Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Để nghệ thuật truyền thống có sức sống trong xã hội hiện đại

13/06/2023 | 15:49

Chèo, tuồng, dân ca kịch... đều là những thể loại nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trước guồng quay của cuộc sống hiện đại, các loại hình nghệ thuật này lại đang đối mặt với không ít thách thức. Bởi vậy, để không bị “hụt hơi”, các đơn vị nghệ thuật, các diễn viên trên địa bàn tỉnh đang tích cực tìm hướng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong việc nâng cao chất lượng nhằm đưa nghệ thuật truyền thống đến gần công chúng.

Để nghệ thuật truyền thống có sức sống trong xã hội hiện đại - Ảnh 1.

Trích đoạn tuồng đặc sắc “Kim Lân qua đèo” do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa biểu diễn tại cuộc thi “Tài năng diễn viên chèo, tuồng và dân ca kịch toàn quốc - 2023”.

Nhắc đến thôn Giá Mai, xã Tế Thắng (Nông Cống), lâu nay người ta vẫn nhớ đến tiếng chèo mượt mà, đằm thắm đã từng là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của bà con dân làng. Thế nhưng, những năm trở lại đây trong guồng quay của xã hội hiện đại, nghệ thuật chèo truyền thống nơi đây đang đứng trước nguy cơ mai một khi mà người am hiểu ngày càng ít đi, lớp kế cận thì lại thưa thớt. Ông Lê Mạnh Đoài, người am hiểu nghệ thuật chèo ở thôn Giá Mai, trăn trở: Trước đây, sân khấu chèo ở thôn được coi là thời “hoàng kim” với nhiều vở diễn có tiếng vang rất lớn trong xã hội. Thời đó, chèo được biểu diễn ở nhiều không gian văn hóa cộng đồng, nơi dễ dàng tiếp cận với đông đảo công chúng; và nhiều người cũng coi việc đi xem chèo như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Tuy nhiên hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội đã ra đời nhiều loại hình giải trí mới, thì sân khấu biểu diễn chèo cũng không còn nhộn nhịp như xưa. Với mong muốn gìn giữ lại những giá trị nghệ thuật truyền thống mà cha ông để lại, chúng tôi đã tập hợp cùng nhau thành lập câu lạc bộ chèo thôn Giá Mai từ nhiều năm nay. Trong quá trình hoạt động câu lạc bộ đã quan tâm dàn dựng nhiều vở chèo mới gồm đủ các thể loại, đề tài khác nhau như tái hiện lại những giai đoạn lịch sử của dân tộc, những vở diễn mang âm hưởng của đời sống, những sự kiện chính trị - xã hội... và mang đi trình diễn phục vụ Nhân dân khắp mọi tỉnh, thành, vùng miền trong cả nước. Đặc biệt, để gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật tuồng truyền thống, chúng tôi đang tích cực truyền dạy cho lớp trẻ ở địa phương thông qua nhiều hình thức khác nhau như truyền dạy tại trường học; sáng tác, biểu diễn nhiều đề tài phù hợp với lớp trẻ. Song thực trạng hiện nay thì lớp người am hiểu ngày càng ít đi, trong khi lớp trẻ lại không mấy mặn mà. Điều đó, đặt ra không ít trở ngại trong việc giữ gìn nghệ thuật chèo của địa phương.

Thực tế hiện nay, để tìm khán giả thì các đơn vị nghệ thuật, các diễn viên cũng phải nỗ lực không ngừng trong việc đổi mới phương thức hoạt động, tìm “đất” diễn, mở rộng địa bàn, quy mô hoạt động cũng như đầu tư, nâng cao chất lượng các tác phẩm nghệ thuật. NSND Hàn Văn Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, cho biết: Sân khấu không thể “sống” nếu thiếu khán giả, khán giả cũng không thể hào hứng nếu xem đi xem lại một vở diễn. Với các loại hình nghệ thuật truyền thống thì hiện nay đổi mới chính là yếu tố sống còn. Bởi vậy, thời gian qua, để “giữ chân” khán giả, nhà hát đã tích cực luyện tập, đổi mới kịch bản, phát triển theo nhịp sống thời đại để làm tươi mới không gian thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Bên cạnh những vở diễn mang tính chính trị, có định hướng giáo dục cao, nhà hát tiếp tục đầu tư dàn dựng nhiều vở diễn sinh động, đặc sắc, đa phong cách, đáp ứng nhu cầu thông tin và thị hiếu thẩm mỹ của khán giả với những chủ đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày như: tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa hay những vấn đề nóng bỏng phản ánh đa dạng, nhiều chiều về cuộc sống từ nông thôn đến thành thị... Đặc biệt, nhà hát cũng tích cực tham dự các hội diễn, hội thi, liên hoan sân khấu chèo, tuồng khu vực, toàn quốc. Từ đó, tạo điều kiện để các diễn viên được giao lưu, học hỏi và giới thiệu các giá trị nghệ thuật đặc sắc, độc đáo và phong phú của đơn vị mình tới các đơn vị bạn nói riêng.

Một minh chứng rõ nhất cho sự nỗ lực của các cấp, ngành, các địa phương, đơn vị nghệ thuật trong cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng trong việc gìn giữ nghệ thuật truyền thống của cha ông đó là việc tổ chức cuộc thi “Tài năng diễn viên chèo, tuồng và dân ca kịch toàn quốc - 2023”, tại Thanh Hóa (vào tháng 5-2023). Thông qua cuộc thi đã góp phần động viên các nghệ sĩ chèo, tuồng, dân ca kịch trong cả nước khơi lên lửa nghề, tìm ra hướng giữ gìn và phát triển sân khấu nghệ thuật truyền thống.

Trên thực tế, dù cuộc sống có phát triển như thế nào thì nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, dân ca kịch vẫn là hồn cốt của dân tộc, tinh hoa hun đúc bao nhiêu truyền thống lịch sử cha ông của chúng ta. Nghệ thuật truyền thống sẽ là món ăn tinh thần trong văn hóa của người Việt Nam. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng để không làm gián đoạn dòng chảy sân khấu truyền thống, trước tiên các cấp, ngành cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ kịp thời để những người làm nghề, đặc biệt là những nghệ sĩ trẻ yên tâm cống hiến. Tiếp đó, là cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân về những giá trị độc đáo của nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, kịch nói. Tăng cường đầu tư nguồn lực để tuyên truyền, quảng bá, đổi mới phương thức tiếp cận nhằm đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn nữa với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ngoài ra, để đưa các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là loại hình nghệ thuật truyền thống đến gần với công chúng, đòi hỏi ngành văn hóa nói chung và các đơn vị, tổ chức nghệ thuật nói riêng cần phải thay đổi tư duy và phương thức tiếp cận, xây dựng các vở diễn có chất lượng cao, phù hợp và thỏa mãn nhu cầu của khán giả...

Theo vhds.baothanhhoa.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×