ĐBQH: Tăng thuế VAT với hoạt động văn hóa là không phù hợp xu thế
29/10/2024 | 10:00Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc miễn, giảm thuế cho nhóm hoạt động văn hóa, thể thao chính là hình thức đầu tư cho văn hóa, để văn hóa có thêm động lực, nguồn lực phát triển. Do vậy, tăng thuế VAT đối với hoạt động văn hóa, triển lãm thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim... là không phù hợp với xu thế.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận và xem xét thông qua dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Dự thảo Luật có nhiều nội dung quy định liên quan đến thuế thuộc các lĩnh vực văn hóa, thể thao, biểu diễn nghệ thuật...
Trong đó, các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim đang được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% theo Điểm n, Khoản 2, Điều 8 của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các hàng hóa, dịch vụ này lại bị đưa ra khỏi danh mục được hưởng thuế suất 5%, tức là sẽ phải chịu mức thuế 10% (Khoản 3, Điều 9, dự thảo Luật).
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trong Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng đã nhấn mạnh 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
"Trong các động lực tăng trưởng mới có đề cập đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... nhưng theo tôi, văn hóa cũng chính là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Theo đại biểu, văn hóa có thể coi vừa là động lực truyền thống, vừa là động lực tăng trưởng mới. Văn hóa là thế mạnh của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, chúng ta tự hào về truyền thống văn hóa hàng ngàn năm, được thế giới biết đến và yêu chuộng. Do vậy chúng ta cần có sự đầu tư nghiêm túc để khai thác thế mạnh này.
"Đầu tư cho văn hóa bao gồm đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. Việc miễn, giảm thuế đối với văn hóa cũng chính là một hình thức đầu tư. Vì vậy, cần tiếp tục có những chính sách ưu đãi về thuế cho văn hóa, để văn hóa có thêm nguồn lực, thêm năng lượng, động lực để phát triển", đại biểu đề nghị.
Lấy dẫn chứng, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, việc phát triển công nghiệp văn hóa thời gian qua đang được quan tâm phát triển và nhắc đến nhiều. Trong đó, phim ảnh đã có sự phát triển mạnh mẽ và rất cần các chính sách ưu đãi đầu tư để tiếp tục phát triển.
Đặc biệt, nêu ví dụ về những show âm nhạc, truyền hình thực tế của Việt Nam thời gian qua đã thu hút hàng chục ngàn lượt khán giả theo dõi trực tiếp và hàng trăm ngàn, hàng triệu lượt theo dõi trực tuyến trên các nền tảng số, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng điều này cho thấy rõ sức hút, hiệu quả của việc phát triển công nghiệp văn hóa trong nước.
Từ đây có thể thấy, việc đầu tư cho văn hóa vừa góp phần giới thiệu nét đẹp văn hóa Việt Nam, vừa tạo ra nguồn năng lượng để giới trẻ thích ứng. Khi công nghiệp văn hóa phát triển, cùng với du lịch sẽ "thổi nguồn năng lượng mới" cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam.
Nhấn mạnh các hoạt động văn hóa rất cần được ưu tiên nhiều hơn về thuế, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc tăng thuế VAT đối với nhóm lĩnh vực văn hóa là không phù hợp với xu thế chung.
Theo đại biểu, việc đầu tư cho phát triển văn hóa sẽ tạo động lực cho các nhóm ngành, lĩnh vực khác phát triển. Do vậy, khi miễn, giảm thuế cho nhóm dịch vụ văn hóa, chúng ta sẽ thu lại được nhiều hơn trong các lĩnh vực khác, nhất là thương mại, dịch vụ và du lịch.
Tăng thuế VAT sẽ "dập tắt" cơ hội phát triển và khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ văn hóa, thể thao
Cùng chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, nhiều chuyên gia nhận định, việc tăng thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động văn hóa, thể thao sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành hàng hóa, dịch vụ văn hóa, thể thao, hạn chế khả năng tiếp cận của nhân dân đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mang tính công cộng này. Ngay cả các dịch vụ cơ bản, thiết yếu cho nhân dân như bảo tàng, thư viện, hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở cũng sẽ phải bị tăng thuế giá trị gia tăng.
Không những vậy, trong bối cảnh việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, kinh tế thể thao đang được Đảng và Nhà nước định hướng là động lực phát triển kinh tế - xã hội mới, việc tăng thuế giá trị gia tăng tại thời điểm này sẽ dập tắt cơ hội phát triển và khả năng cạnh tranh của thị trường cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn đang non trẻ.
Theo kinh nghiệm quốc tế, phần lớn Chính phủ các quốc gia trên thế giới đều hỗ trợ phát triển lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao thông qua các chính sách hỗ trợ trực tiếp (phân bổ từ ngân sách nhà nước) và hỗ trợ gián tiếp (các hỗ trợ về thuế, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng).
Thuế suất thuế giá trị gia tăng ưu đãi cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật là một trong các chính sách phổ biến, được nhiều quốc gia áp dụng như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ireland, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore,...
Chính vì vậy, các chuyên gia đề xuất, việc áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với nhóm lĩnh vực này sẽ theo phương án: "Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim theo quy định của Chính phủ". Theo phương án này, việc quy định cụ thể các hoạt động văn hóa, thể thao đủ điều kiện để được ưu đãi thuế suất thuế giá trị gia tăng sẽ do Chính phủ quy định chi tiết.
Phương án này đảm bảo tính linh hoạt, khả thi trong điều hành, Chính phủ sẽ ưu tiên ưu đãi các hoạt động mang tính phục vụ lợi ích công cộng, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của nhân dân về hưởng thụ văn hóa, tập luyện thể thao đã được quy định trong Hiến pháp và các văn bản chỉ đạo của Đảng./.