Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đề xuất giải pháp kích cầu du lịch, trình Quốc hội sửa đổi các quy định về thị thực

06/05/2023 | 18:55

Thủ tướng giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề xuất giải pháp kích cầu du lịch, trình Quốc hội sửa đổi các quy định về thị thực; xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá.

Ngày 5/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023. Chính phủ đã tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 và thời gian tới cùng một số nội dung quan trọng khác (về giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia).

Du lịch tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 10 điểm nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành tháng 4 và 4 tháng vừa qua. Trong đó, đã tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (Nghị định 08), thị trường bất động sản (Nghị quyết 33); Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc các dự án, công trình trọng điểm quốc gia với 5 tổ công tác được thành lập; Tổ chức các hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai công tác quy hoạch, chuyển đổi số, du lịch, ngoại giao kinh tế, thực hiện Đề án 06, các phiên họp Ban chỉ đạo về cải cách hành chính, các công trình trọng điểm quốc gia..., gặp mặt các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nước ngoài và trong nước để lắng nghe các ý kiến một cách cầu thị...

Đề xuất giải pháp kích cầu du lịch, trình Quốc hội sửa đổi các quy định về thị thực - Ảnh 1.

Thủ tướng phát biểu kết luận phiên họp - Ảnh: Nhật Bắc

Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, các báo cáo và ý kiến tại phiên họp đánh giá nhìn chung xu hướng tích cực và một số lĩnh vực cải thiện hơn.

Cụ thể, lạm phát có xu hướng giảm dần qua các tháng, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lạm phát ở hầu hết các nước đối tác lớn đều neo ở mức cao và kéo dài. Thị trường tiền tệ, tỉ giá cơ bản ổn định, lãi suất điều hành được điều chỉnh giảm 2 lần liên tiếp, lãi suất cho vay bình quân giảm 0,41% so với cuối năm 2022; các ngân hàng thương mại nhà nước tiên phong, dẫn dắt giảm lãi suất. Xuất siêu tiếp tục tăng mạnh, tháng 4 xuất siêu 1,51 tỷ USD, 4 tháng đầu năm xuất siêu 6,35 tỷ USD.

Về tăng trưởng, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là bệ đỡ vững chắc trong khó khăn. Sản xuất công nghiệp tăng trở lại.

Du lịch tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 4/2023 đạt 984 nghìn lượt, cao nhất tính từ đầu năm đến nay, tăng 9,9% so với tháng trước và gấp 9,7 lần so với cùng kỳ.

Các hoạt động kỷ niệm Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày Giải phóng miền Nam 30/4, Ngày Quốc tế lao động 1/5 diễn ra vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm. Các hoạt động thể thao sôi động, được đẩy mạnh, trong đó có lễ xuất quân SEA Games 32.

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện; tỉ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng 4 không thay đổi và tăng lên so với tháng cùng kỳ năm trước là 94,4% (tăng 1% so với tháng trước).

Bên cạnh những kết quả đạt được, về tồn tại, hạn chế, khó khăn và những vấn đề cần lưu ý, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng, tình hình bất ổn bên ngoài tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn.

Sản xuất công nghiệp tuy phục hồi trong tháng 4 nhưng tính chung 4 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ. Các động lực tăng trưởng chủ yếu (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) đều có xu hướng suy giảm, xuất nhập khẩu 4 tháng giảm. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng thấp hơn cùng kỳ. Vốn FDI đăng ký giảm.

Việc triển khai một số chính sách trong chương trình phục hồi, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm.

Cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp, việc triển khai Đề án 06 và cải cách hành chính nội bộ cần bứt phá mạnh mẽ hơn nữa với quan điểm đề cao trách nhiệm cá nhân, tinh thần phục vụ, dám nghĩ, dám làm.

Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người chịu tác động bởi đại dịch. An ninh, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn, lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Trình Quốc hội sửa đổi các quy định về thị thực

Về bối cảnh, tình hình thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ một số vấn đề cần lưu ý như việc OECD áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024; việc Trung Quốc mở cửa, phục hồi vừa mang lại cơ hội vừa có những thách thức; rủi ro tài chính, tiền tệ, bất động sản trên thế giới còn cao.

Về mục tiêu, quan điểm, định hướng, Thủ tướng nhấn mạnh, cần nhất quán theo Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, theo đó, phải đạt được mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước.

Với tinh thần chia sẻ, đồng hành, huy động được sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, Thủ tướng nêu rõ 3 nhóm nhiệm vụ lớn. Trong đó, nhóm nhiệm vụ thứ nhất là tập trung chuẩn bị các đề án, báo cáo trình Trung ương, Quốc hội bảo đảm tiến độ và chất lượng theo quy định.

Đề xuất giải pháp kích cầu du lịch, trình Quốc hội sửa đổi các quy định về thị thực - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023.

Nhóm nhiệm vụ lớn thứ hai là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trong khi vẫn nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành hài hòa, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, giữa bên trong và bên ngoài. Hiện nay, lạm phát vẫn được kiểm soát trong mục tiêu Quốc hội giao và đang giảm dần, do đó, ưu tiên hơn cho tăng trưởng từ tháng 4, tháng 5 và những tháng tiếp theo.

Nhóm nhiệm vụ lớn thứ ba, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung rà soát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, nhất là rà soát, hoàn thiện thể chế; làm tốt công tác quy hoạch; giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển.

Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, địa phương; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập; tăng cường công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, phản bác mạnh mẽ hơn nữa với các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, quyết liệt hơn, có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Thực hiện nghiêm Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.

Trong đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch được giao đề xuất giải pháp kích cầu du lịch, trình Quốc hội sửa đổi các quy định về thị thực; xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá.

Đăng Nguyên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×