Để nghệ thuật rối cạn Tế Tiêu vang xa hơn nữa
10/11/2023 | 08:46Không chỉ là phường rối cạn duy nhất của Hà Nội, phường rối Tế Tiêu còn lưu giữ được rối tuồng - một loại hình diễn xướng rất độc đáo. Với những bước trở lại mạnh mẽ trong thời gian gần đây, có lẽ một ngày không xa, tiếng tăm rối cạn Tế Tiêu sẽ còn vang xa hơn nữa.
Nghệ thuật dân gian đặc sắc
Hà Nội có nhiều địa danh gắn với rối nước, nhưng rối cạn thì chắc chỉ có ở làng Tế Tiêu (thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Đến đây, du khách yêu mến nghệ thuật dân tộc sẽ có cơ hội ghé thăm thủy đình của phường rối Tế Tiêu và thưởng thức "đặc sản" của vùng châu thổ Bắc Bộ.
Theo NNƯT Phạm Công Bằng, Trưởng phường rối Tế Tiêu cho biết: Rối cạn Tế Tiêu đã ra đời cách nay khoảng 400 năm. Loại hình sân khấu này chuyên diễn các tích tuồng cổ, kết hợp trò leo dây và ảo thuật nên trong thời gian dài đã được nhân dân khắp vùng mến mộ. Vào những năm 1954 -1957, loại hình sân khấu dân gian này rất phát triển, cho nên, ngoài rối cạn, phường rối Tế Tiêu học hỏi thêm rối nước và biểu diễn được cả hai loại hình nghệ thuật đặc sắc để đáp ứng nhu cầu cho nhân dân làng xã. Tuy nhiên, sau nhiều thăng trầm, đã có thời gian rối cạn Tế Tiêu tưởng chừng mai một. Nhưng vào những năm 1990, nghề rối cạn đã được vực dậy nhờ vào sự cống hiến của các nghệ nhân như: Lê Năng Nhượng, Phạm Văn Bể. Từ đó, các nghệ nhân bắt đầu truyền dạy cho con cháu và mở ra ra một giai đoạn mới cho múa rối cạn phát triển.
Hiện nay, rối cạn Tế Tiêu đã trở thành hoạt động văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân của làng, đặc biệt trong các dịp hội hè, lễ, tết... dù là rối cạn hay rối nước thì phương thức trình diễn cũng như kỹ thuật đều mang đặc trưng cơ bản như: Nghệ thuật xếp trò, nghệ thuật tạo hình con rối, kỹ thuật điều khiển con rối sao cho sinh động...
Tạo hình con rối thực tế cũng là một nghề điêu khắc, NNƯT Phạm Công Bằng chia sẻ: Để làm ra những con rối, những nghệ nhân Tế Tiêu thường chọn gỗ xoan, gỗ sung. Đây là loại gỗ nhẹ, thuận tiện khi biểu diễn cầm tay. Gỗ sung, xoan cũng không bị nứt nẻ, rất dễ kiếm ở nông thôn. Riêng với rối nước, do đặc thù ngâm nước nhiều nên độ bền không cao, bởi vậy, ở Tế Tiêu, phường rối cứ "diễn đến đâu lại đẽo trò đến đấy". Đặc biệt, ở con rối, phải dựa theo từng kịch bản vở diễn, các câu chuyện dân gian hay yêu cầu của đoàn diễn để tạo hình.
Cũng theo NNƯT Phạm Công Bằng, rối cạn Tế Tiêu "dễ mà khó". Dễ ở chỗ là không như rối nước, mà sân khấu của rối cạn chỉ cần "căng phông, dựng bạt" là có diễn bất cứ nơi nào. Còn khó là bởi rối Tế Tiêu hay diễn các tích tuồng - sự khác biệt rõ nét so với các phường rối cạn khác chuyên diễn các tích chèo cổ. "Rối tuồng là loại hình diễn xướng rất khó, đề cao yếu tố vũ đạo, đặc biệt là động tác chân của nhân vật. Các động tác của mỗi nhân vật lại có đặc trưng riêng. Chưa kể, tất cả các cử chỉ, "ngôn ngữ cơ thể" của quân rối đều xuất hiện trọn vẹn dưới con mắt khán giả, chứ không được che bớt đi một phần như rối nước. Muốn diễn thành thục, phải mất nhiều năm luyện tập" – NNƯT Phạm Công Bằng chia sẻ thêm.
Đến nay, rối Tế Tiêu - với gần 100 trò diễn, hàng nghìn chú rối - đã vượt khỏi làng xã, đến với những hội diễn lớn ở Hà Nội, dự liên hoan quốc tế tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc, các triển lãm du lịch làng nghề, các kỳ Festival Huế… và giành được cả giải thưởng lẫn sự yêu mến của khán giả trong và ngoài nước.
Trong gần 100 trò diễn, có hơn 20 tích trò là rối tuồng cha ông để lại như: Chém tá trích trong vở tuồng Sơn Hậu, Thoát Hoan chui ống đồng, Thạch Sanh chém trăn tinh, Thánh Gióng đánh giặc Ân... Ngoài rối tuồng, phường rối Tế Tiêu cũng biểu diễn cả rối chèo, bài vè, ví, kịch; các tác phẩm đương đại, phản ánh hiện thực đời sống xã hội hiện nay. Các tiết mục thường mang tính vui tươi, dí dỏm, trữ tình, tạo nên sức lôi cuốn đối với người xem. Với sức sống bền vững và sự đặc sắc của nghệ thuật này, năm 2020, rối cạn Tế Tiêu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Gắn với du lịch để phát triển
Tuy rối cạn Tế Tiêu đã được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhưng ít ai biết được rằng, những gì còn lại ở Tế Tiêu ngày nay chỉ là một phường rối gia đình. Phường rối gia đình anh Bằng - con trai thứ 9 của cố nghệ nhân Phạm Văn Bể là phường rối gia đình cuối cùng ở Tế Tiêu, đại diện cho loại hình văn hóa dân gian phi vật thể nổi tiếng của mảnh đất này.
Một điều đáng buồn là trong khi hầu hết khách du lịch nước ngoài tỏ ra thích thú với rối cạn, rối nước của Việt Nam thì bộ môn này vẫn rất khó khăn trong thu hút khán giả Việt.
NNƯT Phạm Công Bằng chia sẻ: "Nước ta đang trong thời kỳ hội nhập, thời đại công nghệ, nên khán giả thường bị cuốn hút bởi những phương tiện giải trí khác hấp dẫn mà quên đi những giá trị văn hóa của dân tộc. Không chỉ rối mà nhiều môn nghệ thuật truyền thống đều gặp khó khăn. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng, muốn nghệ thuật truyền thống có sức sống, thì cần thổi hơi thở đương đại vào nghệ thuật. Điều ấy sẽ thu hút các bạn trẻ hơn. Vậy nên, trong những năm gần đây, bên cạnh các vở diễn cổ kể về những câu chuyện lịch sử, anh hùng cách mạng của dân tộc, phường rối chúng tôi đã có nhiều sự sáng tạo ra những trò diễn mới mang tính chất đương đại gần gũi với cuộc sống hằng ngày, có thể những trò diễn phê phán các thói hư tật xấu, hoặc biểu dương các tấm lòng nhân ái trong cộng đồng, các câu chuyện hoạt hình nước ngoài nổi tiếng như: công chúa Elsa, Bạch tuyết và 7 chú lùn…".
Không chỉ sáng tạo trong các vở diễn để phù hợp với đương đại, mà với mong muốn tìm người kế cận giữ nghề cho đời sau, hằng năm phường rối Tế Tiêu đều mở các lớp dạy nghề, truyền nghề hay đơn giản hơn là các lớp trải nghiệm múa rối cho học sinh trên địa bàn. Các em được tận tay làm những con rối và biểu diễn một số trò rối đơn giản. Qua đó, góp phần cho các em hiểu và thêm yêu nghệ thuật rối cạn nói riêng và nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung.
"Cùng với đó, tôi cũng đề xuất đến mở rộng xây dựng khu bảo tồn và phát triển múa rối cạn Tế Tiêu. Ở đó, sẽ trưng bày các con rối, giới thiệu lịch sử hình thành, phát triển, những nét đặc trưng của phường rối đặc biệt này. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động biểu diễn trao truyền di sản văn hóa, các hoạt động trải nghiệm cho khách du lịch tham vào tạo hình các con rối. Đồng thời, khi phát triển du lịch ở đây, có nhiều khách tham quan, phường rối có thể làm nhiều các con trò để tạo ra sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách. Từ đó tăng thêm sinh kế cho người dân cũng như lan tỏa nét đẹp văn hóa của một làng quê Bắc Bộ đến với cộng đồng" – NNƯT Phạm Công Bằng bày tỏ.
Với sự nỗ lực không ngừng của các nghệ nhân phường rối cạn Tế Tiêu, nhưng năm gần đây, bộ môn nghệ thuật này đã bắt đầu nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Theo chủ trương của huyện Mỹ Đức, sẽ phát triển rối Tế Tiêu thành điểm du lịch, gắn với tuyến du lịch chùa Hương. Qua đó, sẽ góp phần vừa bảo tồn và phát triển múa rối cạn của làng, vừa kích cầu phát triển du lịch của địa phương./.
Để bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối cạn Tế tiêu, tháng 8/2023 vừa qua, khu thủy đình tại thôn Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa đã được khởi công xây dựng với tổng kinh phí khoảng 7 tỷ đồng. Dự kiến công trình hoàn thành vào cuối năm 2023.
Sau khi công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ thực sự là điểm đến hấp dẫn du khách về tham quan, trải nghiệm và thưởng thức các tiết mục múa rối đặc sắc do thành viên phường rối biểu diễn, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương nói chung và bộ môn nghệ thuật đặc sắc rối cạn Tế Tiêu nói riêng.