Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh “Du lịch Thanh Hóa - điểm đến an toàn và hấp dẫn”

24/11/2020 | 09:42

Thanh Hóa đang nỗ lực xây dựng hình ảnh một điểm đến du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn. Đồng thời, chất lượng dịch vụ ngày càng cao, chuyên nghiệp, nhằm mang đến sự hài lòng cho du khách. Do đó, công tác truyền thông được xác định là khâu có ý nghĩa quyết định.

Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh “Du lịch Thanh Hóa - điểm đến an toàn và hấp dẫn” - Ảnh 1.

Đại diện doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với đại diện một số địa phương, doanh nghiệp trong nước.

Sau một thời gian dài thị trường du lịch “nóng - lạnh” thất thường, do tác động của dịch bệnh COVID-19, đến nay, giới chuyên gia đang đặt ra nhiều giả thiết, nhiều kịch bản phát triển cho du lịch hậu COVID-19. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc xây dựng các sản phẩm mới hấp dẫn; thì hơn lúc nào hết, ngành du lịch cần xây dựng một chương trình truyền thông thực sự bài bản, gây được sự chú ý của người dân. Có như vậy mới góp phần “đánh thức” được du lịch sau chuỗi ngày ảm đạm. Một sản phẩm truyền thông tốt thường đi liền với những điểm đến, những sản phẩm hấp dẫn sẽ kích thích nhu cầu tìm hiểu và quyết định “mở hầu bao” đi du lịch của người dân. Đồng thời, thay vì đi du lịch theo các cách thức truyền thống, chẳng hạn như đi theo các tour và phụ thuộc hoàn toàn vào đơn vị lữ hành; hiện nhiều người đi du lịch có xu hướng sử dụng nền tảng công nghệ để tìm kiếm trước các thông tin về điểm đến và sản phẩm. Từ đó, lên kế hoạch và thực hiện chuyến đi theo mong muốn, sở thích của mình.

Tại Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng, việc kiểm soát tốt dịch bệnh là điều kiện cần để khôi phục lại ngành du lịch. Tuy nhiên, để du lịch có thể trở lại “trạng thái bình thường mới”, lại cần rất nhiều yếu tố. Trong đó, thông tin đúng, trung thực, khách quan về tình hình dịch bệnh, về điểm đến và sản phẩm, được xem là điều kiện đủ, góp phần kích cầu du lịch thời điểm này. Chính vì vậy, thời gian qua, Thanh Hóa đang đẩy mạnh truyền thông, nhằm quảng bá hình ảnh một điểm đến an toàn và hấp dẫn. Điển hình là tại Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2020 (khai mạc ngày 18-11-2020 tại Hà Nội), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh, tổ chức hội nghị giới thiệu, quảng bá hình ảnh “Du lịch Thanh Hóa - điểm đến an toàn và hấp dẫn”. Đồng thời, cùng với các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Trị xây dựng gian hàng chung với chủ đề “Con đường di sản miền Trung”.

Hội chợ du lịch là hoạt động thu hút đông đảo các địa phương, doanh nghiệp du lịch trong cả nước tham gia. Cho nên, đây là cơ hội để Thanh Hóa giới thiệu tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của vùng đất vốn được ví như “Việt Nam thu nhỏ”, nhờ nguồn tài nguyên du lịch hết sức phong phú, đa dạng, gồm cả tài nguyên nhân văn - các giá trị văn hóa, lịch sử và tài nguyên tự nhiên - rừng, núi, biển, suối, sông, hồ... Đặc biệt, du lịch Thanh Hóa vài năm trở lại đây đã có bước tiến vượt bậc. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, Thanh Hóa ước đón được trên 38 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,4%/năm; trong đó khách quốc tế ước đón trên 9 nghìn lượt. Tổng thu du lịch ước đạt gần 50 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,3%/năm, trong đó tổng thu từ khách quốc tế đạt gần 245 triệu USD. Đây là lợi thế để Thanh Hóa đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và thu hút các nhà đầu tư cũng như tăng cường liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thanh Hóa đang có nhiều lợi thế để đẩy mạnh liên kết trong lĩnh vực du lịch. Đó là tài nguyên du lịch tương đồng với nhiều tỉnh miền Trung, có thể kết nối để xây dựng sản phẩm “Con đường di sản miền Trung”. Đồng thời, Thanh Hóa hội tụ đầy đủ các loại hình giao thông từ đường bộ, đường sắt, đường biển đến đường hàng không. Đây thực sự là lợi thế lớn để kết nối Thanh Hóa đến khắp các vùng miền, cũng như thu hút du khách. Trong thực tế, Thanh Hóa đã thực hiện liên kết phát triển du lịch với nhiều tỉnh, thành như Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... Việc liên kết, hợp tác này bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Chính vì vậy, tại hội nghị “Du lịch Thanh Hóa - điểm đến an toàn và hấp dẫn”, đại diện các địa phương, doanh nghiệp cho rằng, Thanh Hóa cần củng cố và phát huy tốt hơn nữa các mối liên kết này trong thời kỳ “hậu COVID-19”. Đồng thời, trên cơ sở các đường bay kết nối Thanh Hóa với các tỉnh/thành trong nước, một số doanh nghiệp du lịch dự kiến sẽ đẩy mạnh khảo sát, hợp tác phát triển thêm nhiều chương trình du lịch hấp dẫn. Trong đó, hướng đến xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2020 lựa chọn chủ đề “Chuyển đổi số để phát triển du lịch Việt Nam”. Điều này là khá phù hợp với Thanh Hóa, khi định hướng của tỉnh là đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch. Cụ thể, Thanh Hóa đang xây dựng Kế hoạch thực hiện đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 30-11-2018). Đồng thời, triển khai Dự án hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý các hoạt động du lịch tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, tỉnh cũng đang tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn. Các kế hoạch, chương trình kể trên khi được triển khai sẽ là nền tảng để đẩy mạnh truyền thông du lịch, nhằm truyền tải đến du khách thông điệp du lịch Thanh Hóa an toàn, thân thiện, hấp dẫn, chất lượng và đẳng cấp.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×