Thể thao

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đầu tư cho khoa học thể thao ứng dụng trong thể thao thành tích cao

16/07/2025 | 10:12

Khát vọng, quyết tâm và khả năng cá nhân là chưa đủ cho các vận động viên thể thao thành tích cao chinh phục huy chương ở các đấu trường quốc tế.

Bởi điều kiện cần và đủ là một quá trình tổng hòa từ môi trường huấn luyện chuyên nghiệp, cơ sở trang thiết bị cho tới sự chăm lo về thể lực, dinh dưỡng, hồi phục…, những yếu tố không thể thiếu của khoa học ứng dụng thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, đây vẫn là một khoảng trống lớn, đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa giúp thể thao Việt Nam vươn tầm.

Đầu tư cho khoa học thể thao ứng dụng trong thể thao thành tích cao - Ảnh 1.

Huấn luyện viên Trương Minh Sang hỗ trợ vận động viên phục hồi sau buổi tập của đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia.

Trong các môn thể thao đòi hỏi cường độ vận động cao, việc tập luyện vượt ngưỡng là điều tất yếu để cải thiện thành tích. Thế nhưng, nếu quá trình này không đi kèm với chế độ hồi phục phù hợp và khoa học, vận động viên rất dễ rơi vào trạng thái suy giảm thể chất, tích lũy mệt mỏi và tiềm ẩn nguy cơ chấn thương.

Khoảng trống sau "vượt ngưỡng"

Huấn luyện viên Trương Minh Sang, người từng nhiều lần giành Huy chương vàng SEA Games, hiện là huấn luyện viên trưởng đội tuyển thể dục dụng cụ nam quốc gia chia sẻ kinh nghiệm trực tiếp từ thực tế huấn luyện: vận động viên đỉnh cao bắt buộc phải tập vượt ngưỡng, nhưng nếu không hồi phục đúng cách sau đó, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi tích lũy, dẫn đến chấn thương. Điều đáng tiếc là nhiều chấn thương không đến từ tai nạn, mà do không kiểm soát tốt tải lực và phục hồi phù hợp. Các nền thể thao lớn đều xem hồi phục là một phần bắt buộc trong quy trình huấn luyện, đặt ngang hàng với rèn thể lực hay kỹ thuật; trong khi ở Việt Nam, khâu này còn chưa được quan tâm đúng mức hoặc vẫn triển khai theo cảm tính. Chúng ta thiếu hệ thống dữ liệu, thiết bị đo tải lực và đội ngũ kỹ thuật viên hồi phục. Nhiều nơi có thiết bị, song không có người vận hành hoặc không có quy trình để khai thác tối ưu.

Hiện nay, không ít trung tâm huấn luyện chỉ có một đến hai bác sĩ phục vụ toàn bộ vận động viên ở nhiều bộ môn, trong khi ở các nước thể thao phát triển, mỗi đội tuyển đều có bác sĩ riêng theo sát từ đầu mùa giải đến khi thi đấu quốc tế. “Tôi từng đến Nhật Bản và thấy họ tổ chức khu hồi phục khép kín, có ngâm lạnh, trị liệu, massage… Mọi thứ đều tự động, không cần người phục vụ thường trực. Kết quả là hôm sau vận động viên có thể trở lại tập với cường độ như hôm trước mà vẫn đạt hiệu quả tối ưu”, Huấn luyện viênTrương Minh Sang cho biết.

Chính các vận động viên thành tích cao ở các đội tuyển, là những người trực tiếp trải qua cường độ tập luyện và thi đấu cũng cảm nhận rõ khoảng trống ấy. Nguyễn Thị Oanh, tuyển thủ điền kinh quốc gia, được xem là biểu tượng thành công của thể thao Việt Nam trong 5 năm trở lại đây, từng giành tới 4 Huy chương vàng tại SEA Games 32 chỉ trong ba ngày thi đấu chia sẻ rất thẳng thắn: “Em từng gặp chấn thương và đã được điều trị, hồi phục tại trung tâm huấn luyện, song hệ thống thiết bị y tế hỗ trợ hiện rất thiếu. Một số máy móc có sẵn nhưng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của vận động viên. Em mong có thêm thiết bị công nghệ cao như hệ thống theo dõi chỉ số vận động, đo tải lực và hỗ trợ phục hồi thể lực. Đây đều là những yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chuyên môn và thành tích thi đấu”.

Từ thực tế tại đội tuyển điền kinh, một trong những môn thể thao có nhiều nội dung nhất trong các kỳ đại hội thể thao, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận: “Phục hồi thể lực vẫn là khoảng trống lớn trong thể thao thành tích cao. Hiện nay, tại các trung tâm huấn luyện quốc gia, số lượng bác sĩ là rất thiếu, không đủ để phục vụ riêng cho từng đội tuyển. Với các môn như điền kinh, vận động viên tập luyện và thi đấu với cường độ rất cao, khả năng quá tải, mệt mỏi kéo dài là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, điều kiện phục hồi hiện nay rất hạn chế. Những phòng lạnh, máy xông, massage chỉ có ở một vài trung tâm và không phải lúc nào cũng vận hành được vì thiếu nhân lực chuyên môn và cơ chế vận hành đồng bộ”.

Câu chuyện tập luyện của các vận động viên điền kinh cũng là thực tế của không ít đội tuyển quốc gia cho thấy khó khăn trong việc duy trì những ứng dụng khoa học bởi nguồn đầu tư hạn chế. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm: “Trước đây, điền kinh từng được hỗ trợ bởi dự án hợp tác với Đức, vận động viên được lấy máu sau mỗi buổi tập để phân tích chỉ số sinh học, giúp huấn luyện viên có thể điều chỉnh bài tập phù hợp với thể trạng từng người. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, do không có thiết bị thay thế, chúng tôi buộc phải dừng việc áp dụng phương pháp này”.

Từ thực trạng trên, có thể thấy rõ một nghịch lý, dù thể thao Việt Nam có nhiều vận động viên tài năng, liên tục gặt hái thành tích nổi bật trong điều kiện còn hạn chế, nhưng nếu thiếu nền tảng khoa học công nghệ rất khó để duy trì và phát triển bền vững.

Đòi hỏi từ thực tế

Để giải bài toán đầu tư khoa học ứng dụng thể thao thành tích cao, nhất là trong chăm lo đầu tư hồi phục cho vận động viên trong quá trình tập luyện, ngành thể dục thể thao đã có những bước chuyển mới. Ngày 4/7/2025 vừa qua, Cục Thể dục thể thao Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần công nghệ Dreamax để ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào huấn luyện và phục hồi thể thao thành tích cao. Trước mắt, sẽ triển khai tại bốn đội tuyển quốc gia: taekwondo, boxing, bắn cung và bắn súng.

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam Nguyễn Danh Hoàng Việt cho biết: “Chúng ta đặt mục tiêu giành Huy chương vàng tại ASIAD và Olympic. Muốn đạt được điều đó, phải coi khoa học công nghệ là yếu tố cốt lõi, không thể chỉ trông chờ vào ý chí và kinh nghiệm. Ứng dụng AI không chỉ để phân tích kỹ thuật, đánh giá vận động mà còn giúp tối ưu điểm rơi phong độ, kiểm soát tải lực và ngăn ngừa chấn thương. Song song với dự án AI, ngành thể dục thể thao cũng đang triển khai Đề án chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa cho vận động viên từ tuyến năng khiếu đến tuyển quốc gia. Chúng ta cần dữ liệu để huấn luyện hiện đại. Không có dữ liệu, không thể điều chỉnh kịp thời. Không đo được thì không thể kiểm soát được”.

Dưới góc nhìn nghiên cứu và ứng dụng, Tiến sĩ Vũ Thái Hồng, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ thể thao đánh giá: Khoa học công nghệ không thể là yếu tố phụ trong thể thao thành tích cao mà phải trở thành nền tảng. Viện đang phối hợp với đối tác quốc tế để triển khai một trung tâm thi đấu đạt tiêu chuẩn Olympic tại Thành phố Hồ Chí Minh, tích hợp cả công tác huấn luyện, phục hồi, đánh giá thể trạng vận động viên và triển khai cùng lúc cả chương trình đánh giá thể chất học sinh trên toàn quốc để định hướng đào tạo năng khiếu từ sớm.

Theo Nhandan

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×