Văn hóa

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Di sản hòa quyện - cực tăng trưởng mới của Gia Lai trong kỷ nguyên số

08/07/2025 | 11:14

Ngày 01/7/2025, tỉnh Gia Lai và Bình Định chính thức hợp nhất, hình thành tỉnh Gia Lai mới - đơn vị hành chính có quy mô lớn với lợi thế nổi bật “lên rừng, xuống biển”.

Từ đó, bài toán bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được đặt trong chiều sâu chiến lược: liên vùng-tích hợp-chuyển đổi số.

Hợp nhất di sản-kiến tạo bản sắc mới

Tỉnh Gia Lai (cũ) là vùng cao nguyên đại ngàn, là cái nôi của không gian di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận, với nhà rông, lễ hội dân tộc Jrai, Bahnar cùng các nghề thủ công truyền thống. Trong khi đó, Bình Định-miền duyên hải-là vùng đất của võ cổ truyền, hát bội, hệ thống tháp Chăm, chùa cổ và văn hóa biển đảo đặc sắc.

Di sản hòa quyện - cực tăng trưởng mới của Gia Lai trong kỷ nguyên số - Ảnh 1.

Hội bài chòi giữa lòng phố biển Quy Nhơn. Ảnh: Thảo Khuy

Hợp nhất 2 vùng không chỉ là việc gộp 2 kho di sản vào chung một ranh giới hành chính, mà là hành trình xây dựng một bản sắc văn hóa mới, trong đó “Gia Lai-từ thanh âm đại ngàn đến khí phách đất võ” là thông điệp trung tâm. Văn hóa, trong trường hợp này không chỉ là tài sản lịch sử mà còn là chất keo gắn kết cộng đồng và động lực phát triển bền vững.

Những thách thức không thể “dàn hàng ngang”

Việc hợp nhất mở ra cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức đặc thù.

Một là, hệ sinh thái du lịch khá rời rạc. Trước khi hợp nhất, 2 tỉnh vận hành mô hình du lịch tách biệt. Gia Lai (cũ) thiên về sinh thái-văn hóa-cộng đồng; Bình Định phát triển mạnh du lịch biển-di tích-thể thao. Việc thiếu các tour liên tuyến khiến tiềm năng kết nối bị lãng phí.

Di sản hòa quyện - cực tăng trưởng mới của Gia Lai trong kỷ nguyên số - Ảnh 2.

Huyện Ia Grai (cũ) là địa phương còn lưu giữ số lượng cồng chiêng nhiều nhất tỉnh Gia Lai (cũ). Ảnh: Hoàng Ngọc

Hai là, chênh lệch trong công tác chuyển đổi số. Tỉnh Gia Lai (cũ) đã ban hành chiến lược chuyển đổi số, tuy nhiên khả năng áp dụng vào bảo tồn di sản tại các cộng đồng dân tộc còn hạn chế. Trong khi đó, Bình Định mạnh về công nghiệp phần mềm nhưng chưa thực sự tích hợp vào văn hóa-du lịch.

Ba là, thiếu hệ quy chiếu văn hóa chung. Sau hợp nhất, tỉnh mới chưa có bộ nhận diện văn hóa-du lịch chính thức, cũng như thiếu định danh về giá trị cốt lõi, biểu tượng đặc trưng để phát triển thương hiệu chung.

Liên vùng-số hóa: Hai mũi nhọn đột phá

Trước hết, cần quan tâm đến việc thiết kế lại hệ thống nhận diện văn hóa. Tỉnh Gia Lai mới cần nhanh chóng xây dựng bản đồ di sản liên vùng, từ không gian cồng chiêng Ia Grai-Kbang đến tháp Chăm Dương Long, chùa Thiên Hưng, làng võ Tây Sơn... Đây sẽ là nền tảng phát triển sản phẩm du lịch, giáo dục văn hóa, cũng như chuyển giao tri thức. Bộ nhận diện văn hóa (logo, slogan, biểu tượng) phải thể hiện được tinh thần thống nhất trong đa dạng. Một số gợi ý như: “Gia Lai-Vùng đất hội tụ rừng và biển”, “Gia Lai-Sống động di sản, vươn tầm số hóa”, “Gia Lai-Nhịp cồng chiêng vang vọng giữa biển trời Tây Sơn”.

Di sản hòa quyện - cực tăng trưởng mới của Gia Lai trong kỷ nguyên số - Ảnh 3.

Tháp Đôi ngày càng được du khách biết đến nhiều hơn. Ảnh: Đoan Ngọc

Tiếp theo là số hóa di sản-từ kể chuyện đến trải nghiệm. Nội dung này không dừng lại ở số hóa hình ảnh, video, tỉnh cần đẩy mạnh các mô hình “Photovoice di sản”, “Lễ hội số”, “Bản đồ số văn hóa” tại các địa phương để người dân tự ghi lại, chia sẻ câu chuyện văn hóa cộng đồng. Phát huy hiệu quả của công nghệ AR/VR, có thể giúp du khách trải nghiệm biểu diễn cồng chiêng, dệt thổ cẩm hay các trận đánh Tây Sơn ngay tại các điểm du lịch. Mỗi người dân, nghệ nhân, doanh nghiệp cần được trang bị kiến thức để “kể chuyện số” về văn hóa quê hương mình.

Tiếp nữa là chú trọng phát triển sản phẩm du lịch liên vùng. Sản phẩm du lịch mới cần mang tính tích hợp và khác biệt. Ví dụ như tour 3 ngày 2 đêm: khởi hành từ Quy Nhơn (thăm tháp Chăm, làng võ)-lên Pleiku (trải nghiệm nhà rông, lễ hội cồng chiêng)-đến Măng Đen (nghỉ dưỡng). Tour cộng đồng: tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm, trải nghiệm uống rượu cần cùng người Jrai-học võ cổ truyền Tây Sơn-dự lễ hội biển.

Cần tích hợp thương mại hóa các đặc sản địa phương: cà phê Gia Lai, men rượu Jrai, nước mắm Sa Huỳnh, trà Gò Loi… thông qua mã QR, truy xuất nguồn gốc, sàn thương mại điện tử.

Tiếp theo là xác định mục tiêu chuyển đổi số cộng đồng và hướng đến đào tạo nhân lực tại chỗ. Tỉnh cần thiết lập các trung tâm số hóa cộng đồng văn hóa, tập huấn kỹ năng quay video, dựng phim, livestream, bán hàng online cho nghệ nhân, thanh niên dân tộc thiểu số. Bình Định có thế mạnh công nghệ (FPT, TMA…), có thể “đỡ đầu kỹ thuật” cho các cộng đồng du lịch Gia Lai (cũ), hình thành chuỗi giá trị văn hóa số liên vùng, phát huy thế mạnh cả hai khu vực.

Di sản hòa quyện - cực tăng trưởng mới của Gia Lai trong kỷ nguyên số - Ảnh 4.

Lễ mừng lúa mới của người Bahnar ở xã Ya Hội. Ảnh: Minh Châu

Và cuối cùng là xây dựng các chính sách khuyến khích, hợp lực đầu tư ở lĩnh vực công và tư trong phát triển văn hóa. Chính quyền cần ban hành bộ tiêu chí di sản tích hợp, ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm-mô hình-tour kết nối được văn hóa hai vùng. Đồng thời, khuyến khích xã hội hóa đầu tư vào bảo tồn, sáng tạo, số hóa di sản và phát triển du lịch cộng đồng.

Sự hợp nhất Gia Lai-Bình Định không chỉ là câu chuyện hành chính, mà chính là cơ hội tái định hình bản sắc, là sự khởi đầu cho một trung tâm văn hóa-du lịch kiểu mới, kích hoạt một trung tâm phát triển kinh tế bằng cách lấy văn hóa làm nền và công nghệ làm cánh.

Với tầm nhìn dài hạn, sự chủ động trong chính sách, sức sáng tạo từ cộng đồng, tỉnh Gia Lai (mới) hoàn toàn có thể trở thành một cực tăng trưởng văn hóa-du lịch kiểu mới của khu vực Duyên hải-Tây Nguyên, sánh ngang các trung tâm phát triển lớn trong cả nước và khu vực.

Theo báo Gia Lai

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×