Đầu tư cho văn hóa: Tín hiệu vui từ những thiết chế văn hóa- thể thao
04/09/2024 | 07:16Đại hội XIII của Đảng đặt ra mục tiêu xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, trong đó Đảng ta đề ra nhiệm vụ đổi mới, hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm hiệu quả. Đến nay, sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và hơn hai năm cụ thể hóa những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong lĩnh vực văn hóa, trong đó việc đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa ngày càng được chú trọng.
Những công trình mang dấu ấn
Những năm gần đây, Bắc Giang là một trong những địa phương có mức đầu tư cho văn hóa liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm và ưu tiên nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn. Nhờ vậy, các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được quan tâm đầu tư xây dựng, củng cố và hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, rèn luyện TDTT ngày càng cao của nhân dân.
Ở cấp tỉnh, trong giai đoạn 2021-2023, Sở VHTTDL Bắc Giang đã tham mưu UBND tỉnh đưa vào quy hoạch, kế hoạch đầu tư công nhiều thiết chế quan trọng như Trung tâm Văn hóa- Triển lãm, Sân vận động, Rạp nghệ thuật truyền thống. Trong đó, Trung tâm Văn hóa- Triển lãm tỉnh đã được khởi công, dự kiến hoàn thành vào quý I năm 2025.
Nhà Thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang, TP Bắc Giang (Bắc Giang) có sức chứa khoảng 4.500 chỗ ngồi là một trong những thiết chế dấu ấn mang niềm tự hào của người dân Bắc Giang đã đi vào phục vụ SEA Games 31(năm 2022). Gần Nhà thi đấu là nơi tọa lạc của Trung tâm Văn hóa- Triển lãm- thiết chế điểm nhấn của Bắc Giang đang trong quá trình hoàn thiện. Công trình có thiết kế hiện đại và sang trọng hứa hẹn sau khi hoàn thành sẽ góp thêm điểm nhấn vào quần thể thiết chế văn hóa, thể thao hiện đại của tỉnh.
Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang Đỗ Tuấn Khoa cho biết, nhận thức về tầm quan trọng của các thiết chế văn hóa cơ sở, đa số các địa phương tại Bắc Giang trong những năm qua đã dành nhiều nguồn lực, ưu tiên quỹ đất cho việc xây dựng, đồng thời, đầu tư sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các thiết chế hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân.
Các thiết chế văn hóa, thể thao sau một thời gian chuyển đổi cơ chế, nay đã từng bước đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường, một số công trình quy mô lớn, khang trang, kiến trúc đẹp được xây dựng thêm; xu hướng chung hệ thống công trình thể dục, thể thao là gần trường học, gần chung cư, phục vụ đáp ứng nhu cầu của nhân dân ở cơ sở.
Tại Hải Dương, Trung tâm Văn hóa xứ Đông mang đến nhiều bất ngờ cho các vị khách lần đầu đặt chân tới bởi quy mô hiện đại. Là công trình văn hóa lớn trên địa bàn, được đầu tư xây dựng với kinh phí trên 648 tỉ đồng, Trung tâm Văn hóa xứ Đông có diện tích xây dựng hơn 4.500 m2, quy mô gồm 4 tầng và 1 tầng hầm, 1 tầng áp mái. Với các hạng mục chính gồm trung tâm hội nghị và quảng trường, Trung tâm Văn hóa xứ Đông là một trong những thiết chế văn hóa cấp tỉnh có sức chứa lên tới 19.000 người.
"Trung tâm Văn hóa xứ Đông là thiết chế văn hóa do Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh quản lý, sử dụng. Trung tâm được xây dựng với kiến trúc mở, mang phong cách hiện đại, hoành tráng. Điểm nhấn trung tâm là hội trường lớn ở tầng 1, có sức chứa 1.200 chỗ, hai bên sảnh dành cho trưng bày triển lãm. Các tầng còn lại đều có các hội trường nhỏ với 100 chỗ, 150 chỗ và 250 chỗ…", bà Đỗ Thị Mai Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hải Dương chia sẻ.
Bên cạnh Trung tâm văn hóa xứ Đông, tỉnh Hải Dương cũng đầu tư xây dựng nhiều công trình mới như Thư viện tỉnh; cải tạo, nâng cấp Bảo tàng tỉnh; 12/12 huyện, thị xã, thành phố và 235/235 xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa- thể thao; 1314/1314 thôn, khu dân cư có nhà văn hóa phát huy công năng trong tổ chức hoạt động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thể chất, tầm vóc, chất lượng cuộc sống của nhân dân trong tỉnh.
Còn tại Quảng Ninh, địa phương luôn dành nguồn lực ưu tiên đầu tư cho văn hóa, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thanh Tùng cho biết, hệ thống thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn nhiều năm qua đã được chú trọng, quan tâm đầu tư xây dựng, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Các thiết chế Bảo tàng, Thư viện, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, Khu Liên hợp Thể thao, Cung Văn hóa Thanh Thiếu nhi, Cung Văn hóa Lao động Việt Nhật, Sân Vận động Cẩm Phả, Trung tâm Văn hóa Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc được xây dựng quy mô, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đăng cai, tổ chức các sự kiện trong nước và quốc tế.
13/13 huyện, thị xã, thành phố có cơ sở vật chất Trung tâm Văn hoá, thể thao; có 13/13 thư viện thuộc Trung tâm Văn hóa Thể thao. Cấp xã có 104/177 Trung tâm Văn hóa Thể thao cấp xã; cấp thôn có 1449/1452 thôn khu có Nhà văn hóa thôn khu.
"Cùng với hệ thống thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định xã hội hóa các hoạt động văn hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với quy luật vận động và phát triển của lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đó là chính sách lâu dài, là phương châm nhằm đạt tới hiệu quả xã hội ngày càng cao trong các hoạt động văn hóa", ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết.
Đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân
Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, mục tiêu lớn nhất của các địa phương là nâng cao đời sống hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân. Điều đó, đòi hỏi các địa phương phải sử dụng các thiết chế sao cho hiệu quả.
Ông Đỗ Tuấn Khoa cho biết, sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, Trung tâm Văn hóa- Triển lãm tỉnh hứa hẹn trở thành điểm hẹn văn hóa, nghệ thuật của người dân thành phố, với đa chức năng như: biểu diễn nghệ thuật với khán phòng gần 1000 chỗ, chiếu phim, triển lãm… Trung tâm cũng đồng thời là trụ sở làm việc, có phòng tập luyện cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên… Góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ về văn hóa tinh thần của người dân tại địa phương; qua đó lan tỏa các giá trị văn hóa, con người đặc trưng vùng Kinh Bắc đến với người dân trong nước và quốc tế.
Cũng theo ông Đỗ Tuấn Khoa, rạp chiếu phim Bắc Giang cũ hiện đã xuống cấp, cơ sở vật chất, thiết bị phòng chiếu không đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của người xem. Vì vậy, hạng mục các phòng chiếu phim 3D, 4D, 5D được quy hoạch trong các công năng của Trung tâm… sẽ góp phần thu hút khán giả đến rạp, phát triển công nghiệp điện ảnh trên địa bàn.
Đã có một thiết chế hiện đại, nhưng nỗ lực để thường xuyên sáng đèn, để có thể tổ chức nhiều hoạt động phát huy tối đa hiệu quả thiết chế văn hóa vẫn luôn là bài toán, là trăn trở đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý vận hành Trung tâm văn hóa xứ Đông.
Bà Đỗ Thị Mai Huệ cho biết, có những ngày Trung tâm có 2- 3 hoạt động được tổ chức. Những sự kiện lớn diễn ra đều đặn hằng tháng, tỉ lệ "sáng đèn" tại đây đạt khoảng 50- 60% quỹ thời gian trong tháng.
"Khi Trung tâm văn hóa xứ Đông đi vào hoạt động, chúng tôi đã xây dựng đề án quản lý và vận hành. Sở hữu một địa điểm đẹp trong thành phố, ngay khi đi vào hoạt động, Trung tâm đã là điểm đến được lựa chọn để tổ chức các hội nghị lớn của tỉnh, các sở, ban, ngành. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi luôn trăn trở là làm sao phát huy tối đa công năng công trình, thu hút và phục vụ đông đảo nhân dân", bà Đỗ Thị Mai Huệ cho biết.
Cũng theo bà Đỗ Thị Mai Huệ, nhiều chương trình nghệ thuật quy mô lớn như kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, kỷ niệm các ngày lễ lớn, ngày sinh của các lãnh đạo… đã được tổ chức tại thiết chế văn hóa này. Nhằm thu hút đông đảo người dân khi tổ chức các chương trình lớn, Trung tâm có đội tuyên truyền lưu động, phát thanh trên các tuyến phố để người dân được biết và tham gia.
Hệ thống thiết chế văn hóa thể thao các cấp của các địa phương thời gian qua đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, là nơi sinh hoạt cộng đồng, hội họp, học tập, luyện tập thể dục thể thao, nâng cao đời sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân.