Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đề xuất giải pháp thiết thực góp phần hoàn thiện chính sách văn hóa

28/09/2023 | 08:55

Sáng ngày 27/9, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo khoa học “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn”.

Đề xuất giải pháp thiết thực góp phần hoàn thiện chính sách văn hóa - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo

Đề xuất giải pháp thiết thực góp phần hoàn thiện chính sách văn hóa

Tham gia Hội thảo có gần 100 đại biểu là lãnh đạo một số Cục, Vụ, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; lãnh đạo một số Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/ Sở Văn hóa và Thể thao một số tỉnh, thành; các chuyên gia, nhà nghiên cứu lý luận, nhà khoa học, cùng các phóng viên đến từ nhiều cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá, phân tích vai trò, đóng góp quan trọng của việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong việc cụ thể hóa các Nghị quyết, Văn kiện của Đảng về văn hóa; góp phần xây dựng và phát triển bền vững đất nước.

Bên cạnh đó, giúp các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học, những người thực hành văn hóa nhận diện rõ hơn về thực trạng của việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng như đề xuất các giải pháp để thực hiện Chiến lược đạt yêu cầu đề ra. Qua đó, đúc rút và bổ sung cho công tác phát triển lý luận về văn hóa, đề xuất các giải pháp thiết thực hoàn thiện chính sách văn hóa.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Hà - Q.Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo đến lĩnh vực văn hóa trong sự nghiệp cách mạng cũng như xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Đề xuất giải pháp thiết thực góp phần hoàn thiện chính sách văn hóa - Ảnh 2.

Ông Hoàng Hà - Q.Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật phát biểu đề dẫn tại hội thảo

Nhằm tạo khung pháp lý cho phát triển văn hóa, ngày 12/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 tại Quyết định số 1909/QĐ-Ttg với 8 mục tiêu cụ thể; 11 nhiệm vụ và giải pháp lớn với các chương trình, đề án văn hóa nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả yêu cầu đề ra.

Triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030, lĩnh vực văn hóa đã được cả hệ thống chính trị tập trung xây dựng, nâng cao rõ rệt cả về nhận thức và hành động. Các địa phương đã tăng cường nguồn lực đầu tư cho văn hóa; nhiều di sản văn hóa được ghi danh, xếp hạng, tu bổ gắn kết với phát triển du lịch; các thiết chế văn hóa được tăng cường; công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được triển khai sâu rộng; tinh thần nhân ái, nghĩa đồng bào, những giá trị nhân văn tốt đẹp của con người Việt Nam trong dịch bệnh, khó khăn được lan tỏa, nhân lên…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (giai đoạn 2023-2025) với nhiều chương trình, đề án nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa.

Sau gần 2 năm triển khai, việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược, cũng đã xuất hiện những hạn chế, bất cập, về nhận thức, nguồn lực, chính sách, đào tạo… Những vấn đề đặt ra của văn hóa và phát triển hiện nay đang đòi hỏi cần phải được phân tích, giải quyết thấu đáo trên cơ sở mối tương quan, biện chứng với phát triển kinh tế, xã hội.

Theo ông Hoàng Hà, Hội thảo khoa học "Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn" nhằm tập hợp ý kiến của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu khoa học, những người thực hành văn hóa, về những vấn đề đặt ra từ thực tiễn của quá trình thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, từ đó đúc rút, và bổ sung cho công tác phát triển lý luận về văn hóa, cũng như đề xuất những giải pháp thiết thực góp phần hoàn thiện chính sách văn hóa.

Công tác xây dựng môi trường văn hóa đi đúng hướng

Tham luận tại Hội thảo, bà Vi Thanh Hoài - Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL cho biết, được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, toàn ngành Văn hóa từ Trung ương đến địa phương đã triển khai công tác xây dựng môi trường văn hóa đi đúng hướng, chọn cơ sở là địa bàn trọng tâm để tác nghiệp, bảo tồn, phát huy và nhân lên các giá trị văn hóa. Sức lan tỏa của vấn đề xây dựng môi trường văn hóa đã thấm sâu vào các bộ ngành và được các địa phương triển khai thực hiện toàn diện.

Đề xuất giải pháp thiết thực góp phần hoàn thiện chính sách văn hóa - Ảnh 3.

Bà Vi Thanh Hoài - Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL phát biểu tham luận tại hội thảo

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng cần nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại, những bất cập phát sinh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong công tác xây dựng môi trường văn hóa để tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục.

Vì vậy, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác xây dựng môi trường văn hóa. Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về Văn hóa như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận số 76-KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc về xây dựng môi trường văn hóa.

Cùng với đó là thường xuyên cập nhật, bổ sung những điểm mới, chú ý nhiều hơn đến nguồn lực cho văn hóa, bao gồm nhân lực làm văn hóa và nguồn lực thực tế để đầu tư cho văn hóa. Tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, gắn với triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh… Nâng cao hiệu quả đầu tư công, tập trung tháo gỡ các "nút thắt", "điểm nghẽn" chính sách, khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho sự nghiệp văn hóa.

Theo bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL, trong 10-15 năm nữa, để Việt Nam cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Việt Nam cần đặt mục tiêu phải xuất khẩu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ văn hóa ra thế giới, trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, thu hút ít nhất 50 triệu khách du lịch quốc tế, kinh tế văn hóa, thể thao và du lịch đóng góp hơn 20% vào GDP.

Đề xuất giải pháp thiết thực góp phần hoàn thiện chính sách văn hóa - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL phát biểu tham luận tại hội thảo

Muốn vậy, cần khẩn trương xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Chiến lược Phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó đặt hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ quan trọng, với các chương trình, đề án có ngân sách thực hiện, tạo cú huých, thúc đẩy, dẫn dắt các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong nước phát triển, tạo ra các thương hiệu sản phẩm cụ thể.

Đồng thời, cần đẩy mạnh tiến trình hội nhập nhằm tiếp thu các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm ứng dụng hiệu quả vào quá trình phát triển đất nước nhanh và bền vững. Cần phát triển về văn hóa số.

Được biết, Hội thảo nhận được 35 tham luận với nội dung phong phú, có giá trị sâu sắc về lý luận và thực tiễn, tập trung vào 3 nội dung chính:

Thứ nhất, đánh giá thực trạng triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 ở Trung ương và địa phương (ưu điểm, hạn chế).

Thứ hai, phân tích nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế; vấn đề đặt ra từ thực tiễn; bài học kinh nghiệm rút ra trong thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong thời gian qua.

Thứ ba, đề xuất giải pháp phát huy nguồn lực xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, thực hiện thành công Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.


Thế Công

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×