Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nghệ sĩ
16/09/2023 | 16:56Bộ VHTTDL đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Trong dự thảo tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL cho biết, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 21/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo, một trong các giải pháp để chấn hưng, phát triển văn hóa là “Đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hoá. Tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà. Bên cạnh việc tập trung nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, cần phải chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hoá, nghệ thuật, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam hiện nay”.
Các chủ trương, chính sách của Đảng về nguồn nhân lực, chế độ, chính sách cho viên chức, người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tuy đã đầy đủ nhưng việc thể chế hóa còn chưa theo kịp thực tiễn phát triển đất nước hiện nay.
Lương nghệ sĩ chỉ nhỉnh hơn lương tối thiểu vùng
Cũng theo Bộ VHTTDL, những năm qua, hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã có những sự phát triển nhất định, nhiều tác phẩm, chương trình nghệ thuật biểu diễn phong phú, đa dạng có giá trị đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của công chúng. Tuy nhiên, so với những thành tựu của các lĩnh vực khác, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chưa tương xứng, sức lan tỏa còn hạn chế.
Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã thể hiện sự quan tâm, chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước, phần nào khuyến khích, động viên các nghệ sỹ diễn viên trực tiếp tham gia luyện tập, biểu diễn yên tâm công tác; nâng cao đời sống, tạo điều kiện cho người lao động nghệ thuật phát huy sức sáng tạo để xây dựng nhiều sản phẩm văn hóa đạt chất lượng cao phục vụ nhân dân, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, qua 7 năm thực hiện Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập về đối tượng được hưởng, mức hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, chế độ bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn.
Cụ thể, về thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp: Chế độ tiền lương được tính cho phần lớn viên chức có chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng IV được áp dụng ngạch lương của viên chức loại B từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06; diễn viên hạng III số lượng này không nhiều được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98. Nhiều bộ môn nghệ thuật chưa đào tạo ở bậc đại học nên số viên chức đáp ứng tốt về chuyên môn, chuyên ngành nhưng khả năng thăng hạng lên hạng III không nhiều, việc thăng hạng lên hạng II gần như không có.
Qua khảo sát, đánh giá, hiện nay, đối với viên chức có thâm niên công tác, đã cống hiến 10 năm trung bình ở độ tuổi 35 hưởng như sau: mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng; phụ cấp ưu đãi nghề 15% - 20%; hệ số lương trung cấp của viên chức loại B bậc 5 sẽ là 2,66; trừ 10,5% bảo hiểm xã hội thì thu nhập có nguồn gốc từ lương mà người viên chức được nhận là 4.928.049 đồng, mức lương này cũng chỉ nhỉnh hơn mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định về mức lương tối thiểu 4.680.000 đồng/tháng được áp dụng cho vùng I đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động là 248.049 đồng.
Với mức lương và phụ cấp ưu đãi nghề như hiện nay thì viên chức, người lao động chuyên môn lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn rất khó khăn trong cuộc sống, thậm chí thu nhập còn thấp hơn mức lương tối thiểu được áp dụng cho vùng I đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động.
Như vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp đối với viên chức, người lao động chuyên môn lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Về thực hiện chế độ bồi dưỡng luyện tập, chế độ bồi dưỡng biểu diễn: Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg quy định mức bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn theo mức tiền cụ thể chế độ bồi dưỡng luyện tập thấp nhất là 35.000 đ/buổi tập và mức cao nhất là 80.000 đ/buổi tập; chế độ bồi dưỡng biểu diễn thấp nhất là 80.000 đ/buổi biểu diễn và cao nhất là 200.000 đ/buổi biểu diễn.
Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, sau 6 lần tăng lương cơ sở, mức tiền bồi dưỡng như trên vẫn giữ nguyên, không theo kịp so với nhu cầu của cuộc sống, vì vậy không khích lệ, động viên được viên chức, người lao động chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Khắc phục những bất cập
Theo Bộ VHTTDL, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn đối với viên chức, người lao động chuyên môn lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trong đó, Bộ đề xuất, về chính sách tuổi nghỉ hưu đối với viên chức trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: Hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập nghệ thuật biểu diễn tồn tại nhiều diễn viên lớn tuổi nam từ trên 45 tuổi đến dưới 55 tuổi, nữ trên 40 tuổi đến dưới 50 tuổi trong biên chế, tuổi nghề đã hết nhưng chưa đủ tuổi để nghỉ hưu, vẫn ở lại đơn vị khoảng từ 10 đến 15 năm hưởng lương và các chế độ khác để chờ đủ tuổi nghỉ hưu gây khó khăn cho đơn vị sự nghiệp công lập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, khó khăn trong việc tuyển viên chức trong độ tuổi làm nghề để nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật.
Bất cập về tuổi nghỉ hưu và giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội đối với viên chức, người lao động trở nên khó khăn hơn khi thực hiện quy định tăng tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động năm 2019. Chính sách về hưu sớm hơn 05 năm so với quy định thông thường nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Qua nghiên cứu, đánh giá thực tiễn, Bộ VHTTDL thấy cần thiết đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét thay thế Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg bằng việc xây dựng Nghị định quy định một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Theo dự thảo Nghị định, Bộ VHTTDL đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp từ 15% lên 25% và từ 20% lên 30% đối với viên chức, người lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Dự kiến mức phụ cấp 30% áp dụng đối với người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch, dàn nhạc giao hưởng; diễn viên tuồng, chèo, cải lương,xiếc, múa rối nước, nhạc kịch Opera , vũ kịch (Ballet), kịch nói, kịch dân ca, kịch hình thể, kịch câm; người biểu diễn nhạc cụ hơi; kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng sân khấu tăng thêm 10% so với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg).
Dự kiến mức phụ cấp 25% áp dụng đối với người chỉ huy dàn hợp xướng, dàn nhạc sân khấu truyền thống; diễn viên hát dân ca, hát mới, múa rối cạn, múa đương đại, múa dân gian dân tộc, múa hát cung đình, múa tạp kỹ; người biểu diễn nhạc cụ dây, nhạc cụ gõ, nhạc cụ bàn phím tăng thêm 10% so với quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg).
Mục đích xây dựng Nghị định đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phụ cấp, bồi dưỡng nhằm tạo động lực để viên chức, người lao chuyên môn yên tâm công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, góp phần sáng tạo ra các tác phẩm chất lượng cao phục vụ nhân dân; tạo điều kiện cho người lao động được hưởng chế độ ưu đãi về tuổi nghỉ hưu khi đã hết tuổi lao động nghệ thuật. Đồng thời, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật củaNhà nước, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi. Bảo đảm đúng đối tượng được được hưởng, đặc thù của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Kế thừa, phát triển các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hiện hành.