Đến Điện Biên khám phá Tết hoa của đồng bào dân tộc Cống
29/01/2020 | 17:04Mền Loóng phạt ái (Tết hoa) là Tết cổ truyền của dân tộc Cống, đây là dịp để đồng bào cùng hướng về cội nguồn, bày tỏ lòng biết ơn với trời đất, tổ tiên đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh và cùng cầu xin cho một năm mới an lành, no ấm…
Tết cổ truyền là dịp để đồng bào dân tộc Cống cùng hướng về cội nguồn
Điện Biên, nơi hội tụ và sinh sống của 19 dân tộc anh em, trong đó có dân tộc Cống. Người Cống là dân tộc đặc biệt ít người sinh sống tập trung chủ yếu ở các xã, bản giáp Biên giới Việt - Lào như bản Púng Bon, bản Huổi Moi của xã Pa Thơm, huyện Điện Biên; bản Nậm Kè của xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé; bản Lả Chà của xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ. Tổng dân số khoảng gần hai trăm hộ, trên 1000 nhân khẩu. Đồng bào Cống ở tỉnh Điện Biên còn bảo lưu được nhiều văn hóa truyền thống mà trong đó Tết hoa là một lễ hội lớn, tiêu biểu của dân tộc.
Mền Loóng phạt ái (Tết hoa) là một lễ hội truyền thống, tiêu biểu của dân tộc Cống được hình thành và phát triển trong quá trình thiên di, tụ cư khi đến Việt Nam nhằm tôn vinh, tri ân công đức của những người đầu tiên lập bản người Cống, là những người chống chọi với ác thú, trị bệnh cứu người và gần gũi nhất là tổ tiên mỗi gia đình, dòng họ của đồng bào dân tộc Cống. Mền Loóng phạt ái (Tết hoa) là Tết cổ truyền của dân tộc Cống, đây là dịp để đồng bào dân tộc Cống cùng hướng về cội nguồn, bày tỏ lòng biết ơn với trời đất, tổ tiên đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh và cùng cầu xin cho một năm mới an lành, no ấm. Mặt khác đây còn là dịp để mọi người cùng nghỉ ngơi, vui chơi, cùng nâng chén rượu mừng xuân, mừng cuộc sống mới đang ngày thêm tươi đẹp.
Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Cống được tổ chức vào tháng 10 âm lịch hàng năm khi mùa vụ đã thu hoạch xong. Để chuẩn bị đón Tết, ngay từ những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch, đồng bào đã dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh làng bản, chuẩn bị địa điểm tổ chức vui xuân của bản, tạo nên một khung cảnh ấm áp, nhộn nhịp và một không gian tươi tắn với đường làng ngõ xóm sạch đẹp, nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp và đặc biệt với mỗi người ai ai cũng thấy mình như đẹp hơn, duyên dáng hơn, rạng rỡ hơn lên trong ngày Tết đến, xuân về.
Trước Tết một ngày, nhà nào nhà nấy đều lên nương chọn hái những bông hoa mào gà (phạt loóng) đẹp nhất đem về chuẩn bị lễ vật dâng cúng trời đất tổ tiên tại gia đình và trang trí cây hoa ở địa điểm tổ chức Tết hoa của bản. Vào buổi chiều, đến giờ đã định, dân bản cùng trở về nhà già làng kiêm thầy mo của bản để dự lễ Tết hoa theo nghi lễ cổ truyền của dân tộc Cống.
Nghi lễ có hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm Lễ cúng chung của bản và lễ cúng riêng ở mỗi gia đình, thực hiện từ khoảng 4 giờ chiều hôm trước và 7 giờ sáng hôm sau. Lễ vật dâng cúng có lợn, gà, vịt, rượu, cá, khoai sọ… nhất là không thể thiếu hoa "phạt loóng" một loài hoa biểu tượng cho sự may mắn, no đủ của đồng bào dân tộc Cống. Sau lễ cúng chung của bản là lễ cúng ở các gia đình do người đàn ông chủ nhà thực hiện. Trước đây, Tết hoa thường được bà con tổ chức từ ba đến bốn ngày, nay rút ngắn chỉ còn hai ngày, một đêm.
Để chuẩn bị cho lễ cúng chung, dân bản đã dựng tại nhà thầy cúng một cây tre hoặc nứa (hằn né hoặc hạ kha), trên có buộc những bông hoa "phạt loóng", đặt một cây trước bàn thờ tổ tiên của gia chủ. Cây hoa này tượng trưng là cây cầu nối giữa hai thế giới âm dương, là con đường mà linh hồn tổ tiên đi từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng ở trong nhà. Cạnh đó là bếp thờ đặt trong gian bếp cúng. Bếp được làm theo hình vuông, nền đất, không dùng để đun nấu mà chỉ dùng để thờ cúng. Gian bếp cúng thường để trống, không đựng đồ vật gì, ngoại trừ một số vật liên quan đến thờ cúng như cây tre, hòn đá, bát nước cúng... Đây là nơi linh thiêng của ngôi nhà, nơi các linh hồn tổ tiên trú ngụ mỗi khi trở về gia đình thăm con cháu. Và cũng được coi là nơi để tiến hành giao tiếp giữa những người còn sống với linh hồn của những người đã khuất.
Lễ cúng bắt đầu, thầy cúng nhóm lửa, ngọn lửa trên bếp là dấu hiệu mời tổ tiên, thần linh về ăn tết cùng con cháu và dân bản. Lễ cúng chung của bản gồm nghi lễ dâng lễ vật còn sống và dâng lễ vật khi đã chín. Khi giờ tốt đến, những hồi trống, chiêng vang lên khắp bản báo hiệu lễ cúng Tết hoa bắt đầu. Già làng kiêm thầy cúng trong trang phục truyền thống, kính cẩn dâng lễ vật xin phép tổ tiên, trời đất, thần linh… cho tổ chức Tết hoa mừng năm mới.
Lời khấn: "Pưn pi xíp xong khợ ơ pa, ao a phi la he dạ phà phú gạ ba mằn, pịa tà pa, cồm mọ già kha lạ, lẹ bứn la, a pí khọ pờ lao, bừ é lạ ke poong, pưn le lạ cọ phì khừ lạ, bà lạ, cộm au côm au, a àn già lạ cộm au côm au, la kiêng a pí chạ ò, pạt khói la pha họ án lò, pằm toòng a pí nỉ lau".
Dịch ý: "Hôm nay gia đình, con cháu, dân bản có con gà làm lễ cúng hết năm, mời tổ tiên cùng các vị thần linh đến thụ lễ và phù hộ cho con cháu và dân bản được mạnh khoẻ; chăn nuôi được phát triển, đồng ruộng được tốt tươi, cầu mong tổ tiên và các vị thần phù hộ nhé".
Lễ cúng tiếp theo được tiến hành, một ở bếp thờ và một ở trước bàn thờ tổ tiên: Ở bếp thờ, thầy cúng trịnh trọng thông báo việc tổ chức Tết hoa cho bà con dân bản và kính mời tổ tiên về dự lễ.
Cúng trước bàn thờ tổ tiên gồm hai mâm lễ, mâm thứ nhất có các lễ vật như: thủ lợn, chân giò, rượu, thịt và nội tạng con lợn mỗi thứ một ít; mâm thứ hai có các lễ vật như: một bát gạo để cắm hương, một quả trứng và hai con vịt luộc. Thầy cúng trịnh trọng xướng mời các thần linh, tổ tiên về thụ lễ. Thầy thay mặt dân bản trình báo tình hình mùa màng, chăn nuôi, sức khỏe của dân bản trong năm qua và cầu xin các thần linh, tổ tiên phù hộ cho năm mới mọi người được dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển…
Sau đó thầy làm lễ buộc chỉ cổ tay, cầu mong sức khỏe cho trẻ nhỏ. Trong lý này, thầy cúng sẽ chọn một đứa trẻ trong bản cùng giúp thầy thực hiện các nghi lễ. Đứa trẻ được bế ngồi bên mâm lễ, thầy cúng đọc bài khấn dụ hồn trẻ nhỏ về ăn Tết năm mới. Thầy nắm xôi thành những viên nhỏ, đặt lên đầu đứa trẻ, với ý niệm cho hồn ngự trị trên đỉnh đầu ăn, bởi người Cống quan niệm con người có nhiều hồn nhưng hồn ngụ trên đỉnh đầu là quan trọng nhất. Con người muốn sống khỏe mạnh nhất thiết phải có hồn này. Tiếp đến, thầy buộc chỉ cổ tay cho đứa trẻ, vừa buộc thầy vừa cầu xin tổ tiên phù hộ cho đứa trẻ khỏe mạnh không ốm đau… thầy xé thịt, lấy xôi cho trẻ ăn coi đó như phúc lộc tổ tiên ban cho.
Sau nghi thức cầu phúc cho trẻ nhỏ là nghi lễ cầu xin sức khỏe chung cho mọi người. Thầy cúng đặt tay trên trán người đại diện cho dân bản và cất lời cầu xin trời đất, tổ tiên, thần linh, ma bản…ban cho mọi người sức khỏe, trí tuệ để mỗi người cùng tất cả mọi người có sức khỏe xây dựng bản làng giàu đẹp, gia đình hạnh phúc.
Khi nghi lễ cúng chung cho cả bản kết thúc, lễ cúng ở các gia đình bắt đầu
Mỗi nhà đều dựng một cây tre hoặc nứa (hằn né hoặc hạ kha) ở gian bếp cúng. Trên đoạn cây tre, khoảng đốt tre thứ 2 từ trên xuống người ta buộc hoa mào gà với các màu sắc đỏ, vàng đan xen, đây là dấu hiệu để tổ tiên nhận biết việc tổ chức Tết hoa. Dưới gốc đoạn tre, khoảng từ đốt tre thứ 2 từ dưới lên người ta buộc 2 ống rượu cần và những chiếc ống hút rượu cần để mời tổ tiên, thần linh uống rượu. Đây là rượu cần do các gia đình tự làm để dâng cúng lên tổ tiên.
Lễ cúng bắt đầu, chủ nhà kính cẩn mời tổ tiên, các vị thần linh về ăn Tết với gia đình và để con cháu báo với tổ tiên tình hình làm ăn và sức khỏe của mọi người trong gia đình, đồng thời cầu xin tổ tiên phù hộ cho con cháu năm mới dồi dào sức khỏe, vạn sự an lành. Sau các nghi lễ cúng tổ tiên, thần linh, mọi người vui vẻ cùng nhau nâng chén rượu mừng xuân, mừng năm mới cùng những lời chúc tốt đẹp cũng là lúc trời tối, những tiết mục văn nghệ mừng Tết hoa cũng được bắt đầu, trong đó có sự đan xen kết hợp giữa nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống với những ca khúc, những bài hát dân ca, những điệu múa dân gian dân tộc... do dân bản tự biểu diễn để ca ngợi Đảng, ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi cuộc sống mới... Tất cả mọi người không phân biệt già trẻ lớn bé đều say sưa hát múa như đó là những công việc thường ngày của họ. Không khí cuộc vui càng lúc càng thêm sôi động cho tới khi mọi người cùng hân hoan trong điệu xòe đoàn kết, cùng say sưa múa hát dưới làn mưa của những hạt thóc giống, ngô giống được tung ra khắp xung quanh với mong ước bản mường bước sang năm mới, vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở từ những trận mưa hạt giống này... Trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao của đất trời, nhịp trống chiêng, điệu xòe hoa rộn ràng chắp cánh cho lời ca thêm bay bổng và ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thịnh vượng.
Ngày thứ hai của Tết hoa, từ sáng sớm, chủ các gia đình đã thức dậy chuẩn bị lễ vật bày lên mâm đặt trong gian thờ cúng của gia đình để cúng tổ tiên thần linh. Lễ vật dâng cúng có xôi, cá nướng, khoai sọ, sắn, bí đỏ, bí xanh, ớt, bánh chưng và hòn đá thiêng… chủ nhà thắp nến, thắp hương, trịnh trọng khấn mời tổ tiên, thần linh hưởng lễ vật và xin phép kết thúc Tết hoa để gia đình được tiếp tục các công việc lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống trong năm mới.
Sau lễ cúng tại các gia đình, mọi người lại cùng hòa mình vào các trò chơi dân gian dân tộc và thi đấu thể thao như đánh cù, đẩy gây, kéo co… cho tới lúc trời chiều, cuộc vui mới kết thúc, không khí ngày tết thật náo nhiệt và thắm tình đoàn kết cộng đồng...
Lễ cúng kết thúc Tết hoa theo nghi thức cổ truyền được tiến hành một cách trang trọng tại địa điểm tổ chức chung của bản. Thầy cúng và các già làng dâng lễ xin tổ tiên trời đất, thần linh chứng giám lòng thành của dân bản và phù hộ cho mọi người năm mới mạnh khỏe, sản xuất phát triển, cuộc sống yên vui, gia đình hạnh phúc…Thầy cúng khấn mời tổ tiên, thần linh thụ lễ và xin phép kết thúc Tết hoa để mọi người được tiếp tục các công việc trong năm mới.
Sau đó, mọi người cùng vui vẻ uống rượu và múa hát tưng bừng. Họ múa và uống rượu trong tiếng chiêng, tiếng trống cùng tiếng hò reo, cổ vũ náo nhiệt của đám đông dự hội. Người múa ngày một đông hơn, động tác múa của họ mỗi lúc như mềm dẻo hơn, uyển chuyển hơn, không khí ngày hội càng thêm rộn ràng.
Mền loóng phạt ái - Tết hoa - Tết cổ truyền của dân tộc Cống, là ngày đoàn tụ gia đình và cộng đồng, là dịp để đồng bào Cống cùng nghỉ ngơi, vui chơi sau những ngày lao động miệt mài, là dịp để mọi người cùng hướng về cội nguồn, bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, trời đất, thần linh… đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh và cầu xin những điều tốt đẹp cho một năm mới an lành, no đủ. Bởi vậy, "Mền loóng phạt ái" từ thuở xa xưa cho tới tận bây giờ vẫn là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu, phản ánh sinh động đời sống và bản sắc văn hóa dân tộc Cống, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày nay trong xu thế hội nhập và phát triển, Tết hoa của người Cống tỉnh Điện Biên đã và đang được gìn giữ bảo tồn và phát huy, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có thể nói, "Mền loóng phạt ái" - Tết hoa của người Cống được tổ chức là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng đã lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Thông qua ngày Tết, nhiều phong tục tốt đẹp và đậm tính nhân văn cần được giữ gìn và phát huy để Tết hoa của người Cống mãi là nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.