biết: "Có thể nói cơ duyên trước nhất là vì tôi là người sinh ra ở Sài Gòn. Lại thêm được học Sử và làm báo, cho nên từ lâu tôi luôn tò mò muốn biết, muốn khám phá lịch sử sinh thành và phát triển của thành phố".
Cũng nhờ thực hiện đề tài này mà nhà báo Phúc Tiến thấy được rõ ràng hơn giá trị của mảnh đất này, "Qua tìm hiểu quy hoạch và các kiến trúc tiêu biểu ở Sài Gòn từ trước 1945, tôi thấy ngày nay chúng ta đang thừa hưởng một gia sản lớn lao, một đô thị nguy nga, được kiến tạo từ xương máu, mồ hôi và trí tuệ của nhiều thế hệ tiền nhân. Do vậy, để học hỏi lịch sử, để yêu thành phố đa dạng này, chúng ta không thể để lỡ cơ hội tìm hiểu gốc tích và chân dung của những cảnh quan và kiến trúc hay đẹp của thành phố. Đồng thời, qua đấy, ta càng thấy danh hiệu Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông là chính xác và cần kế thừa, tiếp nối tốt hơn! Chúng ta yêu đất Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh và cố gắng gìn giữ thành phố càng ngày nhân văn và càng kiều diễm hơn!".

Hình ảnh tại chương trình giao lưu "Di sản Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - Dáng hồn đô thị"
Trong dòng chảy hiện đại hóa cũng như tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, việc nhận diện và trân trọng các giá trị di sản - từ kiến trúc, văn hóa đến con người - là điều vô cùng cần thiết để giữ gìn bản sắc, tạo chiều sâu cho phát triển bền vững. "Di sản Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - Dáng hồn Đô thị" vì thế không chỉ là một buổi giao lưu sách, mà là lời nhắc nhớ dịu dàng về vẻ đẹp của những điều đã cũ, và cũng là lời mời gọi mạnh mẽ cùng hướng tới một tương lai mà ở đó, quá khứ và hiện tại cùng hòa tiếng nói./.