Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Để thủ công mỹ nghệ trở thành “mũi nhọn” ngành công nghiệp văn hóa: Phải có những bước đi kiên quyết để tạo đột phá

10/10/2022 | 09:12

“Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã xác định thủ công mỹ nghệ là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam cần ưu tiên phát triển. Các chuyên gia đánh giá, thủ công mỹ nghệ Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để được kỳ vọng là một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa khác phát triển.

Để thủ công mỹ nghệ trở thành “mũi nhọn” ngành công nghiệp văn hóa: Phải có những bước đi kiên quyết để tạo đột phá - Ảnh 1.

Nghề làm bạc ở Hà Nội. Ảnh: Nam Nguyễn

Cơ hội lớn để thúc đẩy tăng trưởng ngành thủ công mỹ nghệ

Theo GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nghề thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam có truyền thống lịch sử lâu đời gắn với vô vàn tên tuổi các làng nghề, phố nghề trải rộng khắp cả nước. Từ hình thức là những công việc phụ trợ lúc nông nhàn, tranh thủ kiếm thêm thu nhập, thủ công mỹ nghệ dần dần phát triển thành một nghề độc lập, một ngành kinh tế chính.

Nghề thủ công mỹ nghệ lúc đầu chỉ được truyền bá trong các gia đình cha truyền con nối, sau đó dần lan truyền ra cả làng hay nhiều làng, có sự phân hóa và chuyên môn hóa để hình thành nên những làng nghề chuyên sâu, như làng gốm, làng chiếu, làng lụa, làng chạm gỗ, làng đồ đồng, đồ chạm bạc, thêu ren…

Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có 2.556 làng nghề thủ công mỹ nghệ, bên cạnh các "làng có nghề" tuy chưa hội đủ tiêu chí để được công nhận là làng nghề, nhưng vẫn sản xuất ra các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Có thể kể đến những làng nghề nổi tiếng như: gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng, lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuyên Mỹ, mộc La Xuyên, tre đan Bằng Sở, đúc đồng Đại Bái, đá mỹ nghệ Ninh Vân, chạm bạc Đồng Xâm…

Sự phát triển của các làng nghề kéo theo các dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu, chuyên chở, kinh doanh hàng hóa, phục vụ ăn uống... tạo ra nguồn việc làm dồi dào cho người lao động.

Ngoài việc phục vụ thị trường nội địa rộng lớn cũng như du khách quốc tế đến Việt Nam, nhiều năm qua hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong Top 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam. Đến nay, các sản phẩm của chúng ta đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, với giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD mỗi năm, chiếm gần 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được thị trường quốc tế ưa chuộng bởi bên cạnh sự tinh tế, tài khéo của sản phẩm còn toát lên những nét đặc sắc, độc đáo của văn hóa dân tộc. Hoa Kỳ là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam với doanh số chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Bên cạnh đó là các thị trường khác như: Nhật Bản, Liên minh châu Âu (đặc biệt là Đức, Anh, Pháp, Hà Lan), Australia, Hàn Quốc...

Ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ hai trong số các quốc gia xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, chỉ sau Trung Quốc. Chúng ta đang có cơ hội rất lớn để thúc đẩy tăng trưởng cũng như nâng cao vị thế của ngành hàng này trong bối cảnh các nhà nhập khẩu trên thế giới có xu hướng muốn tìm kiếm nguồn hàng từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Đâu là "rào cản"?

Tuy nhiên, theo GS.TS Từ Thị Loan, trong quá trình phát triển, thủ công mỹ nghệ cũng là ngành có sự cạnh tranh gay gắt và nhiều ngành nghề, làng nghề đã bị đào thải do không bắt kịp sự thay đổi của nhu cầu, thị hiếu người dùng, sự biến động của thị trường và bị các sản phẩm công nghiệp hiện đại thay thế. Chỉ những nghề và làng nghề có khả năng thích ứng linh hoạt, nhạy bén, có sự chuyển đổi sáng tạo, phù hợp mới trụ vững và phát triển.

Để thủ công mỹ nghệ trở thành “mũi nhọn” ngành công nghiệp văn hóa: Phải có những bước đi kiên quyết để tạo đột phá - Ảnh 2.

Bộ sưu tập búp bê trong trang phục thổ cẩm của các dân tộc Việt Nam.

Nhìn chung, những yếu kém, hạn chế, rào cản cản trở sự phát triển của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam còn tồn tại khá nhiều. Tuy nhiên có thể quy về một số phương diện chính như sau: Thứ nhất, thể chế, cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, bất cập; Thứ hai là sức cạnh tranh của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam so với các sản phẩm khác trên thị trường nội địa và quốc tế chưa cao, chưa uyển chuyển, nhanh nhạy trong đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.

Thứ ba là khả năng mở rộng thị trường còn thụ động, năng lực tìm kiếm đầu ra, công tác marketing, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại còn nhiều yếu kém.

Thứ tư là nguồn nguyên liệu đang dần bị khai thác cạn kiệt. Thứ năm, chất lượng nguồn nhân lực chưa đồng đều và ổn định, kỹ năng quản trị, kinh doanh chưa cao. Thứ sáu, chưa theo kịp trình độ phát triển của khoa học công nghệ trong quá trình hiện đại hóa.

Nguyên nhân thứ bảy, theo GS.TS Từ Thị Loan là thiếu sự liên kết giữa các vùng sản xuất, cơ sở sản xuất, các ngành nghề và làng nghề với nhau.

Thứ tám, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Hầu hết các làng nghề thủ công truyền thống hiện nay đều gây ra những tác động xấu đến môi trường như khói, bụi, tiếng ồn, rác thải, ô nhiễm nguồn nước... Các cơ sở sản xuất đều mang tính chất tự phát, không có khu xử lý nước thải, phế liệu, không có biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái.

Phải có những bước đi kiên quyết để tạo đột phá

GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, để ngành thủ công mỹ nghệ của Việt Nam phát triển thành một ngành "mũi nhọn" trong công nghiệp văn hóa, trước hết cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển ngành thủ công mỹ nghệ thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để thủ công mỹ nghệ trở thành “mũi nhọn” ngành công nghiệp văn hóa: Phải có những bước đi kiên quyết để tạo đột phá - Ảnh 3.

Gian hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được giới thiệu tại Lễ hội Thủ công mỹ nghệ Cuba (Fiart 2018)

Để tạo được bước đột phá, phải có những bước đi kiên quyết, đảm bảo một hành lang pháp lý thuận lợi, một môi trường kinh doanh thông thoáng, phát huy những mặt tích cực, giảm thiểu những mặt hạn chế trong thời gian phát triển vừa qua.

Cũng theo GS.TS Từ Thị Loan, hiện nay, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam nhìn chung vẫn đơn điệu về mẫu mã, chưa đa dạng hóa sản phẩm, tính cạnh tranh kém. Do vậy, cần tích cực thay đổi mẫu mã, tập trung vào công tác thiết kế mẫu sản phẩm, bao bì, nhãn mác đảm bảo kỹ, mỹ thuật, bắt mắt người tiêu dùng trong nước và quốc tế là một giải pháp căn cốt. Bên cạnh đó cần khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng các nhà thiết kế chuyên nghiệp.

Một trong những giải pháp căn cốt để phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ chính là phát triển thị trường xuất khẩu, đảm bảo đầu ra ổn định. Xu thế của người tiêu dùng trên thế giới hiện nay là ngày càng hướng tới các sản phẩm thân thiện với môi trường, những mặt hàng có nguồn gốc làm từ nguyên liệu tự nhiên.

Theo đó, Bộ Công Thương cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến Thương mại nhằm hỗ trợ ngành thủ công mỹ nghệ. Bên cạnh đó, cần phát huy hiệu quả của các Hội chợ tại Việt Nam như Hội chợ quốc tế Hanoi Gift Show, Hanoi Great Souvernirs quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường, kết nối kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu.

Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng kỹ thuật công nghệ, đầu tư trang thiết bị vào sản xuất, kinh doanh. Bởi, trong quá trình phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, chỉ những doanh nghiệp nào biết kịp thời đổi mới sáng tạo, nắm bắt công nghệ hiện đại thì mới trụ vững và phát triển mạnh…

GS.TS Từ Thị Loan cũng cho rằng, đối với ngành thủ công mỹ nghệ, nguồn nhân lực chính là các nghệ nhân, những người thợ thủ công và chủ cơ sở sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc trau dồi kỹ năng, bí quyết riêng của nghề thì còn cần sự trang bị kiến thức kinh doanh, phát triển sản xuất, quản trị doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, tổ chức tiêu thụ sản phẩm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế...

Do đó, cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, thực hành nghề, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại là giải pháp cơ bản để chúng ta đảm bảo được nguồn nhân lực ổn định và lâu dài cho các làng nghề. Đồng thời, Nhà nước cũng cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; có chính sách điều phối tạo các vùng nguyên liệu, vùng khai thác nguyên liệu, vùng chế biến nguyên liệu

Song song với đó là tăng cường xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với làng nghề truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ; gắn sản xuất với giữ gìn bản sắc văn hóa, lịch sử phát triển làng nghề để mỗi làng nghề trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa sống động.

Tựu chung lại, theo GS.TS Từ Thị Loan, ngành thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang góp phần hình thành hàng ngàn nhà sản xuất, thương gia, nhà xuất khẩu và những công ty dịch vụ trên khắp cả nước. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang dần "lột xác" để trở thành những món đồ sáng tạo có giá trị cao, xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Chính vì vậy, để củng cố và phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ, chúng ta cần có một chiến lược dài hạn, triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực và hiệu quả. Công việc này, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các cơ sở sản xuất, các làng nghề, sự tham gia của các Hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp, thì rất cần sự hỗ trợ, quản lý, điều tiết vĩ mô thống nhất của Nhà nước, sự liên kết phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan chức năng thì mới có thể sớm đi tới thành công và phát triển bền vững./.

Thế Công

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×