Di dời hiện vật tại Bảo tàng lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đến trụ sở mới
02/11/2024 | 09:45
Nhiều hiện vật các loại, trong đó có các Bảo vật Quốc gia tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đang được di chuyển về địa điểm mới để trả lại không gian cho Di tích Quốc Tử Giám sau hàng chục năm "mượn tạm" để làm trụ sở.
Từ khi được thành lập đến nay, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đặt trụ sở tại di tích Quốc Tử Giám (công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế) được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định số 2312/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư di dời nâng cấp Bảo tàng lịch sử tỉnh đến tại số 268 Điện Biên Phủ (TP Huế) nhằm hình thành thiết chế văn hóa phù hợp gắn kết với các địa điểm di tích đàn Nam Giao, nghĩa trang Phan Bội Châu… đồng thời phát huy giá trị của các bảo vật, hiện vật đang lưu trữ tại Bảo tàng. Bên cạnh đó, chủ trương này cũng nhằm trả lại không gian cho di tích Quốc Tử Giám sau hơn 40 năm Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế "mượn tạm" làm trụ sở để có hướng bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Vào tháng 5/2020, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành di dời các hiện vật trưng bày ngoài trời tại trụ sở cũ bao gồm: 7 chiếc xe tăng, 4 khẩu pháo, 4 máy bay về địa điểm mới tại số 268 Điện Biên Phủ (TP Huế). Tiếp đó, công tác chuẩn bị cho việc di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất, hệ thống kho tàng, tài liệu, hiện vật… tiếp tục được thực hiện một cách rốt ráo. Theo dự kiến ban đầu, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 công tác di dời này sẽ hoàn tất. Tuy nhiên, vì một số lý do trở ngại nên đến nay mới triển khai được.
Một số hiện vật trưng bày tại địa chỉ mới của Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, số 268 Điện Biên Phủ (TP Huế) sau khi được di dời.
Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, hiện nay, tại kho cơ sở của bảo tàng đang lưu giữ, bảo quản 32.107 hiện vật. Trước khi di chuyển các hiện vật này đến cơ sở mới, công tác đóng gói là một trong những công việc quan trọng, được đặt lên hàng đầu.
Để đảm bảo tính khoa học và tuân thủ nguyên tắt của bảo tàng học, đơn vị này đã mời chuyên gia từ Hà Nội vào tập huấn cho toàn thể đội ngũ viên chức, người lao động về sử dụng vật liệu, thiết bị bổ trợ và quy trình đóng gói.
Theo kế hoạch, việc di chuyển các hiện vật sẽ được thực hiện từ nay cho đến ngày 15/11 (có thể kéo dài đến ngày 20/11, tùy vào tình hình thời tiết). Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên phương án về tuyến đường và phương tiện di chuyển nhằm đảm bảo thuận lợi và an toàn đối với các hiện vật các chất liệu. Các phương án này theo đúng nguyên tắc bảo tàng học.
Cụ thể, đối các hiện vật có trọng lượng, kích thước vừa phải, công tác bảo quản và đóng gói phải đảm bảo yếu tố cẩn thận và tỉ mỉ, sử dụng tấm màn nilon có túi khí để bảo vệ một lớp dày đều bọc phía ngoài hiện vật (kèm nội dung ghi chú về tình trạng hiện vật). Đồng thời thiết kế hệ thống hộp gỗ/giá sắt/dây nâng bao bọc bên ngoài làm bệ đỡ cho hiện vật để khi nâng và di chuyển, hiện vật không chịu lực trực tiếp và lực không đồng đều từ người và xe nâng.
Trong quá trình thực hiện, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã nghiên cứu các phương án thực hiện mang tính khả thi và an toàn nhất cho hiện vật và tài sản. Sử dụng sức người để đưa hiện vật lên xe, sắp xếp một cách khoa học, an toàn và hợp lý. Sử dụng thêm các vật liệu chèn, chằn chống, tránh rung lắc trong khi xe di chuyển.
Tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện có hơn 100 hiện vật thể khối lớn, trọng lượng nặng. Đối với các hiện vật này không thể sử dụng xe tải thông thường mà phải sử dụng xe tải trọng lớn, xe có kích cẩu, xe kéo… để di chuyển hiện vật đến địa điểm mới.
Riêng trường hợp đối với các Bảo vật Quốc gia, hiện vật cồng kềnh như: mỏ neo, thuyền độc mộc, Bảo tàng đã chuẩn bị các khung, hộp gỗ (sắt) để đặt hiện vật vào bên trong và dùng các vật tư: đệm mút, bông, xốp chống sốc để bảo vệ an toàn tuyệt đối; lựa chọn thời gian di chuyển hợp lý để thuận lợi trong quá trình di chuyển và không gây ảnh hưởng cho người tham gia giao thông.
Khi di chuyển các hiện vật, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phân công cán bộ của đơn vị phụ trách các nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo các nguyên tắc bảo tàng học và an toàn cho toàn bộ quá trình.
Sau khi hoàn tất việc di dời các hiện vật, Bảo tàng lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có buổi làm việc, bàn giao di tích Quốc Tử Giám lại cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý để phát huy giá trị di sản.